Tín hiệu tích cực cho thị trường tiền tệ
TS. Trần Du Lịch. |
Trao đổi với phóng viên, TS. Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ Quốc gia cho hay, tuy việc 4 NHTM lớn đi tiên phong giảm lãi suất huy động từ 0,3 – 0,5%/năm cách đây vài hôm chưa thực sự có tác động lớn, nhưng đã đưa ra tín hiệu tích cực cho thị trường tiền tệ.
Theo ông, tác động lan tỏa của động thái giảm lãi suất đến thị trường như thế nào?
Mặt bằng lãi suất chung tùy thuộc rất lớn vào 4 NHTM lớn chi phối. Vì thế, những động thái giảm lãi suất của các NHTM lớn cũng là thể hiện thực thi chính sách lãi suất của NHNN và mang tính chất dẫn dắt thị trường. Việc 4 NH lớn tiên phong giảm lãi suất và đã có một vài NH nhỏ hưởng ứng theo, tạo cơ hội tốt hơn để neo mặt bằng lãi suất cho vay chung hoặc giảm đôi chút trong những tháng cuối năm.
Bởi vì thông thường các DN đều lo lắng những tháng cuối năm nay khó giữ mặt bằng lãi suất cho vay. Và động thái giảm lãi suất của các NHTM như vậy cho thấy khả năng duy trì mức lãi suất của năm nay như hiện nay hoặc có thể giảm đôi chút là thực thi được. Khi các NH lớn giảm lãi suất huy động chứng tỏ thanh khoản không căng thẳng.
Đặc biệt là còn mấy tháng nữa là bước sang năm 2017, thời điểm các NH phải thực hiện giảm dần tỷ lệ sử dụng vốn vay ngắn hạn cho vay trung dài hạn thì động thái giảm lãi suất phát đi tín hiệu khả năng thực hiện quy định Thông tư 06 là khả thi. Cái cuối cùng, tôi cho rằng, trên cơ sở những NH lớn giảm lãi suất huy động, có thể những NHTMCP nhỏ đang duy trì mức lãi suất cao hiện nay sẽ tính toán lại.
Việc giảm lãi suất có ảnh hưởng đến dòng tiền vào NH không, thưa ông?
Theo tôi là không. Vì hiện tại lãi suất thực dương đang cao. 9 tháng đầu năm nay lạm phát tăng 3,14% so với tháng 12 năm ngoái. Như vậy, rõ ràng so với mức lãi suất huy động ngắn hạn hiện tại vẫn từ 4,2%/năm trở lên thì lãi suất thực dương người gửi tiền đang hưởng vẫn còn quá cao, không kích thích đầu tư.
Bản thân tôi nếu có tiền tiết kiệm tôi cũng gửi vì lời nhiều, rủi ro thấp. Nếu lãi suất huy động không giảm thì lãi suất cho vay, nhất là cho vay trung dài hạn sẽ khó có thể giảm được.
Nhiều NH cho biết, lãi suất cho vay khó giảm do nợ xấu chặn cửa. Trong khi cơ chế xử lý nợ xấu cho VAMC vẫn đang lùng nhùng. Vậy theo ông, đâu là vấn đề mấu chốt giúp cho VAMC xử lý nợ xấu hiệu quả?
Tôi đánh giá những hoạt động tích cực của VAMC. Với số vốn ít ỏi từ 500 tỷ đồng nay là 2.000 tỷ đồng nhưng đã làm tròn vai trò lịch sử giúp cho cục máu đông tan một phần, tạo được thanh khoản cho hệ thống NH.
Vấn đề lớn đối với VAMC không chỉ là một hay hai giải pháp mà phải thực sự đồng bộ các giải pháp. Và tôi đã nhiều lần đề nghị đã tới lúc cần phải ban hành một Nghị quyết chung hoặc Đạo luật riêng về xử lý nợ xấu. Chứ như hiện tại, xử lý tài sản thế chấp gặp nhiều khó khăn, tồn đọng nhiều mà những vấn đề này nằm ngoài khả năng của NH.
Ngay cả cho VAMC tự đấu giá cũng không xử lý được mà vẫn cần có cơ chế chung. Giờ chưa có cơ chế, các NHTM rất sợ tài sản thế chấp. Bởi, tài sản nhận nợ 100 đồng nhưng khi bán được có 20 đồng, thất thoát đấy thì tính sao. Liệu có bị quy kết trách nhiệm không. Vì vậy, thà NH cứ treo đó mà an toàn vẫn còn hơn. Chưa kể, ngoài gỡ khó trong khâu phát mãi tài sản đảm bảo, xây dựng thị trường mua - bán nợ là một trong hai giải pháp quan trọng nhất giúp xử lý triệt để được nợ xấu.
Đến thời điểm này, tôi cho rằng, không thể chần chừ trong việc xử lý nợ xấu nữa. Nếu không giải quyết số nợ cũ để nợ xấu mới phát sinh thì tổn phí sẽ còn cao hơn.
Xin cảm ơn ông!
Hà Thành
Thời báo Ngân hàng
-
Tăng trưởng tín dụng đạt gần 4%
-
TS Trần Du Lịch: Kinh tế TPHCM quý I sẽ không "rơi tự do" như năm ngoái
-
Dự báo kinh tế 2024: Còn ẩn số nhưng sẽ tốt hơn năm 2023
-
Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thích ứng, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế
-
Khơi thông thị trường vốn 2023: Chờ hiệu ứng đầu tư công và ổn định tiền tệ