'Vọng phu' xóm biển
1.Trong truyền thống của các làng chài miền Trung, đàn bà chỉ ở nhà lo chăm sóc gia đình, làm những việc vặt, cùng lắm là tham gia kéo lưới rùng bắt cá ven bờ... Tuyệt nhiên không đi biển xa.
Thời trước, khi mà phương tiện liên lạc giữa tàu đi khơi với đất liền còn thô sơ, chưa có Icom hay định vị GPS; những người ở nhà đâu biết người thân đi biển xa sống chết thế nào, chỉ ước định được khoảng thời gian trở về.
Và cứ chiều chiều, những người đàn bà làng chài miền Trung lại ngóng về phía biển, chờ chồng, chờ con mình trở về. Và rất nhiều người trong số họ cứ chờ mãi, chờ mãi chẳng thấy chồng, thấy con mình trở về. Ở Bình Châu, có một xóm toàn những người đàn bà góa chồng, “vọng phu” vọng biển.
Những đứa trẻ bên những người đàn bà góa bụa |
Chiều cuối năm, bà Nguyễn Thị Hào (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu) ngồi tựa mình vào ô cửa trước nhà. Cũng ô cửa đó, hơn 7 năm về trước, chiều nào bà cũng tựa mình vào đó ngóng ra phía biển khi nghe tin có cơn bão bất thường đầu năm 2008 trên biển Đông.
“Tháng ba, bà già đi biển”, thế mà cơn bão tháng ba âm lịch năm ấy, đã cướp đi chồng, con của bà Hào, của nhiều người phụ nữ trong cái thôn nghèo này.
Trên con tàu mà chồng và con bà Hào là ông Nguyễn Huê và anh Nguyễn Văn Quang đi chuyến ấy có tất cả 10 người, nhưng chỉ duy nhất một người sống sót do cột được tay vào hai can nước, trôi dạt 4 ngày trên biển mới được một tàu cá Bình Định vớt lên. 9 người còn lại, mất xác giữa biển khơi.
Trong chuyến biển ấy, còn có người em trai Nguyễn Văn Trung của ông Huê cũng gặp nạn. Chờ mãi, mỏi mòn không thấy chồng con mình, hai chị em dâu ôm nhau khóc hết nước mắt. Vẫn nuôi hy vọng chồng mình trôi dạt vào một nơi nào đó, đang tìm đường mà về với vợ con; hai chị em dâu ngày ngày ngồi bậc cửa ngóng chồng.
Một năm, hai năm, rồi ba năm không thấy chồng con trở về, họ đành mời thầy cúng về sắm lễ, vẽ hình hài người đã khuất lên giấy, photo chứng minh thư làm lễ gọi hồn về nhập. Rồi bỏ mảnh giấy vào quách, đem ra nghĩa trang chôn.
Ở Bình Châu này, và nhiều vùng biển khác, những ngôi mộ gió, mộ chiêu hồn như vậy không phải là hiếm.
Chung ngày giỗ chồng với hai chị em bà Hào còn có bà Trần Thị Đúng. Ông Phạm Thanh Hải chồng bà Đúng cũng chết trong chuyến biển, khi vừa 49 tuổi. Ngày ông Hải chết, bà Đúng bơ vơ, khóc ngất bên năm người con.
Rồi nỗi đau nào cũng phải nguôi, người đàn bà xóm biển gắng gượng dậy. Làm lụng, buôn bán lặt vặt nuôi 5 đứa con. Ấy vậy mà đã gần 10 năm trôi qua, đến giờ bà Đúng đã có 3 cháu ngoại. Cuộc sống của họ cứ vậy tiếp diễn, có thể vì cơm áo mưu sinh, cả năm cả tháng chỉ trò chuyện với nhau vài ba lần.
Thế nhưng cứ đến tháng ba âm lịch, họ lại có chung ngày giỗ chồng. Cơn bão số 1 đầu tháng ba âm lịch năm 2008, sẽ còn mãi mãi ám ảnh đời họ. Tiếng bà Hào hỏi người em dâu, “xóm mình còn đứa nào nhỉ, con Sinh, con Thảo, con Tuyết phải không hè” làm những người khách lạ ở xa như chúng tôi không khỏi nhói lòng. Nghĩa là chỉ riêng ở xóm này thôi, còn nhiều lắm những người đàn bà góa chồng do biển.
Những người đàn bà xóm chài ngóng chồng trở về sau mỗi chuyến đi biển |
Xóm Gành Cả nằm cuối con dốc trong thôn Châu Thuận Biển. Con đường được lát bằng đá, qua bao năm đã xanh màu nắng mưa. Gọi là xóm Gành Cả vì ở đây có một gành đá, nhô ra phía biển, ngày ngày hứng sóng ầm ào từ ngoài khơi xa. Ở bãi cát gần gành đá ấy, chiều chiều có một người đàn bà đem lưới ra đan.
Và như lời chị kể, đến đêm khi chìm vào giấc ngủ chị hay mơ về chồng chị vẫn còn khỏe mạnh, đang bủa lưới ngoài xa, chứ chưa chết vì bão biển. Người đàn bà ấy tên Phạm Thị Bảy, mất chồng trong cơn bão biển cuối năm 2005. Anh Nguyễn Đình An chồng chị nằm lại với biển, để lại hai đứa con nhỏ cùng gánh nặng nghèo khó lên vai chị Bảy. Vì sức khỏe yếu, từ ngày ấy chị Bảy chỉ ngồi ven chân sóng đan lưới cho các gia đình trong xóm, lấy tiền nuôi con.
Ấy vậy mà cũng đã 10 năm, kể từ ngày chị thành người góa chồng. Chị Bảy kể, ngày nghe tin chồng mất, chị cứ lặng nhìn ra biển rồi nước mắt chảy tràn. Đến tận bây giờ, chiều chiều ngồi đan lưới ven chân sóng, thấy những mảnh gỗ nhỏ bị sóng đánh dạt vào bờ từ mãi tận đâu, chị cũng lại nghĩ đến anh.
Sau 7 năm, bà Nguyễn Thị Hào vẫn không cầm được nước mắt khi nhắc về cơn bão đã cướp đi chồng và con trai mình |
Ở xóm Gành Cả này, còn có những người đàn bà hai lần chịu nỗi đau mất người thân vì biển. Chiều ấy, bà Nguyễn Thị Dục có việc nên không có nhà, chúng tôi không gặp được. Nhưng người trong xóm kể lại rằng, khi mới hơn 40 tuổi, bà Dục mất chồng trong một ngày cuối năm, cũng do bão biển. Chờ mãi không thấy chồng về, bà đành phải làm mộ gió cho chồng. Rồi bà ở vậy, nuôi đứa con trai Nguyễn Thanh Dũng lớn lên.
Đến tuổi trưởng thành, cũng như những thanh niên làng biển khác, Dũng lại ra khơi bám biển như cha mình. Thế rồi năm 2008, Dũng bỏ mẹ ra đi trong một chuyến biển, cũng ngày cuối năm. Năm ấy, Dũng vừa tròn 25 tuổi, đi biển được 3 năm. Bà Dục lại làm mộ gió cho con.
Từ đó, bà Dục lầm lũi trong căn nhà nhỏ, cứ vậy ngày này qua năm khác. Trong cuộc đời, hai lần phải làm mộ gió cho người thân rồi chỉ biết nhìn những bức di ảnh mà khóc, nỗi đau của người đàn bà này phải chịu là quá lớn.
2. Lật cuốn sổ đã nhòe chữ, chốc chốc lại đưa tay lên chỉnh lại vị trí cái kính cho vừa tầm mắt, ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu khó nhọc thống kê lại những trường hợp bị thiên tai, mất tích, bị tấn công trên biển của ngư dân xã này từ năm 2008 đến năm 2014.
Ông bấm đốt ngón tay đếm rồi nói “cả thằng Bảy mới bị bắn là 25 người chết, tổng số vụ bị tai nạn, thiên tai, tấn công là 77; thiệt hại hơn 38 tỉ”... Bao nhiêu người đàn ông nằm lại với biển, là bấy nhiêu người đàn bà ở đất liền bỗng hóa đá “vọng phu”.
Đầu tháng 12, ở nơi hàng dương nơi xóm chài nghèo, ở đó tiếng kèn réo rắt, não nề. Bên góc nhà, chị Mai Thị Long, vợ ngư dân Trương Đình Bảy ngồi trong góc nhà, đôi mắt đỏ đục vì nước mắt những ngày qua, nhìn vô hồn ra phía cửa. Vậy là, ở Bình Châu, lại thêm một người đàn bà góa chồng vì biển.
Từ chiều ngày 28-11, nghe tin chồng bị bắn chết qua I-com, chị Long ngất lịm đi, gia đình phải gọi bác sĩ vào tiêm thuốc, truyền nước. Thỉnh thoảng, mỗi khi tỉnh dậy, chị lại gọi tên chồng rồi quay sang hỏi mọi người: “Vì sao họ lại bắn chết chồng tôi?”
Gia đình anh Bảy, chị Long nghèo, chỉ có vài sào ruộng, lúa không đủ ăn. Anh Bảy đi phụ nấu cơm và giữ tàu trong các chuyến biển, vì sức khỏe yếu. Thế nên thu nhập không được là bao nhiêu. Chị Long ở nhà, xay cá bán ở chợ. Hai anh chị lấy nhau đã 25 năm, có 3 người con.
Trước chuyến biển định mệnh này, anh Bảy bảo với chị Long, về rồi anh sẽ nghỉ ở nhà, phụ chị xay cá ở chợ, sớm tối vợ chồng có nhau. Ấy vậy mà chỉ sau 5 ngày rời cảng Sa Kỳ đi biển, lời hứa giản đơn ấy, anh Bảy cũng không còn cơ hội thực hiện.
Câu chuyện của chị Long, bà Hào, bà Dục làm tôi chợt nghĩ đến hình ảnh những người phụ nữ ở làng chài Xuân Hà (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) sau bão Chanchu 2006. Những người ở các xóm chài này kể lại rằng, trong suốt những tháng năm đi biển của mình, họ chưa bao giờ gặp phải một cơn bão như vậy.
Chanchu trái mùa, hình thành trong tháng 5, tháng mà lẽ ra là mùa biển lặng; sức gió Chanchu tàn khốc, có những lúc lên đến 175km/h. Cơn bão này thay đổi đường đi liên tục, đầu tiên di chuyển theo hướng Tây, rồi đột ngột chuyển lên hướng Bắc. Hướng di chuyển của cơn bão xem trên tổng hợp ảnh mây vệ tinh sau này, như một khúc cua gấp, vuông góc và đột ngột.
Chính sự khó lường này làm các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn cả trong nước và quốc tế đều dự đoán sai đường đi của bão. Và “khúc cua gấp, đột ngột” của bão Chanchu đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngư dân miền Trung trong năm ấy. Trong số đó, phần lớn không tìm thấy thi thể, mãi mãi nằm lại với biển khơi.
Và trên bãi biển Thanh Khê ngày ấy, lúc nào cũng có những người đàn bà ra nơi đây chờ đợi, khóe chân chim luôn tràn nước mắt, lầm rầm khấn vái mong một phép mầu cho chồng, cho con mình còn sống trở về sau cơn bão tàn khốc.
Rồi khi những con tàu chở đầy thi thể những người ngư dân chết bão trở về, chờ đưa từng người lên bờ nhận diện. Có những người đàn bà làng biển, khi nhận diện được chồng, được con mình cũng là lúc họ ngất đi, vì nỗi đau quá lớn.
Những người ở thôn Châu Thuận Biển này kể, mỗi năm cứ đến mùa biển động, bão gió là thỉnh thoảng lại thấy hình ảnh một người đàn bà chạy vụt ra phía biển, gào khóc, kêu tên chồng mình.
Họ là những người mất chồng, trong một chuyến biển nào đó, do giống gió, thiên tai hoặc bị tấn công. Người miền biển này bảo, “đi biển là nghề hồn treo cột buồm, trời kêu ai nấy dạ, biết sao”.
Những người đàn bà miệt biển này sau khi mất chồng, thường trung trinh thờ chồng, nuôi con, hầu như không ai đi bước nữa. Dù có nghèo khó, vất vả thì họ cũng làm mọi cách nuôi những đứa trẻ khôn lớn. Rồi chờ ngày lại tiễn đứa con trai ra biển, như cha, như ông chúng.
Không phải chỉ ở thôn Châu Thuận Biển, ở Bình Châu này mà hầu như tất cả các làng biển tôi từng đi qua, những người đàn bà làng biển đều vậy. Trung trinh, son sắt.
Ông Tiêu Viết Là trở về với gia đình sau những chuyến đi biển kinh hoàng của mình |
3. Ở thôn Châu Thuận Biển còn có những người đàn bà nhiều lần suýt trở thành góa bụa, khi chồng mình nhiều lần đối mặt với hiểm nguy trên biển. Trường hợp này, phải kể đến bà Nguyễn Thị Bưởi, vợ lão ngư Tiêu Viết Là - người 4 lần bị bắt giữ, giam cầm trên biển.
Bà Bưởi bảo, trong những chuyến biển ông ấy đi, có người chết, có người bị đạn bắn đến thương tật suốt đời, ông ấy cũng bị đánh đến ốm yếu cả người. Nhưng còn sống về với mẹ con tôi, đó là cái phúc của gia đình tôi rồi. Rồi bà nói, để tôi gọi ông ấy về, kể chuyện đi biển của ông ấy cho nghe.
Chúng tôi lặng lẽ đi theo bà ra gành đá trước nhà, thấy một người đàn ông ngồi lặng mình trước sóng, mặc cho vợ gọi về nói ở nhà có khách. Một lát sau, người đàn ông ấy mới đứng dậy, chậm rãi, uể oải như thể không hài lòng vì có người làm gián đoạn cuộc trò chuyện giữa ông với biển.
Ông Là tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, bên cạnh bàn uống nước là một bể cá đầy ắp những cành san hô. Ông bảo, ngày nghỉ đi biển, ông lấy chúng từ Hoàng Sa về, để trưng trong nhà cho đỡ nhớ vậy đó. Ông Là năm nay 54 tuổi, đi biển từ năm 14 tuổi, nghỉ biển đã 3 năm nay. Ở cái xã biển Bình Châu này, nghỉ ra khơi như vậy cũng gọi là sớm.
Nhưng ông bảo, nghỉ thôi, qua nhiều trận, yếu lắm rồi, trái gió, trở trời, đau không chịu nổi. “Trận” mà ông nhắc đến ở đây, là những lần bị phía Trung Quốc bắt giam, rồi đánh đập. Ông Là nheo mắt nhìn lên phía trần nhà, bấm đốt ngón tay nhớ lại. Bốn lần bị bắt, vào bốn năm 2006, 2007, 2009, 2010. Lần nào cũng là những tiếng súng sát rạt, những trận đòn thừa sống thiếu chết.
Năm 2006, trên biển có áp thấp nhiệt đới, tàu ông Là chạy vào đảo núp gió rồi bị tàu Trung Quốc bắt giữ trái phép, lấy sạch tài sản, chỉ chừa cho đủ dầu, đủ nước ngọt chạy về đất liền. Năm 2007, cũng tại vùng biển Hoàng Sa, tàu ông đang lặn bắt vú nàng, hải sâm thì thấy tàu Trung Quốc ở xa có ý định tiếp cận. Ông Là cho tàu phóng hết tốc lực bỏ chạy.
Không ngờ lần này, tàu Trung Quốc nổ súng, những ghe nhỏ với thùng phuy trên boong, lỗ chỗ thủng, nát bươm. Đạn họ bắn nhiều như vãi trấu, xuyên qua mọi thứ đồ đạc rồi găm vào thân thể 6 ngư dân trên tàu, máu tuôn ra xối xả.
Lúc này, trên tàu có tất cả 12 người, ông là thuyền trưởng, cũng là chủ tàu. Nếu chạy thẳng về đất liền, thì 6 ngư dân này sẽ chết vì mất máu nên ông cho tàu quay lại, đâm thẳng vào đảo Phú Lâm.
Rồi ông kể tiếp, thấy anh em trên tàu khiêng 6 ngư dân máu me bê bết ra khỏi boong, thấy bị nặng quá, phía Trung Quốc điều trực thăng chở những người này đi đảo Hải Nam chữa trị. 6 người còn lại, cũng bị đưa lên trực thăng đưa về Hải Nam nhốt 20 ngày.
Sau chuyến biển ấy, chủ tàu là ông Tiêu Viết Là mất sạch tài sản, còn 6 ngư dân trở về, với những vết sẹo khắp thân thể do bị bắn. Rồi ông Là cùng bà Bưởi lại tiếp tục vay mượn, đóng lại tàu, mua lại ngư lưới cụ, tiếp tục ra khơi.
Năm 2009, ông lại gặp tàu Trung Quốc trên biển, lại bị thu hết ngư lưới cụ nhưng may mắn không bị thu tàu. Đầu năm 2010, khi 12 ngư dân trên tàu đang ngủ say thì tàu Trung Quốc ập đến, 4 người nhảy sang tàu của ông Là, trên tay lăm lăm súng. Rồi chúng bắt hết mọi người đứng dậy đi ra phía mũi tàu, nằm úp mặt xuống sàn.
Một người cầm súng ở lại canh giữ, số còn lại lục tung và lấy đi tất cả những tài sản trên tàu, từ điện thoại cá nhân, radio, máy định vị, lương thực, nước uống, đến hải sản đánh bắt được đều bị lấy đi. Rồi họ buộc tàu ông Là lại, kéo về đảo Phú Lâm và giam cầm 12 ngư dân trên đảo này. Rồi họ bắt ông Là ký biên bản nộp tiền chuộc, mỗi tàu 70.000 nhân dân tệ (tương đương 180 triệu đồng so với thời giá lúc ấy).
Sợ anh em trên tàu bị đánh, ông Là ký nhưng biết là không thể lo được số tiền trên vì toàn bộ tài sản, ngư cụ trị giá gần 400 triệu đồng bị tịch thu cũng toàn tiền đi vay mượn. Ngày bà Bưởi nhận được tin báo từ ông Là chuẩn bị số tiền ấy, bà chạy vạy khắp nơi nhưng không đủ, rồi khi ông Là trở về từ biển, cũng là lúc con tàu của gia đình bị giữ lại, gia sản, tiền bạc cũng theo thế mà bay.
Lần ấy bị bắt giữ, ông Là bị đánh đập, cũng chỉ gắng gượng đi thêm một vài chuyến biển nữa rồi ở nhà hẳn, vì yếu, không đủ sức khỏe. Ông bảo, đến tận bây giờ, mỗi lúc thay đổi thời tiết, cái đầu lại đau như búa bổ. Bà Bưởi nhớ lại những ngày ấy rồi kể, thấy ông Là đau yếu, bà đưa ông lên TP Quảng Ngãi chụp X-quang, thử máu, siêu âm. Rồi bác sĩ kết luận ông bị viêm dạ dày và suy nhược thần kinh.
Chỉ thế thôi, nhưng mỗi lần đi bộ xa xa, về đến nhà là ông Là lại phải đứng đầu nhà thở dốc rồi kêu đau đầu, tức ngực. Bà Bưởi bảo, lúc ấy có người bảo ông Là có dấu hiệu của việc chấn thương sọ não, tôi nhớ lại ông ấy kể bị người ta dùng chân đeo giày nặng đá vào đầu, vào ngực thế nào mà đêm ngủ cứ rưng rức khóc. Hôm sau muốn đưa ông ấy đi chụp cắt lớp sọ não xem có bị sao không, mà không kiếm đâu ra tiền.
“Nghĩ lại những ngày đó, thấy ớn ông hè”, bà Bưởi vừa nói vừa nhìn chồng cười. Có lẽ, ở làng biển này, bà là người may mắn nhất. Bởi từng 4 lần đón nhận tin chồng mình hiểm nguy trên biển, thế mà lại 4 lần ông trở về với bà, với gia đình. Chuyện của gia đình bà Bưởi như một niềm hy vọng trong một dãy dài những khổ đau nơi xóm biển này.
Ngày chúng tôi đến, hai người con trai của ông Là và bà Bưởi đang ở ngoài khơi xa. Ở góc nhà, đứa cháu nội bà Bưởi chưa đầy một năm tuổi, đang nằm trong nôi say ngủ. Khi lớn lên, liệu nó có nối nghiệp cha, nghiệp ông ra khơi giữ biển như truyền thống bao đời của Bình Châu không?
Và liệu ở Bình Châu sau này, những phận đời khổ cực như những người đàn bà góa chồng do biển, có còn nữa không?
Thanh Hiếu
Năng lượng Mới 486
-
Các tỉnh miền Trung căng mình ứng phó bão số 6
-
Quảng Ngãi: Tạm dừng tàu thuyền hoạt động từ 26/10 để phòng tránh bão số 6
-
Quảng Ngãi: Lên phương án ứng cứu tàu chở hàng mắc cạn gần cảng Dung Quất
-
Quảng Ngãi: Khuyến cáo tàu thuyền tìm nơi tránh trú trước diễn biến của bão Trami
-
Quảng Ngãi: Các khu vực đỗ xe tránh mưa lũ