Khi màn đêm buông xuống ở cảng cá Thọ Quang (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), hàng trăm lao động bắt đầu miệt mài mưu sinh với công việc vận chuyển, phân loại cá cho kịp buổi chợ sớm mai.
Hơn 12h đêm, không gian tĩnh mịch ở cảng cá Thọ Quang như bị khuấy động bởi tiếng người cười nói xen lẫn với tiếng động cơ tàu hướng về cầu cảng. Một đêm không ngủ để mưu sinh ở cảng cá Thọ Quang lại được bắt đầu.
Dưới ánh đèn cao áp vàng vọt trong đêm, những bước chân hối hả, thoăn thoắt của ngư dân như đang chạy đua với thời gian để đưa cá từ tàu, ghe vào bờ. Người làm việc phân loại hải sản, cân hàng… làm cho cảng cá luôn náo nhiệt.
Thời điểm gần 1 giờ sáng là lúc cảng cá Thọ Quang nhộn nhịp nhất. Tàu thuyền ra vào tấp nập, hàng tấn cá tươi rói lần lượt được bốc từ trong khoang các con tàu xuống bán cho chủ vựa cá.
Cá cập cảng mùa này chủ yếu là cá ngừ, cá thu và cá kình… thi thoảng có tàu lại đánh bắt được một vài loại cá đặc biệt khác.
Anh Nguyễn Hà, chủ một tàu cá ở đây cho biết, dù sản lượng năm nay có giảm so với những năm trước, nhưng số lượng tàu thuyền ra khơi vẫn đều. Những chủ tàu cá ở đây cũng đã tiết kiệm chi phí vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng việc đánh bắt vẫn đạt hiệu quả.
Không chỉ có các tàu cá tại cảng cá Thọ Quang này còn có hàng trăm lao động làm nhiều công việc khác nhau. Họ bám cảng mưu sinh bằng đủ loại công việc: bốc vác cá, ướp đá, vận chuyển, mốt cá…Nhiều người có thâm niên hàng chục năm làm việc ở cảng cá này để nuôi gia đình.
Kéo xe cá nặng hơn 30kg vào chợ, chị Thu Hòa (43 tuổi) đứng thở dốc. Chỉ cho phép mình nghỉ vài phút, chị lại bắt tay vào việc chất cá lên xe, chở ngay vào chợ. "Ngày nắng cũng như ngày mưa, đều đặn từ 24 giờ đêm, tôi lại ra cảng làm việc từ khuya cho đến rạng sáng. Công việc tuy vất vả nhưng thu nhập cũng tạm ổn, đủ chăm lo cho gia đình", chị Hòa chia sẻ.
Chừng 2 giờ sáng, bên trong chợ cá Thọ Quang đã bắt đầu nhộn nhịp người mua, kẻ bán từ rất sớm. Tiếng thương lái í ới trả giá cá tạo nên một không khí rộn rã trong đêm khuya. Ai ai cũng vội vàng bưng bê, kéo hoặc mướn người đưa cá về xe mình, rồi tiếp tục tìm, trả giá với loại cá khác.
Vừa thoăn thoắt phân loại những con cá mối, cá phèn, anh Nguyễn Văn Nam (39 tuổi) cho biết: Những giỏ cá đầy ắp sau khi phân loại sẽ được đưa đến nơi tập kết để đưa đi sơ chế hoặc giao cho những thương lái khác. Anh Nam kể: "Tùy theo lượng cá, ngày nào cá ít, lựa nhanh thì vài tiếng là xong, ngày tàu về nhiều thì phải phân loại tới sáng mới xong".
Dưới ánh đèn vàng hắt ra từ những vựa thu mua hải sản bên cạnh, có thể nhìn rõ vẻ ngái ngủ trên gương mặt nhiều người. Nhưng với họ, việc mưu sinh vẫn là ưu tiên số một. Những thanh niên bốc vác cá vội vàng nhận cá từ thương lái rồi lại hối hả vận chuyển ra xe để kịp giờ đến chợ. Dường như, ai cũng sợ chỉ cần chậm chân một chút, thì thu nhập của một ngày làm việc của họ sẽ giảm.
Trong vòng xoay hối hả mưu sinh ấy, luôn thấp thoáng bóng dáng những người phụ nữ với thân hình còm cõi, cùng đôi quang gánh trên vai, đang hì hục gánh những sọt cá nặng trĩu. Đó là những nữ phu cá, người chuyên gánh cá thuê cho những tiểu thương buôn hải sản, chủ thuyền…
Mỗi phu cá đều có một số phận riêng, nhưng hầu hết họ đều xuất thân khốn khó, lam lũ nên phải lăn lóc kiếm sống bằng cái nghề nặng nhọc… Có lẽ, cũng chính vì vậy mà những người gánh cá ở đây luôn hoạt động một cách rất trật tự, ai được thuê thì người đó gánh, thậm chí họ còn hỗ trợ lẫn nhau, không bao giờ tranh giành công việc… Thù lao cho mỗi chuyến được trả công khoảng 10.000 đồng.
Ở một góc khác, "đội quân" xe tải lần lượt khởi hành, mang theo những giỏ cá đầy ắp đến các chợ đầu mối cho kịp phiên chợ sáng. Những người buôn bán nhỏ ở các chợ trong thành phố hoặc ở các tỉnh lân cận cũng tranh thủ chọn mua cho mình những giỏ cá tươi và chở nhanh tỏa đi các chợ.
Mỗi con người bám trụ mưu sinh ở trên cảng cá này là một hoàn cảnh khác nhau, nhưng ai ai cũng đều có chung một ước mơ ấp ủ mong sao "trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang" để họ có thể lo được một cái tết trọn vẹn cho gia đình.
Trời càng về sáng, không khí làm việc trên bến càng khẩn trương. Hàng trăm con người vây quanh từng đống cá đủ loại, nhanh tay phân loại cá, cân ký, cắt đầu, bốc lên xe… Công việc của họ dường như là một vòng quay bất tận, một đêm không ngủ để mưu sinh trên cảng cá Thọ Quang cứ hối hả trôi đi hằng ngày như thế.