Việt Nam mới “thiên” về giám sát mà chưa chú trọng về đánh giá trong kinh tế nông nghiệp
Đây là ý kiến được các chuyên gia trong và ngoài nước nhận định tại Hội thảo Quốc tế về giám sát và đánh giá do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức sáng 6/12 tại Hà Nội.
Tại Hội thảo, nhận định về vai trò của công tác giám sát và đánh giá, TS Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, giám sát, đánh giá đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của một cơ quan tổ chức, một quốc gia.
Đây là quy trình có hệ thống thu thập và phân tích thông tin, cung cấp phản hồi thường xuyên giúp theo dõi, đánh giá hiệu quả, mức độ phù hợp, phạm vi và tính bền vững của một tổ chức, chương trình, kế hoạch hay đề án…
Việt Nam mới “thiên” về giám sát mà chưa chú trọng về đánh giá trong kinh tế nông nghiệp |
Cũng theo Thứ trưởng Doanh, Bộ NN&PTNT đã xây dựng được hệ thống giám sát, đánh giá cho những lĩnh vực, chương trình, kế hoạch lớn, quan trọng như: thực hiện kế hoạch phát triển ngành, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn đầu tư công, kết quả hoạt động cải cách hành chính, phòng chống thiên tai…
Gần đây là hệ thống giám sát đánh giá thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp với sự hỗ trợ của Dự án “Nâng cao năng lực giám sát và đánh giá thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, do Chính phủ Nhật Bản tài trợ ủy thác qua WB tại Việt Nam.
Các hệ thống và phần mềm cơ sở dữ liệu về giám sát, đánh giá này đã và đang được vận hành với sự kết nối từ Trung ương đến địa phương, từ các cơ quan quản lý của Bộ NN&PTNT đến các tổ chức, đơn vị thực hiện ở các cấp.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tham dự hội thảo, hệ thống giám sát và đánh giá của Việt Nam hiện đang thiên về giám sát hơn là đánh giá. Trong khi các đánh giá vô cùng quan trọng bởi đó là cơ sở để nhìn nhận lại kế hoạch đã thực hiện và quyết định kế hoạch trong tương lai. Và điểm đáng nói nữa là công tác đánh giá mới chỉ được thực hiện ở những dự án trọng điểm và chỉ thuộc khu vực công. Còn khối tư nhân thì bị bỏ ngỏ. Mà sự phát triển của đất nước, khu vực công hay tư đều có vai trò như nhau và đó là một khối thống nhất.
Ông Lim Kheng Joo, Đồng chủ tịch sáng kiến Khung tiêu chuẩn về giám sát và đánh giá khu vực ASEAN cho biết, hầu hết các nước ASEAN hiện nay không có chính sách hoặc tiêu chuẩn đánh giá quốc gia chính thức. Nếu có thì chỉ tập trung vào các chương trình và dự án phát triển của khu vực công.
“Do đó, cần thúc đẩy và thể chế hóa văn hóa đánh giá bền vững giữa các nước và tổ chức ASEAN. Bên cạnh đó, phải làm việc theo hướng chuyên nghiệp hóa đánh giá ở tất cả các nước và tổ chức ASEAN”, ông Lim Kheng Joo nói.
Nguyễn Hưng
-
Cần phải thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp
-
Mở rộng “không gian” kinh tế nông nghiệp
-
Phấn đấu đến năm 2023, giá trị xuất khẩu các mặt hàng ngành nghề nông thôn đạt trên 6,0 tỷ USD/năm
-
Đến 2025, tập trung phát triển 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long
-
Điều kiện để xuất khẩu nông sản “về đích”: Phát triển doanh nghiệp “đầu tàu”