Triều Tiên đi nước cờ mới trong đàm phán hạt nhân với Mỹ?
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thị sát đơn vị quân đội ngày 17/4. (Ảnh: Yonhap) |
Sức ép từ thử vũ khí chiến thuật
Trong một động thái mà giới chuyên gia cho rằng nhằm gây sức ép đàm phán với Mỹ, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong tuần này đã đến thăm một đơn vị quân đội và thị sát thử nghiệm vũ khí chiến thuật mới. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông kêu gọi tinh thần tự lực cánh sinh để “giáng đòn mạnh” vào các thế lực thù địch.
Mặt khác, ông cũng tuyên bố sẵn sàng gặp thượng đỉnh lần 3 với Tổng thống Mỹ Donald Trump với điều kiện Washington phải thay đổi cách thức đàm phán trước cuối năm nay.
Nếu chuyến thăm đơn vị không quân của ông Kim nhằm thể hiện năng lực đối phó lệnh trừng phạt của Bình Nhưỡng, thì chuyến thị sát thử nghiệm vũ khí chiến thuật mới được coi là dấu hiệu rõ ràng nhất gửi đến Washington rằng vũ khí chiến thuật của Triều Tiên ngày càng được củng cố.
Shin Jong-woo, một chuyên gia về vũ khí tại Diễn đàn quốc phòng Hàn Quốc, nhận định vũ khí mới của Triều Tiên có thể là một tên lửa dẫn đường tầm ngắn. Trong khi đó, chuyên gia quân sự Kim Dong-yub của Đại học Kyungnam, cho rằng đó là một tên lửa hành trình tầm ngắn.
“Nhiều khả năng đó là một tên lửa hành trình tầm ngắn có thể biến đổi thành tên lửa đất đối đất, không đối đất và hạm đối hạm”, chuyên gia Kim bình luận.
Shin Won-sik, một cựu tướng 3 sao tại Hàn Quốc, cho rằng Triều Tiên chưa bao giờ ngừng cải tiến độ chính xác của các tên lửa tầm ngắn ngay cả khi theo đuổi các chính sách ngoại giao với Mỹ.
Các chuyên gia cho rằng, với việc thử nghiệm vũ khí chiến thuật tầm ngắn, Triều Tiên đang đi những nước cờ thận trọng. Bình Nhưỡng có thể tăng sức ép với Washington với một vụ thử như vậy mà vẫn có thể tuyên bố rằng Triều Tiên không hề phá vỡ các cam kết với Mỹ.
Karl Dewey, một chuyên gia phân tích cấp cao của tạp chí quốc phòng IHS Markit, nhận định việc Triều Tiên tập trung vào bản chất chiến thuật của vũ khí chủ yếu hướng đến dư luận trong nước hơn là phát tín hiệu thay đổi chiến lược đàm phán với Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia khác tin rằng, đây là một tín hiệu rõ ràng gửi đến Mỹ.
“Đó là thông điệp từ ông Kim Jong-un rằng ông ấy không còn tin tưởng ở ông Trump hay ông Moon Jae-in, rằng ông ấy sẵn sàng đi theo một hướng riêng. Ông ấy đang cho thấy rằng không có sự thỏa hiệp nào dưới sức ép của Mỹ”, Lee Byong-chul, một chuyên gia về Triều Tiên tại Viện nghiên cứu Viễn Đông, bình luận.
“Không đặt tất cả trứng vào một rổ”
Tổng thống Nga Putin (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: AP) |
Vụ thử vũ khí chiến thuật của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh Chủ tịch Kim Jong-un chuẩn bị có chuyến thăm tới Nga và tiến hành hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên với Tổng thống Vladimir Putin vào cuối tháng này.
Triều Tiên vốn dựa vào Nga và Trung Quốc để đối trọng với Mỹ, đối phó với các lệnh trừng phạt từ Washington. Cả Nga và Trung Quốc hiện tiếp nhận hàng chục nghìn lao động Triều Tiên.
Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của Triều Tiên khi đóng góp hơn 93% kim ngạch thương mại cho quốc gia Đông Bắc Á này. Tuy nhiên, hiện tại Bắc Kinh cũng đang phải xoay sở với những tác động từ cuộc chiến thương mại với Mỹ. Do vậy, Triều Tiên có thể cần đến sự hỗ trợ của Nga hơn bao giờ hết để đối phó các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, giới chuyên gia nhận định.
“Ông Kim không muốn đặt tất cả trứng vào một rổ. Ông Kim Jong-un muốn cho Mỹ thấy rằng Trung Quốc không phải là lựa chọn duy nhất của họ”, David Kim, chuyên gia phân tích tại Trung tâm nghiên cứu Stimson ở Washington (Mỹ), nói.
Trong một dấu hiệu nữa cho thấy việc tăng sức ép đàm phán với Mỹ, Triều Tiên hôm qua đã đề nghị Mỹ thay Ngoại trưởng Mike Pompeo bằng một trưởng đoàn đàm phán khác “thận trọng, chín chắn hơn” trong các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân.
Theo Dân trí
Mỹ nói vũ khí mới của Triều Tiên không phải tên lửa đạn đạo |
Chủ tịch Triều Tiên thăm chính thức Nga vào cuối tháng 4 |
Triều Tiên phát hành tem về chuyến thăm Việt Nam của ông Kim Jong-un |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị