Ai “thổi” giá vàng?
Cảnh hỗn loạn trước cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu trên phố Trần Nhân Tông trưa ngày 7/7. |
Những ngày qua, thị trường vàng trong nước có những biến động mạnh mẽ, thậm chí theo nhận định của nhiều chuyên gia là có dấu hiệu bất thường. Nếu như phiên giao dịch ngày 6/7, giá vàng đã bật tăng tới 3 triệu đồng/lượng, ghi nhận ở mức gần 40 triệu đồng/lượng thì liên tiếp các phiên giao dịch sau đó, giá vàng đã quay đầu giảm mạnh, tới 2,2 triệu đồng như phiên giao dịch ngày 7/7. Và điều đáng nói ở đây là diễn biến này là quá nhanh, quá mạnh so với diễn biến giá vàng thế giới và nó lập tức dấy lên dư luận về việc giá vàng đang bị đầu cơ, thao túng?
Chuyện giá vàng bị đầu cơ, thao túng không phải xa lạ gì bởi từ trước khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, đây là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Hiện tượng giá vàng tăng phi mã, cao hơn giá vàng thế giới tới 3 – 4 triệu đồng/lượng diễn ra trong một thời gian dài. Tuy nhiên, từ khi có Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước là đầu mối duy nhất nhập khẩu, sản xuất vàng miếng, thương hiệu vàng miếng SJC trở thành thương hiệu quốc gia... hiện tượng đầu cơ, thao túng trên thị trường vàng gần như bị xóa sổ. Chênh lệch giá vàng từ chỗ cao hơn sau hơn 3 năm được “quản chặt” đã giảm xuống và hiện đang thấp hơn giá vàng thế giới.
Những tưởng câu chuyện về làm giá trên thị trường vàng đã bị xóa sổ hoàn toàn thì mấy ngày qua, nó lại được không ít chuyên gia, các nhà quản lý đặt ra và cảnh báo. Việc giá vàng trong nước tăng tới 3 triệu đồng trong khi giá vàng thế giới chỉ biến động vài triệu đồng là điều bất thường. Chênh lệch chiều mua – bán lên tới cả triệu đồng cũng là một cảnh báo sẽ đặt người mua trước những rủi ro rất lớn nếu như giá vàng có biến động giảm và sẽ là cơ hội vàng để giới kinh doanh kiếm lợi.
Cảnh báo là vậy nhưng trên thực tế thì sao, người dân vẫn đổ xô “chạy” theo vàng, người ít thì một vài lượng, người nhiều thì có khi cả chục, cả trăm lượng. Hậu quả thì sao, chỉ sau 1 đêm, sự sụt giảm của giá vàng đã khiến họ thiệt hại số tiền lên tới cả trăm triệu đồng.
Nhưng vì sao lại có sự tăng nhanh, giảm mạnh này?
Nhìn vào diễn biến thị trường vàng có thể khẳng định nó hoàn toàn không phải do sự biến động của giá vàng thế giới. Vì như trong phiên giao dịch ngày 6/7, khi giá vàng trong nước tăng tới 3 triệu đồng/lượng thì giá vàng thế giới cũng chỉ biến động nhẹ, vài chục USD/Ounce. Giá vàng trong nước cũng từ chỗ thấp hơn giá vàng thế giới bỗng vọt cao hơn cả triệu đồng/lượng. Và điều này theo ông Nguyễn Ngọc Cương – Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) là đã tác động đến tâm lý thị trường, một số người có tâm lý chưa bán vàng và gây tình trạng khan hiếm vàng tạm thời trên thị trường vàng.
Phân tích cụ thể hơn câu chuyện này, một chuyên gia tài chính đã cho rằng, chính “niềm tin” về việc giá vàng sẽ tăng cao cùng với lượng cầu tăng đột biến trong 1 thời điểm đã kéo giá vàng tăng phi mã. Tuy nhiên, khi “niềm tin” đó không còn, các tín hiệu của thị trường cho thấy cơ sở về việc tăng giá của vàng, giá vàng quay đầu giảm, trở về giá trị thực và kéo giá vàng trong nước “lao dốc không phanh” là điều dễ hiểu. Nhưng chết ở đây là trong khi giá vàng thế giới giảm 1 thì có khi vàng trong nước giảm 2, 3 lần. Thiệt hại của người nắm giữ vàng vì thế vô cùng lớn.
Như vậy đã rõ, tình trạng khan hiếm giá vàng trong những thời điểm nhất định chính là nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc giá vàng trong nước tăng mạnh, tăng sốc và cũng giảm mạnh như những phiên giao dịch vừa qua. Và theo ghi nhận của PetroTimes thì trong “cơn bão vàng”, chính người dân là nguyên nhân gây hiện tượng khan hiếm vàng tạm thời trên thị trường vàng. Cảnh người dân thủ đô tấp nập xếp hàng đi mua – bán vàng chính là minh chứng cho điều đó.
Thị trường vàng đúng là đã bị đầu cơ, làm giá nhưng vấn đề là nó diễn ra có phần trách nhiệm không nhỏ từ chính phía người dân. Vì chạy theo tâm lý đám đông, đầu tư một cách mù quáng, họ đã vô tình đẩy giá vàng leo thang một cách bất thường!
Thanh Ngọc
-
BRICS "nhấn ga" tái thiết tài chính toàn cầu, đẩy nhanh phi USD hóa, SWIFT lung lay, giá vàng lên 150.000 USD/ounce
-
Giá vàng hôm nay (23/10): Đồng loạt tăng
-
Tin tức kinh tế ngày 22/10: Nhập khẩu sắt thép của Việt Nam tăng mạnh
-
Giá vàng hôm nay (22/10): Thị trường thế giới tiếp đà leo dốc
-
Tin tức kinh tế ngày 21/10: Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7%
-
Tin tức kinh tế ngày 23/10: Xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt 200 tỷ USD một quý
-
Giá dầu hôm nay (23/10): WTI tăng, Brent giảm trong phiên
-
Điện Kremlin: BRICS không có mục tiêu đánh bại đồng đô la
-
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Tạo cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
-
BRICS "nhấn ga" tái thiết tài chính toàn cầu, đẩy nhanh phi USD hóa, SWIFT lung lay, giá vàng lên 150.000 USD/ounce