Xã hội bất ổn vì pháp luật, đạo đức đang bị vi phạm nghiêm trọng
Mỗi năm, Quốc hội có hai kỳ họp thường kéo dài trên dưới một tháng. Mỗi kỳ họp có từ 3 đến 5 bộ luật được sửa đổi, bổ sung và nhiều pháp lệnh.
Có thể nói cho đến nay hệ thống pháp luật Việt Nam đã tương đối hoàn chỉnh, tạo hành lang pháp lý cho mọi hoạt động trong đời sống xã hội. Song việc phổ biến, giáo dục pháp luật và hành pháp lại còn nhiều hạn chế, bất cập, kỷ cương phép nước bị coi thường, tình trạng vi phạm pháp luật, nhờn luật diễn ra ở cả người thực thi pháp luật và người phải chấp hành pháp luật đã tạo lên hậu quả nặng nề và lo ngại của toàn xã hội.
Các luật về giao thông là những luật rất quan trọng vì mọi người đều tham gia giao thông và nếu vi phạm thì hậu quả của nó là sinh mạng con người, nhưng hiện nay việc bất tuân khá phổ biến.
Ảnh minh họa |
Đơn giản nhất là luật quy định đèn xanh được đi, đèn đỏ dừng lại, nhưng ngay ở Thủ đô Hà Nội ở các ngã ba, ngã tư khi có đèn đỏ thì người đi xe máy, nhất là thanh niên vẫn ào ào băng qua với tốc độ lớn. Người nước ngoài, người già, trẻ em rất lo sợ khi phải qua đường vì pháp luật không được nhiều người thực thi.
Luật Xây dựng đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, phân rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng cấp, từ quy hoạch đến cấp phép, thanh tra kiểm tra. Trong bối cảnh kinh tế phát triển, thu nhập của người dân được nâng cao, nhu cầu từ các công trình công cộng đến dân sinh đã làm cho đất nước như một đại công trường, nhà nhà, người người đều xây dựng. Nhưng tình trạng vi phạm luật xây dựng diễn ra khá phổ biến ở tất cả các địa phương.
Luật Giáo dục đã nghiêm cấm việc dạy thêm nhưng tình trạng này vẫn diễn ra ở các cấp học trong bối cảnh nhiều năm cải cách nhưng sách giáo khoa vẫn chưa hoàn chỉnh.
Luật Công chức, viên chức khi thi tuyển đầu vào ai cũng phải học, nhưng thành công chức, viên chức rồi thì nhiều người vi phạm, không chỉ bất chấp pháp luật họ còn bất chấp đạo đức. Đáng buồn là số công chức cấp cao vi phạm pháp luật nghiêm trọng lại không ít.
Chỉ điểm qua vài luật và sự vi phạm, chứ trong thực tế việc vi phạm pháp luật diễn ra ở tất cả các lĩnh vực hoạt động.
Vậy nguyên nhân từ đâu?
Dân ta từ xa xưa đã tổng kết: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ pháp luật, thực thi pháp luật đã không xử lý nghiêm các vi phạm, thiếu kiên quyết. Thậm chí còn có nhiều trường hợp nhận hối lộ để bỏ qua các vi phạm hoặc xử lý quá nhẹ. Đấy chính là căn nguyên để các tổ chức, cá nhân sẵn sàng chi, sẵn sàng chấp nhận xử lý nhẹ, sẵn sàng vi phạm pháp luật và lợi nhuận mang lại lớn hơn nhiều cái họ phải chi.
Tổ chức, cá nhân vì lợi ích, lợi nhuận sẵn sàng vi phạm pháp luật vì hình phạt không tương thích vì có thể “mua được bằng tiền”, dẫn đến tình trạng nhờn luật.
Pháp luật không được coi trọng dẫn đến đạo đức xã hội xuống cấp. Bên cạnh pháp luật còn có các quy định, kỷ luật của Đảng nhưng cán bộ, người lớn không gương mẫu tuân thủ làm gương xấu cho lớp trẻ. Luật Giao thông đã được đưa vào các trường học, nhưng bố mẹ khi đưa đón con vẫn cứ vượt đèn đỏ thành ra việc giáo dục pháp luật không có tác dụng.
Còn nhiền vấn đề phải bàn, phải nói. Đã đến lúc cả xã hội, trước hết là báo chí phải lên tiếng cảnh tỉnh nhiều hơn, quyết liệt hơn để đất nước ta phát triển trong kỷ cương và đạo đức.
Hữu Lượng
-
Phát huy tối đa hệ giá trị “Đạo đức - Trí tuệ và Bản lĩnh” của người thợ mỏ
-
Ra mắt Sổ tay ESG dành cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam
-
TP HCM: GRDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,46%
-
Phát triển bền vững khu công nghiệp: Cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường
-
GDP Việt Nam năm 2023 tăng trưởng 5,05%