Tử vong do ăn phải nấm độc
Hồi 7 giờ ngày 28-3-2018, ông Sùng Diêu Hồng (53 tuổi, ở thôn Khâu Mèng, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) đi hái nấm về nấu cho vợ, con trai và con dâu ăn. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, cả 4 người xuất hiện dấu hiệu nôn, đau bụng, chóng mặt, tiêu chảy toàn nước như bị tả. Đến khoảng 23 giờ 30, người trong gia đình đã đưa cả 4 nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang.
Bệnh nhân Sùng Diêu Hồng đang điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai |
Do nhiễm độc quá nặng nên chỉ trong 2 ngày 31-3 và 1-4, anh Sùng Văn Hoàng (con trai ông Hồng) và bà Thào Thị Vá (vợ ông Hồng) đã tử vong. Đến 17 giờ ngày 2-4, chị Ly Thị Pà (con dâu ông Hồng) cũng tử vong. Ông Hồng cũng trong tình trạng nguy kịch nên được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết: Trung tâm phối hợp với Khoa Thăm dò chức năng làm thủ thuật “Dẫn lưu mật mũi” với mục đích thải trừ trực tiếp chất độc từ gan qua ống mật chủ ra ngoài. Đây là một thủ thuật rất mới có nhiều ý nghĩa trong điều trị thải độc được các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai ứng dụng. Hiện bệnh nhân đã tỉnh táo, nhưng theo các bác sĩ, vẫn chưa thể khẳng định bệnh nhân có hoàn toàn ổn định hay không.
Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Dũng cho hay: Loại nấm mà 4 người trong gia đình ông Hồng ăn phải là loại nấm gây ngộ độc chậm. Đây là loại nguy hiểm, thường gây chết người sau khi ăn chỉ 1 mũ nấm, chất độc phá hủy tế bào gan, suy gan cấp, dẫn đến hôn mê. Các biểu hiện xuất hiện muộn sau khi ăn 6-40 giờ (thường là 12-18 giờ): Bệnh nhân buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy liên tục kéo dài 1-2 ngày, gây mất nước và rối loạn điện giải, trụy mạch, tiểu ít... Sau đó, các biểu hiện tiêu biến hết, bệnh nhân và thầy thuốc dễ hiểu nhầm là bệnh đã khỏi, nhưng vài ba ngày sau sẽ xuất hiện tình trạng viêm gan, vàng mắt, vàng da, chán ăn, đầy bụng, mệt mỏi, dần dần người bệnh sẽ mê sảng rồi hôn mê sâu, xuất huyết nhiều nơi và cuối cùng là tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, đúc kết: Thời điểm cuối xuân - đầu hè là mùa nấm phát triển. Nếu là nấm hoang dại mà không phân biệt được nấm lành hay độc thì không nên ăn. Theo bác sĩ Nguyên, hiện nay trên thế giới có hơn 5.000 loại nấm, trong đó có khoảng hơn 100 loài nấm độc mà về hình dáng màu sắc bề ngoài rất khó phân biệt đâu là nấm lành (ăn được) và đâu là nấm độc.
Vì vậy, để an toàn, người dân chỉ nên ăn những loại nấm được trồng, đã biết chắc chắn chủng loại nấm, nguồn gốc nấm, bảo đảm ăn được mà không bị ngộ độc. Các loại nấm độc, kể cả sau khi đun nấu ở nhiệt độ 200oC, độc tố vẫn bền vững không bị phá hủy. Trong trường hợp chẳng may ăn phải nấm nghi độc, nên gây nôn bằng cách lấy bàn chải chà sâu bề mặt lưỡi, sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
P.V
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam
-
Gỡ "thẻ vàng" IUU: Xóa bỏ toàn bộ tàu “3 không”, xử lý dứt điểm “tàu ma”
-
Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị BRICS mở rộng
-
Ông Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư
-
Quảng Ngãi: Lên phương án ứng cứu tàu chở hàng mắc cạn gần cảng Dung Quất