Xử lý tài sản bất minh như thế nào?
Tịch thu hay đánh thuế?
Ngày 5-3, Ủy ban Tư pháp Quốc hội họp phiên toàn thể thẩm tra dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Một trong những quy định mới gây nhiều tranh luận là việc Thanh tra Chính phủ đề xuất truy thu thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý (tài sản bất minh). Cụ thể, đề xuất nêu: “Qua xác minh, nếu kết luận tài sản, thu nhập thực tế của cán bộ, công chức, viên chức lớn hơn tài sản, thu thập đã kê khai hoặc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý thì cơ quan thuế sẽ xem xét thực hiện việc truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%”.
Kê khai tài sản (ảnh TTO) |
Với đề xuất này, nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm tán thành, đồng thời đề nghị xử lý trách nhiệm hình sự hoặc tịch thu tài sản nếu chứng minh được tài sản là bất hợp pháp do phạm tội mà có.
Bên cạnh đó, những quan điểm không đồng tình thì cho rằng, tài sản mà công chức, viên chức không giải trình được về nguồn gốc thì không thể đánh thuế, bởi thuế thu nhập cá nhân chỉ đánh thuế trên thu nhập hợp pháp. Mặt khác, trên thực tế có nhiều trường hợp truy thu thuế đối với người trốn thuế, vì đó là thu nhập hợp pháp nhưng khai sai để trốn thuế hoặc giảm thuế. Việc này khác với tài sản không rõ nguồn gốc. Vì vậy, thu thuế trên tài sản mà công chức, viên chức kê khai không trung thực như các loại tài sản hợp pháp khác là không hợp lý. Nếu truy thu thuế với các tài sản bất minh có thể mở đường cho những sai phạm về rửa tiền, tham nhũng. Khi cán bộ, công chức, viên chức giàu có bất thường và cố tình không khai báo, hay giải thích không hợp lý mà chỉ bị thu thuế 45%, giữ lại 55% thì họ sẽ sẵn sàng vi phạm.
Luật sư Nguyễn Phúc Ban - Văn phòng Luật sư Hà Nội kiến nghị: Cần có một cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định và thực hiện một cách hiệu quả. |
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đình Quyền, để xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không rõ nguồn gốc thì phải thông qua phán quyết của tòa án mới bảo đảm tính pháp lý. Công ước của Liên Hiệp Quốc về phòng, chống tham nhũng có quy định về hành vi làm giàu bất hợp pháp, Việt Nam nên nghiên cứu, nội luật hóa.
Cần thận trọng khi sửa luật
Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới về vấn đề này, luật sư Bùi Văn Kim - Công ty Luật Intercode (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 và Điều 1 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 được sửa đổi bổ sung năm 2012, không có khoản nào quy định về việc người kê khai tài sản không chứng minh được nguồn gốc hay thu nhập bất minh hoặc kê khai gian dối là thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Mặt khác, Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành và các văn bản pháp luật Việt Nam có liên quan không có khái niệm “thu nhập bất minh”, đồng thời không quy định cơ quan nào có thẩm quyền xác định tài sản kê khai không trung thực là tài sản bất minh để áp thuế thu nhập cá nhân. Do vậy, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) bổ sung đề xuất việc thu thuế thu nhập cá nhân ở mức 45% đối với tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc là chưa có cơ sở pháp lý thuyết phục.
Bà Bùi Thị An |
Bên cạnh đó, ở nước ta, việc hình thành tài sản cá nhân rất phong phú, đa dạng trong khi Nhà nước chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với quá trình hình thành tài sản cá nhân. Vì thế, việc quy chụp tất cả tài sản không rõ hoặc chưa rõ nguồn gốc là tài sản bất minh thì chưa công bằng và chưa thể là quy định mang tính khuyến khích việc kê khai tài sản trung thực.
Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta đều thấy quá trình xử lý các vụ án tham nhũng đang hướng tới việc triệt để thu hồi, ngăn ngừa hình thành tài sản tham nhũng mà có. Do đó, nếu các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) chỉ dừng ở mức khoanh vùng phạm vi “tài sản, thu nhập” không rõ nguồn gốc và buộc đối tượng tham nhũng phải chịu thuế đối với phần tài sản không rõ nguồn gốc thì đó là sự bế tắc của hệ thống pháp luật về chống tham nhũng. Nói cách khác, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) chỉ là giải pháp tình thế, thiếu căn cơ.
Ở một góc nhìn khác, nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An nhấn mạnh, phần tài sản không giải trình được nếu bị thu thuế thì vô hình trung thừa nhận tài sản đó.
Theo bà Bùi Thị An, nếu không giải trình được nguồn gốc tài sản chỉ có thể tịch thu phần tài sản đó. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền phải có những chế tài cụ thể để xử lý và thu hồi tài sản tham nhũng thì hoạt động kiểm soát mới có hiệu quả. Tuy nhiên, việc thành lập một cơ quan chuyên xử lý những tài sản này cũng không phải là giải pháp hữu hiệu, bởi nó sẽ tạo thêm sự cồng kềnh cho bộ máy hành chính nhà nước, đồng thời đi ngược lại với chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Quốc hội là thu gọn bộ máy, tinh giảm biên chế.
Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được Ủy ban Tư pháp Quốc hội xem xét vào đầu tháng 3-2018 và dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp trong tháng 5 tới. |
Nghi Trọng - Minh Hinh
-
Doanh nghiệp tư nhân cũng nằm trong phạm vi phòng chống tham nhũng
-
Hôm nay (25/10) Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh, thảo luận về một số dự án Luật
-
“Người trẻ mà vẫn có tài sản khủng, trơ trơ thách thức dư luận”
-
Đề xuất đưa ra tòa để xử lý tài sản không rõ nguồn gốc
-
Lúng túng xử lý tài sản bất minh
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới
-
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí
-
Báo chí đã có những bước phát triển về nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng