Xuân sớm ở bản người H’Mông không... điện
Gian nan đường về bản
Đã nếm trải nhiều lắm sự hiểm trở của những cung đường Tây Bắc, nhưng đường đến với Noóng Ọ B vẫn không khỏi khiến tôi giật mình. Con đường độc đạo dẫn chúng tôi đến với bản 100% dân tộc là người H Mông này quả thực gian nan khi nham nhở đá sỏi và chi chít những ổ voi, ổ trâu..., sẵn sàng hất người trên xe xuống vực sâu bất kỳ lúc nào. Cách trung tâm huyện Bắc Yên (Sơn La) chưa đầy 40km nhưng con đường đến với bản Noóng Ọ B đã đi vào giai thoại khi trở thành nỗi kinh hoàng của rất nhiều tay lái cừ khôi.
Bản của người H'Mông chưa có điện
Với hơn 30km hành trình từ trung tâm huyện Bắc Yên, chúng tôi còn phải trải qua một con đường độc đạo vào bản khoảng 6km hoen hoẻn, len lỏi giữa một bên là những dãy núi tai mèo sừng sững và một bên là vực sâu thăm thẳm. Chỉ có xe đặc chủng leo núi trường kỳ như xe Minsk hay xe Uoát mới có thể chinh phục. Chiếc xe tải đường trường sau khi ì ạch lăn qua từng km đường đồi, với nhiều khúc cua hiểm, thì đến đoạn đường này cũng đành đầu hàng. Vậy là phó mặc cho chiếc Uoát duy nhất chở đồ về bản, còn chúng tôi chỉ còn một lựa chọn là ngồi sau xe máy và trông chờ vào bản lĩnh của những “tay lái bản”.
Quả không làm thất vọng, những chú “ngựa chiến” điêu luyện như những mãnh hổ sục sạo trên cung đường heo hút, mặc sự không quen với núi cao, vực sâu khiến cả đoàn khiếp đảm. Khi máy tắt, trước sự vui mừng của cả bản khi đón khách, chúng tôi vẫn chưa kịp hoàn hồn.
Đường vào bản vô vùng hiểm trở khi một bên là núi cao, một bên là vực thẳm
Có lẽ, phải lâu lắm rồi bản làng mới được đón khách. Thấy người dưới xuôi lên, bà con vui mừng, nắm tay trìu mến. Trưởng bản Mùa A Lồng ngậm ngùi: “Bản mình ở xa quá, đường đi lại vất vả quá, lâu lắm rồi mới được đón người dưới xuôi lên thăm, cả bản mừng lắm”. Trước đường vào bản, những chị, những mẹ và cả các bé gái xúng xính váy áo truyền thống đón khách, bản làng như mở hội. Giữa bốn bề núi rừng dân bản nô nức nói cười, những chiếc váy xập xòe khoe sắc, đặc biệt những đôi mắt đen láy sáng trong của trẻ thơ nơi đây cho tôi hiểu: cái nghèo, cái khó vẫn chẳng thể dập tắt tiếng cười của bà con dân bản.
Được biết, Tạ Khoa vốn là một trong những xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Yên. Với diện tích tự nhiên khoảng hơn 7000ha, nhưng chủ yếu toàn là đồi trọc và núi đá, địa hình vô cùng hiểm trở lại thường xuyên bị lũ quét. Khó khăn chồng chất khó khăn, vì thế mà chỉ có ngô, sắn sống được với đất này.
Dịp cuối năm, khi vào bản nhìn quanh quất vẫn chỉ là những gốc ngô trơ trọi. Bà con phân trần: Chỉ ngô mới sống được với đất này thôi. Vì thế mà những năm mất mùa, ngô là thức ăn chủ đạo. Ấy thế mà, đáng ngại hơn là trong 9 bản của xã Tạ Khoa thì có đến 3 bản người H’Mông không điện. Và Noóng Ọ B nơi chúng tôi dừng chân là một trong những bản thiếu ánh sáng đó.
Khó quá... điện cũng chẳng buồn về
Với đặc trưng của các điểm bản nơi đây là “nằm vùng”, đặc biệt ba bản Suối Hạ, Tà Đò B và Noóng Ọ B nằm trên địa hình vô cùng hiểm trở, vì thế mà điện lưới quốc gia cũng chưa vươn tới được... Riêng với Noóng Ọ B, cả bản có tới 77 hộ dân, với 463 nhân khẩu cũng đành ngậm ngùi dùng đèn dầu.
Thế mà, khi được hỏi chuyện bà con vẫn không hề nao núng, có lẽ đã quá quen với cái khó, chị Mùa thị Phiêng tâm sự: “Chắc bản mình ở xa quá, khó quá, điện nó cũng không muốn về với bản mình rồi”. Nghe cái “lý” mà chị nói, chúng tôi bỗng thấy ngậm ngùi. Không biết đến bao giờ, điện về được với bà con?.
Đồng chí Nguyễn Xuân Bắc - Bí thư Đảng Ủy xã Tạ Khoa cho biết: Bà con dân bản vẫn nhận được sự hỗ trợ của nhà nước về dầu thắp sáng cho nhân dân trong bản. Nhưng không có điện cũng kéo theo nhiều khó khăn cho bà con, việc tiếp cận những phương tiện thông tin đại chúng là vô cùng bất cập. Nên việc mong ngóng từng ngày có điện vẫn là nguyện vọng của dân bản ba bản”.
Trâu, bò, gà, lợn...."sống chung" với dân bản như thế này
Thiếu điện, thiếu luôn cả nước. Hỏi nước sinh hoạt bà con lấy ở đâu. Bà con bảo lấy ở mó nước trên khe rừng chảy xuống. Vậy khe nước đâu? Bà con chỉ vào những mó nước đã cạn khô. Phải rồi, mùa khô này thì lấy đâu ra nước. Vậy là mọi nhu cầu sinh hoạt hàng ngày đều phải chắt chiu, tằn tiệm. Thông thương buôn bán, cũng có đấy, nhưng bằng đoạn đường chúng tôi đã lặn lội lên đây. Ít nhất cũng phải qua 6-7 km đường núi. Nhìn chung quanh, nào lợn, gà, trâu, bò... đều được thả tự nhiên trong bản, quả thực ái ngại cho môi trường sống tự nhiên của bà con trong vùng.
Những đôi chân trần giữa trời đông lạnh giá
Khó khăn là vậy, việc học hành của con em trong bản cũng còn nhiều bất cập. Do địa hình khó khăn hiểm trở, nên việc đưa điểm trường đến với bản đã được thực thi. Tuy nhiên, cơ sở vật chất dưới mái trường cho con em trong bản vẫn còn thiếu thốn. Điểm nhánh của trường tiểu học Tạ Khoa về bản Noóng Ọ B được xây 3 phòng học, nhưng vẫn chưa dành đủ cho con em trong bản, giáo viên ở đây phải gia cố thêm một phòng học lợp mái lá nữa cho các em.
Cô Nguyễn Thị Tình (quê Thanh Hóa) đã hai năm lên cắm bản cho biết: “Vào mùa mưa lũ, thầy và trò vô cùng khổ sở. Có những hôm lũ đến bất ngờ, thầy cô không kịp trở tay, thế là “tài sản” của thầy trò bị cuốn đi cả”. Cô Tình không quên giải thích, gia tài chỉ có sách vở, chiếc bảng đã sờn cũ và những chiếc ghế, chiếc bàn là công sức của bà con trong bản đóng tạm. Nhìn lớp học được gia cố với những tấm lợp bằng lá cọ, dựng bằng tre nứa hết sức tuềnh toàng mà không khỏi chạnh lòng.
Lớp học không tránh được mưa, không che được nắng
Tuy là trường cắm bản, nhưng do đặc thù các bản ở đây nằm rải rác, nên nhiều học sinh phải vượt đoạn đường 2-3 km mới đến được lớp học. Với chỉ ở độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 3, còn các em ở độ tuổi lớn hơn sẽ được chuyển về trường dân tộc nội trú. Trời cuối năm, gió rét căm căm, nhưng quần áo các em đều không đủ ấm, còn chân đất đến trường là lẽ thường tình.
Vượt khó, vui xuân
Khó khăn là thế nhưng không hề thấy sự bi lụy trên gương mặt bà con dân bản. Với đặc thù là một bản người H’Mông, nên du xuân đón Tết của bà con đã được rục rịch chuẩn bị từ đầu tháng Chạp. Đến bản người H’Mông những ngày cuối năm này, nhà nào cũng có “cỗ” thiết khách. Cỗ ở đây không có gì nhiều, toàn “cây nhà lá vườn” do dân bản tự cung, tự cấp. Ấy thế mà, thiếu thốn không làm dân bản mất vui. Có gì, tiếp khách nấy, bà con chân chất, tự nhiên như chính núi rừng nơi đây.
Sau những khó khăn thì vẫn còn đó những nụ cười thiên thần như thế này
Trước đây, phong tục đón Tết của ba bản người Mông tại Tạ Khoa rõ nét hơn. Đến nay, bà con dần dà đón Tết theo ngày của dân tộc Kinh, nên những nghi lễ cũng giản tiện. Tuy nhiên, những ngày cuối năm này, chung quanh bản, từng đám nam nữ vẫn có thói quen tụ tập uống rượu, nhảy múa đón xuân sớm. Vào ngày chủ đạo trong tháng, dân bản lại tụ tập nhau lại tổ chức múa hát, làm bánh, chơi trò chơi... vô cùng hào hứng. Có khách, bản làng lại rộn ràng hơn, những lời ca tiếng hát cất lên, những trái còn ném qua, trao lại... vội vã giục xuân về. Có lẽ, giữa bạt ngàn núi rừng chỉ toàn cỏ cây và núi đá, thì chính những con người đó đã thổi bừng lên một ngọn lửa “sống” diệu kỳ cho góc núi này.
Bỏ lại sau lưng những khó khăn chồng chất, dân bản chuẩn bị vui xuân, đón Tết
Cứ ngỡ, với đủ những khó khăn chất chồng, thì những con người cam trường nhất cũng có thể bị quật ngã, vậy mà không phải. Bỏ lại sau lưng những khó khăn, thiếu thốn bộn bề, bà con nơi đây vẫn nở nụ cười lạc quan, xua đi cái lạnh giá của miền sơn cước mà vui xuân, đón Tết.
Nô nức mừng xuân sớm
Ra về, dân bản tiễn chân, không dặn dò, dân bản chỉ nắm tay trìu mến như một niềm mong mỏi người dưới xuôi trở lại. Niềm mong mỏi sự trở lại là ở cái tình giữa người với người. Chả thế mà, rời bản, chúng tôi đều mang trong mình một ước muốn, rằng mong điện đừng sợ khó mà về với bà con. Khi chiếc xe Uoat nặng nề lăn bánh, trong đầu tôi cứ mường tượng hình ảnh bà con dân bản được quây quần bên chiếc tivi, chắc chắn nơi ấy sẽ rộn rã những tiếng cười.
Tú Anh
-
Hơn 2,4 triệu giáo viên và học sinh ngành giáo dục Thủ đô hưởng ứng Tết trồng cây
-
Hơn nửa triệu ngôi nhà ở Bờ Đông nước Mỹ mất điện do bão
-
Trường THCS Kiều Phú tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập
-
59 tác phẩm đạt giải báo chí “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2023
-
Hà Nội: Biểu dương các nhà giáo tiêu biểu, điển hình tiên tiến