Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Ai bảo nghề y không nguy hiểm?

08:00 | 20/08/2016

380 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Làm nghề thầy thuốc dẫu nguy hiểm, căng thẳng, lương bổng chưa tương xứng với công sức bỏ ra, các y, bác sĩ vẫn luôn phải nhắc mình giữ gìn y đức. Còn về phía xã hội, một cái nhìn công tâm, thông cảm, sự đãi ngộ xứng đáng là những điều mà giới chức làm nghề “cứu người” trông đợi.

Nghề nguy hiểm

Thời sự nóng hổi vẫn còn, đó là kết quả xét nghiệm máu mới nhất của 18 y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có nguy cơ phơi nhiễm HIV khi tham gia cấp cứu bệnh nhân nữ nhiễm HIV chảy máu âm đạo đều âm tính với HIV.

Trước đó, ngày 4-7, bệnh nhân N.T.H trên đường từ Quảng Ninh về Hà Nội đã có biểu hiện xuất huyết âm đạo và ngất xỉu. Bệnh nhân H được cấp cứu vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trong tình trạng da vàng nhợt, mạch nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt không đo được, tim rời rạc gần như ngừng đập và nguy kịch. Ngay lập tức, các y, bác sĩ cấp cứu phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung bệnh nhân để cầm máu. Tử cung đã bị hoại tử, không thể bảo tồn, buộc cắt bỏ để bảo toàn tính mạng. Bệnh nhân phải truyền 4 lít máu. Do quá trình phẫu thuật diễn ra khẩn trương, không thể chậm trễ nên sau phẫu thuật, các bác sĩ mới biết kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân dương tính với virus HIV.

ai bao nghe y khong nguy hiem
Các bác sĩ trong một ca phẫu thuật tại bệnh viện

Bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - người trực tiếp phẫu thuật ca bệnh cho biết, tình trạng bệnh nhân N.T.H khi đưa vào phòng cấp cứu rất nguy kịch nên được ép tim ngoài lồng ngực, hồi sức cấp cứu ngay tại phòng khám, không kịp di chuyển vào phòng phẫu thuật. Nếu đưa vào phòng phẫu thuật, tim ngừng đập lần 2, bệnh nhân sẽ tử vong. Sau khi cấp cứu và có dấu hiệu của sự sống, tim đập trở lại, máu từ âm đạo bệnh nhân lại tiếp tục phun thành dòng và các bác sĩ phẫu thuật phải cắt toàn bộ tử cung để cầm máu.

Thông thường, các sản phụ được xác định nhiễm HIV sẽ được bố trí sinh mổ tại một phòng riêng tại bệnh viện với quy trình hết sức nghiêm ngặt phòng lây nhiễm cho nhân viên y tế và các sản phụ, bệnh nhân đến sinh và điều trị. Tuy nhiên, theo bác sĩ Khải, thời điểm đó kíp phẫu thuật không còn đủ thời gian để chần chừ, để mặc thêm những bộ áo và đeo kính phòng vệ cho bản thân hay đưa bệnh nhân lên phòng phẫu thuật bởi chỉ một tích tắc chậm chạp, e ngại của người thầy thuốc sẽ tước đi quyền sống của bệnh nhân. Hiện sức khỏe của bệnh nhân H đã ổn định.

Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết: 18 y, bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã được uống thuốc kháng virus rất sớm.

Qua sự việc này, xã hội quan tâm hơn, thấy rõ hơn sự nguy hiểm của những người mặc áo blouse. Nhưng với người trong nghề thì đây là nỗi niềm canh cánh, “mãn tính”. Nếu gặp gỡ những người theo nghề y, bạn sẽ hay được nghe những chuyện thế này:

Cách đây mấy năm, một lần, một nữ bác sĩ tại một bệnh viện lớn, bị máu của bệnh nhân rây ra tay trong lúc chị cắt amidan cho anh ta. Thế nào mà hôm ấy, tay chị lại có vết xước. Hôm sau mới biết, bệnh nhân ấy có HIV dương tính… Còn ở một bệnh viện khác, lại một nhân viên y tế bị máu của người bệnh nhiễm HIV bắn vào niêm mạc mắt… Phòng khám của một quận nọ, nhân viên y tế lấy máu bệnh nhân HIV, rồi lại nhỡ đâm kim vào tay mình… Rồi còn những y tá, hộ lý, phải tiêm truyền, nâng giấc, phục vụ vệ sinh cho bệnh nhân HIV/AIDS, chỉ sơ ý một chút là có thể bị phơi nhiễm. Đấy là những tai nạn HIV, không hiếm lần trong ngành y tế.

Nhưng AIDS chưa phải là tất cả nguy cơ. HIV mới là một loại trong nhiều virut, vi trùng mà các nhân viên y tế phải thường xuyên tiếp xúc ở nơi làm việc. Lao, phong, tả, thương hàn, viêm gan B, viêm gan C… mỗi bệnh nhân một hiểm họa. Người ta có bệnh thì mới tìm đến bệnh viện, cho nên bệnh viện đương nhiên là nơi “hội tụ” các chủng loại vi trùng, vi khuẩn, virus. Trong lúc người ta thường tránh cho xa các nguồn lây thì các thầy thuốc lại xáp vào, khám, chữa, mổ xẻ…

Nguy cơ của các thầy thuốc còn thường trực trong những tình huống hằng ngày, trước những phản ứng khó đoán của bệnh nhân. Khi người ta ốm… thì nhiều chuyện tưởng như “không thể” lại thành “có thể”.

Trách nhiệm cao, lương thấp

Một bác sĩ tâm sự rằng, đã có vài chục năm tuổi nghề, nhưng anh vẫn cảm thấy gánh nặng trách nhiệm ngày ngày. Quả thực, nghề y là nghề căng thẳng vì đối tượng phục vụ là sức khỏe con người, vốn quý nhất. Người làm nghề này, nghề nọ có thể lỡ sai sót nhưng hậu quả chẳng đáng kể hoặc có thể sửa chữa. Riêng ngành y thì chuyện không đơn giản. Sai sót có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng người bệnh. Vì thế, các y, bác sĩ thường phải làm việc trước nhiều con mắt xét nét của người bệnh cũng như thân nhân của họ. Người dân đòi hỏi rất cao ở các thầy thuốc và đòi hỏi đó là chính đáng. Nhưng… Vẫn bác sĩ đó nêu câu hỏi: Có ai bảo đảm được trong đời mình không có một lần nào lỡ sơ suất, vì nguyên nhân chủ quan hay khách quan nào đó? Người ta xây cầu có lúc cầu gãy, xây nhà có khi nhà sập, người chết, bị thương ối ra. Đơn giản hơn, có người bán bát phở thôi mà có lúc khách ăn vào là “Tào Tháo đuổi té tát”… vậy chúng tôi sai sót cũng là chuyện “con người”. Chưa kể, có những tình huống bất khả kháng nhưng người dân không hiểu biết về chuyên môn, lại đem kiện cáo, làm ảnh hưởng đến thanh danh thầy thuốc.

Một bác sĩ công tác tại bệnh viện công ở Hà Nội đã 15 năm tâm sự, 1 tháng thu nhập của anh do Nhà nước trả khoảng hơn 5 triệu đồng, cộng thêm tiền trực khoảng 500 nghìn đồng/tháng. Tổng thu nhập từ bệnh viện khoảng gần 6 triệu đồng. Còn bác sĩ mới ra trường chỉ có thu nhập khoảng hơn 2 triệu đồng. Hầu như các bác sĩ có thêm khoản trợ cấp khác, nhưng đó chỉ là với bác sĩ ở những bệnh viện lớn.

Nếu so với các người bạn bằng tuổi, ở cùng mức học như nhau thì giờ đây họ đã trở thành giám đốc, trưởng phòng và những người làm ở ngành tài chính kinh doanh thì mức thu nhập của họ cao hơn rất nhiều.

Mức lương của bác sĩ không phải so sánh với mặt bằng xã hội mà so sánh với những hy sinh và học hỏi của họ. Điều đó khiến các bác sĩ luôn cảm thấy “bị hắt hủi” vì công việc vất vả, phải trực đêm và phải liên tục học hỏi.

Làm nghề ngành y cần có một tấm lòng

Câu ca của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” thì với ai cũng đúng. Nhưng xem ra, đúng hơn cả với nghề y. Một bác sĩ đã phải mặc áo blouse mang thùng ra chợ để xin tiền cứu cặp xong sinh đó hẳn là vì chữ Tâm. Cũng như nhiều y, bác sĩ không quản nguy cơ lây nhiễm chăm sóc những người bị bệnh AIDS, người bị bệnh hủi, người mắc bệnh lao và còn đi “xin ăn” (kêu gọi hảo tâm để lo bữa ăn hằng ngày) cho họ. Và có những em bé nhiễm HIV, bị bỏ rơi tại bệnh viện từ lúc lọt lòng, đã được hưởng “tình mẹ” từ tập thể các thầy thuốc. Những tấm gương như thế không thiếu.

Nhưng bên cạnh những tấm lòng mẹ hiền ấy, xã hội vẫn có nhiều điều tiếng không hay về sự sách nhiễu, tắc trách, bàng quan trước nỗi đau của người bệnh. Thậm chí có những vụ kiện cáo căng thẳng làm hoen đi màu trắng áo blouse.

Việc đãi ngộ chưa tương xứng là có thật và gây nhiều bức xúc. Tuy thế, làm nghề thầy thuốc dẫu nguy hiểm, căng thẳng, lương bổng chưa tương xứng với công sức bỏ ra, các y, bác sĩ vẫn luôn phải nhắc mình giữ gìn y đức. Còn về phía xã hội, một cái nhìn công tâm, thông cảm, sự đãi ngộ xứng đáng là những điều mà giới chức làm nghề “cứu người” trông đợi. Trong lúc chờ đợi sự hợp lý, tốt đẹp hơn, các thầy thuốc mẫu mực vẫn tâm niệm “sống trong ngành y, cần có một tấm lòng”

Hoài Dương

Năng lượng Mới 550