Toàn cảnh cuộc khủng hoảng vùng Vịnh và nguy cơ đối đầu trên biển giữa Mỹ và Iran
Căng thăng Mỹ - Iran đang leo thang |
Bất ổn vùng Vịnh đe dọa nguồn cung dầu mỏ
Ngày 12/5, UEA báo động rằng có 4 tàu vận tải thương mại, trong đó có 2 tàu chở dầu, trở thành mục tiêu của hành vi phá hoại ở khu vực phía đông cảng Fujairah, nhưng không có trường hợp thương vong nào. Trong thông báo của mình, Bộ Ngoại giao UEA không nêu rõ thủ phạm thực hiện các vụ phá hoại, chỉ gọi đó là những diễn biến nguy hiểm và kêu gọi quốc tế ngăn chặn những hành động tương tự trong tương lai. Một ngày sau, đến lượt Arab Saudi lên tiếng, cho biết là 2 tàu chở dầu của họ đã bị tấn công phá hoại ở ngoài khơi cảng Fujairah. Theo hãng thông tấn SPA, các vụ tấn công không gây thương vong hay làm thất thoát dầu, nhưng đã làm hư hại nặng nề cấu trúc của 2 chiếc tàu này. Riyad cũng không nói rõ ai là thủ phạm các vụ tấn công.
Theo hãng tin Mỹ AP, một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên ngày 13/5 đã tiết lộ rằng các chuyên viên điều tra của quân đội Mỹ tin rằng đây là hậu quả từ cuộc tấn công bằng thuốc nổ do Iran hoặc lực lượng ủy nhiệm của nước này tiến hành. Có điều là phía Mỹ không cung cấp bằng chứng cho thấy Iran có liên can đến vụ việc. Phản ứng từ phía Iran cũng rất nhanh chóng. Trong một thông báo, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Iran đã gọi các sự cố ngoài khơi Fujirah là điều “đáng tiếc và đáng báo động”, đồng thời cảnh báo về những “âm mưu của những phần tử có ác ý, muốn khuấy động an ninh khu vực”. Iran đồng thời kêu gọi các nước trong vùng “đề cao cảnh giác trước các hành vi phiêu lưu của các phần tử bên ngoài”.
Chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau, 2 cơ sở dầu khí của Arab Saudi bị các máy bay không người lái tấn công, làm hư hại nhẹ nhưng cũng khiến tập đoàn dầu mỏ Aramco của Arab Saudi phải tạm ngưng các cơ sở này để sửa chữa. Phiến quân Houthi ở Yemen lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công này. Từ năm 2015, Arab Saudi dẫn đầu một liên minh can thiệp quân sự vào Yemen để giúp khôi phục chính phủ được quốc tế công nhận, chống lại phiến quân Houthi mà Iran bị cáo buộc hậu thuẫn cho lực lượng này. Tehran bác bỏ điều này.
Arab Saudi cảnh báo rằng các cuộc tấn công chống lại tàu và công trình dầu mỏ trong những ngày gần đây không chỉ đe dọa đối với nước này mà còn cả với an ninh nguồn cung cấp dầu thô và nền kinh tế toàn cầu. Hàng xóm và là các đồng minh của Arab Saudi, UEA ngày 15/5 đã đổ lỗi cho Iran gây ra những căng thẳng đang gia tăng ở vùng Vịnh. Iran và Arab Saudi được cho là đang "hậm hực" với nhau sau khi Arab Saudi và UEA nói rằng họ sẽ tăng sản xuất dầu để bù đắp cho phần xuất khẩu của Iran bị hạn chế bởi lệnh trừng phạt của Mỹ.
Các cuộc tấn công trong những ngày gần đây ảnh hưởng đến các mục tiêu "chiến lược" của UEA và Arab Saudi, Olivier Jakob, một nhà phân tích tại Petromatrix nói. "Các mục tiêu là đường ống dẫn dầu cho phép Arab Saudi xuất khẩu dầu mà không cần sử dụng eo biển Hormuz (qua Biển Đỏ) và cảng Fujairah, cửa ra đường ống dẫn dầu của UEA không đi qua eo biển Ormuz”, Jakob giải thích.
Quốc tế lo ngại
Phản ứng trước hàng loạt vụ việc trên, ngày 14 và 15/5, Bộ Ngoại giao Pháp đã lên tiếng bày tỏ lo ngại sâu sắc và cho rằng hành động tấn công 2 cơ sở dầu mỏ của Arab Saudi là “không thể chấp nhận”.
Những vụ việc trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Iran đang rất căng thẳng nếu căn cứ theo tuyên bố "hùng hồn" của quan chức hai bên. Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, Mỹ đã tái lập toàn bộ các lệnh cấm vận trước đó, thậm chí còn áp thêm các trừng phạt mới với mong muốn buộc Tehran phải đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 và đòi Iran ngừng can thiệp và các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực. Những hành động này khiến Iran phản ứng dữ dội. Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuần trước cảnh báo rằng, Tehran có thể sẽ nối lại hoạt động làm giàu uranium ở một cấp độ cao hơn nếu các cường quốc châu Âu, Trung Quốc và Nga không đưa ra được kế hoạch để đẩy lùi các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với khu vực ngân hàng và năng lượng của Iran.
Anh, Pháp và Đức ngày 13/5 một lần nữa bày tỏ ủng hộ thỏa thuận hạt nhân nhằm ngăn chặn tham vọng vũ khí hạt nhân của Iran và cảnh báo Mỹ không nên gia tăng sức ép ở khu vực vùng Vịnh với sự thể hiện sức mạnh quân sự cũng như các nỗ lực nhằm làm suy sụp nền kinh tế của Iran. Ngày 15/5, Tổng thống Nga Putin khuyên Tehran không rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, dù Mỹ là bên khơi mào việc từ bỏ các cam kết đã ký. Ông Putin nói thêm rằng: “Nga không phải là một đội cứu hỏa, chúng tôi không thể đi khắp nơi để cứu những thứ không nằm trong tầm kiểm soát của mình”.
Nguy cơ đối đầu Iran - Mỹ trên biển
Đầu tháng 5, Lầu Năm Góc triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln, một phi đội oanh tạc cơ B-52, tàu vận tải đổ bộ USS Arlington và một tổ hợp phòng không Patriot đến khu vực, sau khi tình báo Mỹ phát hiện Iran chuyển tên lửa đạn đạo tầm ngắn lên các tàu chiến ở vịnh Ba Tư. Phó đô đốc Jim Malloy, tư lệnh Hạm đội 5 Hải quân Mỹ, ngày 10/5 khẳng định sẵn sàng điều tàu sân bay USS Abraham Lincoln tới eo biển Hormuz, khu vực chiến lược ở phía nam Iran, phân cách vịnh Ba Tư và vịnh Oman.
Tư lệnh không quân Vệ binh Cách mạng Iran Amir Ali Hajizadeh sau đó cảnh báo Tehran sẽ đánh phủ đầu nhằm vào lực lượng của Washington nếu tàu sân bay Mỹ có bất cứ động thái nào. “Một hàng không mẫu hạm chở ít nhất từ 40 tới 50 máy bay với lực lượng 6 nghìn người trên đó từng là mối đe dọa nghiêm trọng đối với chúng tôi trong quá khứ nhưng giờ các đe dọa đã chuyển thành cơ hội”, ông Hajizadeh nói.
Đáp lại, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình CNBC rằng Mỹ thực hiện các biện pháp cần thiết để tăng cường càng nhiều càng tốt mức độ an ninh trong khu vực Trung Đông. Ông lưu ý rằng: "Mỹ cần các lực lượng răn đe trong trường hợp Iran quyết định làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ ở Iraq, Afghanistan, Yemen hoặc bất cứ nơi nào ở Trung Đông". Ngày 15/5, Washington ra lệnh cho các nhân viên không khẩn cấp của Mỹ phải rời khỏi các phái bộ ngoại giao tại Iraq trong một hành động cho thấy rõ ràng sự lo ngại về điều mà họ mô tả là những mối đe dọa từ Iran.
Liên quan đến khả năng xảy ra xung đột giữa hải quân Mỹ và Iran tại eo biển Hormuz, các chuyên gia được AFP dẫn lời cho rằng, sẽ không có cuộc đối đầu trực diện giữa hải quân hai nước, có chăng chỉ là “cuộc chiến du kích trên biển” vì tương quan lực lượng là quá lớn. “Đó sẽ là một loại chiến tranh du kích của hải quân. Rõ ràng là các phương tiện quân sự của Iran không thể đối trọng với quân đội Mỹ. Mục tiêu của Iran sẽ là khiến Mỹ tốn chi phí quân sự, vật chất và tạo tâm lý xấu cho hành động của Washington ở vùng Vịnh", Jean-Sylvestre Mongrenier, chuyên gia tại Viện Thomas More cho biết. Theo ông, Iran sẽ huy động các phương tiện chi phí thấp đe dọa các thiết bị rất đắt tiền của Mỹ. "Các phương thức hành động của Iran bao gồm đặt mìn ở eo biển Hormuz, quấy rối các đơn vị hải quân Hoa Kỳ bằng tàu cao tốc (được trang bị ống phóng tên lửa và tên lửa tầm ngắn) cũng như việc sử dụng tên lửa chống hạm", ông Mongrenier giải thích.
Môi trường đặc biệt của eo biển Hormuz cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng. Lực lượng Iran "sẽ tập trung hỏa lực và các nỗ lực bất đối xứng của họ tại chỗ hẹp nhất của eo biển, mục tiêu dễ dàng trong tầm ngắm và khó trốn thoát", James Holmes, thuộc trường Hải quân Mỹ, nói với tạp chí National Interest. Eo biển Hormuz vẫn được chính quyền Hoa Kỳ đánh giá là “điểm trung chuyển dầu lửa quan trọng nhất thế giới”. Trung bình 17,5 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương gần 20% nguồn cung của thế giới đi qua eo biển này, theo Bloomberg.
Tuy nhiên nhiều nhà phân tích cho rằng không có khả năng nổ ra chiến tranh tại vùng Vịnh. "Về cơ bản, chúng tôi không tìm kiếm một cuộc chiến với Iran", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói hôm 14/5, trong khi Lãnh đạo tinh thần tối cao của Iran Ali Khamenei cũng nói rằng "sẽ không có chiến tranh" với Hoa Kỳ. Ngày 16/5, Reuters dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump yêu cầu các cố vấn không để căng thẳng với Tehran vượt quá kiểm soát, nhưng sẵn sàng bảo vệ lợi ích của Washington tại Trung Đông.
Th.Long(Theo AFP)
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo