Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Trở lại với từ nguyên của "bù nhìn"

07:33 | 15/11/2014

|
Bạn đọc: Blog Tìm Hiểu Từ Nguyên (23/7/2012) đã đăng lại bài “Từ nguyên của BÙ NHÌN” mà ông đã đăng lần đầu tiên trên Thông tin Khoa học & Công nghệ Thừa Thiên - Huế, số 1/1998. Tác giả 阮大瞿越 (Nguyễn Đại Cồ Việt - AC) đã đưa lên Facebook đường dẫn đến bài này của ông để nêu nhận xét. Đề nghị ông phát biểu ý kiến về nhận xét của ông Nguyễn Đại Cồ Việt. Xin cám ơn ông.

Học giả An Chi: Ông Nguyễn Đại Cồ Việt  đã đưa ra bốn nhận xét về bài của chúng tôi. Ông viết:

“1. Về mối quan hệ b/m, đặc biệt liên quan đến bồ (hoặc bù), thì có các trường hợp như bồ hôi/ mồ hôi, bồ cắt/ mồ cắt... nên không ngạc nhiên nếu tồn tại song song bù nhìn/ mù nhìn”.

Liên quan đến cách lập luận này của ông Nguyễn Đại Cồ Việt, trong bài của mình chúng tôi đã viết:

“Ông Lê Trung Hoa nói rằng “bồ cũng còn được đọc bù, mồ, mù” nhưng rất tiếc rằng người ta chẳng bao giờ nói “mù chao”, “mù cắt”, “mù câu”, “mù nông”… Lý do rất đơn giản: bồ trong các cấu trúc chỉ chim trên đây không đồng nhất với bồ trong bồ nhìn. Chỉ có hình vị sau cùng này mới có các biến thể bù, mồ, mù”.

Trong mối quan hệ B > M mà ông Nguyễn Đại Cồ Việt chủ trương thì thực ra bồ cắt không nói thành “mồ cắt”. Âm tiết bồ trong tên các loài chim như: bồ các, bồ cắt, bồ câu, bồ chao, bồ cu, bồ nông, v.v… không thể đổi thành “mồ”.

Ông Nguyễn Đại Cồ Việt viết tiếp: 

2. Hoặc có một tổ hợp m-b- rồi biến thành m hoặc b, hoặc giả b > m, thì dễ giải thích hơn là từ m- biến thành b-. Dễ giải thích hơn, vì hiện tượng “nhược hóa” của âm môi khá phổ biến, nhất là ở những âm không mang trọng âm (tiền âm tiết). Còn chiều từ m > b thì là “cường hóa” phát âm. Vì thế, đại thể khả năng “môn nhin” > “mùn nhin” > “mù nhin” > “bù nhìn” khó xảy ra”.

Ở đây, ông Nguyễn Đại Cồ Việt đưa ra hai khả năng: hoặc có một tổ hợp m-b- rồi biến thành m hoặc b, hoặc giả b > m (thì dễ giải thích hơn là từ m- biến thành b-). Ý kiến này của ông Việt liên quan đến nguyên từ môn nhân 
[門人] mà chúng tôi đã đưa ra. Khả năng chữ môn [門] có tổ hợp phụ âm đầu mb thì rất khó xảy ra. Grammata Serica Recensa của Bernhard Karlgren (Museum of Far Eastern Antiquities, Stockholm, 1964, ser. 441, a) phục nguyên âm thượng cổ của nó là mwən; Đồng nguyên tự điển của Vương Lực (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1997, tr.526) phục nguyên là muən còn Hán tự cổ kim âm biểu của nhóm Lý Trân Hoa (Trung Hoa thư cục, 1999, tr.171) cũng phục nguyên là muən. Vậy ta có thể loại trừ khả năng này. Khả năng thứ hai mà ông đưa ra thì liên quan đến hiện tượng nhược hóa và hiện tượng cường hóa. Nhưng ông chỉ thiên về lý thuyết mà bỏ quên thực tế là m vẫn có thể > b. Sau đây, xin nêu ba dẫn chứng:

a.- Tên thành phố Bombay (của Ấn Độ) xuất phát từ tên của nữ thần Mumba cộng với Aai có nghĩa là mẹ trong tiếng Marathi. Cách đây khoảng 500 năm, người Bồ Đào Nha đã phiên âm nó thành Bombaim (M > B), rồi người Anh, người Pháp mới theo đó mà phiên thành Bombay (Bây giờ nó đã được đổi thành Mumbai cho gần với “gốc gác” hơn).

b.- Còn ở Việt Nam ta thì, trong phương ngữ Nam Bộ, Malay (chỉ xứ hoặc người Mã Lai) đã biến thành… Bà Lai và địa danh này vẫn còn tồn tại trong hai danh ngữ, một liên quan đến y phục là cổ (áo) Bà lai, và một liên quan đến món ăn là  Lai chanh (Ở một vài quán ăn, nhà hàng trong Nam, bây giờ nó đã bị “trẹo” thành “bà la chanh”).

c.- Thêm một thí dụ nữa: bồ hòn là do mồ hòn nói trại mà ra (cũng là M > B). Mồ hòn là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng hai chữ [無患] mà âm Hán Việt thông dụng hiện đại là vô hoạn, có nghĩa là… bồ hòn. là âm thông dụng hiện đại của chữ [無]  nhưng âm xưa của nó là như vẫn còn thấy trong cấu trúc Nam Mô A Di Đà Phật [南無阿彌佗佛] và xưa hơn một bước nữa là mồ. Hòn là điệp thức của hoạn, cũng như một từ hòn khác là điệp thức của hoàn [丸], là viên, là cục tròn. Vậy không có gì lạ nếu bồ hòn là do [無患] (vô hoạn) mà ra. Bồ hòn, Tàu còn gọi là cấm lâu [噤婁], phì chu tử [肥珠子], du chu tử [油珠子], quỉ kiến sầu [鬼見愁]; Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân gọi là mộc hoạn tử [木患子], các hiệu thuốc Bắc ở Hong Kong gọi là mộc nhản tử [木眼仔], tỉnh Tứ Xuyên gọi là du hoạn tử [油患子], đảo Hải Nam gọi là khổ hoạn thụ [苦患樹], Đài Loan gọi là hoàng mục tử [黃目子]. Cũng còn được gọi là du la thụ [油羅樹], tẩy thủ quả [洗手果], phì tạo quả thụ [肥皂果樹]. Ngày xưa còn gọi là hoàn [桓]. Chúng tôi đưa ra hàng loạt tên gọi khác nhau như thế của cây bồ hòn ở bên Tàu để đề phòng một số kẻ “Việt cuồng cực điểm” cho rằng hoạn là do Tàu mượn từ hai tiếng bồ hòn của người Việt ở phương Nam. Tàu đã có “cả đống” cách gọi khác nhau dành cho (cây, quả) bồ hòn thì còn đi mượn để làm gì! Nhưng giả sử - đây chỉ là một sự thật quái đản - có một sự vay mượn ngược đời như thế thì ta vẫn có M > B, nghĩa là mồ hòn > bồ hòn chứ không phải ngược lại. Tại sao? Rất đơn giản. Nếu Tàu đi mượn cái tên mà họ ghi bằng hai chữ [無患] thì điều này chỉ có nghĩa là tiếng thứ nhất trong cái tên mà họ mượn phải có phụ âm đầu M vì chữ [無] vốn đọc với phụ âm đầu M. Vậy phụ âm đầu của âm tiết thứ nhất trong cái tên bằng tiếng Việt mà ta giả định là Tàu đã mượn vẫn cứ là M và ta vẫn cứ có mồ hòn > bồ hòn.

Sự thật là như thế; nhưng ông Nguyễn Đại Cồ Việt còn viết tiếp:

“3. Giả thiết là “bồ nhân” (người tết bằng cỏ bồ) hay “phù nhân” (người tết bằng cỏ dùng để yểm bùa) đều có thể. Tất nhiên trường hợp “bồ nhân” thì nghĩa gần gũi nhất. Tác giả băn khoăn là “chưa thấy từ này trong tiếng Hán”. Băn khoăn này hơi quá, vì người Việt vẫn vận dụng từ tố gốc Hán để tạo ra đơn vị mới mà trong tiếng Hán không có (từ Hán Việt tự tạo). Vốn từ Hán Việt hiện đại cho thấy trường hợp tự tạo là rất nhiều, và rõ ràng là những từ như vậy là không phải mới tạo ra. “Bồ nhin”, rồi thành “bù nhìn” là một từ Hán Việt tự tạo không có gì là quá khó hiểu”.

Ông Nguyễn Đại Cồ Việt viết như thế nhưng những từ Hán Việt tự tạo mà ông cho là rất nhiều đó chủ yếu thuộc về thời hiện đại chứ ở thời xưa  thì rất ít. Mà ngay cả ở thời xưa, nhất là vào thời xưa, thì việc “tự tạo” như thế chủ yếu cũng chỉ dành cho văn viết bắng Hán ngữ chứ không phải cho lối nói thông dụng như hai tiếng “bồ nhân”. Mà đã là đặt tên cho một vật thông thường, thường thấy trong đời sống hằng ngày của người Việt thì không việc gì phải đi lấy từ “bồ” của tiếng Tàu, là một từ thực sự không thông dụng trong tiếng Việt.

Cuối cùng, ông Nguyễn Đại Cồ Việt viết:

“4. “Nhin” có trước hay “nhìn” có trước? Về hình thức thì “nhìn” có thanh điệu cổ hơn “nhin”. Nhưng nếu muốn chứng minh từ “bù nhìn” có từ thời thứ trọc bình thanh còn đọc thanh “huyền”, thì phải khảo xem dùng “bù nhìn” để canh ruộng có từ bao giờ? Còn thì vẫn có khả năng nó bị thanh huyền của “bù” đồng hóa. Thanh điệu là câu chuyện phức tạp. Nó vừa khó, lại vừa dễ thay đổi”.

Chúng tôi đồng ý với ông Nguyễn Đại Cồ Việt rằng thanh điệu là câu chuyện phức tạp. Nhưng riêng giả thiết mà ông đưa ra (khả năng “nhin” bị thanh huyền của “bù” đồng hóa) thì lại không thể đứng vững được. Muốn đồng hóa (hay dị hóa) thì phải có nguyên nhân cụ thể. Trong bài của mình, khi khẳng định mù nhìn là do mùn nhìn mà ra, chúng tôi đã nêu rõ nguyên nhân. Đó là do một sự dị hóa phụ âm cuối của âm tiết thứ nhất từ [n] thành zéro vì cấu trúc mùn nhìn có đến bốn âm mũi (m-, -n, nh-, -n) trong đó âm cuối của tiếng thứ nhất (-n) và âm đầu của tiếng thứ hai (-nh) chẳng những đều là âm mũi mà lại còn “đụng” nhau. Còn “bù nhin” biến thành bù nhìn thì, theo ông, đó là do nhin đã bị thanh huyền của bù đồng hóa nhưng nguyên nhân của sự đồng hóa này thì chắc là không ai biết. Nếu chỉ lập luận một cách dễ dãi như ông Nguyễn Đại Cồ Việt thì người ta có thể hỏi: Vậy tại sao bồ câu, bồ chao, bồ cu, bồ nông không biến thành “bồ cầu”, “bồ chào”, “bồ cù”, “bồ nồng” mà chỉ riêng “bù nhin” mới có thể trở thành bù nhìn? Không thể trả lời được. 

Chúng tôi hoan nghênh ông Nguyễn Đại Cồ Việt đã có nhã ý nhận xét về bài viết của chúng tôi. Mở đầu phần nhận xét, ông viết: “Một chữ “bù nhìn” mà thật nhiều giả thiết.” Chúng tôi cho rằng chắc ông cũng sẵn sàng tán thành một cách làm việc như thế vì nó không nói lên điều gì khác hơn là một phong cách làm việc khoa học chu đáo và triệt để. Xin trả lời lại như trên và xin nói thêm với ông và bạn đọc rằng, với chúng tôi thì việc truy tầm từ nguyên của hai tiếng bù nhìn vẫn chưa chấm dứt tại đây.

A.C