Xu hướng chung của mọi quốc gia
Kỳ 1: Phát triển nhiên liệu sinh học trong thời kỳ giá dầu thấp
Thực tế là giá dầu thấp có tác động đến việc sản xuất NLSH, đặc biệt là nhiên liệu dùng trong ngành vận tải. Nhìn chung, người tiêu dùng quan tâm đến NLSH hơn khi giá dầu cao và sẽ “lăn tăn” nhiều hơn khi chọn lựa sử dụng NLSH. Và giới đầu tư cũng vậy. Không phải công ty nào cũng có thể kiên nhẫn đầu tư vào NLSH, khi giá dầu thấp.
Vì lý do này mà một “ông lớn” như Tập đoàn Dầu khí BP của Anh cũng đã phải đi đến quyết định đóng cửa nhà máy NLSH của hãng ở Jennings, Lousiana, Mỹ hồi năm 2015, sau khi đã đầu tư hơn 750 triệu USD vào đây từ năm 2008. Đã có những tính toán sòng phẳng rằng, chỉ khi nào ngành công nghiệp NLSH tìm ra các phương pháp sản xuất hiệu quả hơn thì mới có thể cạnh tranh với giá dầu ở mức “loanh quanh” 50USD/thùng như hiện nay.
Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là động lực chính để phát triển năng lượng tái tạo, bao gồm nhiên liệu sinh học |
Tuy nhiên, khi NLSH bị “lép vế” trước nhiên liệu hóa thạch về giá, thì những lợi ích xã hội và môi trường của loại nhiên liệu xanh này càng được nhấn mạnh. Năm 2015, tại Pháp, đại diện của 195 quốc gia trên thế giới đã ký bản Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, qua đó cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2oC so nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ XIX). Cùng với đó, các nước cam kết giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tăng hiệu suất năng lượng và triển khai các công nghệ năng lượng tái tạo. Những cam kết này đang được chuyển sang thành hành động. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ là động lực chính cho tất cả các lĩnh vực năng lượng tái tạo, bao gồm NLSH.
Thực vậy, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), bối cảnh toàn cầu về NLSH đang thay đổi do giá dầu thô giảm đáng kể vào giữa năm 2014, nhưng điều này chỉ có tác động hạn chế đối với sản xuất NLSH, do định hướng chính sách phát triển NLSH của các chính phủ.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng dự báo sản xuất và tiêu thụ diesel sinh học toàn cầu sẽ tăng 14% từ năm 2016 đến năm 2020, nhờ thực hiện chính sách NLSH hiện tại ở Mỹ, Argentina, Brazil, Indonesia và Liên minh châu Âu (EU). Cụ thể, sản lượng diesel sinh học trên toàn thế giới được dự báo sẽ tăng từ 33,2 tỉ lít vào năm 2016 lên 37,9 tỉ lít trong năm 2020 và mức tiêu thụ sẽ tăng từ 33,5 tỉ lít vào năm 2016 lên 38,1 tỉ lít trong năm 2020.
Cũng trong giai đoạn 2016-2020, OECD dự báo sản lượng ethanol toàn cầu sẽ tăng từ 119,3 lỉ lít lên 125,1 tỉ lít; với mức tiêu thụ tăng từ 119,9 tỉ lít lên 126,1 tỉ lít.
Sự phát triển của NLSH đã và đang trải qua 3 giai đoạn chính: NLSH thế hệ thứ nhất được tạo ra từ các nguồn nguyên liệu carbohydrate như gạo, ngô, lúa mạch, lúa mỳ, củ cải đường...; các loại hạt có dầu như dầu cọ, đậu tương, dầu hạt cải... hoặc từ mỡ động vật. NLSH thế hệ thứ hai ra đời nhằm hạn chế những nhược điểm của NLSH thế hệ thứ nhất, sử dụng các nguồn nguyên liệu phế thải của nông nghiệp hay các cây nguyên liệu được trồng trên đất bạc màu, bỏ hoang (NLSH được sản xuất từ cellulose), như cỏ switchgrass, cây cọc rào… NLSH thế hệ thứ ba được sản xuất từ vi tảo. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) kêu gọi các chính phủ đảm bảo rằng, chính sách hỗ trợ NLSH cần thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sinh học bền vững bao gồm phát triển các công nghệ NLSH tiên tiến (bao gồm NLSH thế hệ thứ hai và thứ ba). Theo IEA, các chương trình chứng nhận bền vững quốc tế về NLSH sẽ là yếu tố sống còn để đảm bảo tác động tích cực đến môi trường và xã hội, tạo ra một thị trường quốc tế cho NLSH bền vững. |
(Xem tiếp kỳ sau)
Linh Phương
-
EVN đề xuất triển khai thí điểm giá điện hai thành phần
-
Luật Điện lực mới và vấn đề cấp bách triển khai thực hiện cải cách thị trường điện
-
Gỡ vướng mắc các dự án truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu
-
Mô hình tối ưu hóa thị trường điện Bắc Âu
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Duyên Hải và đấu nối: Đáp ứng nhu cầu điện cho tỉnh Trà Vinh