6 tháng đầu năm GDP vẫn tăng trưởng khá
Việt Nam hướng đến tăng trưởng GDP năm 2020 đạt khoảng 6,8% |
Chiến tranh thương mại có thể quét sạch 455 tỷ USD khỏi GDP toàn cầu vào năm tới |
Ông Vương Đình Huệ: 'Nợ công 58,4% GDP vẫn còn cao' |
GDP tăng 6,76%
Đây là nhận định của Tổng cục Thống kê trong công bố sáng nay (28/6) tại Hà Nội về tình hình kinh tế, xã hội trong 6 tháng đầu năm, trong đó đáng chú ý là tình hình tăng trưởng kinh tế.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Căng thẳng gần đây giữa các nền kinh tế lớn khiến thương mại và đầu tư thế giới giảm, niềm tin kinh doanh toàn cầu giảm sút, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định kinh tế quốc tế phải đối mặt với thời kỳ “bất trắc cao” khi 70% nền kinh tế thế giới, trong đó hầu hết các nền kinh tế phát triển rơi vào tăng trưởng chậm lại.
6 tháng đầu năm GDP vẫn tăng trưởng khá |
Hoạt động kinh tế tại các quốc gia phát triển, đặc biệt là khu vực đồng Euro cũng như một số thị trường mới nổi yếu hơn so với dự kiến, các tổ chức quốc tế đều đưa ra dự báo thiếu lạc quan về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019. Các điểm nóng chính trị có dấu hiệu phức tạp và tăng nhiệt.
Trong nước, nền kinh tế cũng đối mặt không ít khó khăn, thách thức với thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng; ngành chăn nuôi gặp khó khăn với dịch tả lợn châu Phi ngày càng lây lan trên diện rộng; tăng trưởng chậm lại của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.
Tuy nhiên, trước bối cảnh chung đầy thách thức như vậy, ông Lâm nhận định tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm vẫn đạt mức tăng trưởng khá với chỉ số 6,76%, kinh tế vĩ mô ổn định, xuất khẩu tạo dấu ấn quan trọng, niềm tin người tiêu dùng đạt mức kỷ lục (đứng thứ 3 trên thế giới), lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.
Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần. Thu nhập của người lao động có xu hướng tăng, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực. Năng lực sản xuất của nền kinh tế mở rộng, tạo đà cho kinh tế phát triển trong những tháng tiếp theo.
Cụ thể GDP quý II/2019 ước tính tăng 6,71% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,19%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,14% và khu vực dịch vụ tăng 6,85%.
Nhận định về mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2019 (6,76%) thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011-2017, ông Lâm cho rằng điều đó khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Chính phủ ban hành để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; sự nỗ lực của các ngành, các địa phương trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
Còn trong mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,39%, đóng góp 6% vào mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,93%, đóng góp 51,8%. Khu vực dịch vụ tăng 6,69% đóng góp khoảng 42,2%.
Trên góc độ sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2019, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,05% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 7,12%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,06%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,98%.
Thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 9 năm
Ngành thủy sản tăng trưởng cao nhất trong 9 năm |
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với mức tăng 6,45%, ngành thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất của 6 tháng trong 9 năm trở lại đây. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, thị trường tiêu thụ ổn định… Tuy nhiên, ông Lâm nói: “Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như nắng nóng kéo dài làm giảm năng suất vụ lúa đông xuân năm nay. Sản lượng lúa đông xuân cả nước ước tính đạt 20,5 triệu tấn, giảm 84,5 nghìn tấn so với vụ đông xuân năm ngoái. Ngành chăn nuôi thì đang phải đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi lân lan trên diện rộng. Tính đến ngày 25/6, đã có 60/63 tỉnh thành có dịch tả lợn châu Phi, số lợn phải tiêu hủy chiếm 10% tổng đàn”.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ông Lâm thông tin, 6 tháng đầu năm ngành công nghiệp duy trì tăng trưởng khá ở mức 9,13% so với cùng kỳ năm trước, ngành xây dựng tăng 7,85%. Ngành chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế với mức tăng 11,18%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này, vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Sản xuất và phân phối điện tăng 10,63%. Cung cấp nước tăng 7,79%. Đặc biệt ngành khai khoáng bước đầu có mức tăng nhẹ với mức 1,78% sau 3 năm liên tiếp giảm.
Về dịch vụ và các ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng đóng góp lớn vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế hầu hết 6 tháng đầu năm đều đạt mức tăng trưởng khá. Như bán buôn, bán lẻ tăng 8,09%. Hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 7,9%. Vận tải, kho bãi tăng 7,89%...
Hoạt động thương mại dịch vụ 6 tháng đầu năm cũng có mức tăng trưởng cao, sức mua tiêu dùng trong dân, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đạt gần 2.400 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Lâm cho hay, về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,55% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,2%, khu vực dịch vụ chiếm 42,04%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,21%...
Vẫn đầy khó khăn, thách thức
Ngành chế biến, chế tạo khó duy trì tốc độ tăng trường trong những quý tiếp theo |
Dự báo về nền kinh tế 6 tháng tiếp theo, theo ông Lâm bên cạnh những kết quả đạt được kể trên thì tới đây kinh tế nước nhà vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, nhất là trong bối cảnh chúng ta vẫn có những hạn chế. Ông lâm dự báo: “Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại. Công nghiệp chế biến, chế tạo khó duy trì tốc độ tăng trưởng cao như cùng kỳ năm trước trong những quý tiếp theo. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản được xem là thế mạnh cũng có xu hướng giảm đáng kể. Cán cân thương mại hàng hóa chuyển hướng nhập siêu. Sản xuất nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của thời tiết. Ngành chăn nuôi tiếp tục phải đối diện với dịch tả lợn châu Phi ngày càng lây lan trên diện rộng…”.
Đặc biệt ông Lâm cũng dự báo với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế trong nước sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.
Để giải quyết những khó khăn trên, ông Lâm đề xuất phải thực hiện 6 nhóm giải pháp căn bản, trong đó đáng chú ý là điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế. Phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý.
Bên cạnh đó Chính phủ phải nâng cao kết quả hoạt động mở rộng thương mại quốc tế, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2019; tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa nội địa.
Ngoài ra, cũng cần chủ động và tích cực chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng, nguồn nhân lực, lao động có kỹ năng và năng lực quản lý ở Trung ương và đặc biệt là địa phương…
Tú Anh