Vươn khơi nuôi biển
Ông Nguyễn Hữu Dũng ký tặng sách (ảnh: Lam Điền) |
"Quo Vadis” là tiểu thuyết tôi đọc đi đọc lại nhiều lần. Lần đọc nào cũng khiến trái tim tôi bồi hồi trước nỗi đau bi tráng và cái đẹp vĩnh cửu mà tác phẩm khắc họa. Và cái tên dịch giả Nguyễn Hữu Dũng trở nên quen thuộc đối với tôi. Tuy nhiên, phải hơn ba mươi năm sau tôi mới được gặp dịch giả. Đó là dịp hai tác phẩm “Quo Vadis” và “Trên sa mạc và trong rừng thẳm” được tái bản tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của Henryk Sienkiewicz, được Đại sứ quán Ba Lan tổ chức tại TP HCM.
Ấn tượng khi gặp và trò chuyện với Nguyễn Hữu Dũng là cảm nhận chân thành pha lẫn hài hước từ một trái tim đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Tôi nhớ, lần đó khi trả lời câu hỏi của độc giả: “Cơ duyên nào đưa một người làm công tác khoa học, lấy bằng tiến sĩ về động cơ đốt trong lại đến với Henryk Sienkiewicz?”, ông Nguyễn Hữu Dũng trả lời: “Có lẽ trong văn của Henryk Sienkiewicz cũng có điểm tương đồng với động cơ đốt trong, nó cháy bằng chất gì đó trong tôi và trong những bạn đọc Việt Nam suốt nhiều năm qua”.
Câu trả lời tưởng như ví von đó dường như đã vận vào con người, vào tính cách của PGS.TS, dịch giả, nhà quản lý Nguyễn Hữu Dũng. Cái động cơ đốt trong ấy dường như vận hành liên tục để tạo ra năng lượng, thổi bùng lên ngọn lửa đam mê. Mê nghề. Mê làm việc có ích cho đời.
Khi rời bục giảng đại học, với cương vị mới ở VASEP, Nguyễn Hữu Dũng đã góp phần kiến tạo hành lang pháp lý, rồi bằng kiến thức, bằng trách nhiệm, bằng tâm huyết, VASEP đã kiên cường “chiến đấu” với Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) để đưa con cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam ra biển lớn. Nguyễn Hữu Dũng đã đưa ra đề án phát triển sản xuất và chế biến cá tra đến năm 2020 và những giải pháp phát triển trong giai đoạn hiện nay, khi yếu tố cạnh tranh đã bị quốc tế hóa.
Lãnh đạo Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam thăm “Trang trại biển” của Công ty Trấn Phú ở Phú Quốc |
Tháng 9-2017, trong buổi ra mắt 3 tác phẩm của Tadeusz Dolega Mostowicz (1898-1939, nhà văn tài hoa của văn học cận đại Ba Lan) do Nguyễn Hữu Dũng chuyển ngữ, tại Thư viện tổng hợp TP HCM, ông đã ngỏ lời mời một số nhà văn dự giới thiệu về Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (Vietnam Seaculture Association - VSA), được thành lập đã gần 1 năm, do ông chủ trì. Cuộc giới thiệu về VSA được thuyết trình bằng những video clip sinh động về nuôi trồng và xuất nhập khẩu hải sản.
Nuôi biển Việt Nam, cụm từ không chỉ kích thích sự tò mò, mà đã biến thành những hành động thiết thực.
Thế kỷ XXI được Liên Hiệp Quốc xác định là kỷ nguyên của kinh tế biển. 40 năm qua, hệ sinh vật biển chỉ còn một nửa. Con người đã và đang lấy đi từ biển cả nhiều hải sản hơn là khả năng tự tái tạo. Biển gần như cạn kiệt, năng suất khai thác biển Việt Nam còn khoảng 1/4 so với 20 năm trước.
Ngày 9-11-2017, “sinh nhật” đầu tiên của VSA được tổ chức tại Nha Trang, Khánh Hòa trước 1 ngày khi Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017 khai mạc tại Đà Nẵng.
Trước đó, VSA đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ Chương trình “Khởi nghiệp nuôi biển công nghiệp Việt Nam đến năm 2030” với những mục tiêu cụ thể và giải pháp rõ ràng, có tính khả thi cao. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc cụ thể với VSA.
VSA đã tiến hành hàng loạt hoạt động hợp tác quốc tế với các đối tác như Na Uy, Hà Lan, Đan Mạch và các tổ chức như Hiệp hội Xuất khẩu đậu tương Hoa Kỳ (USSEC), Tập đoàn Wieland, Oxfam, ASIC và nhiều tổ chức khác. Đặc biệt, VSA đã ký Thỏa thuận hợp tác với Đại học Nha Trang về các hoạt động phát triển nuôi biển công nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường làm việc với VSA, đã kết luận và nhấn mạnh: “Nuôi biển công nghiệp là một ngành kinh tế mới, ứng dụng công nghệ cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ quyết đồng hành cùng Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam phát triển bền vững ngành kinh tế này”.
VSA là tổ chức tập hợp các doanh nhân và nhà khoa học đi tiên phong trong khát vọng chung là canh tác biển theo phương thức mới. Đây là tầm nhìn về một lĩnh vực liên ngành, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho ngư dân, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần bảo vệ biển đảo của Tổ quốc và kết nối trong nước với thế giới, đưa Việt Nam thành cường quốc nuôi biển.
Sau đó, Tạp chí “Vươn khơi” ra mắt, là cầu nối thông tin cho cộng đồng nuôi biển, các doanh nhân, nhà khoa học, nhà nước và xã hội với phương châm “Nuôi biển - Vững bờ - Kết nối năm châu”.
Cũng trong dịp này, Chủ tịch VSA kiêm Tổng biên tập Tạp chí “Vươn khơi” Nguyễn Hữu Dũng đã có mặt tại Phú Quốc để cùng nhiều tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ cho Công ty Trấn Phú, doanh nghiệp tư nhân đầu tiên rời sông Hậu vươn ra biển lớn bằng phương thức nuôi thủy hải sản công nghiệp trên biển.
Tôi cũng có mặt tại Phú Quốc. Tôi gọi cho ông Nguyễn Hữu Dũng: “Ông có ý định tậu một miếng đất để cất một ngôi nhà ở hòn đảo xinh đẹp này không?”. Ông cười: “Ở tuổi này mình không muốn sở hữu thứ gì cả. Cho nhẹ nhàng, dễ di chuyển…”.
“Quo Vadis?” - tôi buột miệng. Nguyễn Hữu Dũng vẫn cười, nói tiếp: “Đi đến nơi nào thấy mình còn có ích và còn thời gian dành cho văn học”.
Bích Ngân
-
Cảng biển Việt Nam có 22 tuyến dịch vụ tàu mẹ đi thẳng Hoa Kỳ, châu Âu
-
Khánh Hòa: Xem xét đầu tư tuyến đường ven biển tại Khu Kinh tế Vân Phong
-
Mỹ quan tâm tới các dự án cảng biển, logistic và y tế tại Bà Rịa - Vũng Tàu
-
Hạ tầng nghề cá Nghệ An đối mặt với thách thức bồi lắng nghiêm trọng
-
Quảng Ninh: Nỗ lực khôi phục hoạt động nuôi trồng thủy sản