Tin tức kinh tế ngày 3/8: Cổ phiếu Vingroup tăng mạnh
Cổ phiếu Vingroup tăng mạnh sau công bố nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin
Nhóm cổ phiếu của Vingroup bứt tốc tăng giá mạnh sau khi tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng công bố đã ký kết với Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ) nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19.
Dự kiến Vingroup của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng sẽ xuất xưởng những lô vắc xin đầu tiên vào đầu năm 2022. |
Cụ thể, riêng VIC đã góp vào cho VN-Index 6,37 điểm; VHM đóng góp 2,52 điểm. VIC đóng cửa tăng 7.000 đồng tương ứng 6,51% lên 114.500 đồng/cổ phiếu. Theo đó, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup - cũng bật tăng mạnh mẽ. Chỉ trong một ngày, tài sản trên sàn của người giàu nhất Việt Nam có thêm 13.414,6 tỷ đồng.
Ông Vượng đang trực tiếp nắm giữ 876 triệu cổ phiếu VIC và gián tiếp sở hữu 1,04 tỷ cổ phiếu này thông qua 92,88% cổ phần tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam.
Với năng lực sản xuất lên tới 200 triệu liều/năm, dự kiến Vingroup sẽ xuất xưởng những lô vắc xin đầu tiên vào đầu năm 2022.
Phía Vingroup cho biết, VinBioCare hiện đã ký kết xong các hợp đồng mua sắm máy móc thiết bị, dự kiến trong tháng 9/2021 ngay khi nhận máy sẽ dùng chuyên cơ chuyển về Việt Nam để tiết kiệm thời gian vận chuyển.
Việt Nam xuất khẩu hàng may mặc đứng thứ 2 thế giới
Theo số liệu thống kê của WTO, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam trong năm 2020 tăng 6,4%, với giá trị thị trường đạt 29 tỷ USD. Trong thập kỷ qua, thị phần của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu hàng may mặc toàn cầu đã tăng vọt, trong khi thị phần của Bangladesh lại giảm 6,8% trong năm 2020.
Đại dịch Covid-19 khiến sản lượng hàng may mặc của Bangladesh giảm mạnh. Nhiều nhà máy may mặc của nước này buộc phải đóng cửa do nhiều thương hiệu phương Tây hủy hợp đồng hoặc trì hoãn thanh toán.
Trong khi đó, Việt Nam đã thành công trong việc đa dạng hóa sản phẩm, không chỉ sản xuất hàng thời trang nhanh mà còn cả quần áo và phụ kiện ở phân khúc giá trung bình và cao cấp. Năm 2019, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã ký kết hiệp định thương mại tự do, nhờ đó thúc đẩy đáng kể hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang cộng đồng quốc tế lớn nhất thế giới này.
Bộ Tài chính đề xuất ưu đãi thuế 0% nhập khẩu linh kiện ô tô
Bộ Tài chính đề xuất duy trì ưu đãi thuế 0% đối với linh kiện ô tô buộc phải nhập khẩu. Doanh nghiệp cũng được chọn kỳ xét ưu đãi là 12 tháng hay 6 tháng, nếu cả năm vẫn đạt tổng sản lượng ô tô sản xuất theo quy định…
Chương trình ưu đãi thuế đối với sản xuất, lắp ráp ô tô đã được Bộ Tài chính hoàn thiện và công bố lấy ý kiến tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.
Kiến nghị ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 cho shipper
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) vừa có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị cho lưu thông danh mục hàng hoá như trong điều kiện bình thường, tạo thuận lợi đối với đội ngũ giao hàng (shipper) và ưu tiên ở mức cao cho shipper về tiêm vắc xin…
VECOM cho biết, TP.HCM đã quan tâm tới việc tiêm vắc xin phòng chống Covid-19 cho đội ngũ giao hàng, nhiều người giao hàng đã được tiêm lần 1. Vì vậy, hiệp hội này cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo theo hướng ưu tiên ở mức cao cho đội ngũ giao hàng khi tiêm vắc xin lần 1 cũng như lần 2.
Doanh thu Viettel 6 tháng tăng nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số
Trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của Tập đoàn đạt 128,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 19,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ.
Để đảm bảo các chỉ tiêu kinh doanh, Viettel tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong trong công tác quản trị cũng như ứng dụng triệt để công nghệ để thúc đẩy kinh doanh và chăm sóc khách hàng trên các kênh trực tuyến.
Tất cả các thị trường đầu tư nước ngoài của Viettel đều tăng thị phần, trong đó tăng mạnh nhất là thị trường Haiti tăng 1,5%, Peru tăng 1,4%. Bốn thị trường vẫn giữ vị trí dẫn đầu là Campuchia, Lào, Đông Timor và Burundi. Thị trường Myanmar đã tiến gần đến vị trí số 1 với 30,8% thị phần.
Việt Nam nằm Top 10 thị trường mới nổi về Trung tâm Dữ liệu toàn cầu
Theo báo cáo của ResearchAndMarkets, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 thị trường mới nổi trên Thị trường Trung tâm Dữ liệu toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng.
Thị trường dịch vụ Trung tâm Dữ liệu của Việt Nam đạt khoảng 858 triệu đô la vào năm 2020 được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng kép hàng năm gần 15% cho đến năm 2026, theo báo cáo mới nhất từ ResearchAndMarkets - hãng nghiên cứu và báo cáo đến từ Dublin, Ireland.
Theo ResearchAndMarkets, sự tăng trưởng của thị trường Trung tâm Dữ liệu Việt Nam được thúc đẩy bởi các dự án và sáng kiến của Chính phủ trong nước.
M.C
-
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị sửa khoản 3 Điều 15 dự thảo về hoàn thuế giá trị gia tăng
-
Động lực nào khiến giá vàng tăng "phi mã"?
-
Nhiều ngân hàng kinh doanh tích cực trong 9 tháng đầu năm
-
VPI dự báo giá xăng giảm, giá dầu tăng trong kỳ điều hành ngày 31/10
-
Bài 3: Thị trường điện Việt Nam sẽ có cơ chế giá điện linh hoạt