Vì sao ExxonMobil tuyên bố rút khỏi dự án khí ở Suriname?
ExxonMobil tuyên bố rút khỏi dự án khí ở Suriname. Hình minh họa |
“Việc rút lui này là một phần trong quá trình đánh giá danh mục tài sản toàn cầu của ExxonMobil”, công ty dầu khí quốc gia Suriname, Staatsolie Maatschappij Suriname NV, cho biết trong một tuyên bố trực tuyến.
“Hợp đồng phân chia sản phẩm cho phép các bên mời đối tác tham gia vào một lô hoặc chuyển nhượng quyền lợi của mình cho bên khác”, Staatsolie giải thích. “Điều này là thông lệ phổ biến trong ngành dầu khí. Các công ty thường quyết định hợp tác hoặc rút lui dựa trên danh mục tài sản toàn cầu và đánh giá rủi ro”, đại diện của công ty cho biết.
Staatsolie kỳ vọng rằng Petronas sẽ tiếp tục các hoạt động tại Lô 52 mà không bị gián đoạn và tin tưởng vào việc duy trì mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai công ty.
Lô 52, rộng 4.749 km², nằm ở phía Bắc bờ biển Paramaribo, chứa các mỏ Sloanea, Roystonea và Fusaea. Petronas lần đầu công bố phát hiện mỏ Sloanea vào ngày 11/12/2020, tiếp theo là các phát hiện mỏ Roystonea và Fusaea vào năm 2023 và năm 2024.
Ngày 4/3/2024, Staatsolie và các đối tác tại Lô 52 đã thống nhất tiếp tục thăm dò khu vực Sloanea để nghiên cứu tiềm năng khai thác khí đốt.
“Thỏa thuận sơ bộ (LoA) này là cần thiết để tiếp tục thăm dò và phát hiện khí đốt năm 2020 tại giếng thăm dò Sloanea-1 ở Lô 52”, Staatsolie cho biết trong một thông cáo báo chí.
Phát hiện ban đầu “chỉ bao gồm một lượng nhỏ, lúc đầu được coi là không đủ giá trị thương mại để phát triển thành mỏ khai thác”, Staatsolie nói. “Phát triển một mỏ khí đốt ngoài khơi phức tạp và thách thức hơn về mặt kỹ thuật và kinh tế so với một mỏ dầu ngoài khơi”, công ty này chia sẻ.
Tập đoàn Exxon Mobil Corp. đã chuyển nhượng 50% cổ phần của mình tại Lô 52 ở Suriname cho đối tác Petroliam Nasional Bhd. (Petronas). Ảnh: AP |
Tuy nhiên, Petronas và Staatsolie đã tiến hành thảo luận để tiếp tục thăm dò Sloanea-1, dẫn đến việc ký kết LoA. Theo Staatsolie, Petronas dự kiến khoan giếng thẩm định tại Sloanea-2 vào tháng 4/2024 và thực hiện thử nghiệm khai thác sau đó.
“LoA này là một thỏa thuận nêu rõ các nguyên tắc và điều kiện để tiếp tục nghiên cứu và tăng khả năng phát triển mỏ khí thương mại tại Lô 52”, Staatsolie cho biết.
“Một phần quan trọng của tính khả thi là đảm bảo miễn thuế trong 10 năm kể từ khi bắt đầu khai thác”, điều này đã được quy định trong LoA và được phê duyệt bởi Chính phủ, Staatsolie nói thêm.
LoA này cũng là cơ sở cho các cuộc đàm phán tiếp theo về “phụ lục khí đốt” đối với hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) của Lô 52, đã ký từ tháng 4/2013.
Nếu phát hiện khí đốt, PSC yêu cầu các bên phải đàm phán phụ lục khí đốt, Staatsolie cho biết, để thiết lập các quy trình và điều kiện cho các đối tác tại Lô 52, gồm Petronas và ExxonMobil, đánh giá phát hiện khí đốt và có thể tiến hành phát triển, khai thác nếu khả thi, công ty nêu rõ và thêm rằng, vì các cuộc đàm phán về phụ lục khí đốt có thể kéo dài gần một năm, những thỏa thuận đã đạt được trong quá trình đàm phán đến nay đã được ghi lại trong LoA.
Petronas dự kiến bắt đầu khai thác khí vào năm 2031 nếu mỏ Sloanea-2 chứng minh được tính khả thi thương mại. Staatsolie cũng đề cập đến khả năng xây dựng một cơ sở khí hóa lỏng nổi (FLNG) liên quan.
Theo báo cáo của Wood Mackenzie, cụm Haimara trong lô Stabroek tại Guyana, nơi tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ là nhà điều hành với 45% cổ phần, cùng với mỏ Sloanea, định vị Guyana và Suriname như những nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tiềm năng với chi phí cạnh tranh tại khu vực Caribe, Nam Mỹ, cũng như Đông Nam Á.
Haimara và Sloanea được ước tính có tổng cộng 13 nghìn tỷ feet khối khí đốt đã được phát hiện, cho phép Guyana và Suriname cung cấp tới 12 triệu tấn LNG mỗi năm (MMtpa) vào thập kỷ tới, theo phân tích của công ty nghiên cứu năng lượng này được công bố vào ngày 4 /11.
“Các nguồn cung này có thể cung cấp LNG tiềm năng với mức hòa vốn, không bao gồm chi phí vận chuyển và tái hóa khí, khoảng 6 USD/mmbtu (giá FOB hòa vốn NPV10)”, WoodMac cho biết. “Kết quả kinh tế tích cực này được hỗ trợ bởi năng suất giếng khai thác cao và sự tham gia của các đối tác ở lĩnh vực thượng nguồn có kinh nghiệm trong việc thương mại hóa LNG”.
“Điều này xảy ra vào thời điểm thị trường toàn cầu vẫn cần 105 triệu tấn LNG mỗi năm (mmtpa), trước khi đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng để lấp đầy khoảng cách cung/cầu vào năm 2035”, theo WoodMac.
Amanda Bandeira, nhà phân tích nghiên cứu thượng nguồn dầu khí của WoodMac tại khu vực Mỹ Latinh, nhận định: “Sự thống trị của LNG từ Mỹ và Qatar đang tăng nhanh, nhưng sẽ có một khoảng trống cung ứng vào giữa thập niên 2030, một phần do việc Tổng thống Mỹ Joe Biden tạm ngừng phê duyệt các dự án xuất khẩu LNG mới của Mỹ”.
Ngày 26/1, chính quyền Biden thông báo tạm dừng vô thời hạn việc phê duyệt xuất khẩu LNG sang các quốc gia không có hiệp định thương mại tự do với Mỹ. Quyết định này cho phép Bộ Năng lượng Mỹ xem xét lại các yếu tố về an ninh nguồn cung trong nước, giá khí đốt nội địa, tác động môi trường và rủi ro khí hậu.
“Trong bối cảnh này, Guyana và Suriname có thể cung cấp nguồn LNG mới với chi phí cạnh tranh và đóng vai trò như các nhà cung cấp khu vực, tận dụng lợi thế chi phí vận chuyển thấp để đáp ứng nhu cầu tại vùng Caribe và Nam Mỹ”, bà Bandeira nói thêm và cho rằng: “Họ cũng ngang tầm với các dự án ở Vịnh Mexico của Mỹ và Tây Phi trong việc cung cấp LNG cho các trung tâm nhu cầu chính tại Đông Nam Á”.
Tuy nhiên, Guyana và Suriname cũng cần đưa ra các điều kiện thương mại và điều khoản tài chính rõ ràng để hiện thực hóa tiềm năng LNG của mình, báo cáo nhấn mạnh.
“Tại Suriname, vẫn chưa có điều khoản cụ thể nào cho các dự án khí không liên kết với dầu, nhưng chúng tôi kỳ vọng dự án này sẽ tiến triển sớm - với dự án khí đốt đầu tiên vào năm 2031 - vì Chính phủ và các đối tác dự án đã đồng ý về việc miễn thuế trong 10 năm”, Luiz Hayum, nhà phân tích chính của WoodMac về thượng nguồn ở Mỹ Latinh, cho biết.
Exxon bán nhà máy lọc dầu của Pháp cho liên doanh do Trafigura đứng đầu |
ExxonMobil bán mỏ dầu với giá 1 tỷ USD |
Exxon Mobil chuẩn bị triển khai hoạt động khoan khí đốt ngoài khơi Síp |
Nh.Thạch
AFP
-
Vì sao ExxonMobil tuyên bố rút khỏi dự án khí ở Suriname?
-
Tranh chấp về dầu khí ở Malaysia chưa có hồi kết
-
Kế hoạch thúc đẩy hoạt động khoan dầu và xuất khẩu LNG của ông Donald Trump
-
Ấn Độ chuẩn bị triển khai hệ thống giao dịch tín chỉ carbon
-
Thổ Nhĩ Kỳ làm gì để hiện đại hóa các doanh nghiệp năng lượng công?