Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu: Vị tướng nặng tình với đồng đội
Khai man tuổi để được… nhập ngũ
Ngày 5 tháng 8 năm 1964, sau “Sự kiện vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ cho không quân ồ ạt ném bom bắn phá Miền Bắc. Nhiều nơi ở thành phố Vinh và Bến Thủy bị máy bay oanh kích. Rất bất ngờ, chẳng ai biết trước.
Ông bộc bạch: “Cuộc chiến tranh phá hoại khốc liệt của giặc Mỹ kéo dài gần một thập kỉ với biết bao đổ nát, tang tóc, ập đến những người dân lành đầu trần, chân đất quê tôi. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi nhìn thấy máy bay phản lực Mỹ”.
Từ ngày đó quê ông bắt đầu bước vào cuộc sống thời chiến. Các gia đình đào hố phòng không trong nhà, trong vườn để tự vệ khi quân địch oanh tạc vào làng. Dân quân luyện tập, canh gác trực chiến suốt ngày, từ trong xã ra tận bãi biển Cửa Lò. Mọi người được quán triệt, cùng với việc phòng tránh, đánh trả máy bay Mỹ, còn phải sẵn sàng đánh tàu chiến khi cập gần bờ. Đặc biệt là, sẵn sàng đánh quân địch đổ bộ bằng đường không và đường biển.
Tháng 9 năm 1964, Nguyễn Mạnh Đẩu được các chú, các anh cho vào dân quân. Tập dân quân chừng nửa tháng, ông được chọn làm liên lạc cho trung đội dân quân của làng. Nguyễn Mạnh Đẩu có nhiệm vụ truyền đạt mọi chỉ thị, mệnh lệnh từ trung đội xuống các tiểu đội và các báo cáo từ trung đội lên xã đội.
Nguyễn Mạnh Đẩu nhớ lại: “Có lần, đang nửa đêm, chú Lê Văn Ngọc trung đội trưởng giao tôi ra Cửa Lò để truyền đạt mệnh lệnh cho tiểu đội canh gác ngoài đó. Mệnh lệnh thì dài, nhiều khoản mục, nhưng không được phép ghi lại bằng giấy. Chú Ngọc nói: Tập cho quen, ngộ nhỡ trên đường đi “kẻ địch” bắt được. Việc quân cơ, sống để dạ chết mang đi, không để lại dấu tích gì cả…”. Tôi phải nhập tâm, một mình đi bộ gần 5 cây số ra truyền đạt lại với chú Thanh Tùng không sót một chữ. Mọi người khen tôi vừa gan vừa có trí nhớ tốt. Ngày đó đi đêm từ làng này sang làng khác giữa đồng không mông quạnh, lại qua nhiều nghĩa địa, ai cũng sợ ma chứ không sợ trấn lột như bây giờ.
Trong năm 1964, cấp trên đã triển khai mấy lần tuyển quân: đợt 1 tháng 4, đợt 2 tháng 8, tiếp đến đợt 3 là tháng 10. Nguyễn Mạnh Đẩu trúng tuyển đợt 3. Ông kể: “Đúng ra, vì tôi bị viêm amidan không qua được phòng khám tai mũi họng. Tôi xin phiếu khám khác và nhờ Phan Ngọc Thịnh, bạn cùng làng, khám thế ở phòng đó. Còn các phòng khác, tôi qua được. Đến phòng kết luận cuối cùng của Hội đồng Nghĩa vụ quân sự, tôi gặp anh Hoàng Văn Lượng, là anh vợ của anh Thuần, con ông bác họ. Anh Lượng bảo tôi: Em chưa đủ tuổi, không đi được đợt này!”. Tôi năn nỉ xin và được anh đồng ý khai tăng thêm cho tôi một tuổi.Thế là từ đó, trong lý lịch quân nhân của tôi đều ghi sinh năm 1947.
Tròn 16 tuổi, nặng 48 kg, cao 1,62 m, Nguyễn Mạnh Đẩu đã trốn cha lên đường nhập ngũ. Ngày 15 tháng 10 năm 1964 là cột mốc bắt đầu sự nghiệp cuộc đời tôi - mở đầu quãng đời đằng đẵng 45 năm quân ngũ. Ông tâm sự: “Đêm trước ngày lên đường, Ủy ban hành chính xã Nghi Hợp mời các thanh niên trúng tuyển dự liên hoan chia tay. Đêm dự liên hoan ở xã về, tôi tâm sự với mẹ. Mẹ tôi đã khóc rất nhiều. Suốt cả đêm hai mẹ con không tài nào ngủ được. Cha thì chưa về, chị thì thoát ly ở xa. Mẹ ở nhà với ba em còn nhỏ dại, thơ ngây… Sáng dậy, mẹ đưa cho tôi 7 đồng bạc trong số 12 đồng mẹ mới bán trái cây trong vườn. Phụ cấp binh nhì ngày đó là 5 đồng. Như vậy, số tiền mẹ cho tôi còn hơn một tháng phụ cấp. Tôi mặc một cái áo xanh, một quần ka-ki. Nhét vội 7 đồng bạc vào túi quần, tôi ôm choàng lấy mẹ trước giờ chia tay trong nước mắt.
Ngày lên đường nhập ngũ của Nguyễn Mạnh Đẩu vì thế không có người đưa tiễn, cậu bé sống mũi cay cay, khi nhìn thấy vòng tay ấm áp của những người thân tiễn người đi chiến trận. Lúc đó, cậu mới chạnh lòng. Nhưng ý đã quyết, Nguyễn Mạnh Đẩu trở thành chiến sĩ giải phóng quân hoạt động trên những vùng chiến ác liệt, Lào, Quảng Trị – Thừa Thiên.
Tham gia những trận đánh ác liệt
Lúc mới nhập ngũ, Nguyễn Mạnh Đẩu được biên chế vào Tiểu đội 1, Trung đội 2, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325B. Ngày 25 tháng 12 năm 1964, toàn đơn vị bắt đầu lên đường đi B. Đơn vị hành quân từ miền tây Quảng Bình vượt qua Đường 9 đi dọc Trường Sơn vào Miền Nam. Nhưng rồi trên chặng đường hành quân Nguyễn Mạnh Đẩu bị sốt rét nặng, đơn vị phải gửi lại điều trị ở một cơ sở quân y của trạm giao liên thuộc Đoàn 559.
Sau khi khỏi bệnh, Nguyễn Mạnh Đẩu được điều động về Tiểu đoàn 929 hoạt động ở chiến trường Trung Lào. Tại chiến trường này, đơn vị ông liên tục chiến đấu trên trục Đường 9 ở tỉnh Savanakhet (nước bạn Lào) nhằm bảo vệ hành lang phía tây của Đường dây Chiến lược 559.
Sau gần 2 năm chiến đấu trên chiến trường Lào, đơn vị ông chuyển về hoạt động ở chiến trường Bắc Quảng Trị – từ khu vực Hồ Khê, Đá Bạc và qua các trục Đường 74, Đường 75 đến An Cát Khê, Trung An. Ông kể: “Sau khi đi xem xét một lượt địa hình trong toàn khu vực, theo chỉ thị của trên, Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 29 chúng tôi bố trí trận địa đón lõng quân địch ở khu vực Hồ Khê, Đá Bạc. Theo dự kiến, sau khi phát hiện có chủ lực của ta hoạt động ở phía Bắc Đường 9, quân Mỹ sẽ hành quân từ căn cứ Đầu Mầu ở Đường 9 đánh chiếm dọc theo triền núi đi về phía suối La La và Đồi Không Tên”.
Quảng thời gian từ 1964 – 1971 là thời kì khó khăn quyết liệt nhất của bộ đội ta trên chiến trường Miền Nam. Lúc cao điểm, lực lượng Mỹ lên tới hơn 500.000 quân và hơn 1 triệu quân ngụy với đủ các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại. Chiến trường Quảng Trị- Thừa Thiên được coi là nơi “so tài đọ sức” giữa chủ lực ta và địch, vì thế đây là nơi ác liệt nhất. Những địa danh, những trận đánh đã đi vào lịch sử chiến đấu oai hùng của quân đội ta mà mỗi khi nhắc tới ai cũng tự hào: Cồn Tiên, Dốc Miếu, Khe Sanh, Đường 9- Nam Lào…
Nguyễn Mạnh Đẩu tâm sự: “Ở chiến trường nào cũng vậy, đối với người lính khi ra trận luôn phải đối mặt với gian khổ, hi sinh. Nhưng quả thật, ở cái “chảo lửa” Quảng Trị-Thừa Thiên Huế, thì sự thử thách nghiệt ngã, ác liệt hơn nhiều nơi khác. Ngoài nhiều trận đánh thắng giòn giã, cũng có một số trận quân ta bị thiệt hại nặng nề, như trận đánh Cao điểm 817- Tà Tách có mũi chiến đấu hi sinh không còn một người… Song bao trùm lên tất cả là tình đồng chí, đồng đội, mối quan hệ thân ái, chí tình giữa cấp trên cấp dưới… coi nhau như anh em một nhà. Điếu thuốc bẻ đôi, nhường nhau ngụm nước, sẻ chia niềm vui, nỗi buồn. Đó cũng chính là điểm tựa vững chắc, tin cậy để người chiến sĩ vượt qua thử thách hoàn thành nhiệm vụ”.
Cũng tại chiến trường Quảng Trị – Thừa Thiên Huế ác liệt này, người chính trị viên đại đội đặc công Nguyễn Mạnh Đẩu đã cùng đơn vị dũng cảm chiến đấu, lập nhiều chiến công xuất sắc. Bản thân ông đã không ít lần bị thương – có lúc vết thương quá nặng tưởng chừng không vượt qua nổi. Và trong những ngày cận kề với cái chết, ông đã viết nhật ký, viết với tâm thế của một người lính ra trận không xác định ngày về. Những dòng nhật ký được viết vội sau từng trận đánh, của một chàng trai trẻ muốn dành niềm tự hào cho cha. Ở trang đầu tiên của cuốn nhật ký, ông viết, “Sau khi tôi hy sinh, hãy gửi lại cho cha tôi để ông có quyền tự hào về con trai mình, đã sống và chiến đấu trên tuyến đầu”. Nhưng rồi cuốn nhật ký đó đã bị lưu lạc.
Đó là trong chiến dịch Đường 9- Nam Lào, đại đội đặc công của ông được giao nhiệm vụ phối hợp với đơn vị bạn đánh vào Cao điểm 550, nhằm tiêu diệt Lữ đoàn 147 của địch. Ông đã bị thương nặng, đến nỗi nhiều người tưởng rằng ông đã hy sinh. Ông Phạm Huy Chưởng (sau này là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 4) là đồng đội của ông đã giữ lại cuốn nhật ký. Và trước khi đi chiến đấu, ông Chưởng đã gửi lại cuốn nhật ký đó cho một đồng đội khác ở hậu cứ. Nhưng sau một trận oanh tạc của máy bay Mỹ, người đồng đội ấy cũng đã bị thương bỏ lại một chân ở chiến trường và đã không thể giữ lại cuốn nhật ký.
Dấu ấn trên từng cương vị công tác
Nguyễn Mạnh Đẩu đã trải qua nhiều trận chiến đấu ác liệt. Từ chiến trường Lào đến chiến trường Quảng Trị – Thừa Thiên Huế, đến chiến dịch Đường 9 – Nam Lào ròng rã 7 năm với nhiều chiến công.
Tiếp đến, Nguyễn Mạnh Đẩu đã trải qua 35 năm công tác tại cơ quan Tổng cục Chính trị, Trường Sĩ quan Lục quân 1 và Tổng cục Kỹ thuật với các vị trí công tác: từ Trợ lý đến Cục trưởng Cục Chính Sách, Phó Hiệu trưởng về Chính trị Trường Sĩ quan Lục quân 1 rồi sau cùng là Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật – Bộ Quốc phòng.
Trải qua nhiều cương vị, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, ông để lại nhiều dấu ấn thời kỳ ở Cục Chính sách. Với cương vị Cục trưởng Cục Chính sách, ông đã tham mưu cho Tổng cục Chính trị, Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng và Nhà nước nhiều chính sách quan trọng, hiệu quả, có ý nghĩa lớn.
Công tác chính sách là một mặt hoạt động của công tác chính trị trong quân đội. Đó là việc nghiên cứu đề đạt chính sách và tổ chức thực hiện những chính sách đã ban hành đối với quân nhân khi tại ngũ cũng như khi chuyển ra ngoài quân đội. Hơn nữa, do hoàn cảnh đất nước trải qua nhiều năm chiến tranh, hàng chục vạn trường hợp thương binh, liệt sĩ và gia đình có công chưa được giải quyết chế độ đãi ngộ; hàng triệu người có chiến công chưa được khen thưởng. Dưới sự lãnh đạo của Tổng cục Chính trị, Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng; nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, trên cương vị Cục trưởng trong một thời gian khá dài, Nguyễn Mạnh Đẩu đã cùng tập thể Cục Chính sách đã hoàn thành một khối lượng công tác lớn, với tính chất khó khăn, phức tạp, bức thiết, đem lại quyền lợi cho quân nhân đang tại ngũ và các đối tượng chính sách.
Thời kỳ công tác ở Trường Sĩ quan Lục quân 1 cũng như sau này đảm nhiệm cương vị Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật, chúng ta lại được gặp ở Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu những phẩm chất đáng quý về trí tuệ và nhân cách của người cán bộ quân đội.
Trường Sỹ quan Lục quân 1 được thành lập ngày 15/4/1945, theo Chỉ thị của Bác Hồ tại Tuyên Quang- Thủ đô gió ngàn- với tên gọi ban đầu là Trường Quân chính kháng Nhật. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Trường được mang tên là Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, danh tướng kiệt xuất bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Từ ngôi trường này, hàng vạn người đã trở thành cán bộ trung, cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Hàng trăm cán bộ, giáo viên, học viên của trường đã trở thành tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Được công tác ở một nhà trường có vị thế và bề dày truyền thống, Nguyễn Mạnh Đẩu luôn cảm thấy vinh dự. Trên cương vị được giao, ông đã cùng tập thể Đảng ủy- Ban Giám hiệu xây dựng nhà trường không ngừng lớn mạnh, thường xuyên hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội cho quân đội.
Bất kể thời bình hay thời chiến, ngành kỹ thuật quân sự là một “binh chủng” quan trọng của quân đội. Cán bộ, chiến sĩ ngành kỹ thuật quân sự là những người “giữ lửa” ngày đêm âm thầm làm việc, đảm bảo sức mạnh chiến đấu của quân đội. Với Nguyễn Mạnh Đẩu, Tổng cục Kỹ thuật – Bộ Quốc phòng là chặng cuối cùng trong cuộc đời binh nghiệp. Trong thời gian đảm nhiệm cương vị Chính ủy Tổng cục, ông đã tâm đầu ý hợp, sát cánh đắc lực và hiệu quả với ông Trương Quang Khánh – Chủ nhiệm Tổng cục (sau đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) cùng tập thể lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục Kỹ thuật hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng giao phó. Rất nhiều lần ông đã đến thăm và chỉ đạo công tác ở hầu hết các đơn vị trong toàn Tổng cục từ nhà máy đến nhà trường, từ cơ quan nghiên cứu đến các đơn vị cơ sở kho tàng đạn dược; từ Việt Bắc gió ngàn đến Trường Sơn, Tây Nguyên hùng vĩ. Ở nơi nào cũng vậy, ông đều phát huy, quy tụ trách nhiệm chính trị và tình cảm của cán bộ, chiến sĩ trong Tổng cục Kỹ thuật vào một một mục tiêu chung: Thường xuyên đảm bảo vũ khí, trang bị kỹ thuật – một thành tố đặc biệt quan trọng tạo nên sức mạnh chiến đấu của Quân đội và tiềm lực quốc phòng của đất nước.
Thượng tướng Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN viết: "Nguyễn Mạnh Đẩu là một cán bộ nhiệt tình, xông xáo, quyết đoán, có tầm nhìn và sống nghĩa tình, nên ở mọi vị trí công tác, anh đều để lại dấu ấn cho đơn vị và ấn tượng, tình cảm tốt đẹp cho đồng chí, đồng đội…”. |
Xuân Lộc
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo