Tiến Dũng và Văn Toản: Trên lằn ranh đỏ ở SEA Games
Thủ môn Bùi Tiến Dũng tập luyện dưới sự giám sát của các trợ lý HLV, sáng 6/12 - một ngày trước trận đấu với Campuchia ở bán kết SEA Games 2019. Ảnh: Đức Đồng. |
Việt Nam đá năm trận vòng bảng SEA Games 2019 theo lộ trình từ yếu đến mạnh. Nhưng cứ tăng độ khó, thì ngay lập tức, tăng luôn tỷ lệ sai sót ở hàng phòng ngự mà nguồn gốc đến từ sự thiếu an toàn ở người giữ thành. Sau khi Bùi Tiến Dũng bắt hụt ở trận đấu Indonesia, hôm qua đến lượt người thay thế Nguyễn Văn Toản sút bóng trúng người cầu thủ Thái Lan.
Kết thúc vòng bảng, Việt Nam nhận bốn bàn thua và tất cả đều không đáng xảy ra. Đó đều là những tình huống mà Việt Nam hoàn toàn chủ động trong phòng ngự. Các thống kê đều cho thấy, đội bóng của HLV Park Hang-seo rất mạnh, mạnh hơn nhiều so với năm đối thủ ở vòng bảng, bao gồm cả Thái Lan. Không đối thủ nào có thể gây được áp lực liên tục lên khung thành của Bùi Tiến Dũng hay Nguyễn Văn Toản. Chưa có một cú sút cầu môn nào của các đối thủ được thực hiện trong vòng 16m50 suốt hơn 450 phút đã qua. Nghĩa là, các hậu vệ và tiền vệ phòng ngự đã làm rất tốt công việc của mình. Nhờ thế, HLV Park Hang-seo vẫn đang dùng hai tiền đạo trên sân cùng lúc. Điều này chắc chắn vẫn sẽ diễn ra ở hai trận đấu còn lại, bởi trong bốn đội vào bán kết hiện nay, Việt Nam là ứng cử viên số một và bắt buộc phải đá "cửa trên".
HLV Park Hang-seo vẫn cho thấy ông đủ phương án để giải bài toán ghi bàn trước mọi hàng phòng ngự. Có lẽ chưa đội tuyển Việt Nam nào lại sở hữu bộ đôi tiền đạo có cùng tần suất và phong độ ghi bàn đều đặn trong cùng một giải đấu như ông đang có. Sự vắng mặt của Quang Hải vì vậy được khỏa lấp nhanh chóng. Nhưng thật nghiệt ngã, cũng chưa đội tuyển nào trong quá khứ mà cả hai thủ môn số một và số hai đều đồng loạt mất an toàn như hiện nay.
Không thể đổ hết mọi trách nhiệm cho thủ môn sau các thất bại, nhưng có một thực tế hết sức phũ phàng, đó là những trận đấu theo kiểu "chết ở ngưỡng cửa thiên đường" của bóng đá Việt Nam lại liên quan đến vị trí người giữ thành. Pha xuất tướng không chuẩn của thủ môn Tiến Anh trong trận chung kết Tiger Cup 1998, để bóng chạm lưng Sasi Kuma vào lưới ghi bàn duy nhất của trận đấu. Thủ môn Bùi Tấn Trường bị chấn thương bả vai, không chịu rời sân, để rồi bất lực với pha bóng phản lưới của hậu vệ đội nhà ở trận chung kết SEA Games 2009. Cho đến giờ, chưa có lời giải thích thỏa đáng với hành động "bóp cổ" Tấn Trường của HLV Calisto, vì một năm sau đó, chính anh được tin dùng ở AFF Cup 2010 và trong trận bán kết trên đất Malaysia, thủ môn này lại mắc lỗi ở thất bại 0-2 khiến Việt Nam không thể bảo vệ được chức vô địch. Đến bán kết AFF Cup 2016, sai sót cũng như pha đánh nguội cầu thủ Indonesia của thủ môn Trần Nguyên Mạnh đã chôn vùi giấc mơ vào chung kết của Việt Nam. Và trong trận cầu quyết định với Thái Lan tại SEA Games 29, thủ môn Phí Minh Long mắc sai lầm tai hại, khởi đầu cho trận thua thảm 0-3 của thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng.
Ở chiều ngược lại, các thành công lớn nhất của bóng đá Việt Nam, đều gắn với sự vững chắc của người giữ thành. Chiến công AFF Cup 2008 tôn vinh thủ môn Dương Hồng Sơn và hàng phòng ngự do trung vệ Vũ Như Thành chỉ huy. Triều đại đang thăng hoa của HLV Park Hang-seo cũng có sự đóng góp của thủ môn Đặng Văn Lâm. Và tất nhiên, sự khởi đầu của ông có hình ảnh của "Người hùng Thường Châu" Bùi Tiến Dũng, thủ môn số một tại M-150 Thái Lan, U23 châu Á và Asiad 2018.
Với những gì Bùi Tiến Dũng cũng như Nguyễn Văn Toản đã trải qua, người hâm mộ đành phải chấp nhận một sự thật: Các sai lầm của thủ môn sẽ xuất hiện bất kỳ lúc nào tại SEA Games 30. Điều khác biệt duy nhất là đến lúc này, Việt Nam chưa phải trả cái giá quá đắt. Bỗng nhiên khi mọi thứ đều ổn, thì vị trí tưởng là được bảo đảm nhiều nhất, lại không ổn chút nào.
Trong đội hình của Việt Nam ở trận đá với Indonesia, Bùi Tiến Dũng là cầu thủ ít thi đấu nhất trong năm 2019. Anh chỉ có năm trận bắt chính trong màu áo Hà Nội trong tổng số trên 40 trận mà CLB đã thi đấu. Nếu tính cả màu áo đội tuyển, số lần vào sân từ đầu của Bùi Tiến Dũng tính đến trước SEA Games chỉ là 12. Một cầu thủ ít được thi đấu thì khó giữ được phong đột tốt nhất. Những sai sót của Bùi Tiến Dũng đã xuất hiện ngày một nhiều hơn, ngay ở những lần ít ỏi mà anh vào sân trong màu áo Hà Nội. Pha bóng để thua trong trận Indonesia, nếu khắt khe, thì không hẳn là tai nạn. Với tình huống đó, một thủ thành có kinh nghiệm trận mạc chỉ cần làm động tác đơn giản là đẩy bóng qua xà. Việc chủ động bắt dính quả bóng ấy là hậu quả của việc ít được thi đấu.
Nhưng ông Park có nhiều lý do để chọn Bùi Tiến Dũng. Xét về kinh nghiệm thi đấu quốc tế, không có thủ môn tầm tuổi U22 nào có thể đứng chung hàng với anh. Về mặt tâm lý thi đấu, Bùi Tiến Dũng chắc chắn là lựa chọn không thể thay thế. Điều này đã được chứng minh qua các sai sót chết người đến từ yếu tố tâm lý của Nguyễn Văn Toản hôm qua. Hơn nữa, ở các giải đấu ngắn ngày, ít HLV nào thay đổi thủ môn do người thay thế thường chịu áp lực rất nặng nề, chưa kể độ tuổi U22 cũng không phải là thời điểm trưởng thành ở vị trí thủ môn.
Việt Nam vẫn chưa thể thắng Thái Lan ở SEA Games, nhưng đã loại đại kình địch ra khỏi cuộc đua bằng năng lực của một đội bóng mạnh hơn. Việt Nam cũng chưa thể tránh được những ám ảnh nhất định từ các lần "tự bắn vào chân" trong quá khứ, nhưng cách tốt nhất để sửa chữa sai lầm là đứng dậy tại chỗ đã ngã xuống. HLV Park Hang-seo chắc chắn sẽ điều chỉnh cách chơi bóng của các hậu vệ, ít trả bóng về phía sau hơn và đẩy đội hình lên cao hơn. Đội tuyển sẽ tiếp cận các trận đấu và giành chiến thắng với việc ghi nhiều bàn hơn.
Không ai có thể thay đổi những gì đã xảy ra, và các thủ môn của Việt Nam cũng vậy. Nếu HLV Park Hang-seo quyết định chọn ai, thì đó là cách ông đẩy họ đến lằn ranh đỏ của một thủ môn. Nếu Tiến Dũng hay Văn Toản chấp nhận được chỉ trích và chơi tốt hơn ở trận kế tiếp, họ sẽ thành công.
Để chạm vào giấc mộng Vàng lúc này, có lẽ Việt Nam chỉ còn cần các thủ môn tự bước qua lằn ranh đó.
Theo Vnexpress.net
U22 Campuchia tập kín, tuyên bố giành HCV SEA Games 30 |
Việt Nam và lời nguyền phải vượt qua ở SEA Games |