10 sự kiện nổi bật ngày 24/6
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, sáng 24/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật An toàn thông tin. Với 87,85% đại biểu Quốc hội tán thành, dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) gồm 9 Chương, 73 điều đã được Quốc hội biểu quyết thông qua. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về dự án Luật khí tượng thủy văn và nghe Tờ trình về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Sau phiên thảo luận, các vụ đại biểu quốc hội họp tại Đoàn để thảo luận về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Trong ảnh: Đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi). Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Ngày 24/6/2015, tại Hà Nội, Ban Thư ký APEC, Bộ Ngoại giao và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo năm APEC Việt Nam 2017 “Hướng tới cộng đồng APEC năng động, tự cường và gắn kết”. Đến dự và phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Diễn đàn APEC luôn có tầm quan trọng chiến lược trong công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đây chính là nơi hội tụ hầu hết các đối tác chiến lược, đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam, đem lại 78% đầu tư trực tiếp nước ngoài, 79% tổng giá trị thương mại quốc tế và 70% lượng khách du lịch đến Việt Nam. 13 trong 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán là với các đối tác APEC. Đây là Hội thảo quốc tế đầu tiên với quy mô lớn để trao đổi về ý nghĩa và công tác chuẩn bị đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao lần thứ 25 và các hoạt động của Diễn đàn APEC ở Việt Nam trong năm 2017. Trong ảnh: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 1, dự báo có khả năng mạnh lên trước khi đổ bộ vào các tỉnh ven biển Bắc Bộ. Ngày 24/6, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đã chủ động các phương án phòng chống bão. Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Thái Bình, tính đến 5 giờ 30 phút sáng 24/6 trên địa bàn đã liên lạc được 1.218 tàu, thuyền với 3.325 lao động. Trong đó 1.182 phương tiện với 3.165 lao động đang neo đậu tại các bến trong tỉnh, 36 phương tiện với 160 lao động hoạt động ngoài tỉnh và đã liên lạc được vào bờ. Do mực triều thấp nên số lao động hoạt động ngoài chòi ngao chưa vào nơi an toàn, riêng huyện Tiền Hải vẫn còn 535 lao động. Hai huyện ven biển Tiền Hải, Thái Thuỵ đã di chuyển người dân sống trong đê chính, khu vực nhà yếu vào nơi tránh trú an toàn. Tỉnh Thái Bình có 30 ha lúa đã cấy và 2.300 ha mạ gieo và khoảng 4.900 ha cây màu hè chờ thu hoạch. Trong ảnh: Ngư dân khẩn trương neo đậu tàu thuyền tại xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy để tránh trú bão số 1. Ảnh: Thu Hoài-TTXVN
Ngày 24/6/2015, tại Đà Nẵng diễn ra Hội nghị Các nước có Tê tê phân bố lần thứ nhất do đại diện Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ cùng các đơn vị liên quan tổ chức, nhằm đánh giá hiện trạng Tê tê đang phân bố ở các nước để cùng xây dựng một kế hoạch bảo tồn chung đối với Tê tê – một trong những loài động vật có vú bị buôn bán trái phép lớn nhất trên thế giới. Tham dự hội nghị có hơn 100 đại biểu đại diện các phái đoàn của 29 nước có Tê tê phân bố từ châu Phi, châu Á và Hoa Kỳ cùng đại diện các tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN); Quỹ Quốc tế về Phúc lợi động vật; Hội đồng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên… Trong ảnh: Các đại biểu Việt Nam và quốc tế dự hội nghị chụp ảnh chung. Ảnh: Lê Lâm – TTXVN
Ngày 24/6 đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã đến kiểm tra mô hình hợp tác công tư – PPP trong lĩnh vực y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, đơn vị đầu tiên của ngành y tế cả nước thực hiện phương thức hợp tác này. Việc kiểm tra, khảo sát mô hình PPP để Ban Kinh tế Trung ương làm cơ sở báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chiến lược phát triển ngành y tế mà mô hình PPP được đánh giá là một trong những hướng đi phù hợp. Trong ảnh: Ông Đinh Văn Cương, Phó Ban Kinh tế Trung ương cùng đoàn công tác kiểm tra thực hiện mô hình PPP tại bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: Sỹ Tuyên – TTXVN
Ngày 23/6, tại thủ đô Washington đã diễn ra lễ khai mạc Đối thoại chiến lược và kinh tế (S&ED) lần thứ 7 và Tham vấn cấp cao về giao lưu nhân dân-nhân dân (CPE) lần thứ 6 trong khuôn khổ Vòng đối thoại Mỹ-Trung năm 2015. Cuộc Đối thoại S&ED sẽ tập trung thảo luận về các thách thức và cơ hội về chiến lược và kinh tế mà hai nước đang phải đối mặt trong quan hệ song phương, khu vực và toàn cầu. Trong khi đó, cuộc Tham vấn CPE sẽ thảo luận về các biện pháp thúc đẩy mối quan hệ và giao lưu giữa nhân dân hai nước trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật, các vấn đề liên quan tới thể thao, phụ nữ và y tế. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông phát biểu tại lễ khai mạc đối thoại S&ED. AFP/TTXVN
Ngày 23/6, với 60 phiếu thuận và 37 phiếu chống, dự luật về Quyền thúc đẩy thương mại (TPA) - còn gọi là quyền đàm phán nhanh - đã vượt qua cuộc bỏ phiếu thử của Thượng viện Mỹ để bước vào cuộc bỏ phiếu chính thức, dự kiến diễn ra trong ngày 24/6. Trước đó, ngày 18/6, TPA đã được Hạ viện nước này và nếu được Thượng viện thông qua trong ngày 24/6, dự luật này sẽ mở đường cho Tổng thống Barack Obama xúc tiến các cuộc đàm phán TPP với 11 quốc gia đối tác. Trong ảnh: Lãnh đạo đa số Thượng viện Mỹ Mitch McConnell trả lời báo giới sau cuộc bỏ phiếu tại thủ đô Washington. AFP/TTXVN
Ngày 24/6, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời nhiều quan chức Bộ Quốc phòng nước này cho biết Seoul và Tokyo sẽ xúc tiến các hoạt động giao lưu và hợp tác quốc phòng trong năm nay. Một quan chức tiết lộ đàm phán cấp chuyên viên về phối hợp chính sách giữa hai bên dự kiến sẽ được tổ chức vào mùa Thu này nhằm đánh giá các mối đe dọa an ninh và thảo luận phương cách tăng cường hợp tác quốc phòng cho năm tới. Trong khi đó, một quan chức khác tiết lộ Hàn Quốc và Nhật Bản cũng dự định tiến hành cuộc diễn tập tìm kiếm và cứu hộ trên biển vào tháng 10/2015 tại Nhật Bản nhằm tăng cường hợp tác trong các sứ mệnh nhân đạo chung. Các kế hoạch trên được tiết lộ sau khi đầu tuần này lãnh đạo của hai nước kêu gọi nỗ lực đạt được tiến bộ trong quan hệ song phương vốn vẫn căng thẳng do các tranh cãi liên quan đến lịch sử. Trong ảnh: Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Hàn quốc tại Đại sứ quán Hàn Quốc ở Tokyo ngày 22/6. AFP/TTXVN
Ngày 24/6, Hàn Quốc đã ra tuyên bố phản đối việc Triều Tiên "đơn phương" kết án tù chung thân 2 công dân Hàn Quốc với cáo buộc hoạt động gián điệp. Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lim Byeong-choel cho rằng Bình Nhưỡng đã "đơn phương" xúc tiến quá trình pháp lý chống lại 2 công dân Hàn Quốc và bản án đối với 2 người này là “không thể chấp nhận được”, đồng thời cho biết Seoul đang nỗ lực kêu gọi Bình Nhưỡng phóng thích cho các công dân Hàn Quốc đang bị bắt giữ trên lãnh thổ Triều Tiên bằng việc hợp tác với các tổ chức quốc tế. Tuyên bố của phía Hàn Quốc được đưa ra sau khi Tòa án tối cao Triều Tiên ngày 23/6 kết án tù chung thân đối với Kim Kuk Gi 60 tuổi và Choe Chun Gil, 55 tuổi vì tội do thám, âm mưu chống phá Triều Tiên và nhập cảnh trái phép. Trong ảnh: Choe Chun Gil, một trong 2 công dân Hàn Quốc bị Triều Tiên kết án tù chung thân. Yonhap/TTXVN
Theo các nhà chức trách Pakistan, gần 700 người đã thiệt mạng trong đợt nắng nóng kéo dài 3 ngày qua tại nước này. Đa số các trường hợp tử vong tại thành phố cảng Karachi, thủ phủ của tỉnh Sindh, khi nhiệt độ lên tới 45 độ C vào cuối tuần. Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã ban hành chỉ thị đặc biệt cho Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia (NDMA) và các tổ chức liên quan khác nhằm hỗ trợ khẩn cấp cho các nạn nhân. Trong ảnh: Một nạn nhân của đợt nắng nóng được chuyển tới cấp cứu tại bệnh viện thành phố Karachi ngày 24/6. AFP/TTXVN
TTXVN
-
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Thủ tướng đề nghị 4 tập đoàn hàng đầu của UAE đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược của Việt Nam
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam