Tin nóng thế giới hôm nay - 10/5
Trẻ em làm binh lính. Ảnh: Reuters |
1. Gần 900 lính trẻ em được trả tự do ở Nigeria
Ngày 10/5, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Nigeria, cho biết 894 trẻ em, gồm 106 bé gái, là thành viên của Lực lượng dân sự chung (CJTE), một nhóm tay súng ủng hộ chính phủ chống nhóm phiến quân Boko Haram, đã được trả tự do. Như vậy, đã có 1.727 trẻ em đã được giải ngũ khỏi lực lượng này.
Người đại diện UNICEF tại Nigeria cho biết không rõ còn bao nhiêu trẻ em vẫn đang trong hàng ngũ của CJTF, song Liên hợp quốc hoan nghênh động thái này của UNICEF, cho đây là bước đi đúng đắn trong việc bảo vệ quyền trẻ em. Những em được tự do sẽ tham gia chương trình tái hòa nhập và giáo dục, qua đó các em có thể quay về cuộc sống bình thường.
Được thành lập từ năm 2013 nhằm bảo vệ cộng đồng cư dân trước các vụ tấn công của các nhóm thánh chiến, CJTF bắt đầu tuyển mộ hàng trăm trẻ em vào hàng ngũ của lực lượng này. Đến năm 2017, CJTF đã ký cam kết về việc chấm dứt tuyển mộ lính trẻ em và thả tất cả trẻ em đang đứng trong hàng ngũ của nhóm này.
2. Mỹ để ngỏ khả năng nối lại đàm phán hạt nhân với Triều Tiên
Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun, trong cuộc gặp Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha, nhận định Washington vẫn để ngỏ khả năng nối lại đàm phán hạt nhân với Bình Nhưỡng, bất chấp các động thái gần đây của Triều Tiên. Nhận định này được đưa ra giữa lúc xuất hiện những lo ngại rằng các động thái mới của Triều Tiên có thể làm chệch hướng nỗ lực phi hạt nhân hóa.
Cả Mỹ và Nhật Bản đều cho rằng các vật thể bay mà Triều Tiên phóng hôm 9/5 là tên lửa đạn đạo. Trong khi đó, Hàn Quốc khẳng định hiện vẫn chưa rõ đó có phải là tên lửa đạn đạo, vốn bị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm hay không.
Ngày 9/5, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhất trí hợp tác chặt chẽ trong việc đối phó với Triều Tiên. Ông Suga nêu rõ: "Chúng tôi đã nhất trí phối hợp chặt chẽ giữa Nhật Bản và Mỹ ở nhiều cấp độ liên quan tới hoạt động phân tích và ứng phó" với các vụ phóng dường như là 2 tên lửa tầm ngắn ngày 9/5 cũng như nhiều vật thể bay.
3. Nga - Nhật Bản nỗ lực tìm tiếng nói chung trong tranh chấp lãnh thổ
Ngày 10/5, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono tại Moskva. Chủ đề chính của cuộc hội đàm là vấn đề ký kết hiệp ước hoà bình. Tuy nhiên, lập trường của hai nước trong vấn đề này vẫn rất xa nhau.
Ngoại trưởng Lavrov cho rằng giữa hai bên vẫn tồn tại bất đồng lớn liên quan tới thỏa thuận hòa bình thời Chiến tranh thế giới thứ hai mà Nhật Bản hy vọng sẽ chấm dứt tranh cãi lãnh thổ giữa hai quốc gia này. Ngoại trưởng Kono bày tỏ hy vọng cuộc đối thoại với người đồng cấp Nga sẽ giúp giải quyết các bất đồng cản trở hai nước ký một hiệp ước hòa bình, cũng như thúc đẩy sự phát triển quan hệ song phương.
Nhiều năm nay, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Nga đã bị phủ bóng đen do hai bên tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo gồm 4 hòn đảo. Gần đây, hai nước đều thể hiện thiện chí giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, song vẫn chưa đạt được nhận thức chung do lập trường còn nhiều khác biệt.
4. Pháp khẳng định không chấp nhận tiếp tục gia hạn thời điểm Brexit
Ngày 10/5, một cố vấn tổng thống Pháp cho biết, Paris không muốn bị cuốn vào "vòng xoáy gia hạn" Brexit - Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (EU), sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) diễn ra vào cuối tháng. Cố vấn trên cũng tuyên bố London cần phải tìm ra giải pháp trước ngày 31/10, đồng thời bày tỏ hy vọng cuộc bầu cử EP sắp tới sẽ là động lực để các đảng phái tại Anh đoàn kết và tìm ra một thỏa thuận về Brexit.
Pháp vốn là quốc gia tích cực thúc đẩy EU cho phép gia hạn Brexit trong thời gian ngắn vì cho rằng nên duy trì áp lực với London. EU đã chấp thuận gia hạn Brexit 6 tháng. Vị cố vấn trên cũng không loại trừ khả năng Brexit có thể lại được gia hạn sau ngày 31/10, nhưng khẳng định Pháp sẽ kiên quyết phản đối.
Sau gần 3 năm kể từ khi cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit, các chính trị gia của Anh hiện vẫn chưa thống nhất được thời điểm và cách thức, thậm chí Brexit có diễn ra hay không. Hiện chưa rõ làm thế nào Anh phá vỡ thế bế tắc hiện nay mặc dù có nhiều thông tin đồn đoán cho rằng Thủ tướng Theresa May có thể kêu gọi tổng tuyển cử trước thời hạn.
5. Tổng thống Trump áp thuế mới với Trung Quốc - những mặt hàng nào sẽ bị tác động?
Ngày 10/5, Mỹ bắt đầu tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, mức thuế đó sẽ tác động tới 100% sản phẩm đồ chơi và thiết bị thể thao, 93% sản phẩm giày dép và 91% sản phẩm dệt may. Cùng với đó là các mặt hàng điện tử tiêu dùng như điện thoại thông minh, máy tính, TV, máy theo dõi thể chất, tai nghe không dây Bluetooth…
Việc áp thuế sẽ tác động đến cả hai nước Trung Quốc và Mỹ. Moody’s Analytics dự báo do bị tăng thuế và chịu các mức thuế mới nên tăng trưởng ở Trung Quốc sẽ giảm 1,2 điểm phần trăm. Tại Mỹ, tăng trưởng cũng giảm và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng.
Dù vậy, nhiều nhà phân tích chính sách tiếp tục cho rằng lời cảnh báo tăng thuế của Tổng thống Trump chỉ là chiến thuật mặc cả chứ không phải là dấu hiệu đàm phán đổ vỡ. Theo Rob Atkinson, Chủ tịch Tổ chức Sáng kiến và Công nghệ Thông tin, đó chỉ là phương pháp để Mỹ buộc Trung Quốc trao đi nhiều hơn nhận về.
Hải Bình (t/h)
Đỉnh cao nghệ thuật đàm phán thương mại Mỹ-Trung |
Tổng thống Trump ủng hộ việc hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên |
Nước Anh vẫn bế tắc với vấn đề Brexit |
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo