Tin nóng thế giới hôm nay - 10/12
Thế giới đêm qua - 9/12 |
Tin nóng thế giới hôm nay - 9/12 |
Thế giới đêm qua - 8/12 |
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
1. Tổng thống Mỹ chủ trương tăng mạnh chi tiêu quốc phòng
Chính phủ Mỹ mới đây đệ trình lên Quốc hội khoản ngân sách quốc phòng trị giá 750 tỷ USD cho tài khóa 2020, cho thấy chủ trương tăng cường sức mạnh quân đội của Tổng thống Donald Trump bất chấp việc thâm hụt ngân sách hiện ở mức cao nhất trong vòng 6 năm qua và nhiều bộ khác bị cắt giảm chi tiêu.
Ngày 9/12, một quan chức Mỹ giấu tên cho hay gói chi tiêu quốc phòng trên đã nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Trump. Theo quan chức trên, trong những ngày gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã có nhiều cuộc làm việc với Tổng thống Trump về ngân sách cấp cho bộ này, trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh tới những nguy cơ mà một ngân sách eo hẹp có thể gây ra cho nền an ninh của Mỹ. Về phần mình, Tổng thống Trump cũng khẳng định chủ trương của Nhà Trắng tiếp tục thúc đẩy cũng như củng cố những kết quả tích cực mà chính phủ đã đạt được trong nỗ lực tái xây dựng quân đội vững mạnh.
2. Nga vươn lên vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu vũ khí
Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ngày 10/12 công bố báo cáo cho biết Nga đã vượt Anh để trở thành nhà sản xuất vũ khí lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Theo tuyên bố của ông Siemon Wezeman, chuyên gia cấp cao của SIPRI, các công ty Nga đã cho thấy mức tăng trưởng mạnh trong hoạt động bán vũ khí kể từ năm 2011, cũng chính là thời điểm Moskva bắt đầu tăng cường mua khí tài để hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Cụ thể, Nga có 10 công ty lọt vào danh sách "Tốp 100 các công ty sản xuất vũ khí và cung cấp dịch vụ quân sự năm 2017" của SIPRI, tương đương 9,5% doanh thu bán vũ khí của toàn bộ những cái tên được liệt kê. Tổng doanh thu của 10 công ty Nga này lên tới 37,7 tỷ USD và là "bệ phóng" đưa Nga vào vị trí nước sản xuất vũ khí lớn thứ hai thế giới vốn do Anh nắm giữ từ năm 2002. Năm 2017 cũng đánh dấu lần đầu tiên một công ty của Nga -Almaz-Antey - lọt vào tốp 10 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới với doanh thu đạt 8,6 tỷ USD, tăng 17%.
3. Anh có thể đơn phương đảo ngược quá trình Brexit
Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu (ECJ) ngày 10/12 ra phán quyết rằng Chính phủ Anh có thể đơn phương "đảo ngược" quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, mà không cần tham vấn bất kỳ quốc gia thành viên nào khác. Vụ việc trên đã được một tòa của Scotland kiện lên tòa của EU ở Luxembourg. Scotland là nơi các chính trị gia phản đối Brexit đề nghị tòa án ra phán quyết để làm rõ cách diễn giải Điều 50 của Hiệp ước Lisbon. Điều luật này cho phép London có hai năm để chuẩn bị cho cuộc "ly hôn" với EU, song không nói rõ quy định nếu quốc gia định ra khỏi "ngôi nhà chung" đó thay đổi suy nghĩ và muốn ở lại. Những người đâm đơn kiện cho rằng việc đảo ngược tiến trình Brexit hoàn toàn có thể được thực hiện mà không cần sự chấp thuận của bất cứ quốc gia thành viên EU nào khác, đồng thời khuyến cáo các nghị sỹ Anh nên ngăn chặn cuộc "ly hôn" này trước khi nó xảy ra vào ngày 29/3/2019.
4. Triều Tiên phát động "cuộc chiến không khoan nhượng" với tham nhũng
Ngày 10/12, Triều Tiên đã tuyên chiến với tham nhũng khi tờ Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, kêu gọi một "cuộc chiến không khoan nhượng" chống lại bất kỳ ai có hành động tham nhũng cho dù họ ở chức vụ nào. Bài xã luận đăng trên trang nhất của tờ Rodong Sinmun có đoạn: "Đảng Lao động Triều Tiên sẽ tiến hành một cuộc đấu tranh ngày càng quyết liệt nhằm diệt trừ tận gốc thói quan liêu và nạn tham nhũng. Chúng ta sẽ phát động một cuộc chiến không khoan nhượng nhằm vào bất kỳ đối tượng nào có hành vi tham nhũng bất kể họ ở cấp bậc nào". Bài xã luận cũng kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn đối với các quan chức cấp cao trong đảng, đồng thời nhấn mạnh các quan chức cấp cao nên được đặt dưới sự giám sát của tổ chức. Động thái trên được coi là nỗ lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhằm siết chặt kỷ luật đối với các quan chức trong bối cảnh Bình Nhưỡng tuyên bố tập trung phát triển kinh tế.
5. Liên hợp quốc triển khai đợt viện trợ đặc biệt cho Syria
Ngày 9/12, Liên hợp quốc thông báo bắt đầu chuyển hàng viện trợ cho Syria qua cửa khẩu biên giới Jaber-Nassib với Jordan được mở trở lại cách đây 2 tháng. Văn phòng điều phối hoạt động nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết, tổng cộng có 369 xe tải chở 11.200 tấn hàng nhân đạo sẽ đến Syria để cứu trợ hơn 650.000 người. Thông báo nêu rõ đây là đợt cứu trợ đặc biệt và sẽ được thực hiện trong 4 tháng. Đợt cứu trợ này sẽ được 6 cơ quan Liên hợp quốc và một tổ chức phi chính phủ triển khai.
Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn phát biểu của ông Anders Pedersen, điều phối viên hoạt động nhân đạo của Liên hợp quốc tại Jordan nêu rõ: “Đây là một trong những hoạt động hậu cần lớn nhất nhằm giúp giảm bớt nỗi thống khổ của người dân Syria". Ông Pedersen cho biết thêm OCHA đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác của Liên hợp quốc ở Syria để đảm bảo hàng cứu trợ này tới được những đối tượng cần nhất.
Lâm Anh (t/h)
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí
-
Báo chí đã có những bước phát triển về nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng
-
Phó Thủ tướng gửi thư khen lực lượng xử lý quyết liệt tội phạm "tín dụng đen"
-
Thủ tướng bổ nhiệm lại nhân sự Bộ Quốc phòng