Tổng cục Thuế: Chỉ một số ít cá nhân nợ thuế bị cấm xuất cảnh
Trao đổi với báo chí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh khẳng định, không phải tất cả cá nhân nợ thuế đều bị tạm hoãn xuất cảnh, mà việc này chỉ áp dụng với một số ít đối tượng.
Cụ thể, chỉ những cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, tổ chức mà doanh nghiệp, tổ chức thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thuế; người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài còn nợ thuế; người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế mới bị tạm hoãn xuất cảnh.
Trường hợp nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh nhưng nếu có bảo lãnh thì vẫn có thể được xuất cảnh |
Theo quy định của pháp luật, việc tạm hoãn xuất cảnh chỉ thực hiện với những cá nhân ra nước ngoài không quay trở lại, hoặc rất lâu sau mới quay trở lại Việt Nam, nên nguy cơ không thu hồi được nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính thuế rất cao.
Còn với người dân ra nước ngoài du lịch, chữa bệnh, thăm thân, hội thảo, hội nghị... thì trường hợp còn nợ thuế vẫn được xuất cảnh bình thường. Ngay cả với các trường hợp nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh, nhưng nếu có bảo lãnh về tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu khác thuộc NSNN thì vẫn có thể được xuất cảnh.
Trường hợp người nộp thuế (NNT) có bảo lãnh về tiền thuế nợ, nhưng không nộp đúng thời hạn, thì bên bảo lãnh phải chịu trách nhiệm nộp thay. Hết thời hạn nộp tiền thuế nợ theo văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý thuế mà NNT chưa nộp đủ vào NSNN, thì bên bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ sẽ bị cưỡng chế đối với số tiền trong phạm vi bảo lãnh.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, việc thực hiện tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân, pháp nhân nợ thuế được cơ quan thuế thực hiện theo quy trình rất chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật và không phải cứ nợ thuế là bị tạm hoãn xuất cảnh.
Cụ thể, theo quy trình, cơ quan thuế sau khi rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của cá nhân, cơ quan thuế quản lý trực tiếp với NNT lập danh sách cá nhân thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh và lập văn bản gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, đồng thời gửi cho NNT biết để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.
Ngay trong ngày nhận được văn bản của cơ quan thuế, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm thực hiện việc tạm hoãn xuất cảnh theo quy định và đăng tải trên Trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
Trường hợp NNT đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, thì trong vòng 24 giờ làm việc, cơ quan quản lý thuế phải ban hành văn bản hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực hiện hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh theo quy định.
Trước khi hết thời hạn tạm hoãn xuất cảnh 30 ngày mà NNT chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, thì cơ quan quản lý thuế gửi văn bản gia hạn tạm hoãn xuất cảnh đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, đồng thời gửi tới NNT.
Văn bản tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh được gửi qua đường bưu chính hoặc bằng phương thức điện tử nếu đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử và được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế.
Về việc người nộp thuế không nhận được thông báo nợ thuế, khiến vô tình nợ thuế và bị tạm hoãn xuất cảnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, Luật Quản lý thuế quy định, sau 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, NNT chưa nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, thì cơ quan quản lý thuế thông báo cho NNT biết số tiền thuế, tiền phạt còn nợ và số ngày chậm nộp.
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp văn bản gửi qua đường bưu chính bị trả lại do NNT thay đổi điểm kinh doanh, chuyển nơi cư trú, nhưng không thông báo cho cơ quan thuế theo quy định. Đây là lỗi của NNT và NNT hoàn toàn phải chịu trách nhiệm do lỗi của mình gây ra.
Vì vậy, Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế đã quy định, trường hợp văn bản gửi cho NNT qua đường bưu chính mà bị trả lại và văn bản đã được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế, thì được coi là văn bản đã được gửi.
Ông Minh Khuyến nghị trong trường hợp này, khi thay đổi địa chỉ, NNT phải chủ động thông báo cho cơ quan thuế và muốn biết có nợ thuế hay không thì truy cập vào Trang thông tin điện tử của cơ quản lý thuế để đảm bảo hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi xuất cảnh.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, thời gian vừa qua, rất nhiều cá nhân thắc mắc về việc không nắm được khoản nợ thuế do có thu nhập từ nhiều nơi. Để hỗ trợ NNT, ngành Thuế đã xây dựng ứng dụng eTax Mobile, tương tự ứng dụng eBanking của các ngân hàng thương mại.
eTax Mobile là ứng dụng thuế điện tử được cài đặt trên điện thoại di động thông minh, cho phép cá nhân, cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh có thể tra cứu về thuế mọi lúc, mọi nơi trên thiết bị di động. Sử dụng eTax Mobile vô cùng đơn giản, NNT có thể nộp thuế, tra cứu nghĩa vụ thuế, tra cứu thông báo thuế cùng với nhiều tiện ích, hỗ trợ khác.
Hiện có khoảng một triệu cá nhân đã tải và sử eTax Mobile. Mọi thông tin liên quan đến quản lý thuế, nghĩa vụ thuế của cá nhân đều được cơ quan thuế gửi đến cá nhân qua ứng dụng này. Tất cả thông tin về thuế của cá nhân được bảo mật. Chỉ khi cá nhân truy cập (nhập tên đăng nhập và mật khẩu, vân tay hoặc bằng FaceID) mới biết được thông tin về thuế của mình.
D.Q
-
Cải cách Thuế - Hải quan vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp
-
Tin tức kinh tế ngày 5/10: Ngân hàng ồ ạt tung gói vay trả nợ nhà băng khác
-
Tin tức kinh tế ngày 2/10: Xuất khẩu sang các thị trường CPTPP tăng gần gấp đôi sau 5 năm
-
Tổng cục Thuế đối thoại trực tiếp gần 300 vấn đề liên quan đến thuế