Vì sao lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ ngày càng “teo tóp”?
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, ước tính tháng 5/2019, kim ngạch xuất khẩu mây, tre, cói, thảm đạt 45 triệu USD, tăng 49,6% so với cùng kỳ. Tính chung trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này ở mức 190 triệu USD, tăng 42,5% so với cùng kỳ.
Theo một báo cáo mới đây của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (Hawa), xuất khẩu nhóm hàng mây, tre, cói và thảm (gồm các mặt hàng chính như lục bình, tre đan, thảm, cói đan, mây đan...) trong năm 2019 sẽ vượt 400 triệu USD, có thể cán mốc 500 triệu USD.
(Ảnh minh họa) |
Báo cáo của Hawa cho thấy sự tăng trưởng mạnh về xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là sản phẩm mây, tre, cói, thảm, trong những tháng đầu năm do nhu cầu về nhóm hàng này đang nở rộ tại nhiều thị trường.
Tại châu Âu, ngày càng nhiều người về hưu có thời gian chăm sóc, trang hoàng nhà cửa nên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ để trang trí tăng cao, tỉ lệ người mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ làm quà tặng cũng tăng.
"Hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam chiếm thị phần khá khiêm tốn nên tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu rất lớn. Ngoài những thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản... còn có nhiều thị trường mới nổi, tiềm năng như Ấn Độ, Thái Lan, Nga, Na Uy, Chile, Đài Loan" - đại diện Hawa nhận xét.
Mặc dù thị trường mở rộng, đơn hàng nhiều, tiềm năng lớn nhưng một số DN cho hay đơn giá xuất khẩu không tăng trong bối cảnh chi phí đầu vào liên tục nhích lên khiến lợi nhuận của DN "teo tóp".
Ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty Mỹ nghệ gỗ Kim Bôi (tỉnh Bình Dương) chia sẻ, năm ngoái, doanh thu của công ty tăng khoảng 15% nhưng lợi nhuận không tăng, thậm chí còn giảm. Chi phí nhân công, chi phí đầu vào như điện, xăng... đều tăng nhưng đơn giá xuất khẩu không tăng tương xứng. Các hợp đồng xuất khẩu thường ký từ 6 tháng đến 1 năm nên không dễ điều chỉnh, trong khi DN bị cạnh tranh từ các thị trường khác.
Cùng với đó, chủ một cơ sở chuyên gia công hàng lục bình xuất khẩu ở Đồng Nai cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn hàng liên tục, làm không xuể và phải tăng cường đưa hàng về các tỉnh miền Tây để gia công nhưng thu nhập không tăng bao nhiêu do giá nguyên liệu lục bình từ 11.000 đồng/kg đã lên mức 16.000 - 17.000 đồng/kg, trong khi đơn giá xuất khẩu lại không tăng.
"Một số DN xuất khẩu còn chậm trả công nợ cho các cơ sở gia công cả tỉ đồng, trong khi chúng tôi không thể nợ lương, tiền công của công nhân, người dân đan hàng ở các tỉnh nên rất khó khăn" - chủ cơ sở này cho hay.
Từ thực trạng trên, lãnh đạo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, giải pháp cấp bách nhất hiện nay là phải khơi thông thị trường. Trước hết là hỗ trợ DN nhỏ và vừa đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng các thị trường xuất khẩu, tăng lượng bán hàng.
Cùng với đó, cần thúc đẩy khả năng thiết kế và phát triển các sản phẩm mới. Có như vậy mới có thể cạnh tranh được với các nước khác. Bên cạnh kêu gọi sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, đòi hỏi chính DN cũng phải chủ động trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào đổi mới sản xuất.
Minh Thùy
Phát động cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2019 |
Hanoi Gift Show 2018: Đa dạng quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ |
Nội thất mây, tre bùng nổ tại trời Âu |
-
Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt
-
Xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh nhất kể từ năm 2021
-
Nâng cao năng lực phát triển xuất khẩu xanh cho doanh nghiệp
-
Lệnh tạm dừng cấp phép LNG của Hoa Kỳ thúc đẩy bùng nổ xuất khẩu ở Canada và Mexico
-
PGS.TS Ngô Trí Long: Thúc đẩy tăng trưởng xanh trong doanh nghiệp là điều tất yếu
-
Tin tức kinh tế ngày 22/11: Thép nhập khẩu giá rẻ liên tiếp "đổ" về Việt Nam
-
Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí
-
Sửa đổi Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế
-
Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 23,28 tỷ USD
-
[Infographic] Hàng không Việt "cất cánh" trong quý III/2024