Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Tiên trách kỷ - Hậu trách nhân

07:00 | 05/07/2016

1,996 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc công bố Formosa chính là thủ phạm gây ra vụ cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung đã bước đầu trả lời mối quan tâm bức xúc của dư luận.

Rồi đây, chắc chắn việc vi phạm Luật Bảo vệ môi trường của Formosa sẽ phải xử lý theo luật định, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề liên quan cần được xử lý. Đây là trách nhiệm của Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) và chính quyền tỉnh Hà Tĩnh trong vụ việc này cần được làm rõ bảo đảm kỷ cương, pháp luật và vai trò của người đứng đầu.

Tại cuộc họp báo công bố nguyên nhân thảm họa môi trường, các phóng viên đã chất vấn về trách nhiệm giám sát của Bộ TN&MT  đối với sự việc xảy ra như thế nào?

Thật quá ngạc nhiên khi nghe Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời rằng, Bộ ông không có lỗi, mà lỗi là do Luật Bảo vệ môi trường có lỗ hổng nên để xảy ra tình trạng không có sự giám sát đối với quá trình vận hành thử nghiệm xả thải của Formosa.

Bộ trưởng dẫn giải theo Quy chuẩn quốc gia có 2 quy chuẩn: Quy chuẩn 40 đối với nước thải công nghiệp. Trên thực tế Quy chuẩn 40 có kiểm soát nhiều thông số hơn. Còn Quy chuẩn 52 kiểm soát nước thải đối với ngành công nghiệp gang thép, ở phạm vi 12 thông số, tức là yêu cầu thấp hơn và một số thông số như kim loại nặng… thì chưa kiểm soát. Bộ trưởng thừa nhận về mặt quy chuẩn, ngay từ đầu ta chưa tiên lượng được đối với ngành công nghiệp gang thép với lượng nước thải lớn, cần phải tính toán xây dựng như thế nào cho hợp lý và phải bao quát được các thông số, nhưng  Quy chuẩn 52 không thể bao quát được. Như vậy phải áp dụng đồng thời cả Quy chuẩn 40 và 52 mới đúng.

tien trach ky hau trach nhan 445491
Lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì đã để xảy ra vụ cá biển chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung

Bạn đọc đặt câu hỏi: Ai là người soạn thảo Dự án Luật Bảo vệ môi trường? Xin thưa, chính là Bộ TN&MT. Và cũng chính Bộ này cấp giấy phép cho Formosa xây lắp đường ống ngầm khổng lồ xả thải ra biển. Thứ trưởng ký giấy phép nhưng Bộ trưởng lại khẳng định không được xả thải xuống biển. Như vậy hóa ra “Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”, người dân biết tin ai? Rồi trong khi chưa làm rõ thủ phạm làm cá chết hàng loạt, một quan chức Bộ này gợi mở có thể do thủy triều đỏ làm lệch hướng điều tra.

Thì ra thực chất của vấn đề lại ở khâu giám sát nguồn nước thải sinh hóa từ sản xuất cốc bao gồm nhiều chất độc hại như cyanua, phenol và các kim loại nặng đã bị “buông”, bị lãng quên để Formosa tự tung tự tác trong giai đoạn chạy thử. Formosa cứ vô tư xả thải chất độc xuống biển mà không có cơ quan nào của Bộ hay của tỉnh giám sát. Hóa ra cơ quan bảo vệ môi trường vẫn chờ khi nào họ báo cáo hệ thống đã vận hành ổn định thì cơ quan môi trường mới  vào cuộc.

Môi trường biển và ngư dân Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế còn phải chịu giá quá đắt vì “lỗ hổng chết cá” này với hệ lụy không thể tính bằng tiền. Khoản đền bù 11.500 tỉ là quá ít ỏi so với thiệt hại và chi phí khắc phục. Thật đáng quan ngại khi hệ thống giám sát tự động việc xả thải của Fomorsa, theo như thừa nhận của Bộ trưởng Hà chưa có cơ quan nào thẩm định, đánh giá và điều trớ trêu nhất là hệ thống này chỉ quan trắc được 6 thông số, còn các nguyên tố đặc biệt như: phenol, cyanua và sắt thì không quan trắc được. Vậy là không chỉ có lỗ hổng trong văn bản luật pháp về môi trường đã bỏ sót các nội dung này mà còn có những lỗ hổng quản lý giám sát của Trung ương và địa phương về hệ thống xử lý nước thải từ khâu xây lắp đến thử nghiệm và chuẩn bị vận hành chính thức.

Sau khi sự cố cá chết hàng loạt xảy ra, câu hỏi của dư luận và người dân địa phương được đặt ra, đó là trách nhiệm của chính quyền Hà Tĩnh như thế nào trong việc doanh nghiệp ngang nhiên xả thải độc hại xuống biển?

Trả lời những vấn đề này, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đổ thừa rằng, Dự án Formosa là dự án lớn, được tất cả các bộ, ngành tham gia và nhiều việc vượt ra ngoài khả năng của Hà Tĩnh.

Theo các thông tin chính thức, lãnh đạo tỉnh này đã vào cuộc quá chậm chạp và điều duy nhất họ làm được là kiên trì chờ đợi câu trả lời nguyên nhân cá chết và sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ.

Theo tin từ truyền thông, lãnh đạo Hà Tĩnh bận “củng cố bộ máy” sau Đại hội Đảng và bầu cử HĐND các cấp nên không có mặt ở Vũng Áng. Tỉnh cũng không tạo điều kiện tốt nhất cho đoàn thanh tra đầu tiên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào cuộc. Ai cũng biết việc ông trưởng đoàn phải thở hắt ra mà thốt lên rằng, đây là doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, chúng tôi không vào được!? Ô hay “đất có Thổ công , sông có Hà bá”. Vậy Thổ công, Hà bá Hà Tĩnh ở đâu mà không giúp thanh tra hoạt động? Xin lưu ý là hệ thống giám sát chất lượng nước thải ở Formosa gần đây mới được kết nối với cơ quan bảo vệ môi trường của Hà Tĩnh…

Nôn nóng phát triển, hình như Hà Tĩnh đã “chọn thép mà không chọn tôm, cá” nên đã quá ưu ái Formosa dẫn đến bỏ qua nhiều sai phạm của doanh nghiệp này. Trong đó, việc bí mật xả nước thải chưa qua xử lý xuống biển là vi phạm Luật Bảo vệ môi trường nghiêm trọng nhất . Cái giá phải trả với tỉnh này là quá đắt.

Có câu “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, vậy “hậu Formosa” cần xác định trách nhiệm cá nhân và tập thể khi để xảy ra thảm họa môi trường khủng khiếp này, đồng thời với việc xử lý minh bạch, hiệu quả khoản tiền 500 triệu USD bồi thường của Formosa!

 

Bảo Dân

Năng lượng Mới 537