Xã hội hóa là thần chú?
Năng lượng Mới số 404
Hơn 6 năm qua, thực hiện Nghị quyết “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” của Bộ Chính trị, lĩnh vực văn học, nghệ thuật nước ta đã có bước phát triển mới, ngày càng phong phú và đa dạng. Theo tinh thần Nghị quyết này, vấn đề “xã hội hóa” đã được đặt ra nhưng do thiếu định hướng và cơ chế nên việc vận dụng vẫn nặng về nghiệp dư và thương mại hóa.
Chưa bao giờ cụm từ “xã hội hóa” bị lạm dụng như hiện nay. Người ta hô hào, kêu gọi và muốn thực hiện xã hội hóa trong các lĩnh vực hoạt động mà xưa nay vẫn tiêu tiền ngân sách. Nay huy động từ các nguồn đóng góp của dân kể cả tự nguyện hay bổ đầu người.
Xuất bản phẩm vi phạm bị xử lý
Xin điểm mặt các hoạt động muốn xã hội hóa. Chẳng hạn, mấy ông văn - thể - du Hà Nội phát kiến ra cái chuyện bắn pháo hoa thường nhật trên cầu Nhật Tân để “bà con quên đi đói nghèo” đã viện dẫn ra nguồn kinh phí “xã hội hóa” khi trong tay ông giám đốc đã có mấy doanh nghiệp sẵn lòng ủng hộ. Hóa ra cũng là “xã hội hóa” ăn xổi. Kinh phí nào chịu nổi 365 đêm pháo hoa trên cầu, bỏ rẻ cũng khoảng 100 triệu đồng/đêm? Đó là chưa kể sẽ vô hiệu hóa cây cầu dây văng hiện đại nhất Hà Nội nếu theo sáng kiến của các ông này, bởi hệ thống lô cốt quây kín cho các trận địa bắn pháo hoa.
May quá, tối kiến “xã hội hóa” này bị dẹp ngay từ “khâu gửi xe”!
Ở Ném Thượng, thành phố Bắc Ninh, do “xã hội hóa” mà chính quyền, cơ quan quản lý văn hóa đành bó tay để người dân lại chém lợn như không có chuyện gì xảy ra, bất chấp lời khẩn cầu từ tổ chức bảo vệ động vật. Phải chăng hội lễ này có quan trị quan nhậm do văn - thể - du tổ chức thì làm sao dám chém lợn?
Rồi việc khuyến khích “xã hội hóa” hội lễ để mọi người có cơ hội tham gia “cướp có văn hóa” để cầu may khi cướp được các lễ vật, linh vật ở hội Gióng, ở đền Trần. Các nhà nghiên cứu khẳng định, “cướp có văn hóa” ở các hội lễ này là cướp giật vì lòng tham lam, ích kỷ, làm gì có văn hóa!
Người ta bàn cãi sôi nổi việc “xã hội hóa” một số loại hình nghệ thuật khi xuất hiện các biểu hiện mới lạ của “xã hội hóa”. Chẳng hạn ở Hà Nội có hát xẩm ở chợ Đồng Xuân vào các đêm cuối tuần, có giao hưởng ở hè phố gần Nhà hát Lớn của nhóm các nghệ sĩ yêu nghề… Được biết, các nghệ sĩ tham gia “xã hội hóa” kiểu này không hề có cát-xê khi biểu diễn phục vụ xã hội. “Xã hội hóa” còn là lập ra các nhóm nhạc, nhóm múa, nhóm tạp kỹ cùng nhau phục vụ hội nghị, lễ lạt do một ông bầu nhận khoán…
Hình như có sự nhầm lẫn giữa “xã hội hóa” và tư nhân hóa. Không ít người đã cho rằng, đã đến thời của tư nhân hành nghề nghệ thuật. Mở mạng ra xem sẽ thấy các liveshow của ca sĩ được tổ chức khá thường xuyên đều do tư nhân đứng ra lo trọn gói. Đã có nhiều chương trình rất thành công trong khi các nhà hát quốc doanh, các hội nghệ thuật và các nghệ sĩ vẫn thúc thủ không sao tổ chức để tôn vinh nhạc sĩ này, ca sĩ kia. Có nhạc sĩ đã ở tuổi xưa nay hiếm vẫn “mơ về nơi xa lắm” để có một đêm nhạc hoài niệm cho mình.
Lại có người hiểu “xã hội hóa” là góp cổ phần, trong đó nhà nước chiếm số phần trăm chi phối. Và cũng có người nghĩ đến những gánh hát riêng, đoàn kịch, đoàn cải lương, hội chèo như thuở xa xưa trước Cách mạng tháng Tám.
Triết lý “xã hội hóa” có lẽ hình thành đậm nét nhất trong điện ảnh khiến phim “mì ăn liền” ra rạp như gió lốc. Các chuyên gia cho rằng, sự phát đạt ồn ào với những con số đầu tư lớn của các ông bầu, bà chủ liên doanh liên kết làm phim ăn khách. Thế nhưng, thất bại của Chánh Tín đến nỗi khuynh gia bại sản vẫn còn nguyên ý nghĩa của một bài học “xã hội hóa”.
Trong lĩnh vực sân khấu xem ra “xã hội hóa” thành công khi các sân khấu nhỏ ở TP Hồ Chí Minh sáng đèn đêm đêm… Có vẻ như “xã hội hóa” các chương trình hài là vẫn có đất sống với nhiều chương trình định kỳ trên sân khấu, đĩa hài cuối năm.
Trong khi đó “xã hội hóa” trong lĩnh vực ca nhạc cũng được coi là đắc địa. Nhờ đó mà nhiều ca sĩ trở nên giàu có hơn bởi chỉ có các ông bầu ca nhạc mới dám chi cát-xê cao ngất trời đến mức nghệ sĩ nợ thuế thu nhập cá nhân tiền tỉ. Nhờ “xã hội hóa” mà có những chương trình ca nhạc giá vé cao hơn lương tối thiểu mấy lần để cát-xê ngôi sao lên đến 5 con số ngoại tệ, khoản tiền thù lao theo những quan niệm đầy chất thương mại. Nó chênh lệch quá nhiều so với các nghệ sĩ khác. Các ông bầu thực hiện vì hai lợi ích mà không chịu gò mình vào chế độ thù lao.
Các nhà nghiên cứu thẳng thắn nhận xét rằng, đây chính là biến tướng của “xã hội hóa”. Các chuyên gia nhận định, “xã hội hóa” nghệ thuật cũng như sự đổi mới giao thông vận tải, phải đổi mới cả đường sá, phương tiện và người lái. Ba chân kiềng này không thể thiếu bất cứ chân nào.
Đã đến lúc phải vượt qua tư duy bao cấp trong xây dựng cơ chế, chính sách phát triển văn học, nghệ thuật. Không phải lĩnh vực nào của văn học, nghệ thuật cũng “xã hội hóa”. Tùy từng lĩnh vực mà Nhà nước và xã hội cùng làm; lĩnh vực nào Nhà nước phải đầu tư 100%...
Bài học về “xã hội hóa” lĩnh vực xuất bản cho thấy mặt trái của việc tăng xuất bản phẩm là tình trạng gia tăng các sai phạm trong xuất bản khi “khoán trắng” cho tư nhân. Tháng 10 năm 2014, Cục Xuất bản có quyết định xử phạt hành chính đối với NXB Thời Đại, do có “hành vi không nộp lưu chiểu ấn phẩm xuất bản”, “không xuất trình được văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả”. Với nghi vấn vi phạm bản quyền, Cục yêu cầu NXB cung cấp tất cả dữ liệu liên quan để xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Sai phạm của NXB Thời Đại bị phát hiện liên quan tới cuốn Văn hóa Việt Nam (đề tên GS Trần Quốc Vượng, phát hành năm 2013). Theo đó, sách phát hành không có bản quyền, tự ý đổi tên tác phẩm (tác phẩm gốc có tên Văn hóa Việt Nam - tìm tòi và suy ngẫm), nội dung cẩu thả và mắc nhiều lỗi biên tập.
Theo thông tin của Cục, từ năm 2012, NXB Thời Đại đã có 25 cuốn sách vi phạm các quy định về xuất bản. Do đó, Cục quyết định thành lập đoàn thanh tra toàn diện hoạt động xuất bản của NXB, thanh tra điều kiện hoạt động, đội ngũ biên tập, công tác tổ chức xuất bản và các ấn phẩm.
Không còn nghi ngờ gì nữa, các scandal sách nối tiếp nhau, người ta mới rạch ròi phân tích lỗi tại buông lơi “xã hội hóa” của các nhà xuất bản. Nhờ “xã hội hóa” mà có 80% số sách được ấn hành nhưng các sai phạm trong xuất bản cũng nhiều hơn. Trách nhiệm thuộc về các nhà xuất bản, ở chính giám đốc, tổng biên tập các nhà xuất bản…
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, đề án xây dựng và rà soát các chế độ chính sách đối với các hoạt động văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ, chế độ tài trợ đặt hàng đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật; chính sách khuyến khích sáng tác trong các hoạt động văn học, nghệ thuật vẫn chưa được đưa vào cuộc sống. Đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng nên dễ sa đà vào “xã hội hóa” để có thêm nguồn lực. Thế nhưng, ngọn lửa “xã hội hóa” không đủ lực bừng sáng ở các tụ điểm như Nhà hát chèo Kim Mã, câu lạc bộ sân khấu như Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Câu lạc bộ chèo Nguyễn Đình Chiểu, rồi cứ như ngọn đèn hết dầu leo lắt.
“Xã hội hóa” không phải là câu thần chú của Alibaba để mở ra kho báu văn nghệ.
Bảo Dân
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị
-
Luật Điện lực (sửa đổi): Các khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy và bổ sung theo tinh thần NQ55 và KL76
-
Nhà nước là chủ sở hữu vốn nhưng không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp