Triển lãm tranh làm sống lại ký ức đẹp về Hà Nội xưa
“Năng Hiển – Zuy Nhất” là triển lãm cá nhân lần thứ hai của ông sau khi mất, được gia đình công bố từ những tác phẩm chọn lọc mà ông sáng tác trong một thời gian dài liên tục, hơn 60 năm. Triển lãm lần này trưng bày 67 tác phẩm trong đó có 21 tranh lụa, 16 sơn dầu, 9 sơn mài và một số tranh phấn màu, màu nước với các đề tài quen thuộc Thiếu nữ Hà Nội xưa, chân dung bạn bè người thân gia đình và những tranh sinh hoạt xã hội.
Họa sĩ Lê Năng Hiển |
Xuất thân trong một gia đình Nho học trung lưu với những ràng buộc đạo lý cùng tư tưởng tân học phương Tây đầu thế kỉ 20, họa sĩ Lê Năng Hiển đã gắn bó cuộc đời mình nơi cố đô Thăng Long xưa và Hà Nội ngàn năm văn hiến, được chắt lọc tinh hoa từ mảnh đất kinh kỳ cùng những biến động xã hội không dễ mấy ai được chứng kiến trong cuộc đời mình.
Ông đã tiếp nhận quy tắc ứng xử gia đình – xã hội trong một nghịch lý không dễ vượt qua ở những thời điểm lịch sử thăng trầm của một dân tộc không mấy bình yên.
Chân dung Lê Năng Hiển hợp nhất hai diện mạo quen thuộc trong giới bạn bè: một kịch sĩ tài hoa và họa sĩ của một thời Hà Nội với những tranh chân dung thiếu nữ yêu kiều mộng mơ, tranh lịch sử tráng ca đầy ắp sự kiện huy hoàng của các triều đại hiển hách chống xâm lăng.
Ở diện mạo nào cũng in đậm dấu ấn một nghệ sĩ sống theo lý tưởng của riêng mình và dâng hiến tận cùng cho nghệ thuật.
Những tác phẩm hiện diện tại triển lãm này sẽ cho chúng ta được sống lại những kí ức xưa được thắp lên từ một tình yêu Hà Nội của một họa sĩ tài hoa đã trải lòng mình đồng hành cùng chúng ta qua từng năm tháng.
Tác phẩm 'Hòa đàn' của họa sĩ Lê Năng Hiển |
Họa sĩ Lê Năng Hiển là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1957. Ông sinh ngày 17 tháng 1 năm 1921 trong một gia đình ở phố cổ Hà Nội - số 55 ngõ Phất Lộc, Hàng Buồm. Sau ông chuyển đến sống tại số 41 Hàng Bài. Trong các tác phẩm của mình thời kỳ đầu ông thường ký bút danh “Zuy Nhất”, sau này ông lấy lại tên cũ là “Năng Hiển”.
Ngay từ khi đang học Tiểu học, Năng Hiển đã thể hiện là người có năng khiếu Mỹ thuật. Năm 1938, sau khi tốt nghiệp trung học, ông bắt đầu vẽ nhiều tranh biếm họa cho Báo Phong Hóa, có bức đã được chọn đăng trên bìa báo. Từ đó, ông say mê vẽ. Năm 1940, ông theo học lớp vẽ qua thư (Cours ABC de Dessins par correspondance - Paris, Pháp). Ngoài ra, hằng tuần ông thường đến nhà họa sĩ Trần Quang Trân thụ giáo thêm. Là người chăm đọc sách, ông thường xuyên đến Thư viện Quốc gia, mỗi ngày đọc hai cuốn sách khiến thủ thư gọi đùa ông là “Chuột thư viện”.
Cách mạng tháng Tám 1945, ông dự mit- tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, dạy Bình dân Học vụ tại trường Tiểu học Hàng Than. Để duy trì lớp Bình dân Học vụ, ông cùng họa sĩ Mạnh Quỳnh vẽ tranh chân dung bán lấy tiền. Ông tham gia diễn kịch tại Ấu trĩ Viên, ban kịch Hoa Lan, làm diễn viên trong các vở kịch Lôi Vũ của Tào Ngu, Diêm Vương và Thần Dốt...
Tháng 12 năm 1946 toàn quốc kháng chiến, gia đình ông tản cư về Hưng Yên. Tại đây, ông thành lập ban kịch Ngàn Phương, vừa làm trưởng đoàn kiêm đạo diễn, biên kịch, diễn viên, họa sĩ. Ban kịch đã dựng và biểu diễn ở nhiều vùng nông thôn Hưng Yên, đáng chú ý là các vở “Bình dân Học vụ”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, kịch thơ “Trần Bình Trọng” và kịch nói “Đề Thám”… Bộ tranh 80 bức bột màu khổ lớn có tên “Sinh hoạt quân đội ở tiền tuyến miêu tả hoạt động của Trung đoàn Liên khu III và đi ký họa ở mặt trận Lực Điền. Năm 1948, ông là họa sĩ của Ty Thông tin Hưng Yên đóng ở Kim Động, vẽ tranh tuyên truyền cổ động phục vụ sản xuất và chiến đấu.”
Triển lãm tranh tưởng nhớ một họa sĩ, kịch sĩ tài hoa |
Năm 1950, chiến sự trở nên ác liệt, quân Pháp tấn công khu III, họa sĩ Năng Hiển cùng một số diễn viên đoàn kịch Liên khu III trở lại nội thành Hà Nội, tập hợp thành kịch xã Hoa Quỳnh. Năm 1951, ông viết tiểu thuyết “Chàng kỵ mã trở về”, còn gọi là “Nắm đất phù sa” về một trong những vị tướng tài của Lê Lợi, in thành truyện dài kỳ trên báo. Hơn 50 năm sau, năm 2007, ông viết tiếp cuốn sách này và được Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt bạn đọc với tên “Chàng kỵ mã Lam Sơn”. Năm 1953, họa sĩ Năng Hiển mở phòng vẽ ở 76 phố Hàng Dầu, lấy bút danh là “Zuy Nhất”, làm họa sĩ cho mục Thời Cục của báo Tia Sáng vẽ quảng cáo, vẽ bìa, minh họa cho khoảng 20 Nhà xuất bản ở Hà Nội như Văn Hồng Thịnh, Kuy Sơn, Anh Phương, Ngọc Hưng, Yên Sơn... Ngoài ra ông còn sáng tác nhiều tranh lụa về thiếu nữ Hà Nội như bức “Huyền Trinh - Maja Phương Đông”, “Thiếu nữ”, vẽ phụ bản báo Xuân.
Năm 1954, sau hiệp định Genève, ông cùng với nhiều họa sĩ tham gia hoạt động Mỹ thuật mừng ngày giải phóng Thủ đô. Họa sĩ Năng Hiển sáng tác nhiều bức tranh về đề tài mới, đáng chú ý là hai bức tranh phấn màu “Tình hữu nghị” và “Thiếu nhi vui hòa bình” tham dự Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1955. Tháng 3 năm 1957, ông là Đại biểu đến dự Đại hội thành lập Hội Mỹ thuật Việt Nam, là một trong 123 Hội viên đầu tiên của Hội. Ông cũng là một trong những Hội viên có mặt tại các Đại hội Đại biểu Toàn quốc Hội Mỹ thuật Việt Nam từ khóa II đến khóa VII, thành viên Câu lạc bộ họa sĩ cao tuổi Hội Mỹ thuật Việt Nam đến tận cuối đời.
Ông đã cùng với nhiều họa sĩ tham gia các chuyến đi thực tế do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức ở các nhà máy, công trường, miền núi, mỏ than Đèo Nai - Cẩm Phả, Quảng Ninh. Sau chuyến đi, ông đã sáng tác nhiều bức tranh về đề tài này, trong đó đáng chú ý nhất là bức tranh lụa “Thợ mỏ ăn cơm trên tầng Đèo Nai” đã được chọn trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật 12 nước XHCN tổ chức tại Mát-xcơ-va và các nước XHCN Đông Âu và hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1958, họa sĩ Năng Hiển sáng tác nhiều bức tranh về đề tài thống nhất đất nước và về đề tài chế độ thực dân phong kiến. Tiêu biểu là bức tranh “Việt Nam phải thống nhất” được tặng Giải Ba Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1958. Cũng trong năm 1958, ông đã sáng tác bức tranh “Ba tầng áp bức”, hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
Năm 1960, họa sĩ Năng Hiển cùng với chín họa sĩ gồm Trần Tấn Lộc, Trần Tấn Dậu, Thái Quang Trai, Phạm Ngọ, Trần Mai, Nguyễn Đình Huống... thành lập Hợp tác xã Mỹ thuật tại Hà Nội. Thời kỳ này, ông sáng tác nhiều bức tranh lụa về chân dung thiếu nữ Hà Nội và các dân tộc thiểu số ở phía Bắc, trong đó bức tranh lụa “Thiếu nữ Mường đọc sách” đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập và trưng bày từ năm 1966. Cũng trong năm này, theo lời khuyên của họa sĩ Bùi Xuân Phái - một người bạn thân, ông đã bỏ bút danh “Zuy Nhất” sang tên do cha mẹ đặt cho từ thuở nhỏ là “Năng Hiển”.
Trong kháng chiến chống Mỹ, họa sĩ Năng Hiển có nhiều chuyến đi thực tế chiến đấu của quân và dân miền Bắc. Cùng với họa sĩ Nguyễn Tiến Chung, từ những ký họa ông đã sáng tác những tranh về đề tài chiến đấu, sản xuất. Đáng chú ý là bức tranh lụa “Nữ dân quân tập bắn máy bay”. Đến năm 2000, bức tranh này đã được họa sĩ chuyển sang chất liệu Sơn dầu và tham dự Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc về đề tài Lực lượng vũ trang và Chiến tranh cách mạng.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bên cạnh các tranh lụa, phấn màu, sơn mài với đề tài quen thuộc, họa sĩ Năng Hiển đi sâu vào nhiều tác phẩm về đề tài lịch sử Việt Nam như hộp hình “Trận Chi Lăng của Lê Lợi”, “Trận Như Nguyệt của Lý Thường Kiệt”... Đáng chú ý là bức tranh sơn dầu kích thước lớn “Trận Bạch Đằng của quân dân nhà Trần” được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Sau đó bức tranh được vẽ với kích thước nhỏ hơn để trưng bày tại Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Quân đội.
Từ năm 1980, họa sĩ Năng Hiển chuyên vẽ tranh chân dung, đặc biệt là chân dung các thiếu nữ Hà Nội đã được chọn trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1980. Một vinh dự của họa sĩ là ông đã vẽ bức tranh chân dung Tổng thống Pháp Francois Mitterand và vợ năm 1990. Bức tranh này đã được ông tặng lại cho vợ chồng Tổng thống khi họ đến thăm Việt Nam.
Năm 1994, vào tuổi xưa nay hiếm họa sĩ Năng Hiển vẫn tham gia các chuyến đi thực tế của Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Quảng Ninh, Cát Bà, Ninh Bình... và tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm về đề tài lịch sử, hiện thực xã hội trên các chất liệu như lụa, sơn mài, sơn dầu, phấn màu... Ta có thể kể tới các tác phẩm: “Thiếu nữ hoa sen” trưng bày Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1995, tranh lụa kích thước lớn “Trận Ngọc Hồi Quang Trung đại phá quân Thanh” sáng tác năm 2008, tham dự Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 2010, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Quân sự Việt Nam và các tranh sơn mài “Tứ tấu”, “Hòa đàn II”, “Khỏa thân nằm”, “Phượng vĩ Hồ Gươm mùa dĩ vãng”...
Sinh thời, họa sĩ Năng Hiển có rất nhiều tác phẩm tham gia các Triển lãm chung mang tính toàn quốc hoặc của thành phố, nhưng đến tuổi ngoài 70 ông mới tổ chức Triển lãm cá nhân. Đó là hai Triển lãm tác phẩm Năng Hiển tổ chức tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật - 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Triển lãm lần thứ nhất vào năm 1996 với 75 tác phẩm lụa, Sơn mài, Sơn dầu, phấn màu. Các tác phẩm này đã được nhà sưu tập Vũ Đình Hanh mua về Pháp. Triển lãm cá nhân lần thứ hai vào năm 2005, kỷ niệm tuổi 86. Từ năm 1998 đến năm 2013, ông liên tục có tác phẩm dự Triển lãm tranh của các họa sĩ cao tuổi tại Hà Nội, ta có thể kể tới các tác phẩm: sơn dầu “Họa sĩ và người mẫu” (1998), lụa “Nhịp điệu đồng quê”, “Phong cảnh Sa Pa” (1999), “Thiếu nữ Dao”, “Chân dung tự họa” (2003), “Hòa nhạc dân tộc” (2007), “Ca trù” (2008), “Tắm thác”, “Hát mời trầu” (2009), sơn mài “Mộng” (2001), “Thiếu nữ Hà Nội” (2008), “Thiếu nữ cầm quạt”, “Kiều” (2013)... và sáng tác nhiều bức tranh sơn dầu, sơn mài, lụa chân dung các nhân vật lịch sử như Dương Vân Nga, Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, Đức Thánh Trần, Ngô Quyền...
Trong 20 năm, từ năm 1990 đến 2010, bên cạnh việc sáng tác Hội họa, họa sĩ Năng Hiển còn đam mê viết tiểu thuyết lịch sử và những kỷ niệm của cuộc đời mình. Các cuốn sách đã được xuất bản như “Ba chiến thắng Bạch Đằng Giang”, “Lý Thái Tổ và Vương triều Lý”, “Bảy Mỹ nhân nổi tiếng trong lịch sử”, “Chàng kỵ mã Lam Sơn”, “Chín mối tình dang dở của một đời nghệ sĩ” đều do ông trực tiếp trình bày, vẽ bìa, minh họa và công bố. Hiện vẫn còn cuốn sách “Tây Sơn Nguyễn Huệ” đang ở dạng bản thảo, chưa được xuất bản.
Là một trong những số ít họa sĩ sáng tác tự do và sống được bằng các tác phẩm của mình. Là người Hà Nội nho nhã, lịch thiệp và tài hoa, ông đã để lại cho đời sự cảm mến của nhiều đồng nghiệp, những tác phẩm Mỹ thuật với nhiều chất liệu, thể loại khác nhau sẽ còn lưu giữ cho đời sau, góp phần vào sự nghiệp phát triển Mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông còn là một trong những họa sĩ đa tài ghi dấu ấn cả trong lĩnh vực Sân khấu, Văn học, đặc biệt là những sách về đề tài Lịch sử Việt Nam do ông viết và vẽ minh họa.
Sau hai năm ông vào cõi vĩnh hằng, để tưởng nhớ ông, tháng 2 năm 2016, Hội Mỹ thuật và gia đình đã tổ chức Triển lãm hội họa lần thứ ba của ông tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật - 16 Ngô Quyền, Hà Nội, tổng kết hành trình sáng tạo của một đời nghệ sĩ - một thời Hà Nội.
Những vòm cầu kết nối Hà Nội xưa & nay | |
Tái hiện Hà Nội xưa qua “Ký ức Hà Nội” |
Việt Quất
-
Tử vi ngày 24/11/2024: Tuổi Mão mở rộng đầu tư, tuổi Dậu tài chính suôn sẻ
-
Thú sưu tầm đồ bằng bạc lên ngôi
-
[P-Magazine] Kỳ I: Ý thức giữ gìn môi trường biển của những người kỹ sư lọc dầu
-
Hơn 5.000 vé máy bay, ô tô hỗ trợ người khó khăn về quê ăn Tết
-
Tử vi ngày 23/11/2024: Tuổi Sửu chứng minh năng lực, tuổi Thân gặt hái thành công
- Tử vi ngày 24/11/2024: Tuổi Mão mở rộng đầu tư, tuổi Dậu tài chính suôn sẻ
- Tử vi ngày 23/11/2024: Tuổi Sửu chứng minh năng lực, tuổi Thân gặt hái thành công
- Tử vi ngày 22/11/2024: Tuổi Tý thể hiện khả năng, tuổi Ngọ tinh thần hăng hái
- Tử vi ngày 21/11/2024: Tuổi Tỵ thành quả xứng đáng, tuổi Dần vị thế nổi bật
- Tử vi ngày 20/11/2024: Tuổi Mão cơ hội tiềm năng, tuổi Dậu ứng biến nhanh nhạy
- Tử vi ngày 18/11/2024: Tuổi Mùi đào hoa nở rộ, tuổi Thân vận may tìm đến
- [Chùm ảnh] Đà Lạt một sớm bình yên
- Tử vi ngày 17/11/2024: Tuổi Tuất xác định mục tiêu, tuổi Dậu sự nghiệp hanh thông