Ủy ban Kinh tế “bắt mạch” kinh tế 2013
Nhiều thách tức chờ đợi kinh tế Việt Nam năm 2013.
Theo đó, khi nói về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2013, Ủy ban kinh tế cho rằng: Vẫn còn nhiều yếu tích cực. Cụ thể, Ủy ban cho rằng, việc một số nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc,… thực hiện gói kích cầu sẽ ít nhiều tác động động đến kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, nếu việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 23% được Quốc hội thông qua sẽ kích thích đầu tư, phục hồi hoạt động sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.
Ngoài ra, lãnh đạo chính phủ, các Bộ, Ngân hàng Nhà nước cũng đều đang thể hiện quyết tâm rất cao và đã có nhiều giải pháp nhằm hâm nóng thị trường bất động sản được ban hành.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực có thể tác động đến triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2013, một loạt vấn đề được cho là “rủi ro” cũng đã được Ủy ban kinh tế Quốc hội chỉ ra tại bản tin trên.
Yếu tố đầu tiên được Ủy ban kinh tế chỉ ra là lạm phát vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trong đó, việc tăng lương tối thiểu từ ngày 1/1/2013 với mức lương tối thiểu theo 4 vùng tăng theo Nghị định 103/2012/NĐ-CP của Chính phủ có thể tăng thu nhập người dân, tăng nhu cầu tiêu dùng nhưng trong bối cảnh kinh tế suy giảm, tiền lương tăng sẽ là cú sốc tiêu cực tác động lên các doanh nghiệp.
“Cho dù có tác động lên mặt cầu hay cung và dù mức tăng không nhiều song tăng lương sẽ tạo áp lực tăng giá, do có thể gây ra lạm phát tâm lý” - Ủy ban kinh tế đưa quan điểm.
Về chuyện tăng giá điện từ ngày 22/12/2012 từ mức 1.369 đồng/kWh lên 1.437 đồng/kWh (mức tăng khoảng 5%), Ủy ban kinh tế lưu ý: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mặc dù chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong chi phí của hoạt động sản xuất và trong chi phí sinh hoạt của người dân nhưng tác động nhiều vòng của việc tăng giá điện đến lạm phát và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế có thể là không nhỏ.
Giá dịch vụ giáo dục, y tế tại một số địa phương tăng theo lộ trình hay những khả năng đột biến về giá dầu thô trên thị trường thế giới cũng được Ủy ban kinh tế chỉ ra có thể tác động đến lạm phát.
Một yếu tố “rủi ro” khác được Ủy ban kinh tế chỉ ra là nguồn tài chính vốn đang khan hiếm trong nên fkinh tế có thể bị phân bổ lệch lạc, chảy vào nhóm lợi ích, các doanh nghiệp sân sau, thân quen.
“Phá băng bất động sản có thể làm giảm nợ xấu, giảm hàng tồn kho và kích thích nền kinh tế tăng trường nhưng vấn đề là tiền dùng để cứu bất động sản lấy từ nguồn nào? Và làm như thế nào để kiểm soát dòng tiền này không chảy vào nhóm lợi ích?...” - Ủy ban kinh tế đặt câu hỏi.
Cũng tại bản tin trên, để thực hiện được mục tiêu kép là kiềm chế lạm phát khoảng 8% và tăng trưởng GDP khoảng 5,5% như Quốc hội thông qua, Ủy ban kinh tế khuyến nghị:
Về chính sách tiền tệ: Tiếp tục mua vào ngoại tệ vì đây là biện pháp khả thi trong bối cảnh lạm phát thấp và tỷ giá ổn định và cũng là biện pháp tăng cung ứng tiền cho nền kinh tế lành mạnh nhất hướng tới mục tiêu tăng thanh khoản cho thị trường, ngăn chặn chạy đua lãi suất, hỗ trợ xuất khẩu và cạnh tranh với nhập khẩu, củng cố dự trữ ngoại hối, chống “đô la hóa” nền kinh tế,…
Thực hiện một cách có hiệu quả việc ưu tiên cung ứng tín dụng cho khu vực nông nghiệp và nông thôn, lĩnh vực xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa,…
Về chính sách tài khóa: Ưu tiên thanh quyết toán nợ đọng từ các công trình đầu tư công là giải pháp rất hiệu quả và công bằng vì một phần nguyên nhân của gia tăng nợ xấu hiện nay là do nợ dây chuyền giữa các doanh nghiệp thực hiện các công trình xây dựng cơ bản của Nhà nước nhưng chậm được chủ đầu tư thanh toán, gây thiệt hại cho các nhà thầu và doanh nghiệp.
“Đây là thời điểm thích hợp để giải quyết vấn đề nợ đọng” - Ủy ban kinh tế nhận định.
Ưu tiên giải ngân cho các dự án dang dở để nhanh chóng hoàn thành đưa vào sử dụng: Giải pháp này sẽ giúp “một mũi tên bắn trúng hai đích” là tiêu thụ hàng tồn kho, tránh lãng phí do đầu tư dang dở gây ra – một tình trạng khá phổ biến đang gây nhiều bức xúc hiện nay trong xã hội.
Tiếp tục xem xét hoãn và tiến đến miễn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), nhất là với các mặt hàng có mức độ tồn kho lớn, có tỷ lệ sản xuất nội địa cao. Tuy nhiên, giải pháp này cần tính toán kỹ để chọn chính xác danh mục các mặt hàng và mức độ miễn/giảm thuế VAT phù hợp cho từng loại, để tránh “rò rỉ” ra hàng ngoại nhập hay “kích cầu hộ nước ngoài”.
Liên quan đến vấn đề giải quyết nợ xấu, Ủy ban cho rằng: Bên cạnh những giải pháp thông dụng, cần phải có các giải pháp đặc thù đối với từng ngành hay nhóm doanh nghiệp hiện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nợ xấu. Cụ thể:
Đối với ngành thủy sản: Cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp; tăng hạn mức tín dụng, giảm lãi suất, điều chỉnh kỳ hạn; tiếp tục cho vay bằng ngoại tệ để giảm chi phí vốn; mua lại nợ cho doanh nghiệp kết hợp với việc giám sát dòng tiền, bảo đảm sử dụng đồng tiền đúng mục đích, không đầu tư ngoài ngành.
Đối với lĩnh vực bất động sản: Chính phủ đưa ra một thông điệp rõ ràng là sẽ không có một sự giải cứu nào đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trung cấp và cao cấp mà hoàn toàn để thị trường quyết định và đào thải. Điều này sẽ buộc các doanh nghiệp có liên quan phải tính toán sớm hạ giá, giúp phá băng và tạo thanh khoản cho thị trường, qua đó, đẩy nhanh quá trình điều chỉnh về điểm cân bằng dài hạn.
Chính phủ sử dụng nguồn lực hạn hẹp cũng như những ưu đãi chính sách để ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp để phục vụ cho đông đảo người dân lao động thu nhập thấp, đồng thời còn giúp tạo ra hiệu ứng lan tỏa giúp giải quyết tồn kho và giảm nợ xấu ở các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, Ủy ban kinh tế cũng nhấn mạnh rằng: Cần minh bạch hóa và giám sát chặt chẽ việc thực thi, kể cả từ phía các cơ quan của Quốc hội để các hỗ trợ này được thực hiện một cách hiệu quả và công bằng.
Về lâu dài cần đánh thuế tài sản như được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới nhằm ngăn ngừa tình trạng đầu cơ để tránh khủng hoảng nợ xấu trong tương lai,…
Thanh Ngọc