Virus “không thưởng tết” lây lan chóng mặt!
Hồi hộp chờ… mất tết
Năm nay, nhân viên NH - tài chính phải ăn tết nhỏ là điều đã rõ như ban ngày. Hiện tại, mới chỉ 3 ông lớn là Vietcombank, VietinBank và BIDV úp mở chuyện nhân viên toàn ngành NH vẫn nhận thưởng, nhưng phải chấp nhận giảm 10-15% trên đầu thu nhập tùy điều kiện và tình hình. Tuy nhiên, từng đó là quá mừng, bởi tất thảy số NH TMCP còn lại đều mù mờ từ tết dương lịch, tín hiệu hết sức ảm đạm. Điều quan trọng là giới chức NH có thật đang làm “xiếc” để rũ bỏ trách nhiệm thưởng tết của mình?
Trên thực tế, thông tin NH A dọa tái kiểm tra trình độ để sàng lọc nhân sự, NH B “đánh tiếng” nhân viên chuẩn bị nghỉ thứ bảy, hay NH C quyết định sa thải nhân viên có hợp đồng lao động dưới 1 năm… đang xảy ra như cơm bữa. Mọi việc sẽ chẳng có gì đáng nói nếu thời điểm hiện tại không… sát tết nguyên đán và muôn vàn lý do NH đưa ra đều vô cùng ngớ ngẩn.
Ngành ngân hàng đang trải qua những thời điểm khó khăn nhất
“Mình không đáp ứng được chuyên môn của NH, mình sẵn sàng ra đi. Nhưng cách NH ứng xử với nhân viên thật đáng buồn. Một quan tiền lương không bằng một đồng tiền thưởng. Ai cũng hiểu và thông cảm, khi doanh nghiệp khó khăn, người lao động phải chia sẻ và có thái độ tích cực. Nhưng khi chúng tôi còn đang thể hiện một cách cầu thị tinh thần trên thì chủ lao động đã rũ bỏ anh em”, một nhân viên chi nhánh Hà Nội của NH có trụ sở ở TP HCM bức xúc. Đành rằng, NH cũng là một doanh nghiệp, nhưng nếu không khéo trong cách chọn thời điểm, dư luận sẽ hiểu lầm là họ đẩy hàng loạt lao động của mình ra đường chỉ để trốn tiền… thưởng. Điều đó là có thật, ít nhất đến thời điểm hiện tại!
Theo hợp đồng lao động đã ký với Sở Giao dịch 1 D.Bank, chị T chỉ được sinh con sau 24 tháng đầu tiên phục vụ NH. Trước đây, nếu vi phạm lỗi này, các nữ đồng nghiệp chị T cũng chỉ bị nhắc nhở, hoặc cùng lắm là phạt tượng trưng. Nhưng bây giờ, bộ phận nhân sự đã gạch tên chị và sẵn sàng đưa quyết định buộc thôi việc khi chị T trở lại công sở, chỉ vì chị sinh con ở tháng thứ… 23. Cách đây khoảng 2 tháng, cũng chính bộ phận nhân sự NH này đã “nghĩ” ra chiêu “trảm” bớt nhân viên bằng quy định: 2 vợ chồng, chị em, anh em không được làm cùng nhau (?!).
Cách trụ sở S.Bank vài chục mét là chi nhánh cấp quận của A.Bank. Chi nhánh của NH TMCP vừa trải qua biến cố lớn về nhân sự cấp cao, vừa cho nghỉ việc hàng loạt nhân viên có hợp đồng dưới 1 năm. B.Bank cũng đang gấp rút chuẩn bị cho một đợt rà soát trình độ tổng thể hơn 2.000 nhân viên toàn NH mình. Trước cú siết chặt của NH, rất nhiều lãnh đạo cấp phòng của những NH nhỏ đã tháo chạy và chấp nhận làm nhân viên của những ông lớn trong hệ thống.
Nhà băng cần chia sẻ…
Mang sự ngờ vực rằng, các ông chủ NH TMCP có thể “vin” vào bức tâm thư trên để trừ nghiến các khoản thưởng của nhân viên đến giám đốc khối một NH có tiếng, người viết nhận được thái độ bình thản từ vị này. “Việc các NH cần sự chia sẻ từ nhân viên vào thời điểm hiện tại là có thật. NH cũng là doanh nghiệp, mà đã là doanh nghiệp thì doanh số và lợi nhuận sau cùng mới là điều quan trọng nhất. Phòng giao dịch nào, chi nhánh nào không đạt được mức tăng trưởng chung theo toàn hệ thống thì anh chị em đành vui lòng không nhận thưởng vậy. Và ngược lại, đơn vị nào làm ăn tốt, đương nhiên thù lao sẽ tương xứng với công sức anh em bỏ ra”, vị giám đốc chia sẻ.
Vị này cũng tiết lộ, rất nhiều người đồng cấp ở các NH khác đã nộp đơn xin nghỉ việc hoặc xin thôi đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt vì không chịu được sức ép. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của người viết, một số NH có quy mô vừa phải cũng như tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp lại khá tự tin với chế độ lương, thưởng dịp tết cho nhân viên.
Về vấn đề tiền thưởng, chuyên gia tài chính - NH, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, hiện tại chưa có quy định nào của Nhà nước bắt buộc NH nói riêng, hay nói rộng ra là doanh nghiệp phải có tiền thưởng cho người lao động. Tiền thưởng nhiều hay ít tùy thuộc vào doanh nghiệp kinh doanh lãi lớn hay nhỏ. Thậm chí, không lãi thì doanh nghiệp cũng không phải thưởng. Luật không quy định xử phạt nếu doanh nghiệp không thực hiện thưởng trong dịp lễ, tết. Tiền thưởng tết giống như một món quà thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp tới người lao động.
Nếu doanh nghiệp quan tâm tốt đến người lao động thì người ta sẽ làm việc tốt và gắn bó lâu dài, ngược lại, nếu cố tình không chia sẻ những lợi ích ấy, người lao động sẽ tìm cách chuyển sang chỗ làm việc mới. Theo tôi, thưởng tết cho người lao động là việc đương nhiên các doanh nghiệp nên làm, nó thuộc về lương tâm, tránh nhiệm của doanh nghiệp chứ không thể đưa vào chế tài bắt buộc của Nhà nước. “Tuy nhiên, tôi phải nói rằng, vấn đề thất nghiệp là vấn đề lớn trên thế giới, có những NH phải xem xét lại hoạt động của họ, có NH phải đóng cửa nhưng vẫn phải cần có người làm việc trong NH”, TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Khó khăn đã khiến ngành học NH - tài chính, vốn là hàng “hot” của giới học sinh, giờ cũng chẳng còn đắt khách. Một giảng viên giấu tên của Khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng thú nhận, tâm lý giáo viên cũng bị dao dộng từ 2-3 mùa tuyển sinh nay. Theo giảng viên này, học sinh học ngành tài chính NH thực ra rất đúng thời điểm. Hiện tại có thể nhìn thấy khủng hoảng trong toàn ngành cho ta thấy những hình ảnh kém tích cực, đặc biệt ở châu Âu và Hoa Kỳ, nhưng phải thừa nhận, NH hiện nay phải tiếp nhận quá nhiều rủi ro. Một thế hệ sinh viên khi học xong sẽ có một cơ hội rất lớn thay đổi định hướng để nâng cao hình ảnh khối NH.
Các cơ sở đào tạo rất cần ngành NH trao cơ hội cho sinh viên mới ra trường, bởi họ sẽ không thể tiến bộ nhanh chóng và hòa nhập với thế giới NH - tài chính nếu thiếu thực tiễn. Đối với học sinh có ý định thi vào ngành tài chính NH, trước hết họ phải nhận biết được thực tại của ngành này, vì khối NH hiện nay thay đổi rất nhiều. Không chỉ đơn thuần là nơi giữ tiền và phải thực sự hiểu được giá trị cốt lõi của nó, đấy là cái nơi để làm ra tiền, vậy thì làm thế nào để tiền đẻ ra tiền.
Hầu hết các Ngân hàng TMCP chỉ thưởng tết dương lịch một cách tượng trưng, còn tết âm lịch đa số vẫn còn nằm trong vòng… bí mật. Một loạt các ngân hàng khác như Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, Ngân hàng Nam Á, Ngân hàng Phương Đông OCB, VIB, Habubank, Sacombank, ACB... chỉ dè dặt thông báo lợi nhuận năm nay không đạt kế hoạch như mong muốn, nên nhà băng cố gắng lo tháng lương thứ 13 cho nhân viên. Năm ngoái, hệ thống Ngân hàng TMCP đã cắt giảm tới 40-50% tiền thưởng so với 2010 và 2011. Chắc mọi người cũng chưa quên, mới đây Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã cam kết sẽ cấm các ngân hàng trả cổ tức, tăng lương thưởng cho nhân viên nếu không trích lập đủ dự phòng tín dụng để xử lý nợ xấu. Vì vậy, với tình trạng nợ xấu leo thang và chưa có phương án xử lý như trong thời gian qua, cộng với hoạt động ngân hàng vừa trải qua một năm đầy chật vật nên khả năng thưởng tết sẽ rất thấp so với bình thường. |
Tùng Lê
-
Smart Banking 2024: Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng
-
Thủ tướng chỉ rõ 3 mục tiêu, 6 nhiệm vụ trọng tâm để ngành ngân hàng tiên phong chuyển đổi số, phát triển lên tầm cao mới
-
8 nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2024
-
TP HCM: Thưởng Tết Nguyên đán 2024 bình quân khoảng 12,3 triệu đồng/người
-
Hà Nội: Thưởng Tết cao nhất 450 triệu đồng
-
Xuất nhập khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước tăng trưởng bứt phá
-
Iran sẵn sàng cho khả năng giảm xuất khẩu dầu dưới thời Tổng thống Trump
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 14/11: Giá dầu thế giới giảm nhẹ
-
Tin tức kinh tế ngày 13/11: Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tiếp tục lập kỷ lục mới
-
Thúc đẩy nâng cao nhận thức xanh trong cộng đồng, doanh nghiệp