Vì sao xuất hiện thông tin ăn hoa quả cũng “thổi ra” nồng độ cồn?
Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về câu trả lời của Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (ATGT) Hoàng Thế Tùng trên một đài truyền hình, nêu việc người ăn hoa quả gây lên men, tăng nồng độ cồn mà khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì sẽ bị xử phạt như vi phạm uống rượu, bia rồi tham gia giao thông.
Thông tin này sau đó được lan truyền trên mạng, khiến nhiều người cảm thấy hoang mang, bức xúc. Nhiều người cũng bày tỏ sự bất bình với ông Hoàng Thế Tùng - người được cho là “tác giả” của phát ngôn trên.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Thế Tùng lý giải về nguồn cơn xuất hiện thông tin trên: “Tôi đã tham gia một buổi phỏng vấn tuyên truyền cho Luật Giao thông đường bộ, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Buổi phỏng vấn kéo dài trong khoảng 20 phút và có nhiều nội dung, họ cũng đề nghị tôi đưa ra một lời khuyên cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, đáng tiếc là đài truyền hình này đã cắt ngữ cảnh tôi nói và ghép vào hình ảnh quả vải, khiến thông tin, thông điệp phát đi bị sai lệch hoàn toàn”.
Đo nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông nghi vừa sử dụng rượu, bia |
Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ ATGT - Bộ GTVT, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân ông và phát đi thông tin không đúng bản chất gây ảnh hưởng rất tiêu cực tới ông, gia đình và công việc của ông trong những ngày qua.
“Tôi sẽ xin ý kiến lãnh đạo Bộ GTVT và có văn bản chính thức gửi tới đài truyền hình này, yêu cầu họ phải cải chính thông tin” - ông Hoàng Thế Tùng nói và khẳng định: “Từ khi xây dựng dự thảo Nghị định 100 tới lúc ban hành các quy định, không có nội dung nào, điều khoản nào đề cập tới việc ăn hoa quả sẽ bị xử phạt như uống rượu, bia tham gia giao thông”.
Phó Vụ trưởng Vụ ATGT thông tin, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định về việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn, cụ thể là nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Vì vậy, quy định xử phạt nồng độ cồn không xa lạ đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, hơn 10 năm qua việc xử lý vi phạm diễn ra rất bình thường.
“Ngoài quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Nghị định 100 vừa ban hành cũng trải qua nhiều lần sửa đổi. Trước đó là Nghị định 71, Nghị định 171, Nghị định 46 và nay là Nghị định 100. Trong tất cả các đợt tổng kết thi hành Nghị định chỉ phản ánh việc mức phạt quá nhẹ nên không đảm bảo tính răn đe, không hề nhắc gì tới việc ăn hoa quả làm tăng nồng độ cồn gây vi phạm và phải xử lý như uống rượu, bia. Luật không cấm ăn hoa quả. Nghị định ban hành lần này được sửa theo chỉ đạo của Thủ tướng về việc tăng nặng mức phạt và thêm đối tượng là xe mô tô và xe thô sơ” - ông Tùng nói rõ.
Đánh giá sơ bộ sau 3 ngày đầu tiên Nghị định 100 có hiệu lực, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT cho rằng mức phạt hiện tại nặng nên đang có tác động lớn, thu hút sự quan tâm của người dân. “Mức phạt gây chú ý nên tôi cho rằng đang đạt được mục tiêu về tính răn đe, từ đó điều chỉnh hành vi của mình và nâng cao ý thức tham gia giao thông” - ông Tùng bình luận.
Liên quan đến thông tin ăn hoa quả cũng "thổi ra" nồng độ cồn, cơ quan Cảnh sát giao thông (CSGT) đã bác bỏ và khẳng định không xử phạt như vậy, cũng chưa bắt gặp trường hợp người dân nào chỉ ăn hoa quả rồi điều khiển phương tiện giao thông mà xuất hiện nồng độ cồn trong khí thở. Cơ quan CSGT nhấn mạnh: Sẽ không xử phạt oan về hành vi uống rượu bia, lực lượng CSGT sẽ chứng minh để người dân tâm khục khẩu phục. |
Theo Dân trí
-
Bà Rịa-Vũng Tàu: Cao điểm 45 ngày đêm kiểm tra, xử lý các vi phạm về giao thông
-
Quảng Nam: Xử phạt gần 400 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong kỳ nghỉ lễ
-
Chi tiết các mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn
-
TP HCM: Xử lý gần 1.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong 3 ngày Tết
-
Cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn sẽ bị gửi thông báo đến cơ quan
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng