Vì sao YouTube “xóa sổ” nhiều MV của ca sĩ Việt?
Đến thời điểm này, MV của Noo Phước Thịnh bị cho là vi phạm bản quyền từ Epic Elite và “ông lớn” YouTube thẳng tay xóa sổ, mặc cho việc MV đã đạt con số hơn 30 triệu lượt xem. Nguyên nhân khiến MV bị gỡ vì “đạo nhạc” là bởi đoạn nhạc bắt đầu từ cảnh Noo bị tai nạn xe hơi được cho là sử dụng ca khúc có tên “The way” của nhạc sĩ Zack Hemsey được mua độc quyền của công ty Epic Elite.
Ngoài ra, còn có thông tin cho rằng trong MV này, phân cảnh Noo Phước Thịnh bị tai nạn trên chiếc xe có ảnh hưởng đến uy tín hãng xe của Đức. Cụ thể trong MV cũng có tình tiết chiếc ô tô đâm vào cột điện với lực khá mạnh thì lại không bung túi khí an toàn, đến nỗi gây thương tích cho 2 nhân vật chính rồi dẫn tới cháy nổ. Chi tiết này hoàn toàn có thể khiến hãng xe mất uy tín với khách hàng của mình. Vì thế thông tin hãng xe của Đức kiện MV của Noo Phước Thịnh hoàn toàn có cơ sở.
MV “Chạm khẽ tim anh một chút thôi” của ca sĩ Noo Phước Thịnh |
Hiện MV đã bị YouTube xóa bỏ |
Trước Noo Phước Thịnh, làng nhạc Việt đã từng chứng kiến việc YouTube thẳng tay xóa MV “Em của ngày hôm qua” của ca sĩ Sơn Tùng M-TP với lý do MV bị “tố” đạo nhái trắng trợn sản phẩm “Every night” của nhóm nhạc EXID (Hàn Quốc) vào năm 2014. Đây là một quyết định gây sốc cho nhiều fan hâm mộ của Sơn Tùng M-TP, bởi đến thời điểm bị gỡ, MV này đã đạt trên 40 triệu lượt xem. Trước đó, nam ca sĩ này đã bị tố cáo đạo nhái các sản phẩm âm nhạc của Âu Mỹ, Hàn Quốc…
Đầu năm 2017, MV “Anh thì không” của ca sĩ Mỹ Tâm bị nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng tố cáo vi phạm tác quyền. Cụ thể, ca khúc này nguyên bản là một bài hát tiếng Pháp, được nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng viết lời Việt. Tuy nhiên, khi sử dụng bài hát này, Mỹ Tâm không xin phép nhạc sĩ và không chú thích đầy đủ mà chỉ ghi nhạc Pháp, lời Việt.
Sau khi bị nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng tố cáo, ekip sản xuất MV “Anh thì không” đã khóa MV trên YouTube với lý do: “Do chưa tìm hiểu kỹ để đóng tác quyền cho tác giả viết lời Việt cho ca khúc nhạc Pháp “Anh thì không” nên tạm thời sẽ khóa bài hát này trên kênh YouTube để tôn trọng bản quyền! Rất xin lỗi khán giả vì sự bất tiện này”.
Rõ ràng, câu chuyện YouTube “thẳng tay” xóa sổ những MV ca nhạc bị “tố” vi phạm bản quyền là điều không mới mẻ trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề đăng ký và bảo vệ bản quyền, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc vẫn còn nhiều lỗ hổng, đặc biệt là trên Internet.
Nếu vi phạm bản quyền, YouTube không chỉ đơn thuần là gỡ bỏ video, cảnh cáo, hay thiết lập giới hạn, mà người dùng, cá nhân/tổ chức có thể bị gỡ bỏ cả kênh YouTube.
Có thể chia hành động vi phạm bản quyền làm hai trường hợp, bao gồm bản quyền hình ảnh và bản quyền âm thanh. Nếu video của tài khoản có chứa một bài nhạc hoặc hình ảnh đã được đăng ký bản quyền, lập tức video sẽ không được đăng tải. Tuy nhiên, để YouTube “ra tay”, người bị hại cũng phải cung cấp đầy đủ bằng chứng về việc bị xâm phạm bản quyền.
Vì thế, để tránh “gậy bản quyền” của YouTube, các ca sĩ cũng như ekip thực hiện cần cẩn trọng khi sử dụng những đoạn âm thanh hoặc hình ảnh có sẵn, cần truy nguồn và thực hiện ghi chú đầy đủ.
Bên cạnh đó, khi các sản phẩm âm nhạc được ra mắt, các ca sĩ cũng cần quan tâm tới việc ký hợp đồng bảo vệ bản quyền trên YouTube để tránh tình trạng sản phẩm của mình bị “dùng chùa”. Trước đó, vào năm 2011, hơn 100 ca sĩ đã ký hợp đồng bản quyền trên YouTube để bảo vệ danh tiếng, hình ảnh và lợi nhuận như Đàm Vĩnh Hưng, Tuấn Hưng, Lê Hiếu, Nhật Kim Anh, Lý Hải… Những nội dung nhạc Việt Nam dưới hình thức video clip do người dùng YouTube đưa lên hệ thống website được đăng ký và bảo vệ bản quyền.
Cụ thể, khi người dùng đăng (upload) toàn bộ hoặc một phần video clip ca nhạc của ca sĩ lên YouTube hoặc sử dụng toàn bộ hoặc một phần nhạc nền của ca sĩ cho video clip họ tự tạo (video clip sinh nhật, đám cưới, video clip hình…), hệ thống YouTube sẽ có thông báo bản quyền này thuộc về ai. Nếu có sai phạm, người dùng sẽ bị cắt tiếng, cắt video, ba lần vi phạm bị đánh sập kênh trên YouTube.
Có thể nói, bản quyền là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu giúp cho công nghiệp sáng tạo phát triển. Với việc bảo hộ bản quyền âm nhạc trên YouTube, các nghệ sĩ kỳ vọng vào một bước tiến mới trong việc “xem có ý thức” của khán giả và “sử dụng có ý thức” của chính các nghệ sĩ.
Nhã Anh
-
Cuộc thi Startup - Tạo giải pháp cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
-
[VIDEO] Trồng nho dưới pin mặt trời, sản xuất ra những chai vang vị ngon bất ngờ
-
Ngành Đường sắt đã bán khoảng 100.000 vé tàu Tết Ất Tỵ
-
Tử vi ngày 8/11/2024: Tuổi Dần tín hiệu tích cực, tuổi Hợi thành quả như ý
-
Bộ trưởng Bộ Công an: Xử lý dứt điểm nạn đua xe
- Tử vi ngày 8/11/2024: Tuổi Dần tín hiệu tích cực, tuổi Hợi thành quả như ý
- Tử vi ngày 7/11/2024: Tuổi Tỵ thành công mong đợi, tuổi Thân dư dả tài chính
- Tử vi ngày 6/11/2024: Tuổi Tý trên đà tăng tiến, tuổi Mùi tài lộc khả quan
- Tử vi ngày 5/11/2024: Tuổi Ngọ năng lượng tràn đầy, tuổi Mùi lắng nghe góp ý
- Tử vi ngày 4/11/2024: Tuổi Mão quý nhân soi đường, tuổi Thìn cảm hứng sáng tạo
- Tử vi ngày 3/11/2024: Tuổi Sửu quyết sách đúng đắn, tuổi Tuất hoàn thành nhiệm vụ
- Tử vi ngày 2/11/2024: Tuổi Dậu theo đuổi đam mê, tuổi Thân làm việc hiệu quả
- Tử vi ngày 1/11/2024: Tuổi Tý cơ hội thăng tiến, tuổi Tỵ tài chính rực rỡ