Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Tổng quan về dịch vụ thẩm định giá tài sản trong nền kinh tế Việt Nam

10:51 | 01/12/2011

2,370 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thẩm định giá (TĐG) đã có lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm trên thế giới, tuy nhiên đối với Việt Nam, lại là một loại hình khá mới mẻ.

Trong giai đoạn từ 1975 đến trước năm 1986, một bộ phận lớn tài sản trong nền kinh tế không được xem là hàng hóa, khái niệm giá cả chỉ có tính chất danh nghĩa. Cụ thể: đất đai là loại tư liệu sản xuất chủ yếu và đặc biệt, thuộc sở hữu toàn dân, không được phép trao đổi mua bán, các tư liệu sản xuất chủ yếu khác như: nhà xưởng, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất… cũng được xem là loại hàng hóa đặc biệt không được trao đổi trên thị trường. Kết cấu kinh tế hạ tầng, các doanh nghiệp, trang trại… cũng không phải là đối tượng mua bán. Ngoài ra các nguyên tắc, phương pháp hình thành giá của tài sản không tính đến các yếu tố thị thường, thậm chí đôi khi còn chưa tính đầy đủ các chi phí sản xuất ra tài sản. Việc TĐG nếu có chỉ đơn thuần là sự kiểm kê, đánh giá về mặt số lượng và chất lượng tài sản, khả năng phục vụ sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ chế quản lý tài sản… Khái niệm về TĐG tài sản theo giá thị trường không xuất hiện và không có ý nghĩa trong giai đoạn này.

Sự phát triển dịch vụ TĐG độc lập tại Việt Nam có ảnh hưởng lớn, làm thay đổi về bản chất khi nó đưa giá trị của các tài sản về sát hơn với thị trường, và đảm bảo phục vụ các nhu cầu khác nhau về giá mà trước đây phải phụ thuộc nặng nề vào Nhà nước dưới các hình thức áp đặt bằng các quyết định hành chính như khung giá hoặc kết quả định giá của Hội đồng định giá còn nặng thủ tục hành chính, mất thời gian và thậm chí đôi khi chưa đảm bảo được tính khoa học.

Việc ra đời dịch vụ TĐG độc lập còn tách nghiệp vụ thẩm định giá ra khỏi các hoạt động quản lý Nhà nước về giá, giảm áp lực về tài chính, nhân sự cho bộ máy quản lý Nhà nước, đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu về giá của mọi thành phần kinh tế. Nhà nước chỉ còn quản lý về giá dưới các hình thức như bình ổn giá, quản lý giá đối với những mặt hàng chiến lược có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế như xăng, dầu; phân bón… Chức năng quản lý Nhà nước về giá chủ yếu dưới các hình thức gián tiếp như xây dựng hành lang pháp lý về giá, thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về giá bảo đảm cho các hoạt động về giá trong xã hội diễn ra theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và Quốc tế.

Để có những bước phát triển nhanh như vậy, không thể không nhắc tới những tác động tích cực ảnh hưởng đến dịch vụ này như sau:

- Một là: Việt Nam là nước có nền chính trị tương đối ổn định, nền kinh tế đang từng bước hội nhập sâu rộng, kinh tế phát triển và tăng trưởng cao, chính các yếu tố này đã làm cho nhu cầu TĐG ngày càng tăng, tạo thuận lợi cho sự phát triển hoạt động TĐG. Ngoài ra, Nhà nước có các văn bản pháp lý khẳng định hoạt động TĐG là một dịch vụ của cơ chế thị trường, các tổ chức hoạt động TĐG và sản phẩm của loại dịch vụ này được pháp luật công nhận tương tự như các dịch vụ khác như: kiểm toán, tư vấn pháp luật… Mặt khác, Nhà nước thừa nhận TĐG là một chức năng của quản lý Nhà nước về giá và lần lượt ban hành các văn bản pháp quy bắt buộc phải TĐG trong một số hoạt động kinh tế như: đầu tư, liên doanh, liên kết, cổ phần hoá DNNN, xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công…

- Hai là: Cùng với quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng và phát triển nhanh của nền kinh tế Việt Nam, nhu cầu thẩm định ngày càng nhiều và đa dạng, như: xác định giá trị vốn góp liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài, giá cho thuê mặt bằng; TĐG DNNN để cổ phần hóa, để giao, bán; TĐG bất động sản, máy móc, thiết bị phục vụ việc lập dự án, quyết định đầu tư và quản lý vốn đầu tư; TĐG bất động sản có liên quan tới việc bảo lãnh hoặc thế chấp tài sản đối với các tổ chức tín dụng; TĐG đất ở, nhà ở và tài sản thiết bị khác đi liền với nhà ở phục vụ việc giải quyết vấn đề bồi thường và giải phóng mặt bằng… cho các tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Để đáp ứng cho 2 loại nhu cầu trên, trong những năm gần đây, hàng loạt Doanh nghiệp TĐG mọc ra khắp nơi. Tính đến thời điểm đầu năm 2011 căn cứ theo Thông báo số 48/TB-BTC ngày 21/1/2011 của Bộ Tài Chính đã có 52 Doanh nghiệp thẩm định giá đủ điều kiện hoạt động tại Việt Nam. Ngoài ra, nhiều ngân hàng và công ty tài chính cũng ý thức được sự cần thiết của dịch vụ này đã ủy thác cho những đơn vị có chức năng TĐG hoặc tự thành lập bộ phận chuyên trách để thực hiện.

- Ba là: So với các nước khác trên thế giới thì TĐG tại Việt Nam ra đời muộn hơn, tuy nhiên Việt Nam hiện là thành viên Hiệp hội những người thẩm định giá ASEAN (AVA) và Ủy ban Tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế (IVSC), đây là cơ hội giúp các thẩm định viên Việt Nam nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức này trong các hoạt động chuyên môn, các phương pháp, kỹ thuật và kinh nghiệm TĐG tiên tiến, qua đó tiếp cận với trình độ của thế giới và khu vực.

Bên cạnh những thuận lợi kể trên, dịch vụ TĐG tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như:

- TĐG Việt Nam mới bắt đầu hình thành và phát triển, trình độ còn thấp so với các nước khu vực và thế giới, thị trường còn nhỏ bé. Thị trường bất động sản chưa thực sự lành mạnh, còn thiếu sự minh bạch và có nhiều sự mập mờ về nguồn thông tin, thị trường chứng khoán đang xây dựng những bước đi ban đầu, việc cổ phần hóa các DNNN còn chậm… nên tuy nhu cầu TĐG có tăng lên song thị trường dịch vụ này ở nước ta vẫn chưa phát triển như các nước trong khu vực.

- Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực TĐG còn yếu cả về số lượng lẫn chất lượng, cung chưa theo kịp cầu. Theo số liệu tại Thông báo số 47/TB-BTC ngày 21/01/2011 của Bộ Tài chính thì ở nước ta mới có 238 thẩm định viên được công nhận đủ điều kiện hành nghề. Mặt khác, phần lớn những người tham gia vào hoạt động TĐG đều có xuất phát điểm từ các ngành Tài chính ngân hàng và lĩnh vực khoa học nghệ thuật, rất ít người được đào tạo một cách chính quy về TĐG.

- Hiện nay, hầu hết các Doanh nghiệp TĐG đều chưa xây dựng được ngân hàng dữ liệu có khả năng đáp ứng được nhu cầu thẩm định giá, việc thu thập dữ liệu thông tin thị trường còn mang nặng tính chất vụ việc, thủ công. Hơn nữa, để xây dựng được mô hình ngân hàng dữ liệu này đôi khi vượt quá khả năng của từng Công ty do đòi hỏi nhân lực và kinh phí khá lớn. Về cơ bản và lâu dài Việt Nam cần xây dựng một ngân hàng dữ liệu phục vụ chung cho tất cả các Doanh nghiệp TĐG.

- Một số văn bản hiện hành của Nhà nước liên quan đến một số lĩnh vực hoạt động và hướng dẫn thực hiện thẩm định giá cần được tiếp tục nghiên cứu, chẳng hạn: xác định giá trị tài sản vô hình như lợi thế thương mại, giá trị thương hiệu, phát minh sáng chế… Hoạt động TĐG chưa gắn trách nhiệm cá nhân với kết quả thẩm định.

Tóm lại, nhu cầu về thẩm định giá trị tài sản và dịch vụ TĐG tuy mới xuất hiện và phát triển ở nước ta trong những năm gần đây nhưng đã có những ảnh hưởng đáng kể đến nhiều lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế. Do vậy, rất cần được sự quan tâm, phối hợp đồng bộ của các Bộ ngành trong việc đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm làm cho dịch vụ này phát triển một cách lành mạnh, trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế.

Đức Hạnh (PVFC)