Vụ tòa nhà 'pháo đài dòm Lăng Bác': Đích danh thủ phạm tên là… thanh tra (xây dựng Hà Nội)!
Trước hết phải khẳng định việc cấp Giấy phép xây dựng cho dự án này đã được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo quy hoạch, mỹ quan đô thị và có xem xét đến các yếu tố an ninh. Các cơ quan chức năng như Bộ Xây Dựng, Sở Xây dựng Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã làm đúng quy trình, và có xem xét đến các yếu tố như “nhạy cảm” về cảnh quan đô thị, khi xét duyệt, thẩm tra, cấp phép cho chủ đầu tư.
Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ, đã nêu rõ việc cấp phép cho dự án 8B Lê Trực đã được xem xét dựa trên Quy hoạch chi tiết khu Trung tâm chính trị Ba Đình, tỷ lệ 1/2.000 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2411/QĐ-TTg ngày 10-12-2013; Quy hoạch chi tiết trục đường Cầu Giấy-Kim Mã-Hùng Vương tỷ lệ 1/500 năm 1998; thống nhất ý kiến với các đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng... Và cũng chính vì xem xét các yếu tố về cảnh quan, an ninh nên Giấy phép xây dựng dự án mới yêu cầu phải xây giật cấp, chiều cao tối đa là 53m...
Toà nhà được ví là “pháo đài dòm Lăng Bác” do có quy mô đồ sộ và nằm cách quảng trường Ba Đình khoảng 400m |
Điều này cũng được UBND thành phố Hà Nội khẳng định tại văn bản số 6885/UBND-TH về việc quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng dự án tại 8B Lê Trực gửi các cơ quan truyền thông: Việc cho phép lập dự án, chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc, cấp Giấy phép xây dựng đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Dự án được triển khai theo chủ trương của nhà nước di dời cơ sở sản xuất trong khu vực nội đô.
Vị trí khu đất dự án cũng nằm ngoài ranh giới Quy hoạch chi tiết Trung tâm chính trị Ba Đình, không có quy định cụ thể khống chế về chiều cao tối đa của công trình.
Thứ hai, về vấn đề công trình, văn bản 6885/UBND-TH nêu rõ: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 7653/VPCP-KTN ngày 24/9/2015 về việc phản ánh của báo Năng lượng Mới đối với công trình cao tầng tại số 8B Lê Trực, quận Ba Đình, Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã khẩn trương thành lập Tổ công tác liên ngành, phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ Xây dựng tiến hành kiểm tra hồ sơ và thực tế công trình tại địa chỉ trên.
Căn cứ theo Giấy phép xây dựng cấp cho dự án, UBND thành phố Hà Nội xác định chủ đầu tư “pháo đài dòm Lăng Bác” đã làm sai so với thiết kế, quy hoạch được cấp. Theo đó:
Về khoảng lùi: Từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36m so với khối đế song chủ đầu tư đã không thực hiện.
Phần giật cấp đầu hồi phía đông theo thiết kế từ độ cao 44m công trình giật cấp vào 15m và tại độ cao 50m, công trình giật cấp tiếp thêm 5,3m về phía Tây nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.
Về chiều cao công trình, theo Giấy phép xây dựng, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53m nhưng hiện chủ đầu tư đã tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19 khiến tổng chiều cao thực vào khoảng 69m, vượt 16m, tương đương 5 tầng.
Về diện tích sàn, Giấy phép xây dựng là 29.874m2 nhưng diện tích thực vào khoảng 36.000m2, vượt 6.126m2.
Tại văn bản trên, UBND TP Hà Nội khẳng định: Những vi phạm xây dựng của chủ đầu tư về chiều cao tầng, diện tích xây dựng, kiến trúc công trình, khoảng lùi, giật cấp, hình dáng kiến trúc... so với Giấy phép xây dựng là vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến hình dáng công trình và không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực.
Sai phạm của chủ đầu tư “pháo đài dòm Lăng Bác” - Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Phát triển thương mại Kinh đô (Kinh đô TCI Group) - như vậy là hết sức rõ ràng, thậm chí là đặc biệt nghiêm trọng khi đã phá vỡ hoàn toàn cấu trúc, thiết kế công trình cũng như quy hoạch được duyệt.
Nhưng ở đây, nếu nói sai phạm của Kinh đô TCI Group 1 thì phải nói đến trách nhiệm của các lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý trật tự xây dựng mà cụ thể là lực lượng Thanh tra xây dựng của Hà Nội 10!
Sai phạm của Kinh đô TCI Group có thể hiểu là xuất phát từ lòng tham, vì lợi nhuận - bản chất cố hữu của bất kỳ doanh nghiệp nào, đặc biệt là khi đứng trước món lớn tại một dự án bất động sản ở một trong những khu đất “vàng” giữa trung tâm thủ đô. Còn các lực lượng thanh tra xây dựng thì vì cái gì?
Kinh đô Tower không phải “con kiến”, thậm chí nếu so chiều cao nó có thể xếp vào hàng những toà cao nhất trong khu vực. Kinh đô Tower đúng nghĩa vì thế phải là “con voi”. Nhưng “con voi” lại “lọt lỗ kim” khi mà nhiều năm nay, lực lượng thanh tra xây dựng của Thủ đô đã “không nhìn thấy”.
Theo Quyết định 639/QĐ-UBND về việc xác định lại chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Thanh tra xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng Hà Nội của UBND thành phố Hà Nội thì một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Thanh tra xây dựng là quản lý xây dựng theo quy hoạch, trực tiếp kiểm tra, xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng...
Như vậy, lực lượng thanh tra xây dựng của Hà Nội đã không làm tròn trách nhiệm được giao, thậm chí, theo văn bản 6885 thì rõ ràng là có vấn đề.
Cụ thể: Trong quá trình xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng, Đội Thanh tra xây dựng quận Ba Đình, UBND phường Điện Biên nhiều lần kiểm tra, xử lý các vi phạm (được thể hiện tại 27 văn bản của các cơ quan).
Tuy nhiên, việc kiểm tra không thường xuyên và kịp thời, xử lý những sai phạm không kiên quyết và triệt để, nên dẫn đến xảy ra sai phạm nghiêm trọng như hiện nay.
Vấn đề ở đây là gì? Họ không biết hay là đã cố tình làm ngơ cho những sai phạm ở Kinh đô Tower để rồi khi báo chí lên tiếng, Thủ tướng yêu cầu làm rõ thì mọi chuyện mới được sáng tỏ?
Nếu nói lực lượng thanh tra không biết, không phát hiện được những sai phạm tại Kinh đô Tower dù hết thanh tra Sở lại đến Đội thanh tra của quận, của phường đến kiểm tra thì rõ là không tưởng.
Theo thiết kế, toà nhà xây đến tầng 8 phía đường Trần Phú kéo dài, công trình phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36m so với khối đế. Xin nhấn mạnh là tầng 8 và khoảng cách lùi cao tầng 3,36m, khoảng cách này chắc chắn không quá xa và khoảng lùi 3,36m là đủ lớn để chỉ bằng mắt thường, ai cũng có thể quan sát thấy.
Tuy nhiên, như đã nói, “con voi” Kinh đô Tower với hàng loạt sai phạm về kiến trúc lại dễ dàng qua mặt được lực lượng thanh tra!
Hẳn những ai ở Hà Nội từng xây nhà, hay thậm chí là sửa nhà thôi sẽ hiểu “độ nhạy” của đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, quản lý trật tự xây dựng ở thủ đô như thế nào. Một đống phế liệu đổ đầu đường phút trước, phút sau là có người đến “gõ cửa” ngay. Xây nhà tít trong ngõ sâu, cái ô văng cửa thiết kế lẽ ra 30cm nhưng nhỡ gia chủ có xây ra 35cm là có cán bộ thanh tra đến bắt đập ngay.
Đấy là chưa kể đến chuyện xin Giấy phép xây dựng xong, thanh tra xây dựng cứ nay đến ngó, mai đến ngó xem chủ nhà có xây đúng theo thiết kế không. Cái cầu thang đang ở góc trái nhà đẩy sang bên phải là cũng bị phạt, bị bắt dỡ, chuyển đúng vị trí đã thiết kế ban đầu...
Nhắc đến những chuyện này để khẳng định một điều, hầu hết những vấn đề to nhỏ về trật tự xây dựng ở Hà Nội không dễ “lọt” qua mắt lực lượng thanh tra. Vậy nên, trong vụ việc “pháo đài dòm Lăng Bác”, bên cạnh vấn đề xử lý sai phạm của chủ đầu tư, Hà Nội cũng cần phải xem xét trách nhiệm của lực lượng thanh tra xây dựng-những người là “tai, mắt” của chính quyền thủ đô trong lĩnh vực xây dựng!
Có thể khẳng định rằng, nếu chủ đầu tư sai Một, thì những người có trách nhiệm thanh tra, giám sát việc xây dựng công trình này sai Mười. Nếu không có sự đồng lõa, hoặc tiếp tay cho chủ đầu tư xây dựng, thì làm sao có thể xây nổi công trình to vật vã như thế.
Đây là những sai phạm nghiêm trọng, gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Có lẽ cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải điều tra làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đã gây ra việc này.
Vụ tòa nhà 8B Lê Trực nhìn từ câu chuyện xây bảo tàng dưới chân Cột cờ | |
Chủ đầu tư 'pháo đài dòm Lăng Bác' tự ý tăng chiều cao 16m | |
Báo chí nói gì về tòa "pháo đài" bên Lăng Bác |
Thanh Ngọc
-
Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
-
Cân nhắc việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia
-
Bộ Trưởng Bộ Công Thương: Điện phải đi trước một bước
-
Khuyến khích đầu tư các dự án điện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo
-
Cần chính sách rõ ràng cho năng lượng gió ngoài khơi