Tự động hóa gia tăng, lao động Việt Nam càng khó có việc làm
Lao động tự do cần đáp ứng gì để nhận tiền từ gói 62.000 tỷ đồng? |
Hơn 43.000 lao động được giải quyết việc làm trong 4 tháng đầu năm |
Lao động kinh nghiệm, vị trí cao cũng lo thất nghiệp |
Theo báo cáo chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2019 (PCI), 67% doanh nghiệp cho biết họ đã tự động hóa một phần công việc trong 3 năm qua và có tới 75% doanh nghiệp dự định sẽ tự động hóa các công việc mới trong 3 năm tới. GS Edmund Malesky, Đại học Duke, Hoa Kỳ, thành viên của nhóm nghiên cứu PCI năm 2019 cho rằng tự động hóa sẽ tác động tiêu cực nhất với nhóm lao động không có hoặc thiếu kỹ năng.
Bởi việc tự động hóa sẽ tăng nhu cầu lao động đối với lao động có kỹ năng, tay nghề. Còn lao động không hoặc thiếu kỹ năng sẽ chịu tác động tiêu cực của nhu cầu này. Điều này đồng nghĩa với việc nguy cơ lao động không có tay nghề sẽ thất nghiệp. Dịch Covid-19 sẽ càng thúc đẩy quá trình này nhanh hơn nên giáo dục đào tạo cũng sẽ bị gián đoạn khiến người lao động Việt Nam càng khó khăn đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.
Tự động hóa gia tăng, lao động Việt Nam càng khó có việc làm |
GS Edmund Malesky cũng cho biết, khi điều tra cụ thể các doanh nghiệp về mức độ và quy mô áp dụng tự động hóa của họ thì được biết, khoảng 2/3 doanh nghiệp tư nhân trong nước lẫn FDI đã áp dụng tự động hóa ở một mức độ nào đó. 75% doanh nghiệp đang có kế hoạch tự động hóa thêm các công việc mới trong vòng 3 năm tới.
Về mức độ tự động hóa, khoảng 10% doanh nghiệp dân doanh cho biết đã tự động hóa 10% công việc và có kế hoạch sẽ tự động hóa 25% công việc. Các ngành có tỷ lệ tự động hóa cao nhất là các ngành điện tử, sản xuất đồ nội thất, máy tính.
Lý do các doanh nghiệp muốn tự động hóa theo điều tra của báo cáo là bởi, họ muốn giảm chi phí, tiếp cận thị trường mới, tham gia chuỗi cung ứng, cải thiện tuân thủ môi trường. Trong đó, giảm chi phí là câu trả lời phổ biến nhất.
Đáng lưu ý, GS Edmund Malesky nhận định, việc làm sẽ giảm ở mức độ nhất định và doanh nghiệp tư nhân có thể sẽ giảm số lao động khi chuyển sang tự động hóa. Đối với các doanh nghiệp FDI lại có phần lạc quan hơn, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn dự định tăng lao động. Đặc biệt là lao động có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ cao hoặc trình độ cao.
“Còn đối với những ngành phụ thuộc vào nguồn nhân lực có chuyên môn thấp thì dự báo sẽ có tình trạng giãn nhân công và gián đoạn trên thị trường lao động”, GS Edmund Malesky nhận định.
Trước sự ảnh hưởng của tự động hóa tới việc làm của người lao động, giáo sư của đại học Duke đã khuyến nghị một số chính sách.
Theo đó, đầu tiên là cách tiếp cận chính sách hiện đang đi đúng hướng, và Việt Nam cần kiên trì với hướng đi này. Chính sách cải cách giáo dục đã triển khai cùng với chương trình giáo dục phổ thông mới đang đi đúng hướng trong việc cung cấp cho người Việt những kỹ năng mới cần có để tồn tại trong thị trường lao động công nghệ cao.
Từ những kết quả nghiên cứu này, chuyên gia của Đại học Duke, Hoa Kỳ đưa ra khuyến nghị: "Chính phủ cần cải thiện lĩnh vực đào tạo dạy nghề bằng cách tham khảo ý kiến doanh nghiệp về nhu cầu tuyển dụng trước khi xây dựng chương trình đào tạo. Điều này sẽ giúp cải thiện khả năng được tuyển dụng của người lao động để bắt kịp với xu hướng tự động hóa".
Bên cạnh đó, theo nhóm nghiên cứu PCI, Luật Giáo dục và Luật Lao động đều đánh dấu những thành tựu về thể chế. Tuy nhiên, việc thực thi đầy đủ hai luật này còn đang chờ một số văn bản hướng dẫn hiện còn trong quá trình soạn thảo.
Do đó, bằng cách nâng cao kỹ năng làm việc của người lao động Việt Nam và tăng cường sự hiểu biết giữa người lao động và người sử dụng lao động, việc thực hiện thành công hai luật này sẽ là một bước tiến dài hướng đến giảm nhẹ tác động tiêu cực của tiến trình tự động hóa tại các doanh nghiệp.
Nguyễn Hưng