Xử lý cá tầm nhập lậu ở Lạng Sơn: Lúng túng như cá mắc cạn
Hơn 4 tấn cá tầm “nghi” nhập lậu…?
Theo Lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Lạng Sơn, khoảng 18 giờ 45 ngày 27/6, Đội QLTT số 11 (Chi cục QLTT Lạng Sơn) nhận tin báo từ quần chúng về việc có một chiếc xe tải đang vận chuyển cá tầm, nghi là hàng nhập lậu từ biên giới Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ. Ngap lập tức, Đội QLTT số 11 đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông huyện Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn) bắt giữ chiếc ôtô tải mang BKS 14C-062.88 do lái xe Ngô Thanh Minh (ở xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) điều khiển. Qua kiểm tra sơ bộ, lực lượng chức năng phát hiện xe chở theo nhiều hộp xốp bên trong chứa cá tầm thành phẩm. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được giấy tờ kiểm dịch, giấy tờ chứng minh được nguồn gốc nên bị đưa về trụ sở Công an huyện Tràng Định. Lợi dụng lúc trời nhá nhem tối lái xe đã bỏ đi khỏi cơ quan công an.
Việc nhập lậu cá tầm đang làm cho các doanh nghiệp nuôi cá tầm trong nước lao đao
Vụ việc kéo dài dẫn đến số cá đã chết và được cơ quan chức năng tổ chức tiêu hủy vào chiều 1/7. Sau đó, phía chủ hàng đã cử đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình đến huyện Tràng Định, xuất trình biên bản xác nhận nguồn gốc cá tầm thương phẩm (bản sao) và hợp đồng kinh tế giữa ông Bùi Thanh Vân (trú tại Bắc Giang - bên bán) và ông Nguyễn Văn Nghiêm (TP Hà Nội - bên mua). Họ cho rằng, đang vận chuyển cá tầm kể trên đi Cao Bằng giao bán. Còn việc bị bắt giữ tại khu vực biên giới là do lái xe đi nhầm đường.
Mặc dù cơ quan chức năng khẳng định như trên, thế nhưng theo phản ánh của ông Phạm Văn Long (47 tuổi, ở TP Hạ Long, Quảng Ninh), người được chủ lô hàng Nguyễn Văn Nghiêm ủy quyền lại phủ nhận toàn bộ thông tin và cho rằng, nội dung chưa hoàn toàn chính xác.
Theo ông Long, sau khi về tới trụ sở công an, lái xe Ngô Thanh Minh xuống xe định vào trụ sở làm việc thì được một đồng chí cảnh sát giao thông cản lại và nói: “Chờ đấy một lúc để các sếp còn hội ý”. Nghe thế, anh Minh ngồi ở sân một lúc nhưng không thấy ai gọi vào làm việc nên anh rời khỏi trụ sở công an để ra ngoài ăn cơm. Sau khi ăn cơm xong, anh Minh quay trở lại trụ sở công an thì đã thấy lực lương chức năng đang vận chuyển cá tầm từ thùng xe ra cân kiểm tra trọng lượng. Anh Minh có ý kiến phản ứng thì được một cán bộ yêu cầu vào phòng làm việc để xuất trình giấy tờ liên quan. Đến thời điểm này, lái xe mới được xuất trình các giấy tờ liên quan đến lô hàng.
Sau khi anh Minh đã xuất trình các giấy tờ như giấy phép lái xe, hợp đồng kinh tế ký giữa ông Bùi Thanh Vân và ông Nguyễn Văn Nghiêm về việc mua bán các tầm; Bản sao biên bản xác nhận nguồn gốc cá tầm cho đơn vị chức năng. Tiếp đến, Đội QLTT số 11 đã ra Quyết định số 0067171 ký ngày 28/6 về việc tạm giữ xe ôtô BKS 14C-062.88, toàn bộ 4.008kg cá tầm trên xe cùng các giấy liên quan. Lý do tạm giữ là để điều tra làm rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, tức là số cá tầm trên xe ôtô.
Tuy nhiên, điều bất ngờ đã xảy ra, trong khi chưa có quyết định xử lý, xử phạt đối với lô hàng thì vào ngày 1/7, Đội QLTT số 11 đã cho tiến hành tiêu hủy lô hàng trên. Trước hành động trên, ông Nguyễn Văn Nghiêm cho biết, ông có đầy đủ giấy tờ mua bán hợp pháp cá tầm từ hồ Khe Chảo (xã Long Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) do ông Bùi Thanh Vân là người bán. Thế nhưng lô hàng của ông vẫn bị tạm giữ và tiêu hủy.
Bức xúc trước những quyết định vô lý của lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn, trong hai ngày (1/7 và 9/7/2013) ông Nghiêm đã có đơn đề nghị và đơn khiếu nại gửi tới Chi cục QLTT Lạng Sơn và Đội QLTT số 11 yêu cầu làm rõ việc bắt giữ xe hàng cá tầm và đưa ra biện pháp giải quyết cho mình.
Còn nhiều uẩn khúc
Liên quan về vụ việc, một cán bộ thuộc Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn cho biết, bước đầu xác định lô hàng cá có dấu hiệu vận chuyển qua biên giới nên QLTT đã tiến hành tạm giữ để chờ cơ quan công an tỉnh vào cuộc điều tra làm rõ nghi vấn hàng lậu có giá trị hàng trăm triệu đồng này.
Thế nhưng, tại buổi làm việc giữa đại diện chủ hàng và Chi cục QLTT Lạng Sơn vào chiều ngày 29/7, ông Long cho biết, ngay sau khi nhận tin báo của tài xế lái xe, khoảng 22 giờ 30 cùng ngày, ông đã có mặt tại trụ sở Công an huyện Tràng Định. Khi có mặt ở đây, ông thấy lực lượng chức năng đang dỡ hàng xuống để cân đo và lập biên bản tạm giữ. Mặc dù lái xe Ngô Thanh Minh đã xuất trình đủ giấy tờ liên quan đến lô hàng nhưng vẫn bị lập biên bản tạm giữ.
Cá tầm - loại hàng hóa đang bị buôn lậu với tần suất tăng mạnh
“Trước đó, vào ngày 16/6, tài xế Minh cũng vận chuyển cá tầm đi trên cung đường này và đã bị Cảnh sát giao thông huyện Tràng Định bắt giữ. Sau khi kiểm tra hàng hóa trên xe, tài xế đã xuất trình các loại giấy tờ liên quan đến lô cá tầm nên chỉ bị xử phạt hành chính vì chiếc xe vi phạm luật giao thông. Sau khi nộp phạt, chiếc xe lại tiếp tục lộ trình đưa cá đến nơi tiêu thụ… Lần trước không bị xử phạt sao lần này cũng cá tầm, cũng những giấy tờ như vậy lại bị tịch thu” - ông Long thắc mắc.
Cũng theo ông Long, ngày 28/6, một ngày sau bị giữ lô cá tầm, ông đã nhận được thông báo của cơ quan chức năng, yêu cầu đến trụ sở Công an huyện Tràng Định để giải quyết vụ việc. Thế nhưng, khi ông đến trụ sở công an thì chẳng một ai ra tiếp nên ông đành phải ra về. “Mấy ngày sau khi lô hàng bị tạm giữ, tôi nhận được 2 cuộc điện thoại của một người lạ xưng hô là cán bộ của Đội QLTT số 11 (một lần gọi từ số máy bàn của Công an huyện Tràng Định và một số máy di động), yêu cầu lên công an huyện để nhận lại hàng, với điều kiện không được kiện cáo. Biết chắc bị giữ mấy ngày như vậy, cá sẽ chết hết nên tôi không lên nhận hàng nữa” - ông Long khẳng định.
Bên cạnh đó, ông Long cũng thắc mắc về việc, sau hơn 1 tháng trôi qua, lô hàng của họ bị xử lý như thế nào, giải quyết ra sao cũng chẳng một cá nhân, tổ chức nào đứng ra trả lời.
Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi xoáy vào những giấy tờ thông hành của lô hàng 4 tấn cá tầm, ông Long không hề trả lời được. Việc xã xác nhận xuất xứ nguồn gốc cá tầm có đúng thẩm quyền không? Và một bộ giấy tờ chuẩn khi mua bán cá tầm gồm những giấy tờ gì là đầy đủ? Ông Long không biết chắc, lưỡng lự và không thể trả lời được những câu hỏi trên. Ông Long cho biết: “Cần những giấy tờ hợp pháp gì để cá tầm có thể buôn bán bình thường thì tôi không thể biết được, tôi không liên quan đến chuyện buôn bán cá tầm của Nghiêm, tôi chỉ là chủ chiếc xe bị bắt nên tôi được ông Nghiêm ủy quyền đến giải quyết. Những chuyện giấy tờ hợp lệ các anh hỏi Nghiêm. Bình thường khi vận chuyển các chuyến trước, tôi thấy chỉ cần có biên bản xác nhận và hợp đồng kinh tế như thế này là có thể tiêu thụ được”.
Về vụ việc này, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Lạng Sơn, kiêm Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thắng Lợi cho biết, ngay sau khi nhận tin báo cáo của Đội QLTT số 11, tôi đã báo cáo lên UBND tỉnh để được hướng dẫn giải quyết. Ngay sau đó, lãnh đạo tỉnh đã giao cho UBND huyện Tràng Định chỉ đạo Công an huyện vào cuộc điều tra làm rõ.
Liên quan đến việc Đội QLTT số 11 vẫn ra quyết định tạm giữ lô hàng cá tầm của ông Nghiêm trong khi lái xe đã xuất trình đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, phóng viên đặt câu hỏi, Đội QLTT số 11 căn cứ vào dấu hiệu nào để nghi ngờ số cá tầm trên là cá tầm nhập lậu và đang trên đường vận chuyển qua biên giới thì ông Lợi từ chối trả lời.
Theo vị Chi cục trưởng này thì chức năng của Đội QLTT là “người ta có quyền của người ta”, còn mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề trên đều phải đợi kết quả điều tra của cơ quan công an. Được hỏi về nguyên nhân nào mà cơ quan chức năng lại tiêu hủy số cá tầm trên, ông Lợi cho hay, số cá bị tạm giữ nhiều ngày mà không thấy chủ hàng đến giải quyết nên đã bị hỏng. Việc tiêu hủy này do UBND huyện Tràng Định chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành.
Có thể nhận thấy rằng, câu chuyện về hơn 4 tấn cá tầm tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế không phải vậy. Sự việc đang ngày càng khó hiểu và có nhiều uẩn khúc phía sau, bởi vì để xác minh nguồn gốc một lô hàng 4 tấn cá tầm không có giấy hay nhập lậu, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã phải vào cuộc chỉ đạo. Còn Sở Công Thương đã phải phối hợp với cơ quan công an để xác minh điều tra làm rõ trắng đen. Và có lẽ câu chuyện này không hề đơn giản bởi vì sau 1 tháng ròng rã làm việc khẩn trương của nhiều ban, ngành liên quan của tỉnh Lạng Sơn, sự việc vẫn đang thuộc diện thông tin mật của ngành công thương.
Thiên Minh - Minh Tiến
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị