Trang phục của đệ nhất phu nhân Mỹ và công nương Anh: Ai trả tiền?
Năng lượng Mới số 408
Thực tế thì Nhà Trắng xưa nay rất miễn cưỡng trả lời các câu hỏi liên quan đến nguồn tài chính cho tủ quần áo của các phu nhân Tổng thống. Trong khi các đệ nhất phu nhân gánh trên vai một trách nhiệm không kém các đức ông chồng của mình, đó là phải ăn mặc đẹp, lịch sự, trang trọng, nhưng vấn đề là “công việc” này không được trả lương hay hưởng khoản trợ cấp quần áo nào.
Bộ đầm dạ hội Carolina Herrera của đệ nhất phu nhân Mỹ mặc trong tiệc tiếp Tổng thống Pháp François Hollande
Bà Mary Todd Lincoln - phu nhân cố Tổng thống Abraham Lincoln từng “nợ như chúa chổm” do thói quen nghiện mua sắm quần áo. Để có tiền thanh toán các hóa đơn quần áo lên tới hàng chục nghìn đôla, thay vì nhờ chồng hỗ trợ tài chính, bà Mary đã nghĩ ra độc chiêu bán phân bón đã mua trước đó để cải thiện đất ở khu vườn Nhà Trắng và sa thải bớt một số nhân công. Còn thân phụ của Tổng thống John F. Kennedy thì từng phải móc hầu bao thanh toán toàn bộ tủ quần áo do “cây đại thụ” trong làng thời trang thế giới Oleg Cassini thiết kế cho con dâu - đệ nhất phu nhân được mệnh danh “huyền thoại thời trang” Jacqueline Kennedy, và biến nó trở thành một trách nhiệm chính trị đối với con trai. Riêng phu nhân Tổng thống Reagan - bà Nancy lại có thói quen mượn đồ của các nhà thiết kế nhưng không phải lúc nào cũng trả lại, thậm chí có khi bà còn thông báo đó là quà tặng.
Phu nhân Tổng thống George Bush (Bush con), bà Laura, trong hồi ký của mình cho biết, bà đã bị “sốc” bởi số lượng quần áo thiết kế mà bà được dự kiến là sẽ mua trên cương vị đệ nhất phu nhân. Vậy làm thế nào để bà Obama, một biểu tượng thời trang với thị hiếu đắt hơn nhiều so với bà Bush có thể xoay sở chi trả cho các trang phục của mình? Trong khi đó, chốt năm 2013, Tổng thống Obama báo cáo với truyền thông về khoản thu nhập khiêm tốn trong năm của gia đình là 481.000USD và tổng tài sản hiện có chỉ là 1,8 triệu USD.
Bộ đầm couture của Jason Wu bà Obama mặc trong lễ nhậm chức của chồng
Nhiều người cho rằng tủ quần áo của đệ nhất phu nhân nước Mỹ hẳn phải nhận được sự tài trợ nồng nhiệt từ các thương hiệu, bởi bà Obama là nhân vật có địa vị và phong cách nổi trội, có thể lăngxê một bộ cánh lên sân khấu thời trang thế giới chỉ bằng cách mặc nó. Tuy nhiên, theo tiết lộ từ người phát ngôn của Michelle Obama, chính phu nhân tổng thống là người chi trả những trang phục của bà. Bà Obama không mượn đồ của nhà thiết kế nổi tiếng mà phải tự túc chi trả tiền trang phục, dù không phải lúc nào cũng vậy. Sự lựa chọn của bà rất đa dạng, từ những trang phục giảm giá của các thương hiệu bình dân cho đến hàng hiệu đặt làm riêng với giá tiền lên tới 5 con số của các nhà thiết kế nổi tiếng.
Giống như phần đông phụ nữ, Michelle Obama sẽ đi săn lùng hàng giảm giá dùng làm trang phục thường ngày. Còn đối với các sự kiện chính thức xuất hiện trước công chúng hoặc mang tính lịch sử như công du đến một bang hay quốc gia nào, các nhà thiết kế sẽ gửi tặng trang phục cho đệ nhất phu nhân và bà sẽ nhận nó trên danh nghĩa của Chính phủ Mỹ. Sau đó, những trang phục này sẽ được cất giữ trong Kho lưu trữ Quốc gia.
Những bộ trang phục rơi vào diện “quà tặng” này thường là những chiếc đầm đắt giá nhất mà bà Obama từng mặc. Chẳng hạn như hai chiếc đầm couture của Jason Wu mà Michelle từng mặc trong lễ nhậm chức Tổng thống của chồng. Hay bộ đầm dạ hội Carolina Herrera mà bà Obama diện trong buổi tiệc tối với tổng thống Pháp François Hollande. Những chiếc đầm couture (dòng thời trang cao cấp, đặt riêng) này có giá trị ước chừng khoảng 20.000 bảng Anh (khoảng 710 triệu đồng). Chiếc đầm này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ.
Công nương Anh Kate Middleton
Trong khi đó, những trang phục do đệ nhất phu nhân tự móc hầu bao thường rẻ hơn và có giá rất hữu nghị. Những chiếc đầm này sẽ do trợ lý riêng của bà có trách nhiệm sắp xếp, liên hệ với các thương hiệu để có được mức giá ưu đãi tốt nhất, thông thường sẽ giảm đi 40% so với giá trị trường.
Ngoài ra, đệ nhất phu nhân Mỹ cũng rất biết tận dụng đồ cũ và thay đổi phụ kiện để làm mới các bộ váy áo của mình.
Cách giải quyết này giúp bà Obama tiết kiệm khá nhiều chi phí, mặc dù Nhà Trắng từ chối cho biết bà được nhận quà thường xuyên đến mức nào. Nhà Trắng chỉ khẳng định, đệ nhất phu nhân Michelle Obama chưa từng phải mượn đồ và hầu hết đều do bà tự mua. Còn đại diện Kho lưu trữ Quốc gia cũng từ chối xác nhận họ đang cất giữ bao nhiêu bộ trang phục như vậy.
Được biết, trường hợp của đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obam cũng khá giống với một biểu tượng thời trang khác trong giới phu nhân của các nhà lãnh đạo, hoàng thất thế giới là công nương Kate Middleton - vợ hoàng tử Anh William. Mặc dù những trang phục được Kate chọn mặc thường cháy hàng trong “vài nốt nhạc” nhưng cô cũng không hề được tài trợ từ các thương hiệu này. Trợ lý của công nương Anh sẽ sắp xếp chuyển trang phục từ các thương hiệu đến lâu đài cho cô lựa chọn trước mỗi chuyến đi. Những món nào không được chọn sẽ được gửi trả lại, còn món nào lọt vào mắt công nương sẽ được chi trả đàng hoàng. Các thương hiệu nếu muốn gửi lookbook mới nhất cho công nương cũng phải thông qua người trợ lý này. Tuy nhiên, cá biệt có năm như năm 2012, toàn bộ hóa đơn váy áo với tổng trị giá hơn 35.000 bảng Anh của công nương Kate đã được bố chồng cô là thái tử Charles chi trả. Thái tử Charles hy vọng cô con dâu nổi tiếng vì phong cách thời trang trang nhã, trẻ trung nhưng vẫn sang trọng sẽ không bao giờ phải từ bỏ niềm yêu thích đối với những món thời trang hàng hiệu của mình, thậm chí có thể đi mua sắm tại những cửa hiệu đó thường xuyên hơn.
Linh Phương (tổng hợp)
-
Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
-
Cân nhắc việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia
-
Bộ Trưởng Bộ Công Thương: Điện phải đi trước một bước
-
Khuyến khích đầu tư các dự án điện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo
-
Cần chính sách rõ ràng cho năng lượng gió ngoài khơi