Yên bình Đồng Tâm
Hết rồi e ngại hoài nghi
Những ngày qua, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm đến sự việc người dân Đồng Tâm “giam lỏng” cán bộ UBND huyện Mỹ Đức và lực lượng Cảnh sát cơ động. Sự việc như một căn bệnh trầm kha được trị dứt điểm, khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đích thân về đối thoại với bà con nhân dân Đồng Tâm. Sau 3 điều cam kết của Chủ tịch TP Hà Nội, sự việc mới chịu lắng xuống và người dân mới chấp nhận thả những người đang bị “giam lỏng”. Nhiều người ví von, việc Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung về Đồng Tâm đối thoại như “trận mưa rào làm dịu mát cái tiết trời oi bức tháng Tư”.
Hai ngày sau khi sự việc chìm lắng, chúng tôi mới có dịp trở lại xã Đồng Tâm, để lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của bà con nơi đây. Sau gần một giờ đồng hồ chạy xe máy theo tuyến tỉnh lộ 73 chúng tôi mới đặt chân đến trung tâm xã Đồng Tâm. Tuy nhiên, để vào tới “tâm bão” là thôn Hoành, chúng tôi phải đi thêm gần một cây số nữa, qua một con đường nhỏ với cánh đồng lúa xanh rì dọc hai bên đường.
Khác hẳn với khung cảnh khắp các tuyến đường dẫn vào thôn Hoành với những hàng rào, bốt canh của người dân dựng lên trong những ngày căng thẳng vừa qua, là một không gian yên bình nơi thôn quê Đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn rất cảnh giác khi có sự xuất hiện của người lạ. Thấy chúng tôi đi qua cổng làng, một người đàn ông đi xe máy đã bám theo chúng tôi một đoạn đường dài kèm theo ánh mắt dò xét.
Hoạt động buôn bán tại thôn Hoành đã trở lại bình thường |
Đi loanh quanh trong làng, chúng tôi mới bắt chuyện được một người đàn ông trung niên đang nằm nghỉ trưa bên cánh võng ngoài vườn. Mặc dù bình yên đã trở lại với vùng thôn quê này, nhưng người dân nơi đây vẫn e ngại khi tiếp xúc với báo chí. Sau một hồi trả lời những câu hỏi mang tính hoài nghi, ông Bùi Văn Kỷ mới mở lòng chia sẻ với chúng tôi.
“Cả tuần qua, người dân thôn Hoành chúng tôi không một đêm nào được ngon giấc, thậm chí phải ăn đứng ăn ngồi. Cực lắm chú ơi. Nhiều gia đình có nhà nhưng chẳng có ai trông, tất cả đều đổ dồn đi canh gác, bảo vệ. Học sinh cũng không dám đi học, các cụ già thì không dám ra khỏi nhà. Sau khi Chủ tịch Nguyễn Đức Chung về đối thoại, cam kết trực tiếp chỉ đạo thanh tra toàn diện dự án; không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân thôn Hoành; chỉ đạo điều tra việc bắt, gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật… Chúng tôi mới có một đêm ngon giấc” - ông Bùi Văn Kỷ nói.
Nói về việc bắt giữ người vừa qua, ông Bùi Văn Kỷ thừa nhận việc giữ người như thế là sai. Nhưng cho rằng, hành động bức xúc của người dân xuất phát từ cái sai của chính quyền địa phương khi một mực khẳng định 59ha đất người dân sản xuất bấy lâu nay là đất quốc phòng. Cái sai khác của chính quyền là bắt cụ Kình một cách thô bạo.
Được ông Bùi Văn Kỷ dẫn đi, người dân nơi đây mới xóa đi nỗi hoài nghi, e dè, để mở lòng trò chuyện với chúng tôi. Mặc dù vậy, bản thân tôi vẫn sởn gai ốc mỗi khi có người hỏi nhát gừng: Đi đâu? Làm gì ở trong làng? Sau những câu hỏi của người dân, tôi cảm thấy có chút chạnh lòng. Những hành động như thế của người dân Đồng Tâm sẽ là mất lịch sự, là đuổi khách thập phương nếu như trước đó không có chuyện gì xảy ra. Nhưng một khi đã từng trở thành điểm nóng nổi cộm, đã giữ hàng chục chiến sĩ Cảnh sát cơ động trong nhà văn hóa thôn thì những hành động này có thể thông cảm được.
Anh Hoàng Văn Hải chủ một của hàng tạp hóa tâm sự, bản thân anh cảm thấy rất buồn về những sự việc vừa qua và mong Chủ tịch UBND thành phố cùng các cấp chính quyền sớm ổn định đời sống bà con ở Đồng Tâm.
“Sau cuộc đối thoại với Chủ tịch UBND TP Hà Nội, người dân chúng tôi đều cảm thấy rất thoải mái và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Nguyện vọng lớn nhất của chúng tôi là mong cuộc sống bà con nơi đây trở lại được yên bình như ngày xưa. Những ngày qua người dân Đồng Tâm đi đâu cũng bị soi mói, dè bỉu, trong khi người Đồng Tâm xưa nay có truyền thống đấu tranh anh hùng trong kháng chiến chống Pháp, được phong tặng là xã Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Những bức xúc này trước đây bà con chúng tôi chưa biết bày tỏ với ai, nhưng Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã chịu về và lắng nghe bà con thôn Hoành giãi bày. Giờ đây, chúng tôi mong cam kết của lãnh đạo thành phố sẽ sớm được thực hiện” - anh Lê Văn Sơn nói.
Dạo một vòng quanh các đường làng, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống người dân Đồng Tâm trở lại bình thường. Tại một vài cửa hàng bán quần áo trên địa bàn thôn Hoành đã có người đến giao dịch, mua bán. Tiếng những đứa trẻ vui đùa trong sân trường khiến tôi có ý nghĩ nơi này bình yên như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Mong muốn công khai mọi chuyện
Dừng chân tại một quán nước trước cửa trụ sở UBND xã Đồng Tâm, chúng tôi được bà chủ quán mở lời tiếp chuyện ngay khi vừa xuống khỏi xe. Và tất nhiên, lời mở đầu vẫn rất thận trọng, dò xét: “Các chú đến từ đâu?”. “Chúng cháu là phóng viên, đến tìm hiểu về đời sống của bà con sau ngày đối thoại với Chủ tịch Nguyễn Đức Chung” - đồng nghiệp của tôi nhanh nhảu đáp. Nghe vậy, bà chủ quán nước bắt đầu dịu giọng. “Không giấu gì các chú, một tuần qua chúng tôi phải sống trong cảnh lo lắng, ăn không dám ăn, ngủ không dám ngủ, hễ có tiếng kẻng, tiếng hô hoán là phải đi ngay, nhiều người hao cả vài cân thịt do lo lắng và thức đêm canh gác”. Nói đoạn, người đàn bà này chỉ cho chúng tôi xem những đống gậy gộc, gạch đá đã được xếp gọn ở ven đường với ngụ ý đó là những thứ dùng để ngăn cản người lạ vào làng và tiếp: “Chỉ cách đây hai ngày, chúng tôi còn sẵn sàng tinh thần chiến đấu lắm, nhưng may mắn là giờ không cần như thế nữa. Người dân cũng không muốn giữ các cán bộ, cảnh sát, nhưng vì quá bức xúc nên mới phải làm như vậy”.
Sau khi nghe chúng tôi nhắc về 3 điều cam kết của Chủ tịch TP Hà Nội trong cuộc đối thoại hôm 22-4, bà Nguyễn Thị Nối (59 tuổi) nói: “Chúng tôi nhận thức được hành vi giữ các cảnh sát tại nhà văn hóa thôn là sai, vì thế nên khi giữ các cán bộ, cảnh sát tại nhà văn hóa chúng tôi cũng rất lo sợ… Nhưng hiện giờ, bà con rất tin tưởng vào Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, tin tưởng vào những gì Chủ tịch đã hứa trong cuộc đối thoại”. Cuộc nói chuyện mỗi lúc một thêm phần cởi mở khi nhiều người dân thôn Hoành cùng xúm lại bộc bạch những mong muốn.
“Sau ngày Chủ tịch Chung về làng, chúng tôi như trút được gánh nặng đè lên người suốt cả tuần. Vẫn mong chính quyền các cấp thanh tra toàn diện việc sử dụng đất đồng Sênh công khai và minh bạch thông tin cho chúng tôi được biết. Nếu đất thuộc diện phải thu hồi thì cho chúng tôi xem giấy phép là xong. Sau cuối, chúng tôi mong muốn được Chủ tịch Chung soi xét, chúng tôi không hề có ý chống đối chính quyền mà chỉ mong mọi việc được sáng tỏ, công khai” - bà Nối cho biết thêm.
Cũng góp mặt trong buổi nói chuyện, chị Trần Thị Liên, cười vui vẻ với chúng tôi và nói: “Tất cả các khúc mắc đã được Chủ tịch Chung ghi nhận. Hiện tại, chúng tôi chỉ mong Đảng và Nhà nước sớm giải quyết dứt điểm vấn đề đất đai để người dân trở lại cuộc sống bình thường. Ai sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó. Người dân thôn Hoành luôn chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn TP Hà Nội tạo điều kiện cho vào viện để thăm hỏi sức khỏe cụ Kình”.
Nghe người dân thôn Hoành nói về những nguyện vọng của mình, trong đầu tôi hiện lên một loạt các câu hỏi đại loại như: Nếu họ được chính quyền địa phương giải đáp các khúc mắc một cách công khai và đầy đủ ngay từ đầu thì liệu họ có hành động bột phát như vừa rồi không? Rồi đến khi có các quyết định của thành phố vì sao người dân vẫn còn những thái độ tiêu cực? Những câu hỏi này thôi thúc tôi đến gặp lãnh đạo xã Đồng Tâm. Nhưng khi vừa đứng dậy thì một người đàn ông nắm lấy cánh tay tôi nhắn nhủ: “Vấn đề quan trọng nhất lúc này theo tôi là cơ quan chức năng của thành phố cần khẩn trương thanh tra một cách nghiêm túc, khách quan. Đây chính là mong mỏi, nguyện vọng của đại bộ phận người dân chúng tôi. Phải làm sáng tỏ những chứng cứ pháp lý, rồi công khai để người dân tâm phục, khẩu phục. Tôi tin rằng, nếu các cơ sở pháp lý về dự án được rõ ràng, chính xác, người dân sẽ chấp hành, đồng thuận”. Người đàn ông này có tên Lê Trung Dũng ở thôn Đồng Mít.
Chính quyền đã thụ động!
Đồng Tâm được biết đến là một xã có truyền thống đấu tranh anh hùng trong kháng chiến chống Pháp. Xã Đồng Tâm được phong là xã Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Hiện Đồng Tâm có gần 9.600 nhân khẩu, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, chăn nuôi, một vài năm trở lại đây, một số người đi làm ăn xa rồi mang về xã một số nghề phụ để bà con xóm giềng cùng làm thêm... Có lẽ vì đặc điểm đó nên người dân ở đây rất đoàn kết, gắn bó trong cuộc sống hằng ngày.
Bà Nguyễn Thị Nối chụp ảnh cùng phóng viên Báo Năng lượng Mới |
Trước câu chuyện xảy ra ở xã Đồng Tâm, có nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền xã đã không làm tròn vai trò và trách nhiệm khi hành xử thiếu công khai, minh bạch mới dẫn đến tình huống đáng tiếc khiến niềm tin của người dân với chính quyền xã bị lung lay, giảm sút.
Tiếp chúng tôi ngay tại nhiệm sở, ông Phạm Hồng Sỹ - Phó chủ tịch UBND xã Đồng Tâm nhỏ nhẹ nói: “Trong những ngày vừa qua, hoạt động của xã cũng bị ảnh hưởng. Nhưng hiện nay mọi việc đã trở lại bình thường, sáng nay xã vẫn tổ chức sinh hoạt, chào cờ đầu tuần cho cán bộ”.
Lý giải về những sự việc đã xảy ra trên địa bàn xã mình quản lý, Phó chủ tịch xã Đồng Tâm cho hay, việc bà con có ý kiến về nguồn gốc đất và cả những hành động thái quá với các cán bộ huyện, cảnh sát cơ động ông đã lường trước. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, việc xử lý không thuộc thẩm quyền của xã nên mới dẫn đến cơ sự này.
Cũng theo ông Phạm Hồng Sỹ, UBND huyện Mỹ Đức và TP Hà Nội đã nhiều lần tổ chức đối thoại, nghiêm túc giải quyết nhiều nội dung khiếu nại và tố cáo và hiện nay vẫn đang tập trung giải quyết các nội dung liên quan đến diện tích đất ở khu vực đồng Sênh. Ngày 31-10-2016, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kết luận số 47/KL-UBND kết luận nội dung tố cáo của một số công dân không có cơ sở để giải quyết. Song song với kết luận này, thành phố giao UBND huyện Mỹ Đức tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ và chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, UBND huyện Mỹ Đức đã thành lập 5 tổ công tác liên ngành xuống địa bàn để làm công tác tuyên truyền, vận động tới từng hộ dân theo phương châm “3 cùng”. Tuy nhiên, khi các tổ công tác của huyện đến từng nhà người dân để vận động, tuyên truyền, triển khai các chủ trương, chính sách của chính quyền địa phương thì nhiều bà con không tham gia ký và vận động nhau không ký vào văn bản cam kết không xâm lấn đất quốc phòng.
“Về phía UBND xã, chúng tôi đã truyền đạt lại tinh thần của thành phố, của huyện trong Kết luận 47/KL-UBND đến với bà con, nhưng cũng phải thừa nhận chúng tôi quá thụ động trong việc xử lý sự cố” - ông Phạm Hồng Sỹ nói. “Sau sự việc lần này, chúng tôi cũng rút ra bài học là tất cả mọi việc phải được công khai, minh bạch ngay từ đầu, mọi băn khoăn, thắc mắc của người dân phải được giải quyết tận gốc một cách sớm nhất trước khi quá muộn” - Người đàn ông nắm cương vị Phó chủ tịch UBND xã Đồng Tâm mới được 8 tháng nói.
Chia tay bà con thôn Hoành khi trời đã xế chiều, chúng tôi trở lại thủ đô với những niềm vui khó tả. Điểm nóng đã được Chủ tịch Nguyễn Đức Chung giải tỏa một cách êm đẹp, cuộc sống của người dân đã bình yên trở lại và quan trọng hơn là họ đang quay trở lại đặt lòng tin vào chính quyền địa phương. Một kết thúc có hậu, tạm thời là thế. Hy vọng rằng các cấp chính quyền nghiêm túc xem xét một cách thấu đáo những nguyện vọng của người dân để những vụ việc tương tự như Đồng Tâm sẽ không còn xảy ra nữa.
DÂN LÀM GỐC… Là một trong những cán bộ bị người dân “giam lỏng” tại nhà văn hóa thôn Hoành, Trung úy Đinh Tiến Công - Trung đoàn Cảnh sát cơ động Công an TP Hà Nội chia sẻ: Trong thời gian bị người dân giữ lại ở nhà văn hóa, chúng tôi vẫn được bà con nấu cơm cho ăn, mua quần áo cho mặc. Bà con cũng vào và nói chuyện với chúng tôi về những bức xúc của bà con. Khi lắng nghe tâm tư của người dân, chúng tôi đều mong muốn các cấp lãnh đạo sớm xuống giải đáp thắc mắc cho bà con để bà con được yên tâm, yên ổn làm ăn.
Còn Đại úy Cao Duy Anh - Trung đoàn Cảnh sát cơ động Công an TP Hà Nội thì kiên định rằng, lực lượng Cảnh sát cơ động được đào tạo một cách chính quy và sử dụng những công cụ hỗ trợ hiện đại. Tuy nhiên, chúng tôi luôn kiên trì thuyết phục bà con, đồng thời giữ nguyên quan điểm để tránh các đối tượng kích động bà con làm trái với những điều mà pháp luật quy định. Trong bối cảnh ở xã Đồng Tâm có những người dân nhận thức không đầy đủ nên dẫn đến quá khích, các chiến sĩ công an vẫn luôn giữ vững được bản lĩnh, bình tĩnh thể hiện tính nhân văn vì nhân dân hoàn thành nhiệm vụ. Qua sự việc xảy ra tại xã Đồng Tâm, chia sẻ với báo chí, Thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ - Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động Công an Hà Nội nói: Lực lượng Cảnh sát cơ động Công an Hà Nội được cấp trên giao cho nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội. Ngày 15-4, tại xã Đồng Tâm đã xảy ra các sự việc mà báo chí đã đưa tin, thì lực lượng Cảnh sát cơ động chúng tôi được cấp trên điều động vào để đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Cảnh sát cơ động luôn luôn quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ chấp hành tốt điều lệnh Công an Nhân dân, đối với tội phạm thì phải tấn công đến cùng, truy bắt đến cùng, đối với nhân dân thì phải hòa đồng giúp đỡ nhân dân. Chính vì vậy, xuất phát từ tình hình thực tế, lực lượng Cảnh sát cơ động đã thực hiện nghiêm điều lệnh và chỉ đạo của cấp trên là đảm bảo an toàn cho cán bộ của địa phương và nhân dân xã Đồng Tâm. |
Nguyễn Hưng - Xuân Hinh
-
Tuyên án vụ Đồng Tâm: Y án tử hình với Lê Đình Công, Lê Đình Chức
-
Chiều nay tuyên án vụ giết người, chống người thi hành công vụ ở Đồng Tâm
-
Xét xử vụ Đồng Tâm: Bác đề nghị triệu tập Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung
-
29 người hầu tòa trong vụ án ở Đồng Tâm
-
Người phát ngôn Bộ Công an trả lời phỏng vấn về vụ án tại xã Đồng Tâm
-
Ông Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư
-
Quảng Ngãi: Lên phương án ứng cứu tàu chở hàng mắc cạn gần cảng Dung Quất
-
Cần có quy hoạch chung tại thành phố trực thuộc Trung ương
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin
-
[VIDEO] Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo các tập đoàn năng lượng lớn của Nga