Thủy điện miền Trung – Tây Nguyên “khát nước”: Chuyện ở Sông Tranh 2
“Khát nước” giữa mùa mưa
Đây là một nghịch lý đang diễn ra tại một loạt các hồ thủy điện miền Trung, “khát nước” giữa mùa mưa. Ngay như những ngày vừa qua, khi các tỉnh miền Trung đang trải qua một đợt mưa kéo dài, thậm chí gây ngập lụt lịch sử Đà Nẵng, thì lưu lượng nước về các hồ thủy điện ở khu vực này vẫn ở mức thấp kỷ lục, đang trong tình trạng “báo động đỏ”, dưới mực nước chết.
Ông Vũ Văn Lân, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh. |
Trao đổi với Petrotimes về hiện tượng này, ông Vũ Văn Lân, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh cho biết, năm 2018, tình hình thủy văn lưu vực hồ chứa diễn biến phức tạp, khó dự đoán. Các tháng đầu năm tình hình thủy văn rất tốt, tuy nhiên vào cao điểm mùa cạn (tháng 6, 7, 8) lưu lượng nước về hồ giảm thấp (tần suất trung bình 78%). Đặc biệt, mùa lũ năm 2018, tình hình thủy văn hồ chứa Sông Tranh 2 rất cực đoan, lưu lượng nước về hồ rất thấp. Riêng tháng 11, lưu lượng nước về hồ thấp nhất trong chuỗi thủy văn quá khứ 45 năm của lưu vực hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2.
Mùa lũ của lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn là từ các tháng 9 đến 12 nhưng năm 2018, dữ liệu thống kê thủy văn lại cho thấy lưu lượng nước về hồ trong các tháng đạt rất thấp, cao nhất chỉ bằng hơn 50% lưu lượng trung bình nhiều năm. Đặc biệt trong tháng 11, chính vụ mùa lũ, lưu lượng nước về hồ được ghi nhận là 67,77m3/s, tương ứng tần suất 99%, chỉ đạt 17% so trung bình nhiều năm. Dự kiến, trong tháng 12, con số được ghi nhận là 80m3/s, tương ứng tần suất 98%, chỉ đạt 30% so với trung bình nhiều năm.
“Lưu lượng nước chính vụ mùa lũ với tần suất 99%, nghĩa là rất thiếu nước, phản ánh diễn biến tình hình thủy văn là rất cực đoan”, ông Lân nhấn mạnh.
Với lưu lượng nước về hồ thấp như trên thì mực nước và dung tích của hồ chứa thủy điện Sông Tranh hiện tại cũng đang ở mức rất thấp. Cụ thể, lúc 15h00’ ngày ngày 7/12/2018, mực nước hồ đang ở cao trình 149,72m, chỉ cao hơn mực nước chết 9,72 m (mực nước chết 140m), thấp hơn mực nước tối thiểu theo quy định của quy trình liên hồ 21,06m (mực nước tối thiểu 170,8m) và thấp hơn mực nước dâng bình thường của hồ chứa 25,28m (mực nước dâng bình thường: 175m). Theo đó, dung tích hữu ích của hồ thiếu hụt so với dung tích tối thiểu theo yêu cầu của Quy trình liên hồ là 332 triệu m3 và thiếu hụt so với dung tích khi đầy hồ (hồ đạt mực nước dâng bình thường) là 418 triệu m3.
Trước thực tế nghiệt ngã này, gần như trong toàn bộ tháng 11 và những ngày đầu tháng 12, Công ty Thủy điện Sông Tranh đã chủ động phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan để giảm chạy máy tối đa để nhằm mục tiêu tích nước phục vụ khu vực. “Công ty ưu tiên tích nước hơn phát điện, chấp nhận phương án sản lượng không đạt. Tính đến thời điểm hiện tại, sản lượng điện sản xuất của Thủy điện Sông Tranh 2 mới đạt 421 triệu kWh, bằng 74,5% kế hoạch năm. Trong khi đó, cùng kỳ 2017, sản lượng điện sản xuất của Sông Tranh 2 đã đạt 630 triệu kWh”, ông Lân nói.
Ưu tiên cao nhất là cấp nước cho hạ du
Hồ thủy điện Sông Tranh đang thiếu hụt 21,06m nước để đạt mực nước tối thiểu theo quy định của quy trình liên hồ |
Theo Công ty Thủy điện Sông Tranh, với diễn biến thủy văn thời gian qua, kết hợp với dự báo hiện tượng Elnino sẽ tiếp tục kéo dài thì tình trạng hạn hán, thiếu nước sẽ diễn ra khắc nghiệt trong thời gian đến, đặc biệt là cao điểm mùa cạn năm 2018-2019. Vì vậy, hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 sẽ thiếu hụt nguồn nước để phục vụ nhu cầu của vùng hạ du sông Thu Bồn và thiếu hụt lớn sản lượng điện cung cấp cho hệ thống điện Quốc gia trong mùa cạn năm 2018-2019. Việc thiếu hụt 332 triệu m3 nước, tương đương sản lượng khoảng 60 triệu kWh, sẽ ảnh hưởng lớn đến việc tham gia thị trường điện. Nhưng nếu không ưu tiên tích nước thì con số thiếu hụt sẽ là hơn 500 triệu m3.
Nhận định trước được những khó khăn về tình hình thủy văn trong mùa lũ năm 2018, Công ty thủy điện Sông Tranh đã chủ động thực hiện việc giảm lưu lượng phát điện (giảm sản lượng điện sản xuất), ưu tiên tích nước hồ chứa từ giữa mùa lũ cho đến nay. Tuy nhiên, mực nước và dung tích hồ chứa Sông Tranh cũng không tăng cao do lưu lượng nước về hồ quá thấp.
Để ứng phó với tình trạng này, trong thời gian tới, Công ty sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, bàn ngành có liên quan để cùng trao đổi, thống nhất và lên các kế hoạch vận hành hồ chứa Sông Tranh 2 chi tiết, cụ thể phù hợp với tình hình thủy văn thực tế, nhu cầu sử dụng nước của địa phương và yêu cầu cung cấp điện của hệ thống điện Quốc gia để đảm bảo nguồn nước trong mùa cạn năm 2018-2019 được sử dụng tiết kiệm, tối ưu nhất.
Được biết, Công ty Thủy điện Sông Tranh đang tiếp tục làm việc với các Sở ban ngành tỉnh Quảng Nam để lên kết hoạch sử dụng nước cho năm 2019. Công ty đã tính toán kỹ lưỡng và lên các kịch bản về các khả năng lưu lượng nước về hồ. Tương ứng với các kịch bản, Công ty đã làm việc với tỉnh Quảng Nam để xem xét thực hiện điều phối nước như thế nào.
Chủ trương của EVN và EVNGENCO1 là cân đối về mặt doanh thu, sản lượng cũng như tham gia thị trường điện nhưng cái ưu tiên hơn vẫn là việc phục vụ cho các nhu cầu an sinh xã hội. Mục tiêu của chúng ta lớn hơn, vì lợi ích của cộng đồng. Nếu hạn hán xảy ra mà chúng ta chỉ nghĩ đến việc phát điện thì việc phục vụ cho dân sinh, cho cộng đồng sẽ không được tốt. Vậy nên, lúc này chúng ta phải ưu tiên phục vụ cho dân sinh, cho xã hội trước. |
Ngoài ra, để hạn chế việc huy động điện trên thị trường điện cạnh tranh, Công ty Thủy điện Sông Tranh đã tiến hành chào giá trần trên thị trường, ở mức cao nhất là 5.700 đồng/kWh.
“Có thể nói là chắt chiu từng giọt nước để phục vụ cho công tác sản xuất, nông nghiệp… và đặc biệt là tháng mùa khô (6, 7, 8 và 9) năm 2019 cho khu vực hạ du. Chúng tôi đã làm rất chi tiết vấn đề này và đã làm việc với Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia để trong thời điểm bây giờ là ưu tiên cho việc tích nước nhiều hơn việc phát điện, nhằm cân đối lại nguồn nước đảm bảo mùa cạn 2019 được tốt nhất cho nhân dân vùng hạ nhu”, Phó giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh nói.
“Dự báo năm 2019 tình hình thủy văn sẽ rất cực đoan, bi quan hơn trung bình nhiều năm do hiện tượng El Nino đến sớm. Chúng ta không thể kỳ vọng năm 2019 tốt hơn 2018”, ông Lân nói thêm.
Thanh Ngọc
Cấp điện cho các khu công nghiệp miền Trung: Đăng ký nhiều, sử dụng ít? | |
Đổi thay Cồn Cỏ | |
“Phủ” điện cho đồng bào vùng cao ở Lạng Sơn: Gặp khó vì thiếu vốn |
-
Đóng điện nhánh rẽ đường dây 220kV đấu nối từ trạm biến áp 500kV Chơn Thành
-
EVNSPC thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa trong công tác an sinh xã hội
-
Trạm biến áp 220kV Kon Tum được nâng công suất lên gấp đôi để đảm bảo điện cho khu vực
-
Nhiều bài học kinh nghiệm quý sau thành công của Dự án đường dây 500kV mạch 3
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng