Tuyên dương 58 thầy, cô giáo tiêu biểu năm 2023
58 thầy cô tiêu biểu được tuyên dương tại chương trình. |
Triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của Hội LHTN Việt Nam, chào mừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11); tiếp nối truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, từ năm 2015, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” với nội dung tuyên dương các thầy giáo, cô giáo và những cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ...
Sau 8 lần tổ chức, Chương trình đã lựa chọn và tôn vinh 458 giáo viên thuộc các đối tượng giáo viên “cắm bản”; giáo viên công tác tại các trường thuộc huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo; giáo viên mang “quân hàm xanh”; giáo viên dạy học sinh khuyết tật; giáo viên trực tiếp giảng dạy cho các học sinh là người dân tộc thiểu số; giáo viên là người dân tộc thiểu số; giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19; thầy giáo, cô giáo có thành tích nổi bật, có học sinh tham gia và giành giải thưởng tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế; có nhiều sáng kiến đổi mới việc dạy và học đã được áp dụng vào thực tế và đạt kết quả cao...
Năm 2023, sau hơn 2 tháng phát động chương trình, Ban tổ chức nhận được 107 hồ sơ các gương thầy giáo, cô giáo từ 51 tỉnh, thành phố và các tổ chức giới thiệu. Hội đồng xét chọn đã họp và lựa chọn 58 giáo viên tiêu biểu xuất sắc để tuyên dương.
Trong đó, có 19 thầy, cô giáo là người dân tộc thiểu số, với 9 dân tộc: Tày, Nùng, Sán Dìu, Mường, Thái, Giáy, H’Mông, Khmer, Cơ Tu; lớn tuổi nhất là các cô giáo Nguyễn Thị Ngà (sinh năm 1970), giảng dạy tại Trường tiểu học An Quang (huyện An Lão, tỉnh Bình Định, có thời gian công tác 32 năm 9 tháng) và Lý Thị Lam (sinh năm 1970), giảng dạy tại Trường tiểu học và trung học cơ sở Quang Phong (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, có thời gian công tác 22 năm).
Bên cạnh đó, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn nhất là cô Nguyễn Thị Kim Lý. Cô Kim Lý công tác tại Trường tiểu học và trung học cơ sở Hoa Thám (thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, có thời gian giảng dạy 24 năm). Vừa đi làm, cô giáo sinh năm 1979 vừa chăm sóc chồng bị ung thư và con gái sống thực vật từ nhỏ.
Chia sẻ tại chương trình, cô Nguyễn Thị Ngà (sinh năm 1970), công tác tại Trường Tiểu học An Quang, huyện An Lão, tỉnh Bình Định chia sẻ, sau hơn 32 năm gắn bó với nghề, trong đó 24 năm công tác ở vùng sâu, vùng xa: “Có những hôm qua sông, vượt lũ, phụ huynh phải cõng đi qua, giờ được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã có cầu, đường để đi lại thuận lợi hơn”. Bên cạnh đó, rào cản ngôn ngữ khi đi dạy ở vùng đồng bào đòi hỏi các giáo viên như cô phải nỗ lực rất lớn. “Chúng tôi mong rằng, các cấp lãnh đạo quan tâm hơn nữa đến các em vùng sâu, vùng xa để kéo gần khoảng cách giữa học sinh vùng sâu, vùng xa và miền xuôi, thành thị”, cô Ngà bày tỏ.
Còn với thầy Nguyễn Thanh Dương, công tác được 6 năm 3 tháng tại Trường THCS Minh Tân (huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương), khó khăn lớn nhất là hoàn cảnh của học sinh. Có nhiều em phải bỏ học giữa chừng vì gia đình nghèo, không đủ điều kiện cho con đến trường. Thầy Dương bày tỏ mong muốn Bộ GD&ĐT quan tâm hơn đến các địa phương ở các tỉnh, thành xa xôi, nhất là điều kiện về giao thông, để các em đến trường dễ dàng hơn.
Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Kim Quy phát biểu tại buổi lễ. |
Phát biểu ý kiến tại chương trình, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Kim Quy nhấn mạnh: 58 thầy, cô giáo được lựa chọn tuyên dương năm nay hầu hết đều có tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ nhưng đã nỗ lực vượt bậc để hoàn thành nhiệm vụ, đạt thành tích cao trong công tác. Các thầy, cô, với tất cả sự tận tụy, tâm huyết, không chỉ dạy kiến thức, kỹ năng cho học sinh, mà còn trở thành những tấm gương tiêu biểu để các em noi theo, nhân lên những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Bày tỏ sự trân trọng trước sự nỗ lực để vượt qua khó khăn, vất vả của các thầy, cô giáo, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Kim Quy nhận định: mặc dù hoàn cảnh khác nhau nhưng các thầy, cô giáo tham dự chương trình lần này đều có điểm chung, họ đã chọn việc khó khăn để nhiều người được làm việc nhẹ nhàng, đã chọn cuộc sống gian khổ để viết nên những bài học thiêng liêng về tình nghĩa thầy trò và tình yêu quê hương, Tổ quốc.
Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Kim Quy hy vọng, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” với ý nghĩa nhân văn sâu sắc sẽ cổ vũ, động viên các giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp thêm sức mạnh để các thầy, cô giáo vượt qua mọi thử thách, không ngừng tìm tòi sáng tạo những phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất, góp phần tạo nên những thế hệ người Việt Nam thời kỳ mới, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
N.H
-
Lễ kết nạp đảng viên mới giữa biển khơi
-
Hà Nội hỗ trợ vé xe Tết Ất Tỵ 2025 cho 5.000 công nhân lao động
-
Vấn nạn "quái xế": Không thể tiếp tục “giơ cao đánh khẽ”
-
Quốc hội thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
-
Quảng Nam: Chưa thể khẳng định 18.000 lít dầu DO mất tích trong vụ tàu hàng gặp nạn