Tòa án Công lý quốc tế ra phán quyết cơ bản có lợi cho Somalia trong vụ kiện tranh chấp biển với Kenya
Phán quyết hôm thứ Ba của Tòa án cao nhất của Liên hợp quốc có giá trị pháp lý ràng buộc, mặc dù Tòa không có quyền lực thực thi. Tòa án bác bỏ yêu sách của Kenya về đường biên giới biển dọc theo đường vĩ tuyến song song, nói rằng Kenya đã không duy trì nó một cách nhất quán. Thay vào đó, Tòa nghiêng về tuyên bố của Somalia về một đường thẳng từ biên giới của Somalia ra Ấn Độ Dương. Bộ trưởng Thông tin Somalia Osman Dubbe đã viết trên Twitter: “Xin chúc mừng người dân Somalia, chúng tôi đã thành công trong việc giành lại vùng biển của mình”.
Tòa án Công lý quốc tế ủng hộ Somalia trong vụ kiện tranh chấp biển với Kenya. Ảnh: AP. |
Tòa án Công lý quốc tế lưu ý rằng Tòa "không thể bỏ qua bối cảnh của cuộc nội chiến" đã gây bất ổn cho Somalia trong nhiều năm và hạn chế các chức năng của chính phủ Somalia. Tòa cũng không tìm thấy "bằng chứng thuyết phục nào cho thấy Somalia đã chấp nhận" yêu sách của Kenya về một đường biên giới biển dọc theo một đường vĩ tuyến song song. Bên cạnh đó, Tòa án cũng bác bỏ yêu cầu của Somalia đòi Kenya bồi thường sau khi Somalia cáo buộc rằng một số hoạt động hàng hải của Kenya đã vi phạm chủ quyền của nước này.
Phán quyết được đưa ra sau khi Kenya trong tuần trước thông báo từ bỏ việc công nhận thẩm quyền của Tòa án. Không ai từ Kenya có mặt chính thức tại Tòa án hoặc thông qua liên kết video. Tòa án Công lý quốc tế cho biết việc rút khỏi phiên tòa của Kenya không có hiệu lực hồi tố và không ảnh hưởng đến phán quyết hôm thứ Ba. Kenya cho biết sẽ không công nhận phán quyết của Tòa án, cáo buộc rằng quy trình xét xử có “sự thiên vị rõ ràng và cố hữu”. Tuyên bố của Kenya cũng thừa nhận rằng phán quyết sẽ có "sự ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh, chính trị, xã hội và kinh tế trong khu vực và hơn thế nữa", đồng thời kêu gọi người dân Kenya giữ bình tĩnh.
*Somalia và Kenya tranh chấp vùng biển rộng hơn 100.000 km2 (40.000 dặm vuông), một khu vực giàu tài nguyên dầu khí và cá. Sau khi các cuộc thảo luận ngoại giao thất bại, năm 2014, Somalia đã đưa tranh chấp ra Tòa án Công lý quốc tế của Liên hợp quốc. Somalia cho rằng đường ranh giới biển phải được tiếp tục theo cùng hướng với đường biên giới đất liền nhưng Kenya cho rằng đường ranh giới biển cần chạy theo đường vĩ tuyến. Năm 2016, hai nước đã tham dự phiên tòa về phạm vi quyền lực pháp lý và phiên tòa năm 2017 về thẩm quyền xét xử tranh chấp. Trong năm 2019, Kenya đã hai lần xin hoãn để thay thế đội ngũ pháp lý. Phiên tòa cũng đã bị hoãn lại từ tháng 6/2020 vì dịch Covid. Kenya muốn hoãn phiên tòa một lần nữa, cho tới khi hết dịch, với lý do đây là một vụ việc quan trọng, không thể trình bày hiệu quả tại một phiên tòa trực tuyến. Tuy nhiên, Chính phủ Somalia đã gửi thư tới Tòa án Quốc tế, nêu rõ không chấp nhận hoãn phiên tòa lần thứ tư. Quan hệ ngoại giao giữa Somalia và Kenya ngày càng trở nên căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ và tháng 12/2020, Somalia đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Kenya với lý do “để bảo vệ sự thống nhất, chủ quyền và ổn định của đất nước”.
Từ ngày 15-24/3/2021, Tòa án Công lý quốc tế đã mở phiên tòa về tranh chấp ranh giới biển ở Ấn Độ Dương giữa Somalia và Kenya mặc dù vào phút cuối, đại diện Kenya không tham dự phiên tòa. Đại diện của Somalia đã trình bày về tranh chấp lâu năm về biên giới biển với Kenya tại Tòa án cao nhất của Liên hợp quốc. Một số thành viên của đoàn Somalia có mặt trực tiếp tại Tòa án trong khi một số khác tham dự trực tuyến qua màn hình video. Ngày 18/3/2021, Bộ Ngoại giao Kenya đã ra Thông cáo báo chí cho biết đã gửi thư thông báo tới Registrar (người phụ trách lưu trữ hồ sơ tòa án) của Tòa án Công lý Quốc tế về quyết định không tham gia phiên tòa liên quan đến phân định ranh giới biển giữa Somalia và Kenya tại Tòa án Công lý quốc tế. Kenya bày tỏ ủng hộ một giải pháp ngoại giao, mong muốn giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương, hy vọng Somalia sẽ bình thường hóa quan hệ với Kenya.
*Tòa án Công lý Quốc tế là cơ quan tư pháp thuộc Liên hợp quốc, hoạt động theo Quy chế Tòa (Statute of the Court), quy chế này là một phần không tách rời của Hiến chương Liên hợp quốc, có giá trị ràng buộc đối với tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc. Về thẩm quyền, Tòa xét xử các vụ việc phát sinh giữa các quốc gia (không phải giữa quốc gia với các cá nhân, quốc gia với tổ chức quốc tế...), liên quan đến những nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế, phát sinh từ những Công ước, Hiệp định mà các nước tranh chấp là thành viên./.
Thanh Bình
-
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
-
“Không có căn cứ để nói áp thuế GTGT 5% sẽ làm tăng giá phân bón”
-
Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn