Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Tín hiệu vui của… hài Việt

09:36 | 18/06/2016

1,049 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ở “Cười xuyên Việt”, yếu tố hài vẫn được đặt lên đầu, nhưng khán giả không chỉ cười thoải mái mà còn khóc cùng những nhân vật, những số phận và nhiều thông điệp được gởi gắm trong từng tiểu phẩm.

Khoảng hơn 2 năm trở về trước, trong giới nghệ thuật bảo nhau rằng hài kịch đã “chết”! Sở dĩ nói như vậy là bởi khi đó các nhóm hài, nghệ sĩ hài nổi tiếng một thời đã tan rã và ngưng hoạt động, sân khấu cũng hiếm diễn hài. Hài chỉ xuất hiện trong vài liveshow của nghệ sĩ.

Hai năm trở lại đây thì khác, hài bắt đầu “hồi sinh”. Dễ thấy nhất, đó là sự ra đời của rất nhiều chương trình hài. Nhưng đa số hài chủ yếu là lạm dụng hình thức giả gái, nhại giọng vùng miền, chọc cười bằng những tình huống lố bịch, phản cảm. Các tiểu phẩm hài chỉ quẩn quanh kiểu “thọc lét” như thế.

Điều này không chỉ khiến khán giả xem hài ngao ngán mà đó còn là nỗi bức xúc của không ít nghệ sĩ hài chân chính.

Thế nhưng cũng không vì thế mà vội bi quan về hài bởi trong một rừng những chương trình, những tiểu phẩm “hài nhảm” vẫn tồn tại những chương trình và những gương mặt hài tử tế và đầy triển vọng.

Trong năm 2015, Google báo kết quả rằng: “Cười xuyên Việt” chính là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên công cụ tìm kiếm này. Và từ khóa đó cũng chính là tên một chương trình thi thố về hài trên Đài truyền hình Vĩnh Long.

Tất nhiên với kết quả đó của Google thì cũng cho ta hiểu được rằng chương trình hài này đã gây sốt đến mức độ nào.

tin hieu vui cua hai viet
Nhóm Buffalo trong chương trình Cười xuyên Việt – Tiếu lâm hội 2016

“Cười xuyên Việt” không có đối thủ về rating và các bảng thống kê về sự quan tâm, tương tác của khán giả trên mạng xã hội. Chương trình có nhiều video clip triệu views. Chương trình cũng đã đưa nhiều gương mặt, nhóm hài bỗng nổi tiếng đình đám sau một đêm…

Dù chỉ phát ở một đài tỉnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng sức hút của Cười Xuyên Việt không chỉ bó hẹp ở khu vực mà còn lan ra cả nước, thậm chí kiều bào Việt Nam ở nước ngoài cũng đặc biệt yêu thích.

Những nghệ sĩ hài nổi tiếng như NSND Ngọc Giàu, NSƯT Kim Xuân, nghệ sĩ Thanh Thủy, nghệ sĩ hài Minh Nhí… đã nhiệt tình tham gia và luôn dành nhiều lời khen ngợi cho chương trình và các thí sinh. Mà trong giới thì ai cũng biết, để mời những người này tham gia một chương trình hài mới không hề dễ dàng, nó không chỉ nằm ở chuyện hợp đồng, cát-sê mà quan trọng hơn là uy tính của họ.

Vậy, điều gì đã làm nên một chương trình vừa thành công về mặt khán giả vừa được nghệ sĩ uy tính khen ngợi?

Ở “Cười xuyên Việt”, yếu tố hài, giải trí vẫn được đặt lên đầu, nhưng khán giả không chỉ cười thoải mái mà còn khóc cùng những nhân vật, những số phận, nhiều thông điệp được gởi gắm qua phần thi với những tiết mục đậm chất nhân văn như: “Kép Tư Bền”, “Người Chó – Chó Người”, “Lão Hạc”… Điều tưởng chừng như nghịch lý này lại là chất riêng và góp phần làm nên thành công của chương trình.

tin hieu vui cua hai viet
Tiểu phẩm "Nối lại tình xưa" của nhóm X-Pro

Mỗi phiên bản của “Cười xuyên Việt” là một hướng đi khác biệt nhưng đều có chung một đích đến đó là mang giá trị đích thực của nụ cười để chinh phục khán giả thông qua những tiểu phẩm hài có chiều sâu về ý nghĩa, trí tuệ, giá trị tư tưởng và độc đáo, sáng tạo trong cách thức thể hiện.

Cũng từ các chương trình này, nhiều tiểu phẩm được xem là hiện tượng hài thời gian qua như: “Đòi nợ” của Nam Thư, “Kiếp hát rong”, “Cảnh giới nghệ thuật” của Huỳnh Lập, “Rạp xiếc quái đản” của La Thành, hay “Người dẫn điện”, “Bến Vắng”, của nhóm X-Pro, “Mình ơi”, “Thương lắm Miền Tây” của nhóm Buffalo, “Chiếc xe bão táp” của nhóm C.M.V…

Nếu như trước đây, tiểu phẩm hài thường chỉ làm người xem cười gượng gạo rồi quên thì bây giờ, với những tiểu phẩm trên, người ta thấy từ giám khảo chấm tiểu phẩm cho đến khán giả đều hết cười rồi lại khóc nức nở vì xúc động.  

Còn nhớ, trong một đêm thi của chương trình “Cười xuyên Việt – Tiếu lâm hội 2016” vừa qua, khi nhận xét tiểu phẩm hài “Máy nhân bản” của nhóm kịch Đời, nghệ sĩ Minh Nhí có nói: “Không phải coi kịch hài là cười ha ha ha rồi quên. Coi mà thấm, để rồi suy nghĩ về cách sống của mình, đó mới là đẳng cấp đích thực của hài”. Nghệ sĩ Thanh Thủy thì cho biết: “Cái cười như thế này vô cùng vẻ vang và không bao giờ ai dám nói rằng hài cười là giải trí cấp thấp”. Còn NSƯT Kim Xuân thì đánh giá: “Hài kịch nhưng làm chúng tôi nhói tim”…

tin hieu vui cua hai viet
Thí sinh Anh Tú trong Cười xuyên Việt 2016

Ai đó đã nói rằng: đỉnh cao của hài kịch chính là bi kịch. Hài kịch cũng không là một loại hình giải trí cấp thấp, cười với những màn giả trai giả gái, õng a õng ẹo, nói vài ba câu tục tĩu rồi thôi. Hài kịch thật sự, ngoài tiếng cười còn cả những thông điệp và thân phận được lồng ghép tinh tế trong sau đó.

Với những gì mà các chương trình hài như “Cười xuyên Việt” đã làm được, công chúng hoàn toàn có thể hy vọng rằng hài Việt thật sự hồi sinh và phát triển đúng hướng để “hạ gục” được hài nhảm vốn đã hoành hành thời gian qua!

Trúc Vân