Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Tình đẹp nơi dưỡng lão

08:00 | 29/04/2021

Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong suy nghĩ của nhiều người, dưỡng lão là chốn dừng chân cuối đời, nơi điều trị bệnh tật của người già, nghe có gì đó... tẻ nhạt. Song không phải vậy, nơi tưởng chừng như tẻ nhạt ấy lại đang hiện hữu rất nhiều câu chuyện tình đẹp như mơ.
Tình đẹp nơi dưỡng lão
Cụ Thọ và cụ Tú khiêu vũ tại Dưỡng lão Bách Niên Thiên Đức

Tình đẹp như “điệu valse”

Chuyện tình 61 năm qua của cụ ông Nguyễn Ngọc Thọ (90 tuổi) và cụ bà Đinh Thị Dục Tú (86 tuổi) lãng mạn và đẹp như “điệu valse” vậy. Đều đặn hằng tuần hay trong những ngày kỷ niệm lớn diễn ra trong viện dưỡng lão, vợ chồng cụ Thọ - Tú là cặp đôi khiêu vũ biểu diễn không thể thiếu ở Viện dưỡng lão Bách Niên Thiên Đức.

Vợ chồng cụ vào đây mới được một thời gian ngắn, hai cụ đều rất minh mẫn, vẫn tự chăm sóc được bản thân. Căn phòng nhỏ cỡ 30m2 đầy đủ tiện nghi và ấm cúng, có khá nhiều ảnh chụp, các loại bằng khen, huân, huy chương, hiện vật và những lá thư tình trời trai trẻ...

Cụ Thọ trải qua hai nghề nghiệp cao quý: Nhà giáo và nhà báo. Cụ cho biết, tình yêu bắt đầu khi cả hai cụ đều là giáo viên dạy cấp 3 tại Trường Việt Đức. Không như bây giờ, xưa nghèo có gì đâu, đẹp trai cũng chẳng phải. Cụ Thọ “cưa” cụ Tú bằng khả năng “cầm, kỳ, thi, họa”, bao tình cảm cụ dồn hết vào các bức vẽ chân dung cụ Tú. Khi gần “đổ”, cụ Thọ hẹn cụ Tú ra hồ Gươm rồi đánh đàn, thổi kèn Harmonica những bản nhạc Pháp, Liên Xô đầy lãng mạn. Năm 1960, hai cụ về chung một nhà.

Những năm sau đó, thầy giáo Thọ làm giảng viên Đại học Đông Đô; đến năm 1972 làm phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam xông pha đưa tin tại chiến trường Quảng Trị vô cùng khốc liệt.

Trải qua những khó khăn của chiến tranh và thời bao cấp, tình yêu của hai cụ vẫn vẹn nguyên. Cụ Thọ kể, càng khó khăn hai cụ càng thương nhau nhiều hơn, thời chiến chuyện đạp xe 40-50 cây số hằng tuần thăm nhau là bình thường. Quà cho nhau chỉ đơn giản là nải chuối, củ khoai, củ sắn..., sang thì thỉnh thoảng có cân thịt, con gà... và những lá thư viết vội chan chứa yêu thương. Có người vợ thảo hiền, hậu phương vững chắc, khi hòa bình lập lại, cụ Thọ tiếp tục sự nghiệp báo chí.

Năm 1988, cụ Thọ làm Tổng biên tập đầu tiên của Tạp chí Người Đại biểu nhân dân (1988-1996), tiền thân của Báo Đại biểu Nhân dân ngày nay. Khi nghỉ hưu, tình cảm của vợ chồng cụ Thọ - Tú tiếp tục thăng hoa bởi những chuyến du lịch khắp mọi miền Tổ quốc, qua ba châu lục, ghé chân 15 quốc gia. Họ chỉ dừng lại cách đây 5 năm khi sức khỏe không cho phép.

Một niềm vui khác từ lúc nghỉ hưu cho đến nay là khiêu vũ. Qua mỗi bước nhảy, họ tìm thấy sức khỏe, sự dẻo dai và cả thanh xuân. Tổng kết lại chặng đường 61 năm qua, cụ Thọ và cụ Tú chia sẻ về “bí kíp” gìn giữ hạnh phúc là biết nhường nhịn, cảm thông và luôn tôn trọng nhau, chính vì thế, hơn 60 năm qua, hai cụ không bao giờ to tiếng với nhau.

Quãng thời gian còn lại của cuộc đời, hai cụ có mong muốn cũng thật giản dị: “Sẽ luôn mang đến niềm vui, những màn khiêu vũ đẹp mắt phục vụ cho các bạn già ở viện dưỡng lão”.

Tình đẹp nơi dưỡng lão
Cụ Bùi Thế Năng và cụ Nguyễn Thị Liệu trong buổi ghi hình Chương trình “Điều ước thứ 7”

“Đánh ghen” rồi... cầu hôn

Viện dưỡng lão cũng là nơi ghi nhận những mối tình nên duyên vợ chồng “kỳ lạ” như chuyện của ông Nguyễn Văn Tuyên (sinh năm 1933) và bà Võ Thị Thanh Xuân (sinh năm 1942) ở Viện dưỡng lão Tuyết Thái.

Hai ông bà vào viện dưỡng lão với hoàn cảnh khác nhau và rồi thầm thương, trộm nhớ nhau từ lúc nào chẳng biết. Chỉ biết có cái gì hai ông bà cũng chia đều cho nhau, lúc thì hộp sữa, lúc thì bát cơm, miếng thịt… Chuyện họ yêu nhau vỡ ra bởi một lần cả trung tâm được mẻ cười vỡ bụng, đó lúc ông Tuyên nổi cơn ghen đuổi một ông khác chỉ vì ông này... gắp đồ ăn cho bà Xuân. Sau lần đó, bà Xuân biết ý luôn giữ khoảng cách và cũng tuyên bố “hoa sắp có chủ”.

Phải “liền tay”, cỡ độ tháng sau, ông Tuyên liền đưa ngay bà Xuân về nhà ra mắt gia đình, họ hàng. Con cái ông bà khi biết chuyện đều ủng hộ và mừng cho hạnh phúc của bố mẹ.

Có lần bà Xuân đi du lịch chỉ mấy hôm thôi, thế mà ông Tuyên buồn đến mức bỏ cả cơm. Nhân viên viện dưỡng lão lo quá phải gọi nhờ bà Xuân “động viên khẩn cấp”. Rồi có lần để tạo sự bất ngờ, ông hẹn bà lên phố chơi, đến thẳng một tiệm kim hoàn. Do ông sắp đặt trước nên khi thấy ông bà đến, nhân viên tiệm kim hoàn mang ra đôi nhẫn cưới. Trong sự xúc động nghẹn ngào, ông lồng vào tay bà chiếc nhẫn và cầu hôn bà. Chứng kiến, thấy ai nấy đều xúc động, vô cùng ngưỡng mộ tình yêu của hai ông bà.

Chưa hết, tình bạn tri kỷ của cụ Bùi Thế Năng và cụ Nguyễn Thị Liệu ở Viện dưỡng lão Thiên Đức từng được phát sóng trong chương trình “Điều ước thứ 7” của Đài Truyền hình Việt Nam. Khi chúng tôi đặt bút viết câu chuyện này, cụ Năng đã không còn. Nhớ về người bạn tri kỷ, cụ Liệu không khỏi xúc động, bồi hồi: “Ông ấy ngày trước hay tâm sự với tôi về mối nhân duyên này là do ông trời sắp đặt. Tôi xuất hiện như liều thuốc giúp tâm hồn ông sống lại”.

Vì thương và không muốn con gái vất vả nên ông Năng chủ động đề nghị vào viện dưỡng lão. Ông Năng và bà Liệu gặp nhau, cùng bầu bạn, trò chuyện, tâm đầu ý hợp. Họ chăm sóc nhau từng bữa ăn, giấc ngủ, bằng những câu hỏi thăm, quan tâm hằng ngày. “Điều ước thứ 7” như tiếp thêm niềm vui, hy vọng và ước mơ chân thành cho các cụ ông, cụ bà còn đang đơn độc.

Có thể thấy rằng, tình yêu không chỉ đẹp khi ở tuổi thanh xuân, nó còn là một điều vô cùng tuyệt vời của cuộc sống khi tuổi già. Nó là nỗi khát khao, theo thời gian, không bao giờ tắt lửa

Minh Châu