Việt Nam và lời nguyền phải vượt qua ở SEA Games
Hà Đức Chinh và các đồng đội mừng bàn thắng duy nhất vào lưới Singapore ở lượt trận thứ tư hôm 3/12. Ảnh: Lâm Thỏa. |
Các đội bóng tại bảng B nếu đăng quang SEA Games 30 sẽ thi đấu tổng cộng bảy trận trong 16 ngày. Tức là gần như một ngày nghỉ rồi một ngày đá. Khó tìm được giải đấu nào trên thế giới có mật độ khủng khiếp như vậy. Ở Olympic, đội vô địch trung bình đá sáu trận trong 17 ngày. Ở Asiad 2019, Việt Nam vào đến trận tranh HC đồng cũng chỉ đá sáu trận trong 19 ngày. Đó là chưa nói đến mặt cỏ nhân tạo và các trận đấu diễn ra lúc trời còn nắng gắt, cũng như điều kiện dịch vụ chỉ nằm ở mức tối thiểu tại SEA Games lần này. Nghĩa là, muốn đoạt HC vàng thì bên cạnh yếu tố chuyên môn, bạn còn cần thêm sự may mắn và sức chịu đựng.
Kế đó là thể thức thi đấu không phù hợp. SEA Games không có vòng loại, nên những đội bóng được ví là "túi đựng bóng" như Brunei, Timor Leste cũng góp mặt. Thế nên, ở bảng B, dù phải chơi đến năm trận, và thắng đến bốn (tức là 80%), vẫn có thể bị loại nếu thua một trận. Còn tại bảng A, Campuchia vào bán kết chỉ cần hai trận thắng (50% số trận), vì có đến hai "túi đựng điểm". Như vậy, số trận thắng không tương đồng với cơ hội đi tiếp, các đội bóng vẫn phải quyết định bằng các cuộc đối đầu trực tiếp.
Sự bất hợp lý nằm ở chỗ đó. Xác định ngôi thứ là ở các cuộc đối đầu trực tiếp, nhưng khi xét chỉ số phụ, thì lại tính luôn các trận đấu khác. Vì nguyên nhân này mà dù nắm chắc trong tay phần thắng trước đối thủ yếu, các HLV vẫn phải tung đội hình mạnh để tìm bàn thắng nhằm tích lũy lợi thế. Điều này vắt kiệt sức của cầu thủ, HLV có muốn xoay tua đội hình, để dành sức mạnh cho các trận đối đầu trực tiếp, cũng phải rất đắn đo. Tóm lại, từ mật độ, đến điều kiện thi đấu, cho tới cả thể thức tương đối lạc hậu, SEA Games quả là đấu trường khắc nghiệt nhất thế giới cho dù nó hoàn toàn vô danh kể từ khi chuyển sang U23.
Nhưng, nếu như "khó người khó ta", các đội bóng có tham vọng vô địch còn gặp một chướng ngại vật khác, tạm gọi là... "lời nguyền SEA Games".
Tính từ năm 1996, có tổng cộng bốn đội bóng từng vô địch AFF Cup, tức là lên ngôi số một Đông Nam Á. Thế nhưng cùng thời gian, tại SEA Games chỉ có đúng hai nhà vô địch là Thái Lan và Malaysia. Đội bốn lần vô địch AFF Cup là Singapore chưa từng vào chung kết SEA Games. Thậm chí, nếu tính từ năm 1977, chỉ có thêm Indonesia là đội từng đăng quang sau 22 kỳ đại hội.
Có một thống kê khác, kể từ lần cuối cùng mà một đội chủ nhà lọt vào chung kết và đoạt HC vàng (Malaysia năm 1989) thì đến nay, có năm đội chủ nhà ngoài Thái Lan từng vào chung kết và đều để thua, trong đó có Việt Nam tại SEA Games 2003. Lợi thế chủ nhà hầu như không đáng kể. Với 15 lần vô địch SEA Games, có thể nói sân chơi này dường như chỉ dành riêng cho Thái Lan. Cũng theo thống kê, từ năm 1977, đội bóng nào từng đánh bại Thái Lan trong giải thì sẽ đoạt HC vàng. Cả năm lần xảy ra điều này đều cùng một cái tên, đó là Malaysia - trừ lần duy nhất họ thắng Thái Lan ở bán kết nhưng thua Indonesia trong giờ đấu thêm ở chung kết SEA Games 1987. Đây cũng là lý do vì sao bóng đá Thái Lan "kỵ giơ" với Malaysia.
Chỉ có điều, những gì Thái Lan gặp với Malaysia thì hoàn toàn ngược lại với Việt Nam. Chúng ta chưa từng thắng Thái Lan ở SEA Games kể từ những lần gặp đầu tiên năm 1995. Tính luôn từ SEAP Games 1959, bóng đá Việt Nam cũng chỉ thắng Thái Lan đúng hai lần tại hai đại hội đầu tiên, trong đó có trận thắng 3-1 để đoạt HC vàng SEAP Games tròn 60 năm trước. Có những SEA Games (1995, 1999, 2003), gặp họ đến hai lần trong cùng giải nhưng Việt Nam cũng chỉ từ hòa đến thua.
Một vài thống kê có tính chất lặp đi, lặp lại cho thấy những khó khăn nhất định mà thầy trò HLV Park Hang-seo đang phải đối diện trước trận đấu với Thái Lan, cho dù lúc này chúng ra đã cân bằng và, ở rất nhiều khía cạnh, đã nhỉnh hơn họ.
Lịch sử luôn có những tiếng nói riêng của nó, cho dù không phải lúc nào cũng công bằng với bóng đá Việt Nam. Sự khắc nghiệt về điều kiện thi đấu của SEA Games đã lấy đi của thầy Park cầu thủ có khả năng chuyển xoay cục diện chỉ bằng một khoảng khắc là Quang Hải. Bảng thành tích đối đầu không mấy lạc quan của SEA Games nếu không làm lung lay tinh thần của cầu thủ Việt Nam thì cũng đem đến cho cầu thủ của Akira Nishino sự lạc quan và niềm tin nhất định trong mục tiêu chiến thắng hai bàn cách biệt. Cách đây hai năm, thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng từng chỉ cần một kết quả hòa để đi tiếp, nhưng rốt cuộc thua 0-3 và bị loại bởi chính Thái Lan. Khi đó, Việt Nam còn có những cầu thủ tốt hơn lúc này. Ở lứa tuổi U22 không thể nói trước được điều gì, nhưng Thái Lan có sẵn sự tự tin với những chiến quả đều đặn và đồ sộ của họ.
Tất nhiên, đội bóng trong tay HLV Park Hang-seo chính là sự khác biệt lớn nhất. Ông Park chưa thua Thái Lan trận nào trong năm lần đối đầu từ Cup M-150 đến vòng loại U23 châu Á, King’s Cup và vòng loại World Cup 2022. Đặc biệt, đó đều là những trận đấu mà Thái Lan rất muốn thắng chứ không phải giao hữu bình thường. Điều đó cho phép người hâm mộ Việt Nam tin vào một kết quả mang tính bước ngoặc, trong một trận đấu có thể đảo chiều lịch sử để tiến đến hiện thực giấc mơ Vàng.
Theo VNE