Tin tức kinh tế ngày 17/7: Dự báo GDP Việt Nam 2019 tăng trưởng 6,5%
Giá xăng dầu hôm nay 17/7 đồng loạt giảm mạnh |
Giá vàng hôm nay 17/7: Người Mỹ mở lòng, giá vàng giảm mạnh |
Tin tức kinh tế ngày 16/7: Người Việt tiêu thụ hơn 8.300 xe máy mỗi ngày |
IMF dự báo GDP Việt Nam 2019 tăng trưởng 6,5%
IMF dự báo Việt Nam tăng trưởng GDP 2019 đạt 6,5%. (Ảnh: Straitstimes) |
Ngày 16/7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến giảm xuống 6,5% trong cả năm 2019, thấp hơn mục tiêu 6,8% Chính phủ đưa ra cuối năm ngoái. Cũng trong báo cáo, IMF dự kiến GDP Việt Nam tiếp tục tăng 6,5% vào năm 2020 và trong trung hạn.
IMF cũng tính toán, lạm phát Việt Nam đạt trung bình 3,5% trong năm 2018 và dự kiến lên 3,6% vào năm 2019 và 3,8% vào năm 2020. IMF đánh giá, Việt Nam chịu tác động từ căng thẳng thương mại nhưng nền kinh tế vẫn vững vàng, nhờ thu nhập và tiêu dùng tăng ổn định, mùa màng tốt và sản xuất tăng vọt.
Trong một tuyên bố, IMF nhận định về kinh tế Việt Nam: "Đà tăng trưởng kinh tế mạnh được dự báo kéo dài sang năm 2019, nhờ chi phí lao động cạnh tranh và các yếu tố nền tảng mạnh mẽ khác, bao gồm cơ cấu thương mại đa dạng và gần đây là các hiệp định thương mại tự do".
Giám đốc điều hành của IMF hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam nhằm hiện đại hóa các thể chế kinh tế và cải thiện khả năng quản trị. IMF cho rằng, nền kinh tế mạnh tạo cơ hội để Việt Nam thực hiện những cải cách đầy tham vọng nhằm cân bằng sân chơi cho doanh nghiệp tư nhân. Cải tổ cũng giúp thúc đẩy đầu tư nhờ giảm thủ tục hành chính, quy trình cấp phép và rào cản thương mại.
Hơn 52.000 tỷ đồng nhàn rỗi tại Bảo hiểm Tiền gửi
Ảnh minh họa |
Theo báo cáo của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV), tổng số phí bảo hiểm tiền gửi trong 6 tháng đầu năm 2019 mà DIV thực thu là hơn 3.500 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt hơn 100% kế hoạch 6 tháng đầu năm và bằng 50% kế hoạch cả năm 2019.
Theo đánh giá của DIV, các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đã thực hiện nghiêm túc việc tính và nộp phí theo quy định. Tính đến cuối tháng 6/2019, ở Việt Nam có 1.282 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; trong đó có 95 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1 ngân hàng hợp tác xã, 1.182 quỹ tín dụng nhân dân và 4 tổ chức tài chính vi mô.
Tính đến ngày 20/6/2019, tổng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của tổ chức này được đầu tư lên tới hơn 52.000 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm 2018. DIV cho biết, hầu hết nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi đó đã được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ và đây là quy định hiện hành.
TP HCM xin cơ chế đặc thù làm trung tâm tài chính
Lãnh đạo TP HCM lắng nghe ý kiến đóng góp về việc định hướng xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính của khu vực. (Ảnh: NLĐ) |
Ngày 17/7, tại hội thảo "Xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế" do UBND TP HCM tổ chức, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, dù đạt những kết quả khá tích cực nhưng thị trường tài chính TP vẫn còn nhiều khó khăn nhất định. Trong đó lực cản lớn nhất là TP chưa thể hình thành nên một trung tâm tài chính để đáp ứng nhu cầu của 13 triệu người dân và hơn 7 triệu khách quốc tế.
Để TP HCM trở thành trung tâm tài chính, những yếu tố liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách và tính đặc thù của TP so với các địa phương trên thế giới đóng vai trò quyết định. Theo ông Nguyễn Thành Phong, việc thiếu cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực chất lượng cao… là những trở ngại khi thực hiện Đề án xây dựng TP thành trung tâm tài chính quốc tế.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, những kết quả của hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để TP hoàn chỉnh đề cương chi tiết và đề án khả thi ở giai đoạn tiếp theo; cũng như thu hút, kêu gọi sự quan tâm, đồng hành của các doanh nghiệp, tổ chức tài chính cùng chính quyền TP thực hiện đề án này.
Hiện TP HCM đang triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển. Trong năm nay, TP sẽ xin triển khai cơ chế đặc thù để làm trung tâm tài chính.
Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp theo định hướng xuất khẩu
Chế biến trái cây xuất khẩu. (Ảnh minh họa) |
Năm 2019 được đánh giá là năm chuyển động mạnh hơn của các dòng vốn vào lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm. Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hàng loạt doanh nghiệp mạnh dạn bỏ vốn đầu tư vào nông nghiệp chế biến, như Công ty Lavifood đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm trái cây xuất khẩu có công suất chế biến đạt 60.000 tấn thành phẩm mỗi năm; Công ty Vina T&T đầu tư hơn 50 tỷ đồng (giai đoạn 1) xây dựng nhà máy chế biến công suất 25 triệu trái dừa tươi/năm xuất khẩu vào thị trường Mỹ; Công ty Nafoods đầu tư 8 triệu USD mở rộng nhà máy chế biến nông sản tại Long An và xây dựng một cơ sở đóng gói hoa quả tươi tại khu vực Tây Nguyên...
Trong bối cảnh thực thi các Hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp buộc phải nỗ lực nâng cao giá trị cho sản phẩm bằng cách áp dụng các nguyên tắc thực hành nông nghiệp an toàn - bền vững, từ đó đáp ứng được yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.
Với sự hỗ trợ của New Zealand và Cộng hòa Slovakia, trong 18 tháng tới Công ty tài chính quốc tế IFC sẽ tổ chức nhiều chương trình làm việc với người nông dân cùng các nhà cung cấp tại Việt Nam về việc tuân thủ các nguyên tắc thực hành và tiêu chuẩn toàn cầu về canh tác bền vững, thông qua đáp ứng tiêu chuẩn của các chứng nhận quốc tế như: Chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt - GlobalGAP, Chứng nhận của Liên minh Rainforest, Chứng nhận thương mại công bằng Fair Trade.
Lâm Anh (t/h)
-
Tin tức kinh tế ngày 6/11: Thu ngân sách nhà nước đạt 97,2% dự toán
-
Tin tức kinh tế ngày 5/11: Xuất nhập khẩu gạo 10 tháng lập kỷ lục
-
Tin tức kinh tế ngày 4/11: Doanh nghiệp cảng biển lãi lớn trong quý III
-
Tin tức kinh tế ngày 3/11: Xuất khẩu gạo năm 2024 khả năng đạt kỷ lục mới
-
Tin tức kinh tế ngày 2/11: Chỉ số PMI ngành sản xuất tăng trưởng trở lại
-
Giá vàng hôm nay (7/11): Đồng loạt giảm mạnh
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 7/11: Giá dầu thế giới tăng đầu phiên giao dịch
-
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
-
Cần phải thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) trong 1 kỳ họp
-
Tin tức kinh tế ngày 6/11: Thu ngân sách nhà nước đạt 97,2% dự toán