Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Phát triển nhiên liệu sinh học

Xu hướng chung của mọi quốc gia (Kỳ 2)

21:35 | 19/08/2017

Theo dõi PetroTimes trên
|
Phát triển và sử dụng nhiên liệu sinh học (NLSH) đã và đang trở thành xu hướng chung và được luật hóa ở nhiều quốc gia. Năng lượng Mới điểm qua tình hình và chính sách NLSH ở một số khu vực và quốc gia tiêu biểu trên thế giới.  
xu huong chung cua moi quoc gia ky 2 Xu hướng chung của mọi quốc gia

Kỳ II: Tình hình sử dụng nhiên liệu sinh học trên thế giới

Brazil là quốc gia đi tiên phong trong việc sử dụng ethanol làm nhiên liệu thay thế. Từ năm 1970, để đối phó với cuộc khủng hoảng dầu mỏ, chương trình quốc gia Pro - alcohol ra đời. Ban đầu pha 5% ethanol trong xăng để tăng trị số octan, tỷ lệ phối trộn ethanol bắt buộc trong xăng nâng lên dần đến 22% năm 1993, 25% vào năm 2003. Vào tháng 3-2015, Chính phủ Brazil đã phê duyệt nâng tỷ lệ phối trộn ethanol bắt buộc trong xăng lên 27%.

xu huong chung cua moi quoc gia ky 2
Một trạm phân phối xăng E15, E30 và xăng thông thường tại Penn Minnoco ở Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ

Tại Mỹ, chính phủ đưa xăng sinh học vào thử nghiệm sau đợt khủng hoảng dầu mỏ năm 1973. Hiện quy chế đang điều chỉnh sản xuất NLSH ở Mỹ là Tiêu chuẩn nhiên liệu tái tạo (RFS), được xây dựng theo Đạo luật Chính sách Năng lượng năm 2005 và được mở rộng theo Đạo luật An ninh và Độc lập năng lượng năm 2007. RFS đặt mục tiêu đến năm 2022 phải có 36 tỉ gallon NLSH được sử dụng làm nhiên liệu vận tải, trong đó 21 tỉ gallon là các NLSH tiên tiến. Từ năm 2015 đến 2016, số lượng các bang ở Mỹ - nơi người tiêu dùng có thể tìm thấy một trạm bán xăng E15 đã tăng gấp đôi lên 28 bang.

Ethanol và biodiesel là hai loại NLSH đang được sử dụng phổ biến hiện nay. Xăng sinh học được ghi danh bằng ký tự “E” kèm theo một con số chỉ số phần trăm của ethanol sinh học được pha trộn trong xăng thông thường đó, chẳng hạn xăng E5 (5%), E10 (10%), E25 (25%). Tương tự, dầu diesel sinh học được ghi danh bằng ký tự “B” kèm theo một con số chỉ số phần trăm của biodiesel sinh học được pha trộn trong dầu diesel nhiên liệu thông thường đó, chẳng hạn B5(5%), B10 (10%)…

Ở châu Âu, vào tháng 4-2015, Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn một chỉ thị mới quy định cụ thể các nước thành viên có thể đạt được mục tiêu 10% năng lượng tái tạo trong nhiên liệu vận tải. Chỉ thị này được coi là một bản sửa đổi của Chỉ thị về Năng lượng tái tạo (RED) năm 2009, đã giới hạn tỷ lệ NLSH thế hệ thứ nhất dùng trong lĩnh vực vận tải là 7%, đồng thời đặt mục tiêu không bắt buộc là đến năm 2020, tỷ lệ NLSH tiên tiến (bao gồm NLSH thế hệ thứ nhất và thứ hai) dùng làm nhiên liệu vận tải sẽ chiếm 0,5%. Trên cơ sở đó, các quốc gia thành viên EU dự kiến sẽ luật hóa các mục tiêu này trong năm 2017. Riêng Italia đã đi đầu khi từ năm 2014 đã xây dựng kế hoạch để đạt tỷ lệ NLSH tiên tiến trong nhiên liệu vận tải là 0,6% vào năm 2018 và 1% vào năm 2022.

Tại châu Á, hai nước đông dân nhất thế giới là là Ấn Độ và Trung Quốc hiện cũng đang chuyển sang dùng xăng sinh học E10 và E20. Năm 2006, Chính phủ Ấn Độ đã thực thi thành công chính sách bắt buộc pha 5% ethanol trong 10 tiểu bang. Tháng 9-2008, Ấn Độ đã thống nhất trên nguyên tắc nâng cao tỷ lệ NLSH từ 5-20% trong nhiên liệu xăng và diesel từ năm 2017.

Trong khi đó, Trung Quốc đã ban hành Luật Năng lượng tái tạo vào tháng 1-2006 và đến nay đã sử dụng đại trà xăng E5. Ngoài ra, xăng E10 cũng đã được sử dụng rộng rãi trên 6 tỉnh và 27 thành phố trên 5 tỉnh khác ở nước này.

Thái Lan hiện đang thực hiện Kế hoạch phát triển năng lượng thay thế 2015 (AEDP 2015), bao gồm việc phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng thay thế cho đến năm 2036. Mục tiêu tổng thể của AEDP 2015 là đến năm 2036, năng lượng tái tạo sẽ đáp ứng 30% tổng tiêu thụ năng lượng của nước này.

Malaysia và Philippines là các quốc gia có thế mạnh về nghiên cứu và sản xuất diesel sinh học từ cây có dầu tại Đông Nam Á. Malaysia đã hợp tác thành công với Công ty Mitshubishi nghiên cứu sản xuất diesel sinh học từ dầu cọ và đã có sản phẩm bán sang châu Âu. Hiện tại, ở Malaysia, sử dụng dầu diesel sinh học B10 là bắt buộc.

Trong khi đó, Philippines đã ban hành Luật về NLSH vào đầu năm 2007, quy định bắt buộc sử dụng NLSH. Đến nay, ở Philippines đã sử dụng phổ biến xăng E10 và dầu diesel sinh học B5.

Sự phát triển của nhiên liệu sinh học trong ngành hàng không

xu huong chung cua moi quoc gia ky 2
United Airlines đã sử dụng NLSH cho các chuyến bay thường xuyên tại sân bay Los Angeles từ ngày 11-3-2016

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trung bình, tiêu thụ năng lượng trong ngành hàng không chiếm 10% tổng năng lượng cần thiết trong ngành giao thông hằng năm. Vì vậy các nhà quản lý hàng không và chính phủ đang xem xét các biện pháp hạn chế phát thải trong ngành hàng không, bằng cách sử dụng NLSH phối trộn xăng tàu bay truyền thống.

Cho tới nay đã có rất nhiều dự án thử nghiệm phát triển NLSH phản lực, kể từ khi chuyến bay đầu tiên chạy bằng xăng sinh học, chiết xuất từ cây cọ và dừa khởi hành tại Sân bay Heathrow (London, Anh) vào tháng 2-2008. Năm 2012, Công ty Neste Oil đã hợp tác với Hãng hàng không Lufthansa của Đức để thử nghiệm loại nhiên liệu Neste Renewable Jet Fuel trên tổng cộng 1.187 chuyến bay. Boeing cũng đã thử nghiệm thành công nhiên liệu tái tạo của Neste. Sân bay Hamburg ở Đức bắt đầu sử dụng dầu diesel tái tạo của Neste như một giải pháp để giảm sự phụ thuộc và nhiên liệu hóa thạch từ tháng 11-2016. Trước đó, Sân bay Gardemoen ở Oslo (Na Uy) là sân bay đầu tiên ở châu Âu cung cấp NLSH phản lực cho mọi máy bay đáp xuống đây từ tháng 1-2016.

United Airlines là hãng hàng không đi đầu trong việc thử nghiệm NLSH trong đội tàu bay của mình. Hiện hãng này đang sử dụng hỗn hợp NLSH thay thế cho nhiên liệu tàu bay thông thường trên các chuyến bay ngắn. Kế hoạch của hãng là sử dụng NLSH cho tất cả các chuyến bay nội địa cất cánh từ Los Angeles và sau đó là cho tất cả các chuyến bay trên toàn cầu. Loại nhiên liệu mà United Airlines sử dụng là hỗn hợp của 30% NLSH và 70% nhiên liệu thông thường.

Linh Phương