Vui buồn chuyện mang thai hộ: Nỗi niềm biết tỏ cùng ai
Nghị định được họ ví như chiếc phao cứu sinh, giải tỏa cho họ những áp lực tâm lý, những lo âu, thậm chí căng thẳng trong cuộc sống vợ chồng, cũng như với gia đình họ hàng nội ngoại hai bên.
Nhưng để thực hiện tốt, có hiệu quả, tránh những tiêu cực có thể xảy ra, chính quyền địa phương, người nhờ mang thai hộ, người mang thai hộ và các cán bộ, nhân viên y tế thực hiện kỹ thuật mang thai hộ cần có sự phối hợp chặt chẽ theo đúng tinh thần mà Nghị định số 10 đã đề ra…
1. Có lẽ trong cuộc đời mình - kể cả lúc thi đậu đại học rồi được cha mẹ thưởng cho một chiếc xe gắn máy - chị Hương cũng không vui mừng bằng lúc chị đọc trên báo, thấy Chính phủ ban hành Nghị định số 10, cho phép mang thai hộ. Chị nói với tôi mà mắt rơm rớm nước: "Vậy là vợ chồng em hy vọng có được đứa con rồi anh à".
Lấy chồng gần 6 năm nhưng chị Hương vẫn "câm như hến". Đi khám ở Bệnh viện (BV) Từ Dũ, bác sĩ kết luận chồng chị bình thường, nghĩa là trong tinh dịch có đủ số lượng tinh trùng và trên 75% là tinh trùng khỏe mạnh, di động tốt. Riêng với chị, bác sĩ cho biết tử cung của chị thuộc dạng nhi hóa - nghĩa là nó y như tử cung của một đứa bé nên dù có thụ thai, phôi thai cũng không phát triển được.
Chị nói: "Trước đây, tụi em cũng tính đến chuyện mang thai hộ, và một đứa em chồng của em tình nguyện giúp vợ chồng em trong việc này". Vẫn theo lời chị, dự định là vợ chồng chị cùng đứa em chồng sẽ sang Thái Lan để thực hiện thụ tinh nhân tạo bằng cách lấy tinh trùng của chồng chị, kết hợp với trứng của chị. Khi phôi thai đã thụ, nó sẽ được cấy vào tử cung của em chồng chị. Tôi hỏi sau đó, đứa bé sẽ được hợp thức hóa bằng cách nào? Chị Hương đáp: "Khi sinh con, em chồng em sẽ khai là… hoang thai rồi làm giấy tờ cho tụi em làm con nuôi nhưng nghĩ đi nghĩ lại, sợ vi phạm pháp luật nên tụi em ráng đợi. May mà Nhà nước ra nghị định kịp thời…".
Cũng cùng tâm trạng như vậy nhưng hoàn cảnh của anh Tiến đáng buồn hơn. Ngồi thẫn thờ trên chiếc ghế ở Khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ trong lúc chờ vợ tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ, anh Tiến cho biết, lấy nhau gần 5 năm nhưng vợ anh vẫn không có thai. Bây giờ đọc báo thấy Nhà nước cho phép mang thai hộ thì anh lại không có điều kiện để nhờ: "Mình có bà chị gái, đã có 2 con nhưng chồng chị ấy lại rất khó tính nên chuyện nhờ mang thai hộ chắc là không được".
Vẫn theo anh Tiến, hai năm trước, chị vợ của anh ly dị sau khi đã có một đứa con. Lúc ấy, người chị sẵn sàng mang thai hộ cho em gái nhưng luật chưa cho phép. Anh Tiến cười buồn: "Giờ chị ấy đi lấy chồng Đài Loan rồi. Còn đứa em gái của vợ mình thì chưa lập gia đình, đâu thể nhờ nó vì mình mà mang thai được. Mà có nhờ cũng chưa chắc nó đã chịu vì sau này còn ai dám lấy nó!".
Thật ra, không phải chỉ từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 10 trong đó quy định về việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, có hiệu lực từ ngày 15/3/2015 thì chuyện mang thai hộ mới nóng lên mà ngay từ năm 2012, dư luận đã xôn xao trước việc một "đại gia" ngoài 50 tuổi, vợ chồng lấy nhau nhiều năm nhưng không có con, đã nhờ bạn bè tìm giúp một phụ nữ đồng ý mang thai hộ. Gọi là "hộ" nhưng ông vẫn chấp nhận bỏ ra một khoản tiền lớn để chi trả cho việc này.
Qua sự giới thiệu của bạn bè, đã có nhiều cô gái đến gặp ông nhưng ông đều lắc đầu bởi lẽ có người là cave chuyên nghiệp, có người lại quá xấu hoặc trí thông minh dưới mức trung bình. Cuối cùng, một người bạn giới thiệu cho ông một cô ca sĩ.
Tiếp xúc với cô ca sĩ ấy, "đại gia" khá ưng ý vì cô xinh xắn, vóc dáng đẹp, lại có học thức. Tuy nhiên cô ra giá khá cao. Nếu muốn nhờ cô "mang thai hộ", "đại gia" phải trả công cho cô 700 triệu tiền mặt kèm với một ngôi nhà trị giá 3 tỉ đồng. Chẳng rõ việc này rồi có được thực hiện hay không nhưng xem ra cái đường con cái nó quan trọng lắm, và người ta sẵn sàng hy sinh cả vài tỉ bạc để có được một đứa con, trong lúc bà Tám bán bánh cuốn ở gần nhà tôi, ngày nào cũng thở ngắn than dài vì đẻ nhiều quá, những 8 đứa, nuôi không nổi.
Phút giây hạnh phúc khi đứa bé chào đời.
Có cầu ắt có cung, trên mạng Internet, một cô rao công khai rằng cô sẵn sàng mang thai hộ cho những đôi vợ chồng hiếm muộn với giá 100 triệu đồng. Một cô khác thì thấp hơn, chỉ 60 triệu nhưng kèm thêm điều kiện là phải nuôi cô ta ăn ở kể từ khi mang thai cho đến lúc đứa bé chào đời.
Bác sĩ Nguyễn Giang Hồng, nguyên Trưởng khoa Sản, BV Quận 3 TP HCM cho biết thời gian còn công tác, cũng đã có nhiều người đến gặp ông, nhờ ông tư vấn về chuyện mang thai hộ nhưng lúc ấy do chưa có luật nên ông chỉ giải thích cho họ biết về mặt kỹ thuật, rằng mang thai hộ là gì và thực hiện như thế nào rồi khuyên họ kiên nhẫn bởi lẽ trước một vấn đề mang tính nhân văn như thế, sớm muộn gì các ngành chức năng cũng sẽ thể chế hóa bằng luật thôi.
Tuy nhiên, thời gian đâu chờ đợi ai, nhất là với những người lớn tuổi. Và thế là họ chọn con đường ra nước ngoài - chủ yếu là Thái Lan với mong muốn có được một đứa con. Trên mạng Internet, rất dễ dàng tìm thấy hàng chục trang web chuyên kinh doanh dịch vụ này với những cam kết về sự thành công đến nỗi "kiến trong lỗ cũng phải bò ra".
Trước đây, chúng tôi đã từng sang Bệnh viện Samitivej chuyên về mang thai hộ ở Thái Lan để lấy tư liệu viết bài, và nhận thấy cứ 10 cặp vợ chồng vào đây thì có đến 6 cặp là người Việt Nam. Ở trong nước, một vài bác sĩ cũng lặng lẽ… xé rào, thực hiện kỹ thuật mang thai hộ cho vài cặp vợ chồng và phần lớn đều thành công.
2. Bình thường, cơ quan sinh dục trong của phụ nữ bao gồm âm đạo, tử cung, 2 vòi trứng và 2 buồng trứng. Đến tuổi dậy thì, dưới tác động của hai chất nội tiết tố (hormone) là progesteron và estrogen, một trứng sẽ chín rồi rụng. Sau đó, theo vòi trứng, nó di chuyển xuống tử cung.
Trên đường đi, đến đoạn 1/3 của vòi trứng và nếu trứng gặp tinh trùng thì hiện tượng thụ thai sẽ xảy ra. Lúc này, trong lòng tử cung, các mạch máu nhỏ ở niêm mạc cũng cương lên, chuẩn bị cho phôi thai làm tổ. Nhưng nếu hiện tượng thụ thai không xảy ra thì trứng sau khi xuống đến tử cung, nó sẽ chỉ sống được 48 giờ rồi khoảng 12 đến 15 ngày sau, các mạch máu nhỏ sẽ tự động vỡ, máu thoát ra ngoài, tạo thành hiện tượng kinh nguyệt.
Còn nếu đã thụ thai, vì một lý do gì đó mà phôi thai lại không di chuyển nữa, cứ nằm yên một chỗ ở đoạn 1/3 vòi trứng thì y học gọi đó là "thai ngoài tử cung". Đây là một bệnh lý sản khoa nguy hiểm mà nếu không được mổ cấp cứu kịp thời, người mẹ có nguy cơ tử vong.
Thế nhưng, không phải bất cứ người phụ nữ nào cũng có cấu trúc cơ quan sinh sản bình thường như thế. Theo những thống kê chưa đầy đủ của BV Từ Dũ, BV Hùng Vương, tỉ lệ vô sinh của phái nữ ở các tỉnh, thành phía Nam khá cao mà nguyên nhân là do bệnh lý nên đã phải cắt bỏ tử cung, hoặc bẩm sinh không có tử cung, hoặc tử cung nhi hóa.
Chờ đợi trong hy vọng ở Khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ.
Bác sĩ Đào, BV Từ Dũ nói: "Ngoài ra, với những người đã từng thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cùng các phương pháp khác mà vẫn không có thai, hoặc tiền sử bị sẩy thai liên tiếp nhiều lần, hoặc mắc những bệnh mãn tính như suy tim, suy thận cũng rất khó có thai…". Bác sĩ Nguyễn Giang Hồng, cho biết: "Bên cạnh đó, vô sinh ở phụ nữ còn do nhiều vấn đề khác nữa, chẳng hạn như do yếu tố nội tiết, hoặc cả hai bên vòi trứng đều có u nang lớn khiến trứng không xuống được và tinh trùng cũng không lên được, hoặc trong lòng tử cung có nhiều nhân xơ kích thước lớn…".
Chỉ một ngày sau khi Nghị định số 10 có hiệu lực thi hành, tại BV Từ Dũ, là một trong 3 BV được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, đã có những cặp vợ chồng đến để tìm hiểu về cách thức và thủ tục.
Anh Dương, vợ là chị Ngọc cho biết: vợ anh đã phải cắt bỏ một nửa tử cung vì bệnh lý, nay có người chị bà con bên vợ, bà này có chồng và đã có 3 con, đồng ý mang thai hộ thì có thực hiện được không. Bà Hảo, 48 tuổi, có con gái 20 tuổi, tình nguyện mang thai hộ cho con vì con bà lấy chồng nhưng không sinh đẻ được do lúc chào đời, nó không có tử cung. Mặc cho họ hàng thân thuộc dè bỉu, rằng nếu đẻ ra thì đứa bé vừa là con bà, lại vừa là cháu bà. Còn với con gái bà, nó vừa là con và cũng là em thì chịu đời sao thấu! Nhưng mặc kệ, ai nói gì thì nói, bà vẫn cương quyết thực hiện ý định.
Trò chuyện với chúng tôi, bà cho biết: "Tui chỉ lo là tuổi tác chừng này, hổng biết cái thai nó có chịu "đậu" không, đậu được rồi có giữ nổi không? Nếu bác sĩ biểu là được thì ai nói gì kệ họ. Con tui, tui lo cho nó". Chàng rể trẻ măng, mới 22 tuổi đứng xớ rớ bên cạnh, nghe bà mẹ vợ mạnh miệng thì mặt đỏ rần, mắt mũi ngó nghiêng đi chỗ khác. Chắc cậu ta mắc cỡ khi nghĩ đến mai kia, cái bụng của bà mẹ vợ bỗng dưng to thè lè mà đứa bé trong đó là con của cậu!
Với ông Hải, khoảng 40 tuổi, tướng tá phương phi nhưng mặt mũi lại nhăn nhó. Trò chuyện với chúng tôi, ông nói rất thiểu não: "Vợ tôi không như người ta, tử cung, buồng trứng đều chuẩn hết. Khốn nạn ở chỗ là tim bả bị hẹp khít van 2 lá, đã từng nhồi máu não 2 lần, bác sĩ bảo không được phép có thai vì rất dễ xảy ra những biến chứng nguy hiểm. Qua tìm hiểu, tôi biết những trường hợp như vợ tôi nếu mang thai thì có thể được con, mất mẹ hoặc được mẹ, mất con. Lắm khi mất cả mẹ lẫn con. Sau 4 năm điều trị, đi tái khám bác sĩ vẫn khuyên như thế. Bây giờ chắc tôi phải nhờ ai đó bên phía bà con họ hàng mang thai giùm".
3. Theo Nghị định số 10, mang thai hộ chính danh nghĩa là con sinh học của một cặp vợ chồng - nhưng do một phụ nữ khác mang trong tử cung của họ. Mang thai hộ được chỉ định trong trường hợp phụ nữ không có tử cung hoặc dị dạng tử cung bẩm sinh, hoặc đã bị cắt tử cung nên không thể mang thai được nữa.
Bên cạnh đó, mang thai hộ còn được phép trong trường hợp phụ nữ mắc các bệnh mà việc mang thai có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và thai nhi, người sẩy thai nhiều lần, tử cung không thể giữ thai đến đủ tháng hoặc thất bại nhiều lần với kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Thỏa thuận mang thai hộ phải có thông tin đầy đủ, cam kết thực hiện quyền và nghĩa vụ của cả hai bên, lập thành văn bản có công chứng, có xác nhận của cơ sở y tế thực hiện và không được ủy quyền cho bên thứ ba.
Người mang thai hộ phải là người thân thích, đã có con, bao gồm chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha, được xác nhận đủ điều kiện của tổ chức y tế và chỉ được mang thai hộ một lần. Trường hợp người mang thai hộ đã có gia đình thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.
Khi biết rõ những thông tin này, chị Hà, mặt ỉu xìu như bánh tráng nhúng nước, nói với chúng tôi: "Vậy là em không may mắn rồi". Hỏi ra mới biết người đồng ý mang thai dùm chị là một người bà con, chưa chồng và cũng chưa sinh con lần nào!
Vẫn theo Nghị định số 10, vợ chồng nhờ mang thai hộ, người mang thai hộ, trẻ được sinh ra nhờ mang thai hộ được đảm bảo an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện.
Bác sĩ Đào cho biết: "Người mang thai hộ sẽ được tư vấn về quá trình thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ, các nguy cơ, tai biến có thể xảy ra khi mang thai, các khó khăn khi thực hiện mang thai hộ. Bên cạnh đó, họ cũng được giải thích về tỉ lệ thành công có thể rất thấp nếu dự trữ buồng trứng của người vợ thấp hoặc người vợ trên 35 tuổi…", chưa kể chi phí cho việc thụ tinh trong ống nghiệm khá cao, khả năng có thể có 2 hoặc 3 thai nhi và cũng có thể phải mổ lấy thai hoặc thai nhi bị dị tật, thai phải hủy…
Theo ANTG
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị
-
Luật Điện lực (sửa đổi): Các khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy và bổ sung theo tinh thần NQ55 và KL76
-
Nhà nước là chủ sở hữu vốn nhưng không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp