Tin tức kinh tế ngày 15/9: Không có chuyện nhà đầu tư chặn đường, ép thu phí trên cao tốc
Phó Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ Dự án sân bay Long Thành
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai tập trung đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, rà soát, khắc phục vướng mắc của các dự án thành phần hạ tầng các khu tái định cư, tái lập hạ tầng ngoài ranh giới cảng hàng không.
Phối cảnh nhà ga sân bay Long Thành |
Trong báo cáo mới nhất gửi Chính phủ về tiến độ triển khai dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, dự án sẽ thu hồi đất một lần cho toàn bộ 5.000 ha để xây dựng sân bay Long Thành và hơn 364 ha xây dựng 2 khu tái định cư với tổng mức đầu tư là 22.856 tỷ đồng. Trong đó, để xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 cần hoàn thành giải phóng mặt bằng diện tích 2.532 ha, gồm 1.810 ha xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 và 722 ha đất dự trữ phục vụ giai đoạn 1.
Cảnh báo nợ xấu tại các nền kinh tế mới nổi
Tại phiên họp trực tuyến Thống đốc các nền kinh tế mới nổi (EME) do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) vừa tổ chức, các đại biểu đều đánh giá nợ xấu của các ngân hàng khu vực EME có thể tăng trong năm 2022. Đồng thời, khoảng 10% các ngân hàng lớn tại các EME không thể duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu khi hấp thụ khoản lỗ.
Nguyên nhân do trong giai đoạn 2010-2019, tỷ lệ nợ của doanh nghiệp tăng từ 6% GDP lên tới 19% GDP và tốc độ tăng doanh thu thấp hơn tốc độ tăng nợ ròng. Đáng chú ý, tỷ trọng doanh nghiệp vỡ nợ tại nhóm các nước EME tăng từ 7,5% vào năm 2011 lên 12% của năm 2019. Tại cuộc họp này, các chuyên gia cũng cho rằng, những bất ổn kinh tế, đặc biệt là tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 sẽ còn đẩy nợ xấu tăng hơn nữa.
Kinh tế Việt Nam có thể phục hồi mạnh mẽ sau dịch
Bà Dorsati Madani - chuyên gia kinh tế cao cấp của Văn phòng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Hà Nội bày tỏ tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi sau khi lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ. WB đang chờ thông tin từ Tổng cục Thống kê để đưa ra dự báo mới về kinh tế Việt Nam trong quý IV và cả năm 2021.
Bà Madani nhận định rằng từ cuối quý III/2021 trở đi, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ phục hồi mạnh mẽ, giống như sự phục hồi sau khi lệnh giãn cách xã hội từ tháng 4/2020 được dỡ bỏ, phần nào nhờ sự tăng trưởng vững chắc vào đầu năm nay. Theo bà Madani, mặc dù gặp nhiều rủi ro về kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19, song nền kinh tế Việt Nam đã được chứng minh rất bền bỉ và năng động.
TP HCM đề xuất 4 kiến nghị để phục hồi kinh tế hậu Covid-19
Tại Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL do Bộ KH&ĐT tổ chức diễn ra chiều 15/9, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan đề xuất 4 kiến nghị để phục hồi kinh tế Thành phố sau dịch:
Một là, đề nghị Chính phủ thành lập tổ công tác đặc biệt về phục hồi kinh tế sau đại dịch để đề ra những quyết sách tổng hợp mang tầm quốc gia. Theo đại diện lãnh đạo TP HCM, quá trình phục hồi cần nguồn lực rất lớn, từng địa phương sẽ không thể tự làm. Hai là, kiến nghị Bộ KH&ĐT tham mưu Chính phủ sớm thông qua đề án điều tiết ngân sách cho TP HCM. Ba là, cho phép TP HCM thí điểm việc đấu giá cho đất công đã có quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội để thêm nguồn lực đầu tư cho công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. Bốn là, ưu tiên bố trí vốn Trung ương cho 3 dự án trọng điểm mà TP HCM đã kiến nghị.
Kích cầu tiêu dùng để phục hồi kinh tế Hà Nội sau dịch
Việc đẩy mạnh triển khai thực hiện cuộc vận động và tổ chức chương trình bình chọn năm 2021 không chỉ giúp doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh sản xuất, xây dựng thương hiệu, còn góp phần phát triển kinh tế tại thành phố; giúp người tiêu dùng tiếp cận mặt hàng có chất lượng cao. Đặc biệt, trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thành phố nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa.
Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương đã đẩy mạnh hỗ trợ các tỉnh kết nối tiêu thụ sản phẩm với các DN, đơn vị phân phối, chế biến của Hà Nội. Nhờ đó các tỉnh, thành phố đã tiêu thụ được 74.000 tấn sản phẩm, trị giá 920 tỷ đồng thông qua hệ thống bán lẻ, chế biến của thành phố. Sở cũng chỉ đạo các DN tăng lượng dự trữ hàng hóa, tăng cường bán online trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng combo, đi chợ hộ, bán hàng lưu động, đăng ký phục vụ 24/24/7, tiếp nhận và chấp thuận cho 13.300 website/ứng dụng thương mại điện tử hoạt động...
Không áp thuế chống bán phá giá với 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 17 (POR17) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2019 đến ngày 31/7/2020 đối với cá tra, basa của Việt Nam.
Cục Phòng vệ thương mại nhận định, kết quả rà soát sơ bộ của DOC cho thấy Công ty NTSF không bán phá giá nên sẽ không bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG), Công ty ESS chịu mức thuế 3,87 USD/kg do DOC cho rằng Công ty không hợp tác đầy đủ với DOC, Công ty Green Farms được hưởng mức thuế 1,94 USD/kg. Các công ty còn lại trong số 35 công ty được rà soát tiếp tục bị áp mức thuế 2,39 USD/kg như các năm trước. Như vậy có khoảng 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam không bị áp thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ, trong đó có một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn như Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty Cổ phần Nam Việt, Công ty Cổ phần Thủy sản Nha Trang...
Cổ phiếu "đại gia" ngành gỗ có nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc
HSX cảnh báo nếu đến hết năm vẫn chưa khắc phục được tình trạng âm vốn chủ sở hữu, cổ phiếu TTF sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Trước tình hình này, TTF dự kiến phát hành tăng vốn.
Lợi nhuận sau thuế của cổ đông của công ty mẹ Gỗ Trường Thành trên BCTC hợp nhất là 901 triệu đồng. Lỗ lũy kế tại ngày 30/6 là 3.042 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tại ngày 30/6 là 553 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh 6 tháng của công ty tuy có lãi nhưng lỗ lũy kế vẫn rất lớn, tương đương 97,8% vốn điều lệ và chưa khắc phục được tình trạng vốn chủ sở hữu âm, do vậy, HSX tiếp tục duy trì diện kiểm soát đối với cổ phiếu TTF.
Nếu BCTC kiểm toán cả năm của công ty có vốn chủ sở hữu là số âm thì cổ phiếu TTF sẽ thuộc trường hợp hủy niêm yết theo quy định tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP. Cổ phiếu TTF bị chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 6/5/2019, hiện TTF vẫn đang loay hoay với bài toán giảm lỗ.
Không có chuyện nhà đầu tư chặn đường, ép thu phí trên cao tốc
Trước dư luận phản ánh dù được yêu cầu tạm dừng thu phí trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nhưng nhiều lái xe đi trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai hay trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình hướng về Hà Nội bị nhà đầu tư "chặn" đường để thu phí, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có thông tin về việc này.
Theo đó, ông Đinh Cao Thắng, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) khẳng định "không có chuyện chặn đường, ép lái xe để thu phí". Ông Đinh Cao Thắng cho biết, việc tạm dừng thu tại các trạm thu phí nằm trên địa bàn các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ là một biện pháp để phòng chống dịch COVID-19 chứ không phải miễn phí.
Đề xuất giảm thuế nhập khẩu ngô, lúa mì
Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng ngô từ 5% xuống 2%, giảm thuế nhập khẩu của lúa mì xuống 0%, nhằm giảm chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Bộ Tài chính cho biết khi thực hiện theo phương án này, số ngân sách nhà nước dự kiến giảm khoảng 1.601 tỷ đồng/năm đối với mặt hàng ngô và giảm khoảng 219,5 tỉ đồng/năm đối với mặt hàng lúa mì.
M.C
-
Xã hội số - Dẫn dắt tương lai bền vững của Việt Nam
-
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Luật sư Trương Anh Tú: Sửa Luật số 69, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhà nước chủ động hơn
-
Tin tức kinh tế ngày 22/11: Thép nhập khẩu giá rẻ liên tiếp "đổ" về Việt Nam
-
Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí