Tội danh truy tố các bị cáo là đúng người đúng tội
Các bị cáo đều làm sai quy định của Nhà nước
Về việc cơ quan công tố truy tố các bị cáo về tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân khẳng định là có căn cứ và cho rằng: “Trong hành vi cố ý làm trái... bị cáo Dương Chí Dũng có vai trò là chủ mưu, bị cáo Mai Văn Phúc là người cầm đầu. Các bị cáo khác đều có vai trò là đồng phạm, giúp sức. Nếu các bị cáo làm đúng chức trách của mình thì chúng tôi tin rằng ụ nổi 83M không thể được nhập khẩu vào Việt Nam”.
Về tội “Tham ô tài sản”, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cho rằng, Vinalines là doanh nghiệp 100% vốn điều lệ là của Nhà nước. Toàn bộ tài sản, cơ sở vật chất và tiền vốn đều là tài sản của Nhà nước. Nguồn vốn khi vay các Ngân hàng được thực hiện thì đều là tài sản của Nhà nước mà Vinalines chỉ người quản lý, sử dụng thôi. Các luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bị cáo đã nhầm khi cho rằng chỉ có vốn từ ngân sách, quản lý qua kho bạc mới là vốn Nhà nước. Do đó, mọi vi phạm khi quản lý nguồn vốn này đều phải chịu trách nhiệm. Trong đó Dương Chí Dũng là người được giao nhiệm vụ quản lý nguồn vốn này. Dũng chịu trách nhiệm quản lý cũng như giám sát việc sử dụng nguồn vốn, nếu sai thì phải chịu trách nhiệm.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội.
Về hành vi cố ý làm trái, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cho rằng, việc triển khai dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và mua ụ nổi dẫn đến vụ án này, các bị cáo trực tiếp tham gia dự án này đều đã làm sai quy định của Nhà nước.
Còn ụ nổi 83M là tàu biển hay thiết bị sửa chữa tàu biển, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân nhấn mạnh, tất cả những người ngồi đây kể cả những người có chuyên môn hoặc không đều hiểu ụ nổi là thế nào. Nhưng phải hiểu là Nhà nước quản lý tài sản này bằng pháp luật nào. Một tài sản hàng triệu USD thì chẳng nhẽ vào Việt Nam lại không có quy định nào quản lý. Nói ụ nổi không phải là tàu biển thì là mớ rau ngoài chợ hay sao.
Vị đại diện Viện Kiểm sát đã dẫn ra hàng loạt những quy định để chứng minh những tiêu chuẩn, văn bản pháp lý để chứng minh ụ nổi cũng phải chịu sự quản lý tương tự như tàu biển. Chính hợp đồng hay văn bản của các bị cáo ký cũng gọi nó là tàu biển nên phải kiểm định nó theo quy trình tàu biển mới đúng. Chính vì chuyện lập lờ như vậy nên bị cáo mới có cơ hội để làm trái, để nhận tham ô.
Liên quan đến vấn đề tương trợ tư pháp, đại diện Viện Kiểm sát cho biết: "Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã có văn bản yêu cầu phía Liên bang Nga hỗ trợ tư pháp và đang chờ phản hồi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là vụ án không thể xét xử được vì hậu quả trực tiếp đã rõ. Về phần ăn chia 1,66 triệu đô thì đã quá cụ thể. Tiền chuyển về Việt Nam với con số hoàn toàn chính xác. Tiền theo chứng từ ngân hàng đã ghi rõ là liên quan đến ụ nổi 83M thì nó là tiền của Vinalines chi ra rồi đưa về chứ là cái gì nữa. Sau này có trả lời từ phía Nga thì các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ xem xét trước chứ không chỉ dừng lại ở đây. Các luật sư chớ đòi hỏi gì thêm".
Kết luận phần đối đáp của mình, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định: “Mức án đề nghị đối với các bị cáo là hợp lý, không đánh đồng. Những bị cáo có vai trò độc lập, tùy thuộc hành vi của mình có mức án khác nhau".
Nhà nước tốn hơn 520 tỉ đồng cho ụ nổi 83M
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân vẫn giữ nguyên quyền công tố tại tòa và cho rằng: “Từ năm 2008 cho đến khi vụ việc được khởi tố, ụ nổi 83M đã tiêu tốn của Nhà nước số tiền hơn 520 tỉ đồng chứ không phải là con số hơn 367 tỉ đồng như cáo trạng nêu. Tính đến thời điểm này, số tiền này còn lớn hơn nữa”.
Dương Chí Dũng và động bọn đã ngốn hơn 520 tỉ đồng sau thương vụ ụ nổi 83M.
Theo lời đại diện Viện Kiểm sát nhân dân, nếu nói các bị cáo nói việc mua ụ nổi 83M vẫn sử dụng được thì tại sao giờ nó cũ nát, nằm vất vưởng trên cảng. Việc quản lý của Vinalines kiểu gì mà ụ nổi 83M lại trở thành đống sắt vụn như bây giờ.
Trước đó, ông Lê Trương Thanh – Phó Tổng Giám đốc Vinalines cho biết, hiện ụ nổi đang neo đậu tại khu vực cảng ở tỉnh Long An. Ụ nổi đang được bàn giao cho nhà máy sửa chữa tàu biển. Tình trạng của ụ nổi đến giờ phút này để sửa chữa, sử dụng là không khả thi. Hiện Vinalines đã xin phép thanh lý để trả lại tiền cho Nhà nước. Tuy nhiên, do đang trong quá trình điều tra, nên việc thanh lý đang tạm thời hoãn lại.
Kê biên 4 căn nhà của bị cáo Dũng và Phúc
Cùng trong buổi đối đáp này, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cũng đề nghị tiếp tục kê biên 3 căn nhà của Dương Chí Dũng để đảm bảo thi hành án. Đó là căn nhà nơi vợ chồng Dũng đăng ký hộ khẩu thường trú tại số 2, ngõ 26 đường Nguyên Hồng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội; Căn hộ số 2901, tháp B của tòa nhà Skycity số 88 Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội) và căn hộ số 10, tầng 8, tòa nhà Pacific số 83 Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm Hà Nội). Viện Kiểm sát nhân dân cũng đề nghị tiếp tục kê biên nhà số 7 đường Lê Quý Đôn, TP Hạ Long, Quảng Ninh của vợ chồng Mai Văn Phúc.
Bà Phạm Thị Mai Phương (vợ Dương Chí Dũng) nói: 3 căn nhà bị kê biên là tiền của mình và của bố mẹ.
Trước đề nghị kê biên tài sản này, bà Phạm Thị Mai Phương (vợ Dương Chí Dũng), không đồng ý với quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân. Bà Phương nói: “Nhà ở phố Nguyên Hồng là do chúng tôi mua bằng tiền vay của mẹ chồng và mẹ đẻ tôi cùng với số tiền làm ăn chân chính của hai vợ chồng. Tiền mà chồng tôi mua 2 căn hộ tăng cho bạn gái anh ấy cũng là tiền vay của tôi”.
Về vấn đề này, bà Ngô Thị Vân (vợ bị cáo Mai Văn Phúc) cũng đề nghị được giữ lại căn nhà đã kê biên để làm nơi sinh sống và thờ cúng tổ tiên.
Thiên Minh
-
Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện
-
Việt Nam và UAE ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA)
-
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Thủ tướng đề nghị 4 tập đoàn hàng đầu của UAE đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược của Việt Nam
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực