Thưởng Tết ngân hàng 1 tháng lương và sự thật...
Mỗi dịp Tết đến, xuân về khi các doanh nghiệp, ngành hàng công bố chi thưởng Tết cho cán bộ nhân viên lên tới cả nghìn tỷ đồng thì nhân viên ngân hàng chỉ nhận có 1 tháng lương. Vậy nên nếu nói "thưởng Tết ngân hàng chỉ là tượng trưng" thì cũng đúng.
Giám đốc truyền thông một ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tại Hà Nội cho biết, đã mấy năm nay, Tết dương lịch chị nhận được chưa quá 5 triệu đồng tiền thưởng và Tết âm lịch là một tháng thu nhập.
Xác nhận điều này, tổng giám đốc một ngân hàng cho hay: "Thưởng Tết ngân hàng không giống với các ngành hàng khác. Thưởng Tết chỉ là tượng trưng, chúng tôi sẽ chia thưởng vào dịp báo cáo tài chính quý I năm sau".
Thưởng Tết ngân hàng chỉ 1 tháng lương là sự thật, tuy nhiên nhân viên ngân hàng sẽ được truy lĩnh thêm từ 2 - 7 tháng thu nhập vào dịp báo cáo tài chính quý I năm sau (ảnh minh họa). |
Đầu tháng 12/2019, một trong bốn "ông lớn" ngân hàng là VietinBank thông báo bổ sung 1 tháng lương nhân dịp Tết dương lịch 2020 cho cán bộ nhân viên đã gây râm ran dư luận. Tuy nhiên, trong giới ngân hàng, việc nhận thưởng 1 tháng lương dịp Tết đã là "luật bất thành văn", "chẳng trông mong gì vào dịp thưởng Tết cả".
Theo tìm hiểu của phóng viên và đúng như xác nhận của vị tổng giám đốc kia, nhân viên ngân hàng sẽ được truy lĩnh thêm từ 2- 7 tháng thu nhập vào dịp báo cáo tài chính quý I năm sau. Nếu lấy mặt bằng thu nhập bình quân từ 25 triệu đồng/tháng, nhân viên ngân hàng sau Tết có thể nhận được món tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.
Và với giới ngân hàng, khoản tiền này họ không gọi là tiền thưởng Tết mà đó là các khoản truy lĩnh trong năm, cũng như là "một phần lương mà họ chưa nhận từ các tháng thì nay nhận bù".
Chia sẻ về việc thưởng Tết ngân hàng, Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành từng nói: Thực tế khái niệm "thưởng Tết" là việc các nhân viên được truy lĩnh lương của mình trong năm. Vietcombank cũng là một doanh nghiệp theo quy định của Nhà nước nên tối đa mỗi năm chỉ được trích 2-3 tháng phúc lợi khen thưởng, nếu hoàn thành kế hoạch.
Lấy ví dụ từ chính ngân hàng Vietcombank của mình, Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành cho biết: Nếu lương nhân viên 32 triệu đồng hàng tháng thì mỗi tháng chỉ nhận khoảng 15-16 triệu đồng. "Phần còn lại được trải đều các quý, mỗi quý sẽ chấm điểm KPI đánh giá và phần này được trả vào đúng thời điểm cuối năm nên mọi người hay gọi là thưởng Tết", ông Thành giải thích.
Ông cũng hé lộ, tại Vietcombank, mức phân hoá về thu nhập giữa cán bộ lương thấp nhất và cao nhất có thể tới 60-70%. Do đó, tại Vietcombank, có chi nhánh nhân viên chỉ được thưởng một tháng lương nhưng cũng có chi nhánh cán bộ được 3, 5 tháng lương hoặc có thể nhiều hơn.
Còn nhớ dịp Tết năm 2019, Vietcombank đã có những công bố thưởng cho các đơn vị hoạt động xuất sắc gây ấn tượng. Theo đó, 2 chi nhánh là Vietcombank Sở giao dịch và chi nhánh TP.HCM có kết quả hoạt động xuất sắc và được thưởng tập thể 3 tỷ đồng mỗi đơn vị; 15 chi nhánh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được thưởng 1,5 tỷ đồng mỗi đơn vị; 20 chi nhánh nhận danh hiệu đơn vị tiêu biểu hoàn thành tốt nhiệm vụ với mức tiền thưởng cho các tập thể là 1 tỷ đồng/1 đơn vị; các chi nhánh khác tùy theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ được thưởng 200 - 500 triệu đồng.
Có thể thấy rằng, việc thưởng Tết ngân hàng và các doanh nghiệp trong các lĩnh vực như bất động sản, ngành hàng ăn uống, may mặc... luôn thu hút sự quan tâm của dư luận với muôn kiểu thưởng. Ví dụ như Tết năm ngoái, Ngân hàng Hàng Hải thưởng giò lụa, bánh chưng và 1 tháng lương cho nhân viên.
Cụ thể, Chủ tịch Ngân hàng Hàng Hải đã quyết định bổ sung khoản thưởng mới tương đương 1 tháng lương bình quân (theo thời gian làm việc thực tế) khi thỏa mãn hai điều kiện: ngân hàng hoàn thành kế hoạch kinh doanh hàng năm và cán bộ nhân viên có đánh giá xếp loại và dự kiến xếp loại từ B trở lên. Năm 2018 ngân hàng đã đạt lợi nhuận hơn 1.000 tỷ trong khi chỉ tiêu đặt ra chưa đến 300 tỷ.
Khoản trên được chi trả ngay sau Tết dương lịch, hoàn toàn độc lập với khoản thưởng hiệu suất theo kết quả kinh doanh và xếp loại cá nhân.
Phía công đoàn ngân hàng này cũng thông báo sẽ trích quỹ công đoàn chi tặng quà Tết bằng hiện vật (giò chả, bánh chưng và các phần quà khác phù hợp văn hóa địa phương) với mức chi ngân sách tối đa 200.000 đồng/người.
Ngoài khoản thưởng nói trên, theo quy định hàng năm ngân hàng còn chi các khoản tạm ứng trước Tết âm lịch và quyết toán thưởng hiệu suất khi hết quý I năm kế tiếp.
Năm 2019 ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng của các ngân hàng khi nhiều ngân hàng công bố lợi nhuận lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Thị trường hiện đang chờ đợi "người anh cả về lợi nhuận" trong giới ngân hàng - Vietcombank - cũng như các ngân hàng công bố thưởng Tết và các khoản truy lĩnh sau Tết 2020.
Theo Dân trí
-
TP HCM: Thưởng Tết Nguyên đán 2024 bình quân khoảng 12,3 triệu đồng/người
-
Hà Nội: Thưởng Tết cao nhất 450 triệu đồng
-
TPHCM: Thưởng tết Dương lịch tăng, tết Nguyên đán giảm
-
Xuất hiện mức thưởng Tết cao kỷ lục gần 5,7 tỷ đồng
-
Tin tức kinh tế ngày 25/12: Giá gạo Việt Nam đạt mức cao nhất trong vòng hơn 15 năm qua
-
Giá vàng hôm nay (9/11): Tiếp tục giảm
-
Cân nhắc bổ sung quy định về ngưỡng nợ thuế tối thiểu áp dụng tạm hoãn xuất cảnh
-
Thu ngân sách nhà nước từ dầu thô vượt 6,2% dự toán trong 10 tháng 2024
-
Giá vàng hôm nay (7/11): Đồng loạt giảm mạnh
-
VPBank giữ vững vị trí Top 20 doanh nghiệp có điểm ESG cao nhất rổ VNSI